Tào Tháo học dưỡng sinh
Do ảnh hưởng quá lớn của truyện Tam Quốc diễn nghĩa (tác giả: La Quán Trung) nên khi nhắc đến Tào Tháo, người ta thường không mấy thiện cảm, bởi ấn tượng ông là con người gian hùng, đa nghi... Kỳ thực, Tào Tháo (155-220) là một nhà chính trị, quân sự, văn học kiệt xuất thời Tam Quốc. Ông một đời Nam chinh Bắc chiến, tranh thế tam phân, lập ra triều Ngụy, vừa là lãnh tụ của văn đàn Kiến An, đồng thời là một chuyên gia về khí công dưỡng sinh

Tào Tháo từ nhỏ theo học võ nghệ, xông pha trận mạc, khi lớn tuổi thì trọng phép dưỡng sinh. Trong Thiên kim yếu phương của đạo sĩ danh y Tôn Tư Mạo có chép bức thư của Tào Tháo gửi cho đạo sĩ Hoàng Phủ Long hỏi về đạo dưỡng sinh, rằng: “Tôi nghe nói ngài đã ngoài trăm tuổi mà thể lực vẫn tráng kiện, tai thính mắt tỏ, da dẻ hồng nhuận, dám hỏi đạo dưỡng sinh của ngài là thế nào”.
Học nhưng thiếu hành
Hoàng Phủ Long hồi đáp rằng: “Thần nghe nói trong khoảng trời đất chỉ có con người là quý, mà cái quý nhất của người không ngoài sinh mệnh. Vậy nên lo bảo dưỡng thân tâm, sáng chiều uống nước ngọc tuyền, gõ răng sẽ giúp cường tráng, dưỡng dung nhan, khử ba thứ trùng. Ngọc tuyền là nước bọt trong miệng, mỗi sáng thức dậy cuốn lưỡi lên vòm họng cho nước bọt ra đầy rồi nuốt xuống, hai hàm răng gõ nhẹ vào nhau 14 lần. Đó gọi là phép luyện tinh mà thần được học từ Bằng Kinh, đến nay đã được 178 tuổi”. Tào Tháo nghe theo, kiên trì thực hành theo chỉ dẫn của Hoàng Phủ Long, sức khỏe tăng tiến vượt bậc.
Tào Tháo từng mời các nhà dưỡng sinh nổi tiếng đương thời đến doanh trại của mình để thỉnh giáo. Bác vật chí của Trương Hoa chép rằng “Ngụy Vũ Đế ưa thích phép dưỡng sinh, thông hiểu phương dược, chiêu nạp thuật sĩ bốn phương như Tả Nguyên Phóng, Hoa Đà...”.
Các phương sĩ mà Tào Tháo mời có Cam Thỉ ở Cam Lăng, Tả Từ ở Lư Giang, Khích Kiệm ở Dương Thành, tương truyền sống đến 300 tuổi. Cam Thỉ giỏi về thuật đạo dẫn hành khí. Tả Từ giỏi về thuật phòng trung. Khích Kiệm giỏi về tịch cốc không ăn. Ngoài ra, Tào Tháo còn học phương thuốc và Ngũ cầm Hý ở thần y Hoa Đà, học theo các đạo sĩ Vương Chân, Lỗ Nhữ Sinh, Đông Quách Diên Niên, Lãnh Thọ Quang, Bốc Thức, Phí Trường Phòng... để đạt được diên niên trường thọ.
Đương thời ở vùng Lũng Tây có đạo sĩ Phong Hành, tự Quân Đạt, thường cưỡi trâu vào núi hái thuốc nên người ta gọi là Thanh Ngưu đạo sĩ, đã hơn trăm tuổi mà sắc diện như thiếu niên. Tào Tháo thân hành đến nơi thỉnh giáo về phép dưỡng sinh. Thanh Ngưu đạo sĩ nói ra bí quyết rằng: “Thân thường làm lụng, ăn thường giảm bớt; làm không quá mệt, giảm không quá ít; bỏ béo nồng, bớt chua mặn, không suy nghĩ, bỏ theo đuổi, dẹp vui giận, cẩn thận phòng sự”. Tào Tháo tuân theo lời dạy ấy, các điều khác đều thực hiện được, duy có hai điều là “không suy nghĩ, bỏ theo đuổi” là không thể, vì mục đích của Tào Tháo là chiếm lấy Trung Nguyên, thống nhất thiên hạ.
Trước ngày đại bại trên sông Xích Bích, Tào Tháo nắm cả trăm vạn hùng binh kéo xuống Giang Đông, uy chấn Hoa Hạ. Thế mà trong đêm trăng uống rượu trên sông, Tào Tháo cảm thấy lẻ loi trước không gian vô tận, cảm thương đời người ngắn ngủi, sức người mỏng manh nên cảm thán mà hát rằng: “Trăng sáng sao thưa, quạ bay về Nam, lượn quanh ba vòng, không cành để đậu”.
Không thể trường sinh
Tào Tháo cho rằng con người không thể trường sinh bất lão, mục tiêu sống của ông là lập đại công, định thiên hạ, nếu không thì dẫu sống hàng trăm năm cũng vô nghĩa.
Năm 63 tuổi, ông sáng tác bài Quy tuy thọ (Rùa tuy sống lâu) - một áng thơ độc đáo, ngắn gọn mà bi tráng, lại hàm chứa triết lý dưỡng sinh - để tỏ chí mình: “Thần quy tuy thọ, do hữu cánh thời; Đằng xà thừa vụ, chung vi thổ khôi; Lão ký phục lịch, chí tại thiên lý; Liệt sĩ mộ niên, tráng tâm bất dĩ; Doanh thúc chi kỳ, bất đán tại thiên; Dưỡng di chi phúc, khả đắc vĩnh niên”. Tạm dịch: Thần rùa tuy thọ, cũng phải lìa đời; Rắn bay cưỡi gió, thành cát bụi thôi; Ngựa già trong tàu, chí ngoài ngàn dặm; Anh hùng bóng xế, tráng chí không vơi; Phần số dài ngắn, không chỉ do trời; Nuôi dưỡng phần phúc, an hưởng muôn đời”.
Ngoài ra, những tác phẩm khác của Tào Tháo như Đoản ca hành, Thu hồ hành, Khí xuất xướng, Mạch thượng tang... vừa mang phong vận thoát tục của một đạo sĩ lại vừa đượm hào khí của người ôm mộng kinh bang tế thế.
Tào Tháo một đời nhung mã, lại bị bệnh đau đầu thường hay phát tác, nếu không nhờ thuật dưỡng sinh hành khí, đạo dẫn thì hẳn đã sớm quy tiên. Vì hoàn cảnh tập luyện không thích hợp, bệnh tình phát tác, Tào Tháo qua đời ở tuổi 66 - khá cao so thời điểm hơn 2.000 năm trước, thọ hơn các nhân vật nổi tiếng cùng thời như Lưu Bị (63), Gia Cát Lượng (58), Quan Công (58), Trương Phi (55)...
KHOA NHÂN