Dấu ấn “ông hổ” trong tín ngưỡng dân gian

(AGO) - Trong quá trình mở đất, lưu dân phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ rừng sâu, nước độc. Trong đó, loài cọp được xem là một thế lực tự nhiên đã được người dân thần thánh hóa trong tín ngưỡng dân gian.

Vùng đất Nam Bộ xưa nổi tiếng là miệt “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Từ những bước chân đầu tiên trên vùng đất mới, người ta đã sớm nhận ra đây là vùng đất của những loài thú dữ. Trong cuộc chiến đấu để sinh tồn, lưu dân phải “phá sơn lâm, đâm hà bá” mới có được cuộc sống yên bình. Tất nhiên, khi đã “phá sơn lâm” ắt phải chạm trán với “chúa sơn lâm”.




Dù phải luôn đấu tranh chống lại loài cọp nhưng lưu dân vẫn tôn sùng “ông Ba Mươi”. Khắp cả vùng Nam Bộ, đâu đâu cũng nghe những huyền thoại về loài cọp. Vì thế, trong các ngôi đình thần luôn có một vị trí trang trọng dành cho “ông hổ”. Thông thường, người ta lập hẳn một ngôi miếu nhỏ để thờ cọp trong khuôn viên đình, cũng có nơi miếu được xây dựng độc lập rất to, đẹp.

“Ông hổ” trong tín ngưỡng của người dân là loài vật có linh tính, tình cảm, hiểu được lẽ phải, bảo vệ người ngay, trừng trị kẻ gian. Ngoài ra, “ông hổ” cũng là một vị thần giúp người dân chống lại những thế lực tiêu cực từ cuộc sống. “Bất kỳ ngôi đình nào cũng có nơi thờ cúng “ông hổ”. Vì cọp được xem là chúa sơn lâm, chúa của muôn loài nơi núi rừng nên được người dân phong thần. Chúng tôi đặt miếu “ông hổ” trong khuôn viên đình không ngoài hàm ý cầu mong sự phù hộ để làng xóm bình yên, mùa màng tươi tốt” - ông Phan Văn Trạng, Trưởng ban Quý tế đình thần Bình Mỹ (Châu Phú), chia sẻ.

An Giang với miền Thất Sơn hùng vĩ vốn được xem là giang sơn của loài cọp trong quá khứ. Vì thế, những câu chuyện về cọp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cái vẻ huyền bí, linh thiêng của vùng đất này. Điển hình là huyền thoại về ông Tăng Chủ, đại đệ tử của Phật Thầy Tây An, nhiều lần đánh cọp, giúp dân. Có lần ông đã giúp một con cọp trắng bị hóc xương khỏi bệnh. Cọp nhớ ơn nên đã mang heo rừng về dâng để tỏ lòng kính trọng. Ông đã khuyên con bạch hổ đó theo đường tu hành, về sau cọp chết, người dân cũng lập một ngôi miếu thờ gần chùa Trại Ruộng (xã Thới Sơn, Tịnh Biên).

Tương truyền, vùng Bảy Núi đã từng là nơi định cư của loài cọp trắng. Dấu ấn rõ ràng nhất là núi Bạch Hổ, một tên gọi khác của núi Cấm. Theo huyền thoại dân gian, cọp trắng trên núi Cấm là cọp tu nên không hề làm hại dân lành. Ngược lại, cọp trên núi Bà Đội Om là giống cọp vằn rất hung tợn, thường hay nhiễu hại dân sinh. Vì thế, đã có những cuộc chạm trán giữa đàn cọp của hai ngọn núi ở khá gần nhau này


Người dân đến cúng bái tại hang Ông Hổ trên núi Cấm

Ngày nay, trên núi Cấm vẫn còn dấu vết hang Ông Hổ ở khu vực vồ Thiên Tuế. Nơi đây, khách hành hương đến cúng bái quanh năm. “Nghe nói hang ông Hổ rất linh thiêng nên tôi cũng muốn một lần ghé thăm cho biết. Vừa viếng ông Hổ lại vừa dặn lòng mình phải biết hướng đến điều thiện, không làm điều gì trái với đạo đức, lương tâm” - ông ba Điệt, khách hành hương ở Phú Tân, thật tình.

Không chỉ tồn tại ở chốn núi rừng là những linh vật biết tu hành, cọp còn được xem là loài vật có nghĩa, có tình khi sống chan hòa với con người. Tiêu biểu là câu chuyện con hổ có nghĩa trong huyền thoại về địa danh cù lao Ông Hổ. Dân gian truyền tụng, xưa kia có hai vợ chồng làm nghề chài lưới trên sông Hậu. Một dịp tình cờ, họ cứu được một chú cọp con sắp chết đuối. Cọp được mang về nuôi, chăm sóc như con. Sau khi hai vợ chồng chết, cọp bỏ vào rừng sinh sống. Mỗi năm ngày giỗ, nó lại mang về một con heo rừng tế lễ cha mẹ nuôi. Tuy chỉ là huyền thoại dân gian nhưng câu chuyện trên chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn, cho thấy dấu ấn sâu sắc về loài cọp trong tâm thức người lưu dân buổi đầu mở đất.

Ngày nay, loài cọp ở Nam Bộ chỉ còn tồn tại trong những câu chuyện kể nhưng chúng vẫn mang dấu ấn đậm nét trong văn hóa tín ngưỡng dân gian. Huyền thoại về loài cọp phản ánh phần nào thời kỳ gian lao vất vả của tiền nhân trong mấy trăm năm định làng lập ấp.

Bài, ảnh: MINH TIẾN

Nguồn : https://baoangiang.com.vn/dau-an-ong...an-a97012.html