ĐỨC QUAN THÁNH (QUAN CÔNG) QUY Y PHẬT PHÁP

Theo “Lục Đạo Tập”, đời nhà Tùy (thế kỷ 6) vào đời vua Văn Đế trị vì có Ngài Thiên Thai Trí Giả (cuối thế kỷ 6) luôn ở trong rừng sâu, tọa thiền nhập định bên gốc cây để quán chiếu thấu nguồn chân, thời gian một tuần, nửa tháng hoặc một tháng mới xuất định. Ngài tinh tấn dũng mãnh như thế làm cho trong tâm Không mà ngoại cảnh cũng vắng lặng, chứng được môn Pháp Hoa tam muội.

Ngài nhập định tại núi Ngọc Tuyền thường trì tụng kinh Pháp Hoa. Một hôm chợt trông thấy hội Linh Sơn hiển nhiên hiện ra trước mặt. Do cảm ứng đạo giao nên mới có được sự chiêu cảm như vậy. Cả đến các tầng trời cõi thiên đều đồng thanh khen ngợi công đức tu trì của Ngài, cũng như đem thiên hoa rải xuống cúng dường, và những vị thiên thần cùng nhau hết lòng hộ vệ.

Nhân một hôm, trời trong mây lặng, gió mát trăng thanh Ngài chợt thấy một trang nam tử mặt phụng mày tầm, râu dài mặt đỏ, tướng mạo đoan trang, dáng như một bậc đại trượng phu từ đằng xa đi tới. Phía sau lưng người ấy lại có một tiểu đồng tay cầm đao thanh long theo hầu, chân đi khép nép trông có vẻ ra chiều cung kính.

Ngài hỏi: “Nhân giả là ai? Đến đây có việc gì?" Quan Thánh bèn cúi đầu vòng tay thưa rằng:

- Thưa, đệ tử tên là Quan Võ.
Ngài tiếp hỏi rằng:

- Có phải là em của Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) và anh Trương tướng quân (Trương Phi) người đời Tam Quốc hay không?

Quan Thánh đáp:

- Thưa, phải ! Chính tôi đây.

- Ngài Thiên Thai Trí Giả khen rằng: “Ta hằng nghe tướng quân giữ một lòng trung nghĩa, sống làm tướng đánh Ngụy, chống Ngô; chết làm thần phục ma, trừ quỉ. Trước có ông Võ Mục xưng thần, danh oai vang tám cõi, sau đức Văn Xương hiển thánh, lưu tiếng ngàn thu là phải lắm. Nay nơi núi cao rừng thẳm, không hẹn mà gặp, không quen biết mà gần, thật là một đại nhân duyên vậy”.

Quan Thánh thưa rằng:

- Nay gặp đời mạt thế, cách Phật đã xa, cương thường luân lý đảo ngược, mọi người lơ là như bịt tai che mắt, không hề biết đến nữa. Vậy nên gian thần, tặc tử đầy dẫy ở khắp cùng nơi chật ních thế gian. Lắm kẻ tranh danh, nhiều người trục lợi, tranh đấu sát phạt nhau, thậm chí sát hại nhau, cái tâm con người như chai đá, không chút thương tâm ! Nay may nhờ Tổ sư (Ngài) ra đời, mở lượng từ bi, phụng hành pháp ấn Phật mà đem dạy dỗ chúng sanh, ngỏ hầu sống có được niềm an lạc, chết cũng được về cõi thánh thiện.

Vậy nên cha con tôi nguyện hướng theo Phật, mong Ngài tế độ và rất vui lòng phát nguyện kiến tạo một ngôi Già lam để hiến cúng cho đại sư làm đạo tràng tu niệm và có nơi hoằng pháp lợi sanh. Mong đại sư cảm chút lòng thành của đệ tử mà nạp thọ”.

Ngài Thiên Thai Trí Giả đáp rằng: “Lành thay! Lành thay!” Khi Quan Thánh từ tạ ra về, ngay trong đêm ấy liền sắc triệu chư thiên mười phương, cùng nhiều thiên lực sĩ, hàng vạn tinh binh… ra sức lấp đầm sâu, thành chỗ đất bằng phẳng; cây gỗ trên rừng được kéo về như thác đỗ, với những rìu thần, búa thiêng, chạm trỗ lạ lùng mau lẹ. Chẳng bao lâu Phật điện, thiền đường đã được xây nên tinh xảo, như thợ trời khéo đẽo gọt tinh vi; tạo nên tòa Phật sát thật là uy nghiêm tráng lệ, không phải do tay người phàm mà tô điểm nên cảnh danh lam thắng địa được vậy.

Ngôi chùa chỉ xây trong bảy ngày là xong. So ra sức người là trong vài ba năm cũng chưa được hùng vĩ kiên cố như thế. Thật quả là thần kỳ! Và vô cùng diệu thuật làm sao!

Ngôi chùa vừa hoàn tất, Quan Thánh liền đến rước Ngài Thiên Thai Trí Giả về đó an trụ và gìn giữ ngôi già lam này làm nơi thánh địa tuyên dương giáo pháp.

Từ đó đại sư ở chùa, ngày đêm giảng kinh thuyết pháp, tùy theo căn cơ người nghe mà giáo hóa, nên mọi người ai nấy đều được lợi ích. Khắp nơi, kẻ tăng người tục nghe danh Ngài đều tìm đến xin quy y, thính pháp thật là đông đảo cho nên tiếng đồn đến triều đình, bảy đời đế vương đều sắc phong Đại sư làm chức quốc sư cả.

Lúc bấy giờ, cha con Quan Thánh, hằng ngày đến chùa nghe pháp, vì biết đạo Phật cao siêu, và cũng muốn gieo hạt giống Bồ Đề cầu mở khai tuệ giác và giải thoát.

Một ngày kia, Ngài Quan Thánh đến bạch với Ngài Thiên Thai Trí Giả xin thọ Tam quy ngũ giới, Ngài rất vui lòng mời đông đủ bốn chúng mở đàn truyền trao giới pháp.

Từ đó trở đi, danh của đức Quan Thánh càng ngày càng lớn, thần oai càng hiển linh, khắp nơi chốn đều thờ Quan Thánh đã đành, ở tư gia nhà nhà đều thiết lập tượng Ngài lễ bái với hương đăng, hoa quả dâng lễ cúng dường như bậc Thánh sống.

Đến đời nhà Minh (1368 – 1661) niên hiệu Khương Hy, năm thứ 9, ngày 13 tháng 5 tại Quảng Đông các nhà hội quán đồng lập một tòa miếu, rồi thiết tôn tượng Quan Thánh thờ phụng. Do vậy, nhân gian chọn ngày ấy làm ngày tế lễ vía Quan Thánh linh đình, trọng hậu bằng phẩm vật và sanh linh để cầu phước. Cúng tế xong, mọi người đem lộc chia nhau thọ hưởng vui chơi. Trong cuộc tiệc vui, có một y sanh tên là Trần Diệu, đang ngồi bỗng dưng ngã xuống đất bất tĩnh nhơn sự một hồi lâu. Trong lúc đó, ông thấy một người đến nắm tay kéo đi rất mau như gió, và hai chân bước không chấm đất như đi giữa hư không vậy. Phút chốc, ông thấy trước mặt có một tòa cung điện, thật nguy nga, hai bên bài trí rất nghiêm chỉnh; chính giữa một vị mặc áo lục bào, mặt đỏ râu dài, ngồi đường bệ oai phong.

Trần Diệu biết đó là đức Quan Thánh, liền nghe trên không phán rằng: “Ta sanh tháng 7, chớ đâu phải tháng 5 mà cúng tế Ta như thế? Vả lại, người đời phụng thờ ta, cũng như cúng tế ta chỉ mong cầu phước, sao lại sát hại những sanh mạng, rồi đem bày ra trước mặt ta? Như thế đã khinh lờn thần minh, mà lại còn vô lễ nữa: đó là tạo thêm tội, chớ nào đâu cầu phước? Nếu người nào biết quy y Tam Bảo, giữ lòng chân chánh, phát tâm từ bi thương kẻ bần hàn, người hoạn họa ốm đau, kẻ cô thế ngặt nghèo… dẫu không cúng dường ta cũng mật thùy gia hộ, chuyển tai họa thành kiết tường. Tất cả đều hưởng được lợi lạc an vui. Người nào bất trung, bất hiếu, vong ân bội nghĩa, ôm lòng sát hại, hung dữ, tà dâm… dẫu có đêm ngày lễ bái lòng sát hại, hung dữ tà dâm… dẫu có đêm ngày lễ bái ta, ta cũng không thể nào cứu được. Trong sách có câu rằng: “Bất dĩ tế nhi giáng phúc, bất dĩ bất tế nhi giáng họa” (không vì cúng tế mà ban phúc, không vì chẳng cúng tế mà giáng họa) là nghĩa này vậy. Hơn nữa, ta là một vị thánh thần giữa hư không thọ dụng những hương vị cam lồ để tư dưỡng cái tịnh thân mà đâu cần chi những vật tanh hôi, máu thịt bất tịnh ấy. Ngươi phải về bố cáo lại cho mọi người trong thế gian biết rằng: “Đừng nên sát sanh hại vật mà cúng tế ta nữa. Những loài dê, heo, nếu con nào tuyền sắc thì ta đã độ được siêu sanh thoát hóa rồi, còn nếu con nào tạp sắc, tội nghiệp nặng nề, ta không thể độ được, và hiện nay còn đầy ở trong núi kia”.

Đức Quan Thánh phân phán rồi, bèn cho người dẫn Trần Diệu đến đầu núi, ông ta xem thấy những loài dê, heo tạp sắc nhiều vô số, người dẫn còn lấy tay chỉ mà nói với Trần Diệu rằng: “Đó là loài tội nghiệp nặng nề, ngươi phải về nói lại rằng từ nay trở về sau không nên làm như vậy nữa”. Nói vừa dứt lời, hai người trở về nhanh như gió vậy.

Tưởng nên nhắc lại lúc Trần Diệu đang ngồi dự tiệc, bất thần xỉu ngã lăn xuống đất bất tỉnh nhơn sự, khiến mọi người trong buổi tiệc đều hoảng hốt, xúm nhau đỡ nạn nhân dìu ra nhà sau mà làm hô hấp nhân tạo, lo thuốc men kịp thì. Một lúc sau Trần Diệu tỉnh lại, mọi người hỏi chuyện vừa rồi, ông thuật rõ đầu đuôi tự sự, làm cho ai nấy càng thêm tin tưởng sự linh cảm hơn lên.

Do tích truyện trên, từ đó trở đi trong vùng Quảng Đông nói riêng và khắp nơi không có nhà nào dám sát hại sanh vật để cúng tế đức Quan Thánh như tục lệ xưa nữa.

Do sự hiển linh của Ngài mà mọi người thờ cúng đức Quan Thánh hay do tấm lòng trung trinh báo quốc của Ngài Quan Võ mà hình tượng được khắc họa cúng tế ở khắp nơi trong nhân gian?

Đức Quan Võ hiển thánh: “ba huynh đệ kết nghĩa vườn đào” thời Tam Quốc Lưu Huyền Đức, Trương Phi và Quan Võ, thế mà mãi tới đời vua Tùy Văn Đế, sau hơn 300 năm Quan Thánh tới giúp Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại Sư xây chùa trên núi Ngọc Tuyền, và cũng chính nơi đây Ngài quy y thọ giới với Đại Sư. Và trở thành một Phật tử hộ trì Phật Pháp, biết trai giới khuyến thiện mà qua nhân vật Trần Diệu cho ta thấy rõ điều này.

* Hiển linh mượn xác nhân vật: vì dân chúng vùng Quảng Đông sát sanh hại vật cúng tế Quan Thánh, tức mượn oai thánh thần để gây tội ác. Thứ nhất là phạm tội giết sanh mạng loài dê, heo, trâu bò cúng tế; giết mạng phải đền mạng không thể nào khác được. Thứ nhì phạm điều mê tín: cầu phước lộc, quan vị, buôn bán sanh lợi, thi đỗ v.v… đều phó thác nhờ tha lực mà không chịu nỗ lực dốc chí đem hết khả năng làm việc, khiến con người thờ ơ, ỷ lại đi đến chỗ ủy mị hèn yếu trước thiên nhiên tạo vật. Thứ ba, dựa hơi hám thần linh thọ lộc để say sưa rồi gây ra tội lỗi xấu ác mà không tự kiểm soát được. Nhờ một người tên Trần Diệu ngộ nạn trong cuộc tiệc sau tế lễ Đức Quan Thánh, đã được đức Thánh hiện ra báo trước cho ông biết việc làm vô đạo, hiếu sát của con người ở trên thế gian để cảnh báo mọi người nên ăn hiền ở lành, tu nhơn tích đức.

* Quy y Tam Bảo: người đã thoát hóa mấy trăm năm sau mới gặp được bậc minh sư – Ngài Thiên Thai Trí Giả – xin đầu Phật và đức Quan Thánh trở thành là một Phật tử ủng hộ giáo pháp Phật đà. Oai danh Ngài nổi bật cũng nhờ công đức hộ pháp này nên được nhiều người hâm mộ, tôn thờ đức độ tài năng của nhân vật đặc biệt trong dáng hình tướng quân mà tâm niệm luôn muốn tồi tà phụ chánh này qua mọi quốc độ và thời gian.

* Đức Quan Thánh được tôn thờ như vị Bồ Tát: Ngày nay sau hơn 3000 năm, hiện thế, hình tượng đức Quan Thánh được lập miếu thờ hầu khắp các quốc gia theo Phật giáo Bắc Truyền tại Châu Á. Và hầu như một phần ba dân chúng tại những nơi này nhà nào cũng có thờ cúng đức Quan Thánh tâm thành như một tín ngưỡng nhân gian vậy.

Thật đúng như câu: “hương thơm dù là của loài hoa chiên đàn cũng không bay ngược được chiều gió; chỉ có hương của người đức hạnh mới phảng phất đến khắp muôn phương”, như công hạnh lợi tha của Đức Quan Thánh là nột ví dụ điển hình rõ nét nhất.


https://www.facebook.com/chanhphaptr...714800/?type=3