Ngày 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo vào giờ nào là tốt nhất?

Thanh Tú | 16/01/2020 09:05



Ảnh minh họa: Internet



Chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi đã chia sẻ trên Vietnamnet về 2 khung giờ tốt mà gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo.


Nên cúng 23 tháng Chạp giờ nào?
Dân gian quan niệm, ngày 23 tháng Chạp, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép lên thiên đình để báo cáo những công việc tốt và chưa tốt của gia chủ trong năm. Vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo, cùng với "phương tiện" là cá chép sống, để Táo quân về trời.
Về thời gian tiến hành nghi lễ quan trọng này, chuyên gia phong thủy Nguyễn Võ Uyên Mi chia sẻ trên Vietnamnet, ngày 23 tháng Chạp, gia chủ có thể cúng ông Công ông Táo vào 2 khung giờ là 5h-7h hoặc 9-11h.
Theo vị này, 5-7h sáng 23 là giờ Mão - giờ Đại An, cúng vào giờ này ngụ ý nhờ Táo quân mang đi những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, giúp gia đạo hưng vượng. Ngoài ra, tiến hành nghi lễ cúng vào giờ này còn mang tới sức khỏe tốt lành, sự bình an trong tâm trí cho gia đình.
Còn khung 9-11h ngày 23 là giờ Tỵ, giờ Tốc Hỷ, cúng vào giờ này ngụ ý Táo quân sẽ mau chóng đem về những chuyện may mắn vui vẻ, hứa hẹn trong năm mới cả gia đình có nhiều niềm vui và sự hóa giải kịp thời cho những xui xẻo có thể gặp phải.

Chuyên gia cũng khuyên các gia đình phải làm lễ cúng tiễn ông Táo về trời trước giờ Ngọ ngày 23 tháng Chạp.


Dọn dẹp bàn thờ, tỉa chân nhang


Nhiều gia đình cũng chọn ngày 23 tháng Chạp để dọn bàn thờ trong nhà đón năm mới. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Bền - Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, cho biết trên báo Lao động, theo dân gian thì các gia đình thường dọn dẹp bàn thờ vào sáng 23 tháng Chạp hằng năm.


Vị chuyên gia lưu ý, dịp này các gia đình chỉ tỉa chân nhang chứ không phải thay bát hương, việc tỉa chân nhang không làm xê dịch hay xoay chuyển vị trí của bát hương. Gia chủ sẽ tỉa chân hương ở cả bàn thờ tổ tiên và bàn thờ ông Công ông Táo.
Về trình tự tiến hành, gia chủ sẽ thắp hương, đọc văn khấn xin phép, rồi tỉa bớt chân hương, chỉ nên để lại 3 chân hương. Lưu ý là với bát hương của người đã mất nhưng chưa qua 3 năm, là đàn ông thì để lại 7 chân nhang, còn đàn bà để lại 9 chân nhang, riêng bát hương quan thần linh chỉ giữ lại 5 chân nhang.

Nguồn trên cũng nêu một số lưu ý khi dọn bàn thờ như khăn và chổi phải được dùng riêng cho việc này; Ngoài nước sạch, thì dùng rượu trắng với nước gừng để lau; Với bát hương và bài vị, khi lau lấy tay giữ để không bị xoay...
Trong cuốn "Hội hè lễ Tết của người Việt" của tác giả Nguyễn Văn Huyên (1905 - 1975) viết bằng tiếng Pháp, do Đỗ Trọng Quang - Trần Đỉnh dịch có nói tới ngày 23 tháng Chạp như sau: "Việc chuẩn bị cho Tết bắt đầu ngay hôm sau ngày cúng thần bếp, ngày 23 tháng Chạp. Hôm đó, Táo quân, thần trông coi đời sống của gia đình mà ngài che chở và giám sát, lên trời để tâu trình tỉ mỉ với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của mọi người trong gia đình năm qua.

Thần bếp, Táo quân thường hay bị lẫn với thổ công hay thổ địa, là thần đất trong nhà, bản thân thần này là lệ thuộc của thần thành hoàng, tức thần đất của làng, và thần Xã tắc là bị thần vua, hiện thân của đất nước.
Đôi khi, ý thức dân gian tìm cách phân biệt những thần này, nhưng sự phân biệt này luôn luôn rất mơ hồ. Dù sao khi người ta phân biệt được các thần đó, thì thổ công được trình bày trên bàn thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo quân là một bộ ba gồm một thần nữ có hai thần nam kèm bên. Tuy nhiên, người ta thường công nhận rằng thổ công được gộp trong bộ ba đó, gồm thổ kỳ, thổ địa và thổ công, theo lời dạy của các nhà nho.
Các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp: hòn thứ nhất tiêu biểu cho đất nói chung, hòn thứ hai là đất trong nhà, và hòn thứ ba là thần bếp".



(Tổng hợp)