QUÁN CƠM CHAY

Nguyễn Nhân Trí



Có lần nọ tôi có việc phải vào một quán cơm chay tên “Thanh Tịnh” hay gì đó tương tự tôi không nhớ rõ lắm. Một người quen cần nói chuyện hẹn tôi đến đây để gặp anh ấy.

Tôi đến quán hơi sớm nên vào ngồi chờ. Người chủ, và cũng là người hầu bàn duy nhất trong quán, là một ni cô không già không trẻ, mặt mũi sáng sủa lanh lợi. Cách bài trí trong quán không cũ không mới và nói chung không có gì đặc biệt. Trong quán có khoảng mười bàn, hầu hết đều còn trống trừ một hai bàn lúc đó đang có khách ngồi ăn. Trên bức tường ở giữa quán có một bàn thờ Phật nho nhỏ trên cao, mấy cây nhang điện sáng rực gần như lấn áp cả hai cây nến giả cũng bằng bóng đèn điện đỏ.

Trong thời gian ngắn tôi ngồi chờ ở đó, ni cô chủ quán ra chào hỏi niềm nở và trò chuyện với tôi. Khi nói về các món ăn, cô giới thiệu:

“Các món ăn nầy ở đây, anh sẽ thấy, làm rất công phu giống y như thật. Có nhiều món tôi bảo đảm anh ăn vào sẽ không phân biệt được là thật hay giả”.

Tôi hỏi: “Thưa cô, thật hay giả là thế nào?”.

Cô nhìn tôi, có vẻ hơi ngạc nhiên: “Thí dụ như thịt heo quay tôi làm là có phần da, phần mỡ, nhất là phần nạc chẳng những nhìn giống như thật mà khi nhai vào cũng dai dai như từng sớ thịt thật. Thịt gà xé phay, đùi vịt nướng, chả cá chiên và bò kho cũng là những món đặc biệt nổi tiếng của quán nầy”.

Tôi nghĩ: “Nếu đồ chay mà chủ ý làm cho thật giống đồ mặn như vậy thì sao không cứ ăn đồ mặn thật luôn cho rồi chớ ăn chay làm gì?”

Tuy vậy tôi mỉm cười: “Cô phải khéo tay lắm mới làm được như vậy”.

Nét mặt ni cô rạng rỡ lên: “Đúng vậy. Đây là nghề bí truyền không phải ai cũng học được”.

Người quen tôi vẫn chưa đến. Thấy ni cô vui vẻ hiếu chuyện, và để giết thì giờ, tôi nói ra ý nghĩ vừa rồi của mình: “Đồ chay mà làm giống y như đồ mặn để làm gì vậy cô?”

Lần nầy ni cô không dấu được vẻ ngạc nhiên. Có lẽ cô nghĩ tại sao tôi lại có thể ngớ ngẩn như thế được. Cô giải thích: “Nếu không thì ai mà đến ăn? Anh không biết chứ… Ăn chay thì có phước nhưng người ta thèm thịt nên phải làm thức ăn cho giống đồ mặn thật thì họ mới ăn được.” Rồi cô nói thêm: “Làm cách nào để khuyến khích người ta ăn chay cũng tốt cả. Miễn sao người ta không sát sinh là họ không mang tội với Trời Đất mà mình cũng được có phước.”

Tôi để ý chữ “có phước” được nhắc đến 2 lần trong mấy câu giải thích về ăn chay trên của ni cô. Tôi biết ni cô tin rằng ăn chay và làm cho người khác ăn chay là “có phước”, đồng thời cô nghĩ không sát sanh là vì sợ “mang tội”.

Đây là những quan niệm phổ thông trong Phật giáo hiện hành. Đa số tăng ni lẫn Phật tử tôi quen biết đều có lối suy nghĩ rằng vấn đề chủ yếu khi làm những điều “tốt” là để được phước hay để tránh tội cho bản thân và gia đình họ. Sự kiện đó cho thấy họ làm các điều tốt chủ yếu chỉ là vì lợi ích cá nhân của họ, và chuyện nó có thật sự là những chân thiện mỹ hay không chỉ là một vấn đề thứ yếu.

Theo tôi đó là một tư tưởng và hành động vị kỷ. Phải chi họ có được ý niệm rằng ăn chay và tránh sát sanh chỉ là để biểu lộ lòng từ bi của họ đối với các sinh vật khác chẳng hạn thì hay đẹp hơn biết bao nhiêu? Theo tôi thì đó mới là một tư tưởng và nghĩa cử đạo đức. Đối với tôi, ngay cả việc ăn chay chỉ vì lý do sức khỏe (chẳng hạn như để tránh các chất hóa học độc hại trong thịt nuôi công nghiệp) thì cũng còn “trong sáng” hơn ăn chay chỉ vì vụ lợi cho mình.

Có lẽ nhận thấy được vẻ thoáng đăm chiêu trên mặt tôi, và hiểu lầm về lý do của nó, nên ni cô nói tiếp: “Các món ăn ở đây không có hành hay tỏi gì cả, anh đừng lo”.

Tôi đoán là cô đang nói về việc người ăn chay thường cử ăn hành hẹ tỏi nén vì những món nầy có chất kích thích dễ làm người ta nóng nảy, cộc cằn. Tuy vậy tôi vẫn hỏi: “Tại sao vậy cô?”

Cô nheo mắt: “Ăn hành và tỏi thì niệm chú sẽ không linh”.

Tôi hỏi thêm, cố tình ngây thơ: “Niệm chú để làm gì vậy cô?”

Có lẽ ni cô thật sự lấy làm thương hại cho sự khờ khạo của tôi: “Thì niệm chú để được tai qua nạn khỏi và may mắn chớ để làm gì bây giờ? Nếu anh biết niệm đúng chú thì làm ăn sẽ được phát đạt và tình duyên sẽ được tốt đẹp. Nếu thành tâm siêng năng trì niệm những chú đó thì sẽ linh nghiệm lắm.”

Rồi cô liệt kê ra mấy bài chú mà cô cho là rất linh nghiệm rồi hỏi tôi có muốn chép lại đem về dùng hay không. Tôi hình như đã nghe qua tên các bài chú nầy ở đâu đó rồi nhưng vì chẳng quan tâm lắm nên không nhớ rõ chúng là gì.

Theo sự hiểu biết của tôi thì ý tưởng cầu xin, hay niệm chú, để được tai qua nạn khỏi hay mua may bán đắt hay tình duyên gia đạo tốt lành là hoàn toàn trái ngược với chân lý giác ngộ và diệt khổ của Thích Ca Mâu Ni. Nếu chỉ cần cầu xin hay niệm vài câu chú mà mọi việc đều có thể trở thành tốt đẹp thì cần gì phải tu học? Và cần gì phải suy nghiệm và trì hành về Tứ Diệu Đế hay Bát Chính Đạo? (Thật ra, phần lớn chính người niệm chú cũng không hiểu ý nghĩa của các câu chữ họ niệm là gì.) Và dựa vào việc cầu xin hay phù chú thì làm sao đi đến đâu được trong khi cố muốn vay mượn ngoại lực thay vì tự lực tận dụng tri thức để chuyển hóa chính mình?

Tôi còn đang chưa biết phải trả lời ni cô ra sao thì người quen của tôi bước vào quán. Anh ấy xin lỗi vì đã đến trễ. Cuộc trao đổi giữa tôi và ni cô chấm dứt ngang ở nơi đó. Ni cô trở vào trong tiếp đón các khách ăn khác của cô. Nhờ trò chuyện với ni cô qua giờ mà tôi đã không để ý rằng mình đã ngồi đó chờ người bạn tôi hơn 15 phút.

Cũng nhờ trò chuyện với ni cô mà tôi nhớ lại rằng phần lớn Phật tử lẫn các tăng ni ngày nay đều có những ý tưởng về tội phước, cầu xin, bùa chú tương tự. Nếu những tu sĩ như ni cô nầy (nếu thật sự cô ấy là một ni cô xuất gia chân chính từ chùa nào đó) còn không hiểu được những ý niệm cơ bản về tu thân và diệt khổ của Thích Ca thì ai sẽ chỉ dạy cho Phật tử về các việc ấy?