Có người nói "tu là buông xả", "tu là buông hết". Chính xác! Vậy chúng ta buông cái gì? Chúng ta buông xả 10 kiết sử (dây trói) đã lôi kéo, thúc dục, trói buộc chúng ta trong vòng sanh tử.

- Thân kiến (Sakkaya-ditthi): chỉ cần còn dư sót lại trong đầu 1 trong 62 tà kiến, người đó được xem là người còn thân kiến.
- Hoài nghi (Vicikiccha): nghi ngờ về sự có mặt và sự giác ngộ của Đức Phật Gotama, nghi ngờ về 4 Thánh Đế và 84000 Pháp uẩn đã được Đức Phật nói lên để chỉ bày về 4 Thánh Đế, nghi ngờ về sự hiện hữu và 4 thánh hạnh của Tăng Bảo là Trực hạnh, Ứng lý hạnh, Chân chánh hạnh và Thiện hạnh.
- Giới cấm thủ (Silabata-paramasa): bất cứ sự hành trì, tu tập, hay con đường nào nằm ngoài Thánh Đạo 8 Ngành đều là Giới cấm thủ. Bao gồm các hình thức, lễ nghi, tế tự, tín điều hình thành trên nền tảng của 62 tà kiến, điều này có nghĩa là nó bao gồm các phương pháp hành trì mà chúng ta vẫn nghĩ là chân chánh như việc giữ 5 giới, 8 giới, 10 giới, 227 giới, 311 giới, việc ăn ngày 1 bữa, việc giữ hạnh độc cư, việc thành tựu 4 thiền. Vì sao vậy? Vì chúng ta giữ giới mà mục đích tối hậu không xuôi về Niết-bàn, không hướng về Niết-bàn thì việc giữ giới ấy là Giới cấm thủ; chúng ta ăn ngày 1 bữa, giữ hạnh độc cư mà mục đích tối hậu không xuôi về Niết-bàn, không hướng về Niết-bàn thì việc làm ấy là Giới cấm thủ; chúng ta chứng 4 thiền mà mục đích tối hậu không xuôi về Niết-bàn, không hướng về Niết-bàn thì việc thủ chứng 4 thiền ấy là Giới cấm thủ.
- Dục ái (Kama-raga): tham đắm trong 5 dục trưởng dưỡng (sắc, thanh, hương, vị, xúc). Ở đây cần thấy rõ, chỉ có Dục ái mới đưa đến Sân hận, Sắc ái và Vô sắc ái không đưa đến Sân hận.
- Sân hận (Vyapada): trạng thái khước từ hay bất mãn (từ vi tế đến thô tháo) với những đối tượng khiến Khổ thọ (có mặt nơi thân) và Ưu thọ (có mặt nơi tâm). Ngay cả sự ưu tư, sầu muộn hay bực mình vì mình học giáo lý mà không hiểu, mình muốn nhập thiền nhưng tâm cứ dao động cũng được kể là Sân.
- Sắc ái (Rupa-raga): tham đắm trong sự an Lạc của 4 Định hữu sắc.
- Vô sắc ái (Arupa-raga): tham đắm trong sự an Lạc của 4 Định vô sắc.
- Mạn (Mana): ý niệm về sự so sánh như thật (bằng, hơn hoặc kém) trong tâm của vị Thánh Bất Lai.
- Trạo cử (Uddhacca): dao động vi tế trong tâm của vị Thánh Bất Lai.
- Si (Avijja): một chút vô minh (về 4 Thánh Đế) còn dư sót lại trong tâm của vị Thánh Bất Lai.
____________
- Đoạn trừ được 3 cái đầu được gọi là Dự lưu (Sotapanna)
- Làm yếu nhẹ thêm Dục ái và Sân được gọi là Nhất lai (Sakadagami)
- Đoạn trừ luôn được Dục ái và Sân được gọi là Bất lai (Anagami)
- Từ bỏ 5 kiết sử còn lại được gọi là A-la-hán (Arahant)
Cũng phải nói thêm là "ngã mạn" của một người còn nguyên xi "thân kiến" khác hẳn với "ngã mạn" của một người đã đoạn trừ "thân kiến". "Trạo cử" của một người còn nguyên xi "hoài nghi" khác hẳn "trạo cử" của một người đã chấm dứt "hoài nghi". Sắc ái và Vô sắc ái "dễ thương" hơn Dục ái. "Si" của người đã có Định và Tuệ (nhưng chưa thể nhập Niết-bàn) khác hẳn với "Si" của kẻ phàm phu.

Cuối cùng, có chỗ chúng ta thấy Đức Phật gọi Ái là "raga", có nơi Người gọi Ái là "tanha", với lý do như thế này: từ "raga" đi ra từ động từ "ranj" (rajati) có nghĩa là "nhuộm màu"; còn "tanha" trong tiếng Magadhi có nghĩa là "khát nước". Như vậy, khi muốn nói đến tính chất chiêu cảm của Tập Đế (Ái) thì Đức Phật dùng chữ "tanha", còn khi muốn nói đến sự nhiễm ô, vấy bẩn, làm mất đi sự thanh tịnh nội tâm của Ái thì Người dùng từ "raga". Tương tự vậy đối với "Rupa" và "Arupa" khi đối chiếu với "Bhava-" và "Vibhava-".