Không ai phủ nhận những thành tựu và sự đóng góp vĩ đại của nghệ thuật điện ảnh đối với cuộc sống con người. Nhưng cũng chính điện ảnh đã tạo dựng nên một “Thế giới vô hình” với những hình ảnh “hiện hữu” thật sự. Trong đó Tiên, Phật, Thánh, Thần vô cùng đẹp đẽ và bay vèo vèo, có những sinh hoạt y như con người. Ma Quỷ thì hình dung ghê tởm và đánh nhau loạn xạ như một bầy khỉ…điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến sự cảm nhận về “Thế giới vô hình” của số đông trong nhân loại. Sự ám ảnh của tiềm thức, những hình ảnh thoáng hiện, sự hoang tưởng hay ảo giác được đánh đồng với những hình ảnh về “Thế giới vô hình”… Rõ ràng đó là việc dùng những tiền đề và chất liệu của “Thế giới hữu hình” để mô tả về “Thế giới vô hình”. Điều này suy cho cùng sẽ tạo ra những hình ảnh vô cùng khác biệt do văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ….của nhiều dân tộc, nhiều cá thể trong việc mô tả về “Thế giới vô hình”.

Những định luật của Menden đã chỉ ra rằng việc sinh ra người có nhiều lông, nhiều vú hay có đuôi không phải là ma quỷ gì cả mà đơn giản chỉ là hiện tượng “lại giống”, một hiện tượng rất phổ biến của sự sống. Những định luật về di truyền, sự giải mã các AND, ARN đã giải thích một cách cặn kẽ nhất lý do về sự giống nhau và khác nhau của các chủng tộc, các gia đình, các anh chị em sinh đôi, sinh ba… Nhưng những định luật đó cũng không thể giải thích được về đức tin của nhiều gia đình mãnh liệt đến mức có thể sinh ra những đứa con có vẻ ngoài không giống bố mẹ mà lại giống hệt như Đức mẹ Maria, hay những đứa trẻ có hành vi và ứng xử như một cao tăng đã tu tập nhiều năm trước đó. Sử dụng những khái niệm trừu tượng để diễn tả về thế giới vô hình dường như có vẻ đúng hơn là dùng những ngôn từ thật chính xác. Nhân gian có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, câu tục ngữ đó dường như có một ý niệm về phần “linh hồn” của con người không hẳn lệ thuộc tất cả vào phần “thể xác”.

Có một “Thế giới hữu hình” ngay bên cạnh chúng ta, đó là thế giới của loài cá, của các loài sống trong môi trường nước…chỉ một sự khác biệt về môi trường cũng đã dẫn đến sự khác biệt vô cùng về cấu trúc và hình dạng, về cách thức trong sự giao tiếp…“Thế giới vô hình” khác hẳn với “Thế giới hữu hình” về bản chất, như vậy thì sự thể hiện chắc chắn cũng phải khác hẳn với sự thể hiện trong “Thế giới hữu hình”. Sự khác biệt lớn lao đó, thêm vào sự “ tô vẽ ” thế giới vô hình một cách dốt nát và thiển cận của những người tự nhận là “nhà ngoại cảm” giả hiệu, hay của đám đồng cốt, bói toán, thầy pháp, phù thủy… buôn thần bán thánh để trục lợi chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hiểu lầm, hiểu sai lạc của loài người về “Thế giới vô hình”. Điều đó giải thích vì sao từ hàng ngàn năm nay sự mô tả về “Thế giới vô hình” của loài người lắm khi lại mâu thuẫn, khác biệt với nhau bởi rào cản của dân tộc và tôn giáo và định kiến như thế. Thế nhưng không một cánh cửa khép kín nào mà trí tuệ nhân loại không mở ra được, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi…