kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Chân sư và Tà sư

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Chân sư và Tà sư

    Chân sư và tà sư khác nhau chỗ nào?

    Đối với tu sĩ của một số tôn giáo tôn thờ thần quyền, sự đánh giá chân-ngụy, chánh-tà khá dễ dàng qua mặt đạo đức, tác phong của chính các vị tu sĩ ấy. Mà phẩm cách đạo đức, tác phong của tu sĩ các tôn giáo này thường chỉ đặt nền tảng trên sự cần mẫn tận tụy hiến dâng, phụng sự thần linh, thực hành các giáo điều, tín điều đã được thần linh ban hành hay trích dẫn từ kinh sách được tin là được viết ra do sự mặc khải của thần linh. Tu sĩ nào thực hành nghiêm chỉnh các tín-giáo điều thì được coi là có đạo đức; và ngược lại thì vô đạo đức; hoặc thiếu đạo đức mà làm bộ như ta đây đạo đức thì bị gọi là đạo đức giả. Đối với tu sĩ các tôn giáo ấy, tu tập chỉ có nghĩa là như vậy: tuân thủ các giới điều và tín điều.
    Trong khi đó, thực hành giáo lý đạo Phật, tu sĩ Phật giáo không phải chỉ là những người trau luyện đạo đức hay một thứ tư cách cao quí đức hạnh làm người nào đó mà xã hội mong đợi. Con đường chính yếu của họ là thực hành các phương pháp tinh diệu nhằm phá vỡ biên giới của tự ngã để thể nhập vào bản thể tịch lặng vô biên sẵn có trong mỗi người, mỗi loài. Để thành tựu trọn vẹn mục tiêu này, hành giả phải trải qua một tiến trình, hoặc nhanh hoặc chậm, gồm 53 giai đoạn từ sơ cơ đến thượng trí. Những giai đoạn tu chứng này vượt ra khỏi thứ đạo đức làm người của thế gian, bước vào thánh hạnh cao quý của hàng Bồ tát, Phật. Và chính vì có khá nhiều giai đoạn và thứ bậc như thế, việc nhận dạng các vị chân tu đắc đạo đang ở giai đoạn nào không phải là đơn giản, trừ phi chúng ta đắc đạo như Phật.
    Tuy nhiên, như đã nói ở trước, để tầm sư học đạo, chúng ta cần thiết phải biết nhận dạng một vị chân sư để theo học, như cách người xưa thường nói “chọn mặt gởi vàng.” Điều này nói ra có vẻ như một điều mai mỉa bất kính làm đụng chạm một số đạo sư nào đó. Nhưng nếu thực sự có một sự đụng chạm, hóa ra vị đạo sư ấy dễ bị dao động đến thế sao? hóa ra vị đạo sư ấy hãy còn một cái ngã to lớn cứng rắn nào đó để cho sự lượng giá của học trò đụng chạm đến sao? và nếu cứ tránh né đụng chạm những đạo sư, hóa ra lại đẩy những thiệt thòi về phía những người học trò đang khao khát tìm cầu chân lý?

    Người học trò thượng căn như Thái tử Tất Đạt Đa năm xưa có thể rời bỏ các sư phụ để tự mình tìm kiếm chân lý, còn những học trò căn trí thô thiển cạn cợt như chúng ta ngày nay thì sao? Nếu chọn lầm sư phụ thì chẳng phải là cái tiền đồ tu tập của chúng ta sẽ mở vào một cõi u u minh minh hay sao?

    Cho nên, rất cần thiết phải biết chọn thầy bằng cách nhận dạng dấu hiệu thực nghiệm toát ra từ nếp sinh hoạt của họ. Sự nhận dạng này không có nghĩa là phải nhìn thấu từng quả vị tu chứng của họ hoặc đòi hỏi họ phải chứng minh sở đắc. Chúng ta có một chìa khóa nhỏ để mở ra cái kho vô tận xứng đáng cho mình qui phục, nương tựa. Và chìa khóa đó chính là điểm chung mà hầu như các vị chân tăng đều có: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày.

    Chân sư và tà sư theo quan niệm Phật giáo khác nhau ở chỗ đó. Họ có thể sử dụng những phương tiện giống nhau: tụng kinh, tọa thiền, giảng dạy Phật Pháp, làm việc văn hóa, làm việc xã hội từ thiện... Nhưng mục đích hành đạo của họ thì khác nhau: một bên thì có khuynh hướng dẹp trừ bản ngã để thể nhập vào thể tánh vắng lặng vô biên; một bên thì nuôi lớn bản ngã, đắp cao thành trì của ái dục và lợi danh tầm thường.

    Nếu chú trọng đến chân và tà. Mà trong chân có thể vừa có thánh vừa có phàm, trong khi trong tà—dù có là một đạo sư nổi tiếng cách mấy đi nữa—chỉ hoàn toàn là phàm. Như vậy, nếu chúng ta thực sự muốn tìm cầu một bậc thầy có khả năng hướng dẫn ta tiến đến giải thoát giác ngộ, nên lấy chân, bỏ tà.

    Đức Phật đã từng nói: “Nếu nước đại dương chỉ có một vị mặn thì đạo lý của ta chỉ có một vị duy nhất là giải thoát.” Hành giả tu tập có thể giữ gìn giới luật để được giải thoát từng phần [biệt giải thoát] tùy theo giới cấm mình tiếp thọ; nhưng mục tiêu tối hậu vẫn là giải thoát hoàn toàn tất cả mọi phiền não trói buộc của tự tâm. Mà để có được điều này, phải dẹp trừ cả ngã chấp và pháp chấp. Tóm lại, tu tập theo chân tinh thần Phật giáo là đi vào vòm trời tự tại vô ngại của tánh Không để được thành Phật như đức Phật, chứ không phải chỉ học làm người, học làm vua, làm tôi, làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ, làm con, làm thầy giáo, làm học trò, làm người truyền đạo, làm nhà trí thức, làm người có bằng cấp thế gian, làm người có tiếng tăm danh vọng, làm công dân đạo đức đàng hoàng trong xã hội... mà bất cứ tôn giáo nào cũng có thể hướng dẫn được.

    Chân sư Phật giáo tạm thời phân chia thành hai bậc: thánh tăng và phàm tăng.

    Các chân thánh tăng thì không còn gì để nói, vì chắc chắn họ là những bậc chân sư đáng qui phục, ai có phước duyên thì được tu tập dưới sự hướng dẫn của họ. Giả như không gặp thánh tăng, chúng ta hãy còn may mắn là có những chân phàm tăng để bái làm thầy. Những vị này tuy chưa chứng thánh nhưng luôn có khuynh hướng truy cầu giải thoát giác ngộ, biết được con đường chân chính để đi và hướng dẫn môn đệ cùng đi, nỗ lực tu tập những phương thức dẹp trừ bản ngã và khát dục. Cả hai bậc chân sư trên đều rất xứng đáng cho chúng ta đảnh lễ qui y.

    Nhưng ở trên, vẫn chỉ là nói một cách khái quát. Chúng ta cần đi vào chi tiết: làm thế nào để nhận ra một vị chân sư? Câu hỏi này đưa chúng ta quay trở lại với tiền đề nêu ở trước: tính cách vô ngã thể hiện trong nếp sinh hoạt hàng ngày của các vị chân sư.


    VÔ NGÃ TRONG NẾP SINH HOẠT
    Theo quan niệm Phật giáo, sở dĩ chúng sinh trôi lăn trong biển khổ luân hồi là vì đã tự cho rằng mình thực sự có một thứ bản ngã độc lập. Một vài tôn giáo tôn thờ thần quyền cũng đã xác nhận có một thứ bản ngã qua sự tồn tại bất diệt của linh hồn; trong khi có tôn giáo chủ trương hy sinh bản ngã bằng cách dâng hiến trọn vẹn thể xác và linh hồn cho thần linh để được đền bù tưởng thưởng xứng đáng sau khi chết. Công nhận hay chối từ bản ngã theo các lối trên, đều chứng minh có một cái ngã có thực tướng hay có thực tánh, thực sự tách rời với vũ trụ và vạn hữu chung quanh. Và đây chính là cái mầm của phiền não, trói buộc.

    Tu tập theo Phật giáo là tiến trình của sự lột bỏ (nhanh hay chậm, hoàn toàn hay từng phần) sự vận hành và tồn tục của cái ngã đó. Dù là thượng căn hay hạ trí, dù phương pháp tu tập có khác nhau, họ vẫn có điểm chung là phá trừ kiến chấp về ngã.

    Như vậy, chúng ta có thể chọn lựa bất cứ vị sư phụ tầm thường (không chân chính) nào trên cuộc đời để hướng dẫn chúng ta nếu chúng ta không cần giải thoát giác ngộ mà chỉ cần chạy rông để tìm danh lợi trong số đông hoặc một thứ giá trị đạo đức thông thường của thế gian; còn nếu thực sự muốn tu tập để thoát ly sinh tử, chúng ta phải sáng suốt tìm đến một vị chân tăng chứ không cần uổng phí thì giờ và công phu tu tập của mình theo chân những vị thầy mà nếp sinh hoạt hàng ngày của họ biểu lộ rõ ràng khuynh hướng bảo vệ và nuôi lớn tự ngã như các trường hợp điển hình sau:

    — khi một vị thầy tự xưng mình là bậc thầy vĩ đại hoặc là bậc thầy cao tột không ai bằng (đại sư, vô thượng sư), hoặc vui thích đắm mình trong những danh xưng, tước hiệu, phẩm hàm tôn quí do kẻ khác ban tặng... vị thầy ấy đang ở trong cơn mê của lòng vị ngã, ái ngã, và đang ôm theo mình niềm tăng thượng mạn, tích cực nối đuôi ma vương để trèo lên đỉnh thang hào nhoáng của danh vọng và quyền lợi thế gian;

    — khi một vị thầy nói với bạn rằng chỉ có phương pháp của ông (hay bà) là cao tột, vượt hẳn các phương pháp của các bậc thầy khác, thì vị thầy này đang sống trong niềm tự hãnh của một bản ngã còn đầy căn khí kiêu kỳ, ngạo mạn;

    — khi một vị thầy phê phán và chỉ trích cá nhân những bậc thầy khác, nêu những lỗi xấu của những bậc thầy khác để làm nổi bật phong cách của mình, thì vị thầy này đang biểu lộ phần nào tâm lượng tị hiềm nhỏ mọn của mình;

    — khi một vị thầy, dù không lên tiếng chỉ trích kẻ khác, cũng không tự mở lời khoa trương về phẩm cách của mình, nhưng hài lòng với sự tâng bốc ca tụng của môn đệ và trong lòng tự nghĩ mình cao quí, lẳng lặng cười mỉa mai kẻ khác, không chịu lắng nghe quan điểm của kẻ khác để tự sửa mình mà một mực cho rằng kẻ khác chỉ trích hay phê phán mình là vì họ thua sút và ganh tị mình, thì vị thầy này cũng đang tự bồi đắp tường thành ngã chấp ngay ở nền tảng thâm sâu của nó;

    — khi một vị thầy thường tỏ vẻ bất bình, bẳn gắt, cau có, lúc nào cũng muốn mọi người phải thuận theo ý mình chứ không chấp nhận luận điểm trái ngược, chỉ đòi hỏi sự tuân phục tuyệt đối từ kẻ khác, thì vị thầy ấy đang tiếp tục nuôi dưỡng mầm mống của tâm ái ngã;

    — khi một vị thầy thường trau chuốt bề ngoài của mình bằng hương hoa, bôi trát son phấn để tạo cái đẹp giả dối hoặc che giấu nhân dáng thực của mình, hoặc dùng các thứ trang sức vàng bạc, y phục diêm dúa đắt tiền lộng lẫy để chứng tỏ sự hào phóng giàu sang... có nghĩa là vị thầy đó chưa bao giờ tìm thấy một thứ giá trị cao tột nào ở phần tâm linh và đang bị dẫn dắt bởi những tiểu yêu tầm thường nhất của con ma dục vọng;

    — khi một vị thầy ưa thích xuất hiện giữa đám đông quần chúng để được ca tụng và đón nhận lòng ngưỡng mộ từ kẻ khác, tung tiền bạc và lòng thương giả tạo để mua chuộc niềm tin của những kẻ nghèo kém vật chất và tinh thần... vị thầy đó đã tự chứng tỏ có một sự rỗng tuếch bên trong của mình và đang cố gắng khỏa lấp bằng ảo tưởng là có một thứ tự ngã cao quí được người khác nhìn nhận;

    — khi một vị thầy lộ vẻ hãnh diện khi được sự tưởng thưởng từ các giới quyền lực thế gian, khiếp sợ và tỏ ý tuân phục các thứ cơ cấu chính quyền để mưu cầu an nguy cho bản thân, hoặc cảm thấy mình được tăng giá trị khi thân cận tiếp xúc với giới này, hoặc thâu góp tài sản dâng hiến của môn đệ để biếu tặng giới này mà mưu cầu danh vọng... vị thầy đó rõ ràng hãy còn cái tâm vị ngã, chưa thấy được giá trị cao tột của con đường xuất thế viễn ly, chưa tìm được nơi nương tựa chân chính cho tâm linh mình và chưa tự làm ngọn đuốc soi sáng cho đời mình;

    — khi một vị thầy thường lấy bằng cấp, sách vở, kiến thức thế gian và sự qui tụ đông đảo của giới trí thức học đường thế tục để làm thứ bảo chứng giá trị cho việc tu tập tâm linh của mình, có nghĩa rằng vị thầy ấy đang còn đứng ngoài vòng rào của trí tuệ siêu việt, chưa bao giờ nếm được chất liệu giải thoát giác ngộ thực sự và có thể là chưa từng bao giờ có khuynh hướng muốn vươn tới sự viễn ly triệt để;

    — khi một vị thầy làm được điều gì cũng hay có khuynh hướng tự kể lể, báo cáo, khoa trương, đưa hình ảnh và tên tuổi của mình ra trước công chúng qua các phương tiện truyền thông hoặc khích lệ, vui vẻ, tán đồng sự tâng bốc, khoa trương kể lể của môn đệ đối với việc làm của mình... vị thầy ấy hãy còn mê muội đắm mình trong ảo giác của những vầng hào quang huyễn dối của dư luận và danh vọng thế gian;

    — khi một vị thầy sợ hãi dư luận quần chúng, sợ hãi sự mang tiếng cho cá nhân mình, sợ hãi sự phiền hà rắc rối cho đời tư của mình mà ngoảnh mặt với điều thiện nên làm, làm ngơ trước điều ác đang làm khổ những đồng loại chung quanh mình, thì vị thầy ấy chưa có được tâm vô úy; chưa có được tâm vô úy có nghĩa là vị thầy ấy hãy còn nuôi giữ một thứ bản ngã to lớn, co rút trong cái vỏ của vị kỷ, cầu an; điều này cũng chứng tỏ vị ấy chưa có được sự mẫn tuệ của kẻ thực hành bồ tát hạnh và cũng chưa phát triển đúng mức lòng từ bi của mình đối với chúng sinh...

    Vài nét đại cương ở trên dĩ nhiên không có giá trị tuyệt đối nhưng ít nhất chúng cũng cho chúng ta khái niệm về những biểu hiện của cái ngã—đối tượng để tu tập và chuyển hóa trong tất cả mọi pháp môn, mọi sinh hoạt của Phật giáo.

    Trình bày những biểu hiện của sự chấp ngã để những người môn đệ tìm cầu giải thoát giác ngộ có thể chọn được một minh sư chân chính nào đó để hướng dẫn mình đi đúng đường; còn những vị đang đóng vai trò hướng đạo thì cũng tự nhìn lại mình, lượng giá được chân tướng của mình cũng như con đường mà mình đang đi.

    Trường hợp những người học trò chỉ tìm đến thầy để học đạo như cách học trò đến trường thu lượm kiến thức, hoặc chỉ như những học giả muốn tìm hiểu một thứ triết lý gì đó cho thỏa tính hiếu kỳ hay để soạn viết một tác phẩm biên khảo công phu mà giương danh với đời, hoặc như những người tín đồ đúng nghĩa (tức là chỉ đến với tôn giáo bằng niềm tin, không cần suy xét) tìm đến nơi thờ tự đấng thần linh để cầu sự che chở hoặc ban thưởng phước lành, hoặc những người tìm đến tôn giáo chỉ vì muốn trả ân đã được tôn giáo đó giúp đỡ vật chất khi ngặt nghèo, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ vì để được kết hôn với người thuộc tôn giáo ấy, hoặc những người tìm đến với tôn giáo chỉ để học một cách sống đạo đức hay chỉ để học một nếp sống hòa bình, an lạc, nhàn nhã trong cuộc đời... thì bài viết này không liên hệ gì đến họ cả. Bởi vì những gì mà số người này tìm kiếm, họ có thể tìm được ở bất cứ nhà đạo đức nào, bất cứ vị học giả hay triết gia nào, bất cứ vị bác sĩ tâm thần nào, bất cứ nhà từ thiện xã hội nào, bất cứ vị thầy nào của tất cả các tôn giáo có mặt trên thế gian này, rất nhiều và nhiều lắm

    Nhưng để vĩnh viễn thoát ly sinh tử hay ít nhất cũng chọn được chính đạo để xác định tiêu đích giải thoát của mình, người học trò phải tìm cho kỳ được một vị chân sư (phàm hay thánh) đang ngày đêm nỗ lực hướng đến tiêu đích giải thoát đó và đang sống giữa cuộc đời ô trược này mà không đắm nhiễm cuộc đời. Tính cách bất nhiễm của vị chân sư đó được thể hiện trong tinh thần vô ngã. Sự tu tập của người theo Phật giáo khác với tín đồ của các tôn giáo khác ở chỗ đó.

    Trong Phật giáo không có phương pháp cao thượng hay phương pháp thấp kém. Quan trọng là ở chỗ nó được thực hiện trong tinh thần vô ngã hay chấp ngã. Thực hiện trong tinh thần vô ngã tối thắng, vừa cứu độ lợi ích cho chúng sanh vừa giúp hành giả dẹp trừ được sự chấp ngã và giải thoát sinh tử luân hồi. Thực hiện trong tinh thần chấp ngã chỉ đưa chúng ta đến gần với thế giới của ma vương và nếu có giúp gì chăng thì chỉ giúp chúng ta trở thành những con người đàng hoàng, đứng đắn, mô phạm, đạo đức, sống an hòa trên cuộc đời
    Last edited by khongkhongkhong; 06-01-2009 at 10:00 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •