Gặp ông "vua" đi tù vì mê tín dị đoan
09/11/2011 1610

- Những năm 1980 - 1981 ở xã Lạc Sĩ, huyện Yên Thủy, Hòa Bình nổi lên một ông “vua” mang tên Bùi Văn Hiển. Sở dĩ người dân gọi ông Hiển là "vua" vì ông đã học được rất nhiều bùa phép kỳ lạ như khả năng đoán trọng lượng của một vật mà không sai một lạng, tạo ra tiếng nhái kêu trong ngực áo của người con gái...

Chính vì những trò kỳ dị của mình mà "vua" đã bị bắt đi tù, trả lại cho người dân Yên Thủy cuộc sống thanh bình. Chuyện đã qua đi 30 năm, nay chúng tôi lại tìm về Lạc Sĩ nghe "vua" kể những câu chuyện rùng rợn một thời do chính tay gã tạo ra.

"Xưng vua"
Đường vào nhà "vua" phải lượn lòng vòng qua đôi con suối, qua chục ngọn núi chênh vênh, hiểm trở. Gạt bỏ những lo sợ về sự dữ tợn, nguy hiểm của "vua", chúng tôi quyết định mục kích "vua" Hiển. Gặp chúng tôi, "vua" nhếch môi cười và đưa ánh mắt sắc như dao nhìn chúng tôi một lượt.


"Vua" Hiển từng vào nhà đá.

Vua nói: Các chú chắc là dưới xuôi lên. Chắc phải có việc gì mới đến đây chứ chưa hẳn đến chơi. Chúng tôi nói là phóng viên dưới xuôi lên và muốn gặp "vua" nghe vua kể lại những câu chuyện rền rĩ một thời, "vua" cười lớn: "Được rồi! Đó là thời gian lầm lỗi của tôi, tôi đã phải trả giá non chục năm tù, nay được là người bình thường rồi. Chuyện qua đã lâu, nhắc lại chỉ thấy buồn, nếu các chú muốn biết thì tôi sẽ kể".

"Vua Hiển" nhớ lại câu chuyện đã đưa ông vào tù: Tôi nhập ngũ năm 1977. Thời gian đi bộ đội tôi đã học được một số loại bùa phép của người dân tộc Dao. Năm 1981, khi giải ngũ tôi về quê và có dịp sử dụng những bùa phép này. Thời đó tôi chỉ có một con dao là "vật báu" để hành nghề.

Với "vật thiêng" trong tay tôi có thể làm không gian trong một ngôi nhà như tối sầm lại, có thể biết được một người bất kỳ có trong người bao nhiêu tiền, có thể tạo ra tiếng nhái kêu trong bầu vú trắng như trứng gà luộc của bọn con gái... Mọi người gần xa đều biết việc này. Khi gặp tôi, mọi người trong làng ngoài xã, kể cả người dưới xuôi lên đều phải gọi là Thánh thơ (họ phải gọi vậy vì tôi thuộc dòng dõi thầy cúng)”.

Cũng vì cái "chức" Thánh thơ này trong tâm trí của người dân là rất to, cho nên nhiều người tôn sùng nên đặt ngang bằng như vua. Chính vì thế nên có người còn gọi ông Hiển là "vua" và ông nghiễm nhiên chấp nhận ngôi vị bất chính danh như thế.

Những trò lố bịch của "vua"
Ông Hiển nhớ vào khoảng tháng 9/1981, khi đi chợ gặp hai vợ chồng làm nghề buôn quần áo. "Vua" nói biết được mọi thứ, trong đó biết cả số tiền họ mang trong người. Hai vợ chồng không tin chuyện đó có thật. Vua nói, trong người ông bà có 42 đồng, nếu đúng thì ông bà phải dâng cho tôi một bộ quần áo bằng kim tuyến lấp lánh, nếu sai tôi đền gấp mười lần. Hai vợ chồng bán quần áo liền lục hết trong túi có 42 đồng đúng khớp với số tiền mà vua nói. Vậy là họ phải mất với “vua” một bộ quần áo kim tuyến óng ánh, một thứ "xa xỉ phẩm" vào lúc bấy giờ.


Đường vào nhà "vua" phải qua hai con suối và cả chục quả đồi.

Nhiều đêm, từng tốp con gái đi qua con đường heo hút dẫn vào trung tâm xã. “Vua” lại ra phục sẵn ở đó rồi cùng đám "cận vệ" choai choai từ bụi rậm xông ra. “Vua” nói đêm hôm khuya khoắt thế này các nàng đi đâu. Lũ con gái thấy “vua” đã sợ xanh mắt mèo định chạy. “Vua” ra lệnh cho đám "cận vệ" chặn lại, rồi dùng mấy trò ảo thuật, bùa phép trêu lũ con gái. “Vua” xua tay một cái, miệng lẩm nhẩm đôi ba câu thần chú gì đó, bỗng chốc trong ngực áo của đám con gái phát ra tiếng kêu óp ép. Đám con gái sợ hãi vừa chạy vừa cởi cạp váy hở hết cả đôi gò bồng đảo trắng nõn nà. Vua cùng đám "cận vệ" sướng rơn cười như nắc nẻ. Sau cái vụ đó, không còn cô gái nào dám ra đường vào ban đêm nữa.


Năm 1981, lúc đó mới 24 tuổi nhưng ông Hiển đã trực tiếp đứng ra họp dân lại. Buổi họp được tổ chức ban ngày nhưng ông đã xua tay một cái, rồi lại bí mật lẩm nhẩm những câu thần chú làm cho trời tối sầm lại. Chỉ trong vài phút mọi người phải thắp đuốc lên để họp. Ông Hiển nói sẽ làm lễ để tế 4 cái miếu của làng, đồ lễ dân không phải đóng góp. Lợn đem thịt làm lễ sẽ bắt của các cán bộ từ đội trưởng đội sản xuất trở lên.

Họp xong "vua" cho gọi đội trưởng đội xản xuất đến nói: Con lợn nhà mày nặng 51 cân bảy lạng. Nếu đoán sai thì tao sẽ trả lại mày gấp 10 lần con lợn đó, nếu đoán đúng thì mày phải thịt lợn cho dân làng ăn. Nói xong, ông cho hàng chục người trong đội "cận vệ" của mình đến bắt lợn nhà cán bộ cân. Quả thực con lợn nặng đúng 51 cân bảy lạng không hơn, không kém. Ông đội trưởng sản xuất lúc đó liền phục tài "vua" mà cúi rạp người xuống đất rồi chui qua háng "vua" bày tỏ sự khâm phục.

Ông Hiển cho biết, trong thời gian làm "vua" khẩu phần ăn hằng ngày của ông lúc nào cũng phải được ưu tiên đặc biệt. Những đồ như bát, đũa cũng phải dùng một mình chứ không chung với ai vì nếu dùng chung sẽ làm mất đi tính linh thiêng. Khi ăn, đích thân "vua" kiểm tra thức ăn rất kỹ lưỡng. Bằng các biện pháp, “vua” kiểm tra xem có ai đó bỏ độc vào thức ăn, nước uống hay không, hay có người nhổ nước bọt vào bát của "vua"... Nếu phát hiện "vua" sẽ chỉ tận mặt người đó và trừng phạt ngay.

Trong mâm cơm của "vua", bao giờ cũng phải có ít nhất 5 món bao gồm sụn lợn, lòng, thịt nướng, thủ lợn, cẳng giò... "vua" ăn trước một miếng rồi xua tay về phía trước. Lúc đó "dân đen" mới được ăn. Cũng trong mâm cỗ, "vua" đặc biệt thích sụn lợn. Nếu trong bữa ăn vua chưa ăn hết thì người hầu phải đùm vào lá chuối đem về cho vua.

Vì những trò quái dị này mà "vua" đã vào nhà đá vì tội mê tín dị đoan. "Vua" Hiển vẫn nhớ như in thời điểm bị bắt: Lúc đó họ bảo tôi hãy làm cho một ngôi nhà tối lại, hãy đoán một cái cẳng giò bất kỳ mà họ đem đến nặng bao nhiêu cân... Nhưng tôi đã không làm được, vì "bảo bối" đã bị thu giữ. "Vì những trò dại dột của mình mà tôi đã phải trả giá bằng non chục năm tù dài đằng đẵng. Đó là thời mà cả đời tôi không thể quên, nhưng tôi sẽ phải gạt bỏ nó đi để làm lại cuộc đời, làm lại từ đầu", "vua" Hiển tâm sự.


"Vua" vào nhà đá
Tôi mang họ Bùi, mặc dù không thuộc dòng dõi lang đạo, nhưng thời điểm 1980 cũng nổi tiếng đất Yên Thủy vì sự giàu có. Từ khi ra tù, tôi thường quẩn quanh trong nhà, rồi tập trung làm kinh tế trang trại, như lợn, trâu, bò, cùng với ba ao cá. Cuộc sống không dư giả là mấy nhưng cũng cảm thấy thế là đủ, vì được sống trong tự do và sự thanh bình.


Thái Dương