Tục thờ thần Hổ ở Đồng Nai

Hầu hết các ngôi đình ở Đồng Nai đều có miếu hay bàn thờ Cọp với các tên gọi như Hổ thần, Mãnh hổ Sơn quân, Bạch Hổ, Chúa Sơn Lâm... Trước các đình thường có những bức bình phong được chạm trổ, đắp phù điêu, vẽ thể hiện hình tượng của vị chúa tể rừng xanh này trông dáng vẻ uy nghi, oai dũng.



Tục thờ thần Hổ là một trong những tín ngưỡng dân gian của những người di dân từ thuở trước còn lưu lại. Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất mới, núi rừng bạt ngàn, nhiều thú dữ, đặc biệt là nhiều cọp: "Đồng Nai xứ sở lạ lùng. Dưới sông sấu lội trên giồng cọp um", đã đe dọa trực tiếp đến cuộc sống, quá trình khẩn hoang của những người di dân. Vì vậy, tâm lý lo sợ về mối nguy hiểm này đã khiến cho họ thờ Cọp, tôn Cọp lên chức Ông Cả của làng xóm để mưu cầu một cuộc sống bình yên. Hằng năm, ở đình khi diễn ra lễ cúng tế, tại bàn thờ thần Hổ thường được cúng bằng thịt heo. Có những nơi, người ta tin rằng, vào ban đêm, thần Hổ sẽ về hưởng và đem một tờ sớ khác cho làng xóm.


Tại một số đình, còn có tục thờ "Thanh Long và Bạch Hổ". Đây là một quan niệm về thuật phong thủy. Xem như thế đất của đình là mạch quý, bên tả có Thanh Long bảo vệ, hữu có Bạch Hổ trấn giữ nên không có gì xâm phạm được. Hoặc bức bình phong có hình Sơn Quân có thể hiểu là một dạng yếm bùa các thế lực tà ma không được đến khu trung tâm khi đã có vị chúa tể này canh gác.



Ngày nay, vùng Biên Hòa - Đồng Nai phát triển, cảnh quan có nhiều đổi thay. Thú dữ, trong đó có loài Cọp không còn quấy nhiễu như xưa, thậm chí chúng còn đứng trước nguy cơ bị diệt chủng. Thế nhưng, tín niệm trong dân gian về thờ Hổ thần vẫn còn được bảo lưu, duy trì trong một chừng mực nhất định. Nhiều câu chuyện liên quan đến loài Cọp với người dân trong quá trình khai khẩn xưa vẫn còn đựơc truyền tụng. Chuyện đánh Cọp cứu dân ở vùng Phú Hội (Nhơn Trạch), Hóc Ông Che (Hóa An)...; chuyện Cọp giúp người với sự tích Miếu Bà Mụ ở Bến Gỗ (Long Thành), chuyện Cọp dữ được cảm hóa trở nên hiền lành ở Bửu Long (Biên Hòa), Đá Chồng (Định Quán)... như nhắc nhớ về một thời xa xưa của những lớp di dân đến khai khẩn cách đây trên ba thế kỷ.



Người Việt ở Biên Hòa thờ thần Hổ với những thần hiệu khá độc đáo trong các miếu thờ. Trong số những miếu thờ, hình ảnh vị chúa tể Sơn lâm được khắc họa bằng hình ảnh oai vệ, hay danh xưng được ca ngợi tột bật lên hàng thần, hàng tướng, hàng Cả. Đặc biệt, trong các miếu thờ thần Hổ ở Đồng Nai, duy nhất có một miếu thờ mà trong đó bày phần đầu thật của một con Cọp. Đây là nét độc đáo, hiếm thấy trong tục thờ này ở Nam bộ. Phải chăng, điều này thể hiện sự dung dị, hài hòa trong cách sống, tín niệm của những lớp di dân trước đây. Trước sức mạnh của muôn thú, họ vừa nể sợ, sẵn sàng thờ cúng, tôn Cọp lên hàng thần linh để mưu cầu cuộc sống bình yên nhưng họ cũng sẵn sàng thể hiện sức mạnh của mình nếu đã kính cẩn, muốn sống hài hòa nhưng không được tôn trọng, điều cầu mong chính đáng không được đáp ứng?



Những chuyện kể về Cọp rất đa dạng và mang nhiều sắc thái khác nhau, bổ sung cho kho tàng chuyện kể văn hóa dân gian Đồng Nai thêm phong phú. Và trên hết, qua đó những chuyện kể này cũng cho chúng ta những nhận thức được về buổi đầu lịch sử của việc khai khẩn đất Đồng Nai trước đây. Đó là sức sống mãnh liệt của các lớp người đi trước; những phong tục, tập quán của họ trên vùng đất mới. Những điều tưởng chừng như đơn giản, bình thường ấy lại là một cuộc đấu tranh chống lại thế lực thiên nhiên, góp phần cho việc tạo dựng cuộc sống hôm nay từ những bước đi đầu tiên mở cõi. Cái cốt nhân nghĩa, thiện lành trong chuyện kể về loài cọp cũng gợi lên bao điều mà con người phải suy nghĩ.

Nguồn : http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/...g-nai-2051872/