Người treo lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế, ngày 21/8/1945


  • 31/08/2018 14:00 1187



Chúng tôi gặp ông Đặng Văn Việt trong căn phòng nhỏ khoảng 20m2, tại địa chỉ Phòng 5, Nhà chung cư 125Đ, ngõ Hòa Bình 7, ngách 33, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông năm nay đã 98 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, nhớ rõ từng chi tiết kí ức năm xưa.


Chúng tôi gặp ông Đặng Văn Việt trong căn phòng nhỏ khoảng 20m2, tại địa chỉ Phòng 5, Nhà chung cư 125Đ, ngõ Hòa Bình 7, ngách 33, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ông năm nay đã 98 tuổi, nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, nhớ rõ từng chi tiết kí ức năm xưa.



C
hân dung ông Đặng Văn Việt

Ông Đặng Văn Việt sinh ngày 22/03/1920 ở làng Nho Lâm, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1942-1945, ông là sinh viên trường y khoa Đông Dương - Hà Nội. Ngày 21/8/1945, ông là người chỉ huy hạ cờ triều đình Huế, treo lá cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Huế. Từ năm 1947, ông là đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu, ở mặt trận đường số 4, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 (Người được mệnh danh là Hùm xám đường số 4). Năm 1953-1960, Chủ nhiệm Huấn luyện trường võ bị sĩ quan Lục quân Việt Nam. Sau đó, ông chuyển ngành, năm 1978 giữ chức vụ Cục trưởng Cục xây dựng tại Bộ Xây dựng và Bộ Thủy sản. Năm 1980, ông nghỉ chế độ.


Năm 1945, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh thế giới lần thứ 2 đi vào giai đoạn kết thúc với sự thất bại của quân phát xít. Ngày 15/8, Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, kết thúc chiến tranh. Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội và ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), trường Đại học Đông Dương bị đóng cửa, ông cùng một số anh em ở lại Hà Nội hoạt động từ thiện trong một tổ Hướng đạo trong hai tháng của nạn đói năm 1945, đi thu gom xác người chết đói để đưa đi chôn, mỗi hố cả trăm xác chết. Lợi dụng thời cơ một số sinh viên đại học phải đóng cửa về quê hương, luật sư Phan Anh và ông Tạ Quang Bửu lấy danh nghĩa Bộ Thanh Niên (trong Chính phủ Trần Trọng Kim, thời kì Nhật thuộc) thành lập một Trường Thanh niên tiền tuyến ở Huế, thực chất đây là một trường võ bị, lập nên nhằm đào tạo những sĩ quan có một trình độ quân sự nhất định, để phục vụ cho Tổ quốc khi hữu sự. Ngày 1/7/1945, Trường Thanh niên tiền tuyến ở Huế thành lập, hiệu trưởng là ông Phan Tử Lang, cùng những sinh viên hầu hết năm thứ hai, thứ ba là những phần tử ưu tú nhất của các gia đình miền Trung.


Ông kể: lúc ấy tôi đã là một sinh viên Cứu quốc tham gia phong trào Việt Minh ở Hà Nội, ông Tạ Quang Bửu biên thơ cho tôi bảo về ngay tham gia lớp Thanh niên tiền tuyến Huế. Tôi vào Huế tham gia tổ Việt Minh hoạt động bí mật trong nhà Trường Thanh niên tiền tuyến. Tổ Việt Minh Thanh niên tiền tuyến gồm có các thành viên: đồng chí Phan Hàm (sau là Thiếu tướng), đồng chí Võ Quang Hồ (sau là Thiếu tướng), đồng chí Lâm Kèn (sau là Thiếu tướng) - làm Tổ trưởng Việt Minh, tôi là Tổ phó. Nhiệm vụ của chúng tôi là “Việt Minh hóa” tất cả 42 sinh viên Trường Thanh niên tiền tuyến trở thành một tổ chức bí mật Việt Minh nằm trong chính quyền Trần Trọng Kim, thời kì Nhật thuộc.




Sách Hạ cờ triều đình Huế
giương cao cờ đỏ sao vàng, ông Đặng Văn Việt chủ biên


Lời kể của nhân chứng lịch sử - ông
Đặng Văn Việt

Tổ Việt Minh ở Trường Thành niên tiền tuyến chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên với Việt Minh Trung Bộ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, trực tiếp gặp và xin chỉ thị là đồng chí Hoàng Anh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa thiên-Huế) và đồng chí Trần Hữu Dực (nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ).
Sáng ngày 20/8/1945, tôi nhận tin mật, mời đến địa điểm bí mật gần Nam Giao, gặp đồng chí Trần Hữu Dực, giao cho nhiệm vụ treo lá cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Huế trước cửa Ngọ Môn vào sáng ngày 21/8/1945. Cờ đỏ sao vàng có khổ lớn 10x12m (tức 120 mét vuông). Tôi cuộn tròn lá cờ, xếp vào bao tải lớn, buộc chặt vào đuôi xe, đạp từ Nam Giao về Trường Thanh niên tiền tuyến, giữa đường mệt quá tôi dừng xe nghỉ lấy sức, ăn một bát chè đậu ván thịt quay cho mát dạ, rồi đạp xe về trường. Đến trường tôi giấu kín bao tải vào trong góc buồng. Tôi gặp đồng chí Lâm Kèn, Tổ trưởng Tổ Việt Minh và báo cáo lại việc đồng chí Trần Hữu Dực vừa giao.


Tổ trưởng Lâm Kèn huy động thêm đồng chí Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha, sau này là Thiếu tướng, Cục trưởng Cục 2, Bộ Quốc Phòng) cùng đi hỗ trợ làm việc này. Đồng chí Lâm Kèn, Tổ trưởng Tổ Việt Minh cho tôi mượn khẩu Barillet (súng lục) với 6 viên đạn xịt để tăng thêm uy thế. Đồng chí Lâm Kèn còn căn dặn tôi và đồng chí Nguyễn Thế Lương phải cảnh giác với lính khố vàng, cảnh giác với phản ứng vua Bảo Đại; phải ăn mặc trang phục chỉnh tề, oai vệ để giữ uy thế Trường Thanh niên tiền tuyến, đi ghệt da bóng lộn, bộ kaki vàng mới tinh, đội mũ calô sừng bò, súng đeo bên hông, trông oai như hai ngự lâm pháo thủ.


Kỳ đài Huế nằm trên diện tích chừng 4 hecta. Chân kỳ đài có 3 tầng, cao 17,5m. Ở giữa là cột cờ xây bằng bê tông cốt thép cao 29,52m. Dây kéo cờ là một sợi dây thừng to bằng cổ tay. Trên đỉnh cột cờ có một ròng rọc đỡ đầu dây, phải sáu lính vạm vỡ mới kéo nổi. Bảo vệ kỳ đài là một tiểu đội có 12 lính, ăn mặc rất chỉnh tề, trang bị 12 khẩu mousqueton, đạn dược đầy đủ, chỉ huy là một “thầy đội”.


Sáng ngày 21/8/1945, tôi và đồng chí Nguyễn Thế Lương ngủ dậy sớm, làm công tác chuẩn bị xong, chúng tôi cuộn tròn lá cờ to lại dài như con trăn, buộc chặt, gác lên hai đầu hai xe đạp, cứ thế chúng tôi đẩy từ Trường Thanh niên tiền tuyến vào chân cột cờ Huế. Đến nơi, tôi bảo đồng chí Nguyễn Thế Lương giữ xe đạp và bảo vệ cờ, còn tôi đi thẳng lên gặp “thầy đội” chỉ huy và nói: “Theo lệnh Uỷ ban Khởi nghĩa Cách mạng, chúng tôi có nhiệm vụ treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ lớn kinh đô Huế. Các anh có nhiệm vụ giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ”. Trước uy thế của phong trào Việt Minh, “thầy đội” không giám có chút phản ứng, liền cho lính đến giúp đưa xe, cờ lên. Tôi ra lệnh sáu tên lính và thầy đội xếp hàng ngang. Đồng chí Nguyễn Thế Lương đứng ở hàng đầu, lính buộc cờ cách mạng sẵn sàng để kéo lên. Tôi đứng ngoài hàng ra lệnh “kéo cờ”, cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên đỉnh cao của cột cờ, đồng thời cờ quẻ ly cũng từ từ hạ xuống. Chúng tôi nhìn theo, tim mình như sôi sục, rất bồi hồi phấn khởi, tự hào vì cờ đỏ sao vàng lá cờ cách mạng đã tung bay trên kỳ đài Huế. Tôi còn nhớ, trước đây hồi Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ cần cầm một lá cờ búa liềm nhỏ bằng bàn tay ở bất cứ đâu sẽ bị bắt giam ngay. Bây giờ, mình treo cờ to bay rợp đỏ bầu trời lên cột cờ lớn kinh đô Huế. Nhân dân Huế và vùng xung quanh tới 40km đều nhìn cờ rộng hơn 120 mét vuông tung bay trên cột cờ cao, hào hứng phấn khởi hô lên: “Cờ đỏ sao vàng! Cách mạng đã về! Việt Nam ta độc lập rồi!”. Sau khi treo cờ xong, tôi ra lệnh cho lính không ai được hạ cờ nếu không có lệnh của Việt Minh. Tôi và đồng chí Nguyễn Thế Lương lại đạp xe ra về còn ngoái cổ lại, thấy lá cờ vẫn tung bay rợp cả bầu trời chưa bao giờ lòng tôi hồi hộp, phấn khởi bằng lúc bấy giờ.


Sau khi kéo cờ lên cột cờ Huế, tự nhiên xuất hiện hai chiếc thủy phi cơ (hai thân sơn màu bạc) của Mỹ từ Hạm đội 7 bay vào, lượn hai vòng quanh cột cờ Huế, rồi vẫy cánh như để chào mừng lá cờ cách mạng Việt Nam, rồi lại bay thẳng ra Hạm đội 7.




Ông Đặng Văn Việt – Người treo lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế ngày 21/8/1945.
(Ảnh chụp tại nhà riêng Phòng 25, Chung cư 125Đ, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ngày 29/9/2017)

Hai ngày sau (ngày 23/8/1945), Cách mạng tháng Tám bùng nổ và thành công ở Huế. Ngày 30/8/1945, tại Ngọ Môn Huế, lễ thoái vị được tổ chức, nhà Vua tuyên bố và nộp ấn tín, trao kiếm báu cho chính quyền cách mạng, chấm dứt chế độ phong kiến ngàn năm trên đất nước. Trường Thanh niên tiền tuyến chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ bốn góc lễ đài, tôi đang đứng một góc lễ đài, tự nhiên có một ông lãnh binh đội cận vệ hoàng gia (lính khố vàng) đến cạnh tôi và nói: “Hôm trước, các ngài làm lễ hạ cờ và treo cờ, tôi được lệnh triển khai 120 lính khố vàng nằm dọc theo thành cửa Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông và xin phép vua Bảo Đại cho bóp cò nổ súng. Nhà Vua thét lên và bảo “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, các ngươi mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó!”. Hôm ấy mà Hoàng đế ra lệnh nổ súng thì hôm nay hai ông không còn nữa và tôi chắc chắn cũng không còn nữa.


Câu chuyện, kí ức của nhân chứng lịch sử ông Đặng Văn Việt – người treo lá cờ đỏ sao vàng trên kỳ đài Huế ngày 21/8/1945 đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia ghi âm, ghi hình, biên tập, thẩm định nội dung thông tin. Tư liệu quí giá này sẽ sớm được bổ sung cho nội dung trưng bày chủ đề Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia./.


Nguyễn Trọng Lượng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia