Nhà sư chống ma túy
Nhà sư Phra Kru Ba Neua Chai được xem là một vị anh hùng của Thái Lan và của châu Á. Từ một nhà vô địch võ Muay Thai, ông quy y, xây chùa Ngựa Vàng, nuôi hàng trăm con ngựa và trẻ mồ côi. Hằng ngày ông luyện võ, cỡi ngựa vào các bản làng vùng Tam Giác Vàng tuyên truyền chống ma túy. Trùm ma túy Khun Sạ nhiều lần cho người đầu độc ông nhưng bất thành
picture avatar
Thầy Ba Neua Chai với những hình xăm đầy mình và chuỗi tràng hạt rất to, dài đến đầu gối

Ngôi chùa huyền thoại mang tên Ngựa Vàng nằm trên đỉnh một vách đá cheo leo của một bản làng hẻo lánh cách thành phố Chiang Mai khoảng một giờ chạy xe hơi. Từ thầy trụ trì đến các chú tiểu ở đó mỗi ngày luyện võ cổ truyền, đi khất thực bằng ngựa và kiên trì tuyên truyền chống ma túy.

Mơ thấy ngựa vàng

Chùa được xây cách đây 11 năm do công đức của thầy Ba Neua Chai, năm nay 45 tuổi, cựu quân nhân và là cựu vô địch võ Muay Thai với biệt danh Samerchai. Thuở làm võ sĩ, ông vừa thi đấu vừa học luật Trường Đại học Ramkamhaeng ở Bangkok, Thái Lan. Ông lấy vợ là một thương lái xinh đẹp và có hai con. Đứa con trai lớn, năm nay 21 tuổi, hiện ở trong quân đội và là võ sĩ cấp quốc gia. Đứa con gái, 19 tuổi, cũng là võ sĩ Muay Thai, sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp ở Chiang Rai.

Năm 1980, đang chuẩn bị thi đấu Giải Vô địch thế giới Muay Thai, ông bỗng từ bỏ tất cả. Ông vào tận vùng hang động núi Mae Sai để sống và chiêm nghiệm cuộc đời. Tại đó, ông ngồi nhập định trong tư thế hoa sen ở các hang động ẩm thấp, tối tăm. Đêm nào, ông cũng mơ thấy đến ngôi đền thiêng Ngựa Vàng, nơi mà theo truyền thuyết của dân địa phương, Đức Phật từng để lại một dấu chân. Trong những ngày ông ngồi thiền, ong bu đầy người. Ông nhớ lại: “Chúng là thầy của tôi. Mỗi khi tôi mất tập trung, chúng chích tôi một phát”.

Những kiến trúc quanh đền Ngựa Vàng đã biến thành nơi hoang phế vì nó ở tận trong rừng sâu, núi đá cheo leo, lại gần vùng Tam Giác Vàng đầy rẫy bọn buôn lậu ma túy hung ác. Người dân ở gần thung lũng Mae Kam đồn rằng những ngọn đồi nơi đó có ma quỷ cho nên ít ai dám bén mảng tới. Chỉ có ông dám vào và xây chùa Wat Maa Tong. Trước cổng chùa, ông dựng tượng một con ngựa đang cất vó. Từ một ngôi chùa, nay ông đã xây được 10 ngôi chùa khác. Chùa nào cũng nuôi ngựa và trẻ bất hạnh.

Ý tưởng nuôi ngựa đến với ông khá bất ngờ. Một hôm, có một người Thái trúng số độc đắc tặng thầy Ba Neua Chai một con ngựa mua lại của một lò sát sinh. Ông nghĩ ngay đến việc nuôi ngựa tặng quân đội và dân làng để thực hiện những cuộc tuần tra chống phỉ và bọn buôn lậu ma túy. Ông đã từng nuôi 500 con ngựa và hiện nay vẫn còn nuôi khoảng 100 con. Cơ sở của ông không khác gì một trang trại nuôi ngựa chính cống.

Chống ma túy

Chuyện thầy Ba Neua Chai được quân đội Thái mời tham gia chiến dịch bài trừ ma túy bắt đầu từ khi cuộc chiến chống ma túy của Chính phủ Thái gặp rất nhiều khó khăn. Quân của ông trùm ma túy Khun Sạ lúc đó làm mưa làm gió vùng Tam Giác Vàng, chiếm hầu hết các đường đèo để vận chuyển á phiện bằng lừa đi khắp thế giới.

Không thắng nổi Khun Sạ bằng quân sự, quân đội Thái đổi chiến thuật. Thay vì đưa quân càn quét khắp vùng, họ đề nghị các nhà sư trong vùng giúp họ bằng cách thuyết giảng Phật pháp cho dân làng từ bỏ cây á phiện và chống lại bọn buôn lậu tàn ác. Thầy Ba Neua Chai là một sự chọn lựa khôn ngoan bởi thầy vừa có tâm và uy tín, lại vừa có võ nghệ đủ sức tự vệ để trở thành một thủ lĩnh chiến đấu chống Khun Sạ và đồng bọn ở vùng Tam Giác Vàng.

Ngoài ngựa, ông còn nuôi trẻ bất hạnh của các dân tộc ít người Lahu, Dao, Akha và Lua sống trong vùng. Hầu hết trẻ em có cha mẹ bị quân của Khun Sạ giết, bị bỏ rơi hoặc vô gia cư, những nạn nhân đáng thương của bọn thổ phỉ chuyên mua bán á phiện, bạch phiến, ma túy tổng hợp.

Công việc của ông được quân đội Thái Lan ủng hộ hết mình. Ông cũng được các sư sãi cấp trên ở Bangkok khuyến khích ông tiếp tục giúp đỡ các dân tộc ít người vùng sơn cước. Với những người muốn tặng tiền xây chùa mới, ông nói: “Sư sãi không cần tiền. Chúng tôi cũng không muốn mắc nợ ai. Và tại sao quý vị không hỗ trợ việc nuôi trẻ mồ côi, giúp chúng đứng vững trên đôi chân của mình ? Tại sao quý vị không xây trường học ? Tại sao quý vị không dùng tiền để trả công cho các thầy giáo dạy chúng ?”.

Dĩ nhiên Khun Sạ và thổ phỉ buôn lậu ma túy rất căm thù ông. Nhưng ông là một võ sư có tài, biết cách tự vệ mỗi khi bị tấn công. Ông cũng thoát chết nhiều lần khi bọn thổ phỉ tìm cách ám hại trong khi ông ngồi nhập định. Mỗi lần như vậy kéo dài từ 7 đến 15 ngày. Có một lần, ông bị một sát thủ tiếp cận rút súng bắn nhưng đạn lép. Ông tin rằng mình chưa thể chết vì chưa hoàn thành sứ mệnh.

Đấu võ để tự giải thoát

Thấy thầy Ba Neua Chai thỉnh thoảng xem đá gà, có người hỏi: “Đá gà có phải là một môn thể thao tàn nhẫn hay không?”. Ông mỉm cười trả lời: “Chúng sinh ra là chiến binh. Chiến binh thì phải chiến đấu. Chúng ta cũng giống như chúng, phải chiến đấu vì tự do, vì độc lập, vì muốn trở thành cái ta muốn. Gà là bậc thầy về võ nghệ. Nếu quan sát kỹ, chúng ta học được rất nhiều điều về thân pháp của chúng”.

13 tuổi, ông bắt đầu học võ Muay Thai. Từ 15 đến 29 tuổi, ông chuyên đấu võ đài. Cái tên Samerchai rất nổi đình nổi đám. Suốt thời gian đó ông chỉ thua ba trận. Ông giác ngộ lúc đi học luật. Ông so sánh luật của con người với luật của nghiệp chướng. Thế là ông bảo với vợ rằng ông muốn làm sư sãi. Ông vào rừng ngồi nhập định.

Để tỏ rõ quyết tâm cống hiến cuộc đời còn lại của mình cho Phật giáo, ông nhờ các nhà sư bỏ ra bốn ngày, bốn đêm xăm trên người ông những dòng chữ cho biết ông không bao giờ bỏ đạo.

Mặc dù quy y, không ngày nào ông không luyện võ. Ông giải thích: “Đối với tôi, võ nghệ cũng là một kiểu nhập định. Nó giúp tôi tìm thấy sự an bình và hạnh phúc. Nó giúp tôi trở thành một phật tử tốt hơn. Từ Thái có nghĩa là tự do và khi tôi luyện võ Muay Thai tôi cảm thấy được giải thoát khỏi cảm xúc và hận thù”.
THẢO HƯƠNG