Sau trên 100 năm nô lệ và chiến tranh, bây giờ là lúc cần rà soát lại nền tảng niềm tin của chúng ta và rồi trên đó chúng ta mới hy vọng xây dựng được một Quốc Gia đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân sinh sống trên giải đất hình chữ S.


Tâm linh tổ quốc
Hà Dương Dực

Trong không khí trang nghiêm của buổi tưởng niệm một cựu hướng đạo sinh, tôi nghe lời hứa của hướng đạo được đọc lên để tiễn đưa người ra đi:”…làm tròn bổn phận với Tín Ngưỡng, Tâm Linh Tổ Quốc và Quốc Gia tôi…”(1) Âm hưởng lời hứa làm tôi nhớ tới những lời tương tự: Đạo Pháp và Dân Tộc; Đảng và Tổ Quốc; Thượng Đế và Tổ Quốc… Quốc Gia hay Tổ Quốc là các ý niệm thiêng liêng, nhưng các cụm từ trên nêu rõ, đứng về phương diên tâm linh, ta thấy sự cần thiết của một Niềm Tin, của Tôn Giáo hay các đoàn thể có liên quan chặt chẽ với mỗi cá nhân.

Nhìn hương ảnh lung linh trên bàn thờ người đã khuất tôi không thể không nghĩ tới kiếp nhân sinh hư ảo và tự hỏi không biết người thời xa xưa có cụm từ nào tương tự như: trung thành với thần sấm chớp và bộ lạc?

Kiếp sống ngắn trong không gian rộng lớn, nhìn bầu trời bao la với sức mạnh tàn phá của thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt, từ lo nghĩ về hiện tại và tương lai, con người vừa sợ hãi, vừa có ý muốn khắc phục và chinh phục thiên nhiên. Với kiến thức tích lũy, con người ngày nay đã giải đáp được nhiều thắc mắc của tổ tiên như mặt trời xa hay gần, trái đất quay quanh mặt trời hay trái lại…, và cũng đã thoát ra khỏi một vài niềm sợ hãi của tổ tiên như khi có cột thu lôi thì không còn thần sấm chớp... nhưng hiểu biết của con người vẫn chưa vươn tới các giải ngân hà, hay vũ trụ ngoài vũ trụ, và cũng chưa nắm bắt được linh hồn, nó tròn hay vuông, nó chết theo ta hay đi về đâu sau khi thân xác ta hết sinh khí.

Linh hồn (hay sự tồn tại của Tôi), niềm sợ hãi, ước muốn và sự hiểu biết như những thực thể hòa trộn trong con người từ thượng cổ tới ngày nay (và có thể mãi mãi mai sau?). Nó đòi hỏi xã hội phải có một Lý Giải nào đó giúp nó và các người thân yêu của nó yên tâm, bớt sợ hãi, thanh thản sinh sống trên con đường mưu cầu hạnh phúc và thanh thản ra đi; thanh thản cho người đi và an ủi cho người ở lại. An ủi vì người ra đi đã sống hợp/ thuận theo các Lý Giải xã hội đã cung cấp.

Từ bộ lạc với thần cây đa, thần lửa, các giống người ngày càng tích lũy nhiều hiểu biết hơn, dân số ngày càng đông, tụ tập trong không gian rộng hơn (thành các quốc gia) thì Lý Giải mà Quốc Gia phải cung cấp càng ngày càng phức tạp hơn, và cũng phải phổ quát hơn. Lý Giải phải gồm bổn phận, nghĩa vụ của Quốc Gia đối với thành viên của nó. Bổn phận và nghĩa vụ chính có thể kể: giúp cho người dân an tâm sinh sống, an tâm về phương diện tâm lý sợ hãi và an tâm về an ninh vật chất, giúp người dân có hoàn cảnh thăng tiến… mặt khác Lý Giải còn phải tỏ ra đáng được toàn dân bảo vệ, hơn nữa còn có sức quyến rũ, và là sự biện minh cho việc lựa chọn chốn sinh sống của mỗi cá nhân. Chẳng phải là chúng ta đang ở trong thế giới trên con đường toàn cầu hóa về phương diện kinh tế cũng như lối hành xử?

Lý giải như vậy gồm hai phần rõ rệt: nền tảng tâm linh và tổ chức cơ cấu sinh hoạt vật chất.


Nền tảng tâm linh của một Quốc GiaTrải qua vài trăm ngàn năm tiền sử và vài ngàn năm lịch sử con người đã tự tạo ra, hay đã tìm thấy cho mình, những niềm tin để làm nền tảng tâm linh cho cuộc sống, để làm nơi ẩn trú cho sự sợ hãi, để biện minh cho hành động, đôi khi chỉ do tham vọng của mình. Trong tiến trình đó chúng ta đã có rất nhiều vị thần, có rất nhiều niềm tin mà ngày nay còn lại chúng ta có thể nói tóm lại có bốn chiều hướng:

1/ Niềm tin ở một Đấng Sáng Tạo, hay một Thượng Đế, và Thượng Đế hay Đấng Sáng Tạo đã tạo dựng nên vũ trụ và con người.

2/ Niềm tin có nhiều Thần.

3/ Niềm tin có Thần Linh. Thần linh là một ý niệm trừu tượng về một thực thể mà người ta chưa xác định được, chưa nhìn thấy, chưa đo lường được nhưng con người cảm thấy được (?) Niềm tin có Thần Linh rất nhiều khi lẫn lộn với niềm tin có Thần Thánh. Thần Thánh mang theo hình ảnh con người, còn ý niệm Thần Linh thì không có hình ảnh.

4/ Và ý niệm vô thần. Nhiều người không tin gì cả, không có Đấng Sáng Tạo, không có Thượng Đế, không có Thần hay Thần Linh. Con người tình cờ sinh ra và chết đi là Hết.

Và cũng có những khác biệt trong cả hai khuynh hướng Thượng Đế và nhiều thần, Thượng Đế của nhóm người nầy khác Thượng Đế của nhóm khác; những vị thần của nhóm nầy khác thần cùa các nhóm khác.

Sau niềm tin về tâm linh và tôn giáo (Khi được hệ thống hóa với các lễ nghi, các điều chỉ dạy… thì người ta gọi niềm tin đó là Tôn Giáo) ta còn có niềm tin về con người theo nghĩa triết học cũng khá quan trọng và giúp ta phân biệt được một sự khác biệt giữa Đông và Tây. Phương Tây người ta quan niệm con người là con Vật có Lý Trí và do một Đấng toàn năng, Thượng Đế, tạo ra. Trung Quốc theo chúng tôi hiểu, ngoài Trang Tử, không có nhà tư tưởng nào đề cập tới nguồn gốc con người một cách rõ rệt, tuy có sự tranh cãi về bản tính thiện hay ác của con người nhưng là cuộc tranh luận không có kết thúc.

Niềm tin, Tôn giáo, triết học và thực tế sinh sống với các khía cạnh: luân lý, phong tục tập quán, văn học, thi, ca, nhạc… của nó thường gọi chung là văn hóa là ba yếu tố có thể nói là quan trọng nhất và gần như là đại diên cho 90% điều mà trong bài nầy gọi là nền tảng tâm linh của xã hội.

Nền tảng tâm linh đó được định hình một cách tiệm tiến từ khi loài người còn sống trong các bộ lạc cho đến khi quốc gia được thành lập, đó là một tiến trình hết sức phức tạp cho từng quốc gia mà chúng ta không thể bàn trong một bài tham luận ngắn. Trong bài nầy chúng tôi sẽ chỉ lướt qua hai trường hợp, Hoa Kỳ, Trung Quốc, để chứng tỏ sự quan trọng của một niềm tin đối với quốc gia; rồi sau đó sẽ nói tới niềm tin của xã hội VN hiện tại. (Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất trong ba yếu tố của nền tảng tâm linh: niềm tin, triết học và văn hóa)


Hoa KỳTừ khi Christopher Columbus khám phá ra Châu Mỹ Latin (1493) thì đó là nơi chốn của những người phiêu lưu và khai phá, (người Âu Châu, phần lớn là người Anh) những người nô lệ da đen được mang tới từ Phi Châu để phục dịch người da trắng và những người theo Tin Lành giáo muốn tìm một nơi chốn để được tự do cầu nguyện và xưng tội… trực tiếp với Thượng Đế, không phải qua trung gian của các nhà tu và giáo hội Gia Tô giáo La Mã. Nước Mỹ thành hình và là thuộc địa của Anh cho tới năm 1776.

Từ khi có tuyên ngôn Độc Lập năm 1776, đến khi có hiến pháp năm 1787, rồi kiện toàn bằng bản tu chính (amendment) Bill of Rights năm 1795, những người tạo dựng nên nước Mỹ đã đưa ra hai điều mới lạ nhất thế giới thời đó là một hiến pháp thành văn để thiết lập một chính quyền thế tục, tách ra khỏi sự chi phối của tôn giáo, và một tổ chức chính quyền dựa trên sự phân quyền: hành pháp, lập pháp, và tư pháp. Tổ chức xã hội thì dựa trên nguyên tắc tự do thông tin và lập hội trong khuôn khổ pháp luật. Bản tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ nói tới bình đẳng giữa con người, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc… Đặc biệt ta cần chú ý là bản tuyên ngôn đó nói tới Đấng Tạo Hóa (Creator) chứ không gọi là Thượng Đế (God). Nguyên văn như sau: "We hold these truths to be self-evident that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness." Ngày nay người theo Đạo Gia Tô và Tin Lành chiếm đa số trên đất Mỹ nên danh từ Thượng Đế - God - với hàm ý là God của truyền thống Christianity được dùng thay vì danh từ Đấng Sáng Tạo. Tuy nhiên vì tổ chức chính quyền đã được tách rời khỏi sự chi phối của Tôn giáo nên nước Mỹ vẫn còn là nơi tự do tôn giáo rất được tôn trọng, có thể nói là tôn trọng nhất hiện nay trên thế giới, tôn trọng đến nỗi vì sợ mang giáo điều của một tôn giáo vào nhà trường người ta đã không cho dạy luân lý ở trường học. Ta thấy nước Mỹ đã đặt ra niềm tin rất rõ rệt: niềm tin rằng con người sinh ra bình đẳng, niềm tin vào một Đấng Sáng Tạo ban cho con người sự Sống, Tự Do, và mưu cầu Hạnh Phúc. Đó cũng là niềm tin của Anh quốc và phần lớn Âu Châu.

Đặt trên niềm tin đó tổ chức chính quyền của nước Mỹ dựa trên bầu cử tự do lại được chia ra: lập pháp, hành pháp và tư pháp để tự kiểm soát; bên cạnh đó lại thêm tự do báo chí và lập hội để giúp đỡ chính quyền trên con đường giúp nhân dân mưu cầu hạnh phúc.

Thực nghiệm của nước Mỹ cũng chỉ mới được hơn 200 năm, nhưng phối hợp với nhiều điều kiện đặc thù nước Mỹ ngày nay là nước có tiến bộ vật chất hơn hẳn các quốc gia khác. Nhưng đa số dân Mỹ có hạnh phúc không? Hạnh phúc là một khái niệm không thể đo lường, ta chỉ biết nước Mỹ cũng là nước có mức tội phạm cao nhất; mức ly dị cũng cao nhất nhì, cỡ 50% những người lập hôn thú, nhiều luật sư nhất, nhiều kiện tụng nhất… và thực nghiệm tách rời tôn giáo ra khỏi hiến pháp và luật pháp của nước Mỹ cũng vẫn còn trên con đường thử nghiệm. Dầu sao đại diện của dân vẫn là con người với tất cả nhu cầu về tâm linh và áp lực của các tôn giáo vẫn còn đè nặng trên các quyết định lập pháp hay hành pháp và tư pháp. Chúng ta thấy điều đó thể hiện trong các tranh cãi về phá thai hay tìm tòi thực nghiệm về gene…

Với sức mạnh lớn nhất về vật chất, nước Mỹ ngày nay đang truyền bá các tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền trên khắp thế giới. Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền, Bình Đẳng là những khái niệm tốt, cần trân trọng, nhưng chúng ta phải hiểu những tư tưởng đó do người Mỹ rao giảng là dựa trên điều tin xác quyết rằng con người là do Đấng Tạo Hóa, hay Thượng Đế tạo dựng ra. Quan trọng hơn nữa là chính nước Mỹ cần rao giảng các điều đó hơn ai hết trên đất nước họ, Bình Đẳng, Dân Chủ, Tự Do, Nhân Quyền… là những sợi chỉ giúp nối liền nhiều sắc dân sinh sống trên đất Mỹ. Những chữ đó theo nghĩa bóng chính là cái mà người ta gọi là melting pot.


Trung QuốcLịch sử Trung Quốc đã cho ta thấy niềm tin không vững vàng, hay niềm tin không thích ứng, không lý giải được nhu cầu của xã hội thì tai hại thật khốc liệt. Đó là thời Đông Chu liệt Quốc: từ thời Xuân thu, 722 trước tây lịch (BC), tới hết thời chiến quốc (256 BC), tổng cộng gần 500 năm. Khi nhà Châu đã không đáng làm vua nữa nhưng các chư hầu không tìm ra được một lý giải cho việc thay thế nhà Châu thì thiên hạ cứ quanh co, đánh nhau trong thế tranh dành làm Bá, không dám làm Vương vì không giám thay thế nhà Châu.

Trong thời đó Trung quốc đã trải nghiệm qua rất nhiều học thuyết, nào Quản Trọng với tổ chức và dựa vào lòng tham của con người đã cho tự do kinh doanh, kể cả kinh doanh nghề mãi dâm, miễn sao cho quốc gia giàu, (mọi người cứ làm ăn và nộp thuế cho Đảng của nhà Vua là đủ); hay Tôn Tử với ưu tiên về sức mạnh quân sự; Tô Tần, (nhà du thuyết chủ trương các nước nhỏ có thể liên minh để chống lại nước lớn); Mặc Địch (Chủ trương nhân ái là chính trong việc trị nước); hay Hàn Phi và Thương Ưởng với thuyết trọng pháp… nhưng tất cả chỉ mang lại thành công nhất thời và có khi người lập thuyết còn bị giết như Thương Ưởng (trọng pháp mà không có bình đẳng thì người làm luật sớm muộn cũng bị thành phần đứng trên luật pháp là Đảng của nhà Vua giết mà thôi)…

Tất cả các kinh nghiệm đó đã cho nước Tàu thấy giá trị phiến diện của các học thuyết thực dụng nhưng thiếu phần tâm linh, tính bao quát, tổng thể, cần thiết cho một xã hội rộng của Quốc Gia.

Ta phải đợi tới ba nhà học thuyết quan trọng nhất là Khổng Tử, Lão Tử và Trang Tử.

Lão Tử nói tới Đạo hay nguyên lý của vũ trụ (2) Trang Tử nói tới nguồn gốc loài người và muôn vật (3), Khổng Tử và các đồ đệ của người (Tuân Tử,Mạnh Tử…)đưa ra lý thuyết tôn quân và đồng thời xác định nghĩa vụ của nhà vua và tất cả mọi thành phần trong xã hội; sau một thời gian khi học thuyết đó được phổ biến cùng với học thuyết của Trang Tử, Lão Tử, Mặc Tử… thì Tần Thủy Hoàng mới thống nhất được nước Tàu, rồi nhà Hán lên ngôi và nền chính trị Quân chủ Chuyên chế mới tương đối ổn định từ đó. Ngoài thuyết trung dung thường được nói tới thì cái mới của Khổng Tử và đồ đệ của ông vào thời đó là cho phép người dân đánh đuổi ông vua đã không làm tròn bổn phận thiên định là an dân để lập vua mới mà không cần theo truyền thống. (4). Vua là con Trời nhưng dân mới là quý. Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử kết hợp lại đã xây dựng cho nước Tàu một niềm tin về vũ trụ từ khai thiên lập địa, về nguồn gốc con người sinh ra từ nguyên khí vũ trụ, về một niềm tin rất phổ quát về bổn phận từng người, từ vua tới dân, về vai trò của thi, thư, nhạc, lễ, về tôn ti trật tự cần thiết. Nước Tàu với quan niệm về vũ trụ và tâm linh như vậy đã là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của Phật giáo được du nhập vô từ Ấn Độ và phát triển mạnh dưới triều đại nhà Hán. Ta có thể nói vắn tắt rằng đó là một xã hội có nền tảng tâm linh dựa trên quan niệm Thần Linh, và Thần Linh đây không mang hình ảnh con người. Đó là Linh Khí vũ trụ, đó là Phật tính. Không có gì, không có “Ai” toàn năng cả nhưng con người có thể tiến tới trình độ sáng suốt tuyệt đối, thành Phật, có nghĩa là thoát ra khỏi vòng luân hồi đau khổ. Xã hội đó tôn trọng trật tự ở mức trật tự mang lại hạnh phúc cho người dân, xã hội đó tôn trọng Đạo Đức, Luân Lý; và đạo tâm là điều cần thiết cho hạnh phúc của người dân, hạnh phúc được đặt lên trên sự khai phá cái mới. Xã hội đó quan niệm: có cơ khí là phải có cơ tâm, mà cơ tâm thì làm hại đạo tâm.

Chỉ có Đạo Tâm mới đưa con người ra khỏi bến mê danh lợi để tới bờ hạnh phúc.

Trải qua thời gian, sự tiến triển của trí tuệ loài người, không gian sinh sống và xung đột giữa các quốc gia, nền tảng niềm tin đó có sự thay đổi, như Phi Luật Tân từ đa số dân theo đạo Hồi Giáo tới 90% theo Gia Tô Giáo thời 1945, hay Đại Hàn từ đại đa số theo Phật Giáo tới nay có trên 35% theo Tin Lành Giáo, hay Pháp từ một quốc gia theo Gia Tô Giáo ngày nay số người đi lễ nhà thời còn lại rất ít mặc dầu niềm tin của đa số dân Pháp vẫn là tin ở một Thượng Đế sáng tạo ra vũ trụ. Âu châu, Đức và Pháp có nhiều tư tưởng gia đã tuyên bố Thượng Đế đã chết, (Hiểu giản dị là không có Thượng Đế) đại diện cho khuynh hướng đó là nhà triết học Friedrich Nietzsche, 1844-1900, nhưng đó chỉ là các biện luận triết học và cũng không được trình bày như là một niềm tin, một mặc cảm biết chắc như Khổng Tử, Lão Tử hay Trang Tử.


Nền tảng niềm tin của Việt Nam ?Sau trên 100 năm nô lệ và chiến tranh, bây giờ là lúc cần rà soát lại nền tảng niềm tin của chúng ta và rồi trên đó chúng ta mới hy vọng xây dựng được một Quốc Gia đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân sinh sống trên giải đất hình chữ S.

Nền tảng niềm tin của chúng ta đã được thành hình như thế nào? chúng ta phải làm mới cái cũ như thế nào? Và có cần thêm gì nữa nếu cần thêm? Điều vẫn thường được nói tới như: truyền thống văn hóa, là cái gì? Thần Thành Hoàng và Đạo thờ Ông bà có từ bao giờ? Hiện tại đa số dân VN đang theo đạo Phật, dân VN hiểu đạo Phật như thế nào? nó hòa hợp thế nào với việc thờ thần Thành Hoàng và thờ Ông Bà. Sợ hãi cái vô cùng của vũ trụ, sợ hãi cái gọi là Thần Linh hay là Thần là sợ hãi có thực.Thuyết duy vật và duy vật biện chứng thì mọi người thấy là nó đã sai rồi; vậy thì xã hội chủ nghĩa như thế nào trong khung cảnh Thần Thành Hoàng, bàn thờ Ông Bà và Đạo Giáo, (Đạo Phật, Gia Tô Giáo, Tin Lành Giáo…)? Đó toàn là các câu hỏi có thể không bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, hay ít nhất chúng tôi không thể đưa ra câu trả lời mà chúng tôi vừa ý.

Sử sách không chép việc thờ cúng Ông Bà có từ bao giờ; cũng không kể rằng việc thờ Thần Thành Hoàng có từ bao giờ mà chỉ nói về lịch sử đình trạm, đền thờ võ quan đầu tiên được kể trong sử là đền thờ Đức Phù Đổng, thời vua Hùng Vương thứ VI, sau nầy được vua Lý Thái Tổ phong làm Thần. Chúng ta cũng đã biết văn hóa Trung Quốc khi đã định hình (sau thời xuân thu chiến quốc) và đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam trong thời chúng ta bị bắc thuộc lần thứ hai (từ 43 đến năm 544). Tuy nhiên kể từ thời tự chủ, từ Ngô Quyền (939) tới nay VN đã thành công vượt qua nhiều lần thử thách từ chống ngoại xâm tới mở mang bờ cõi, tới chống thiên tai hạn hán lũ lụt…, thì đương nhiên chúng ta đã phải có một nền tảng tâm linh vững chắc, một nền văn hóa giúp chúng ta giữ vững nền độc lập và một nếp sống đã thích hợp với đa số dân chúng.

Nếp sống đó: mỗi gia đình có một bàn thờ Ông Bà, mỗi làng có một đình để thờ thần Thành Hoàng của làng, đa số làng lại có chùa thờ Phật, nhà Vua lại theo lễ nghi Tế Trời Đất theo Khổng Tử và các nhà văn hoá Trung Quốc.

Nước Việt Nam ta sao có lắm Thần vậy?

Thần ở mỗi nhà, Thần của mỗi làng, đa số dân lại thờ Ông Phật Thích Ca Mầu Ni, Bà Phật Quan Âm Thị Kính…, Ông Vua lại theo lễ nghi bên Tàu hàng năm có tế Trời Đất theo ông Khổng Tử.

Trộm phép các cụ xưa: đây là một mớ bòng bong hổ lốn hay sao? Thần từ nhà Thần ra tới ngõ, chỉ nhân danh các Thần, Thần của ta hơn Thần của người cũng đủ để đánh nhau, đủ loạn rồi, làm sao có đoàn kết để thành công trên tám, chín lần chống ngoại xâm?

Và tại sao chúng ta du nhập rất nhiều điều lễ nghĩa từ Trung Quốc, (bị đô hộ cả ngàn năm) rồi đạo Phật, Khổng giáo… vậy mà chúng ta vẫn có tinh thần độc lập rất cao?

Chỉ có một cách giải thích đúng: dân VN thờ Thần Linh, chứ không phải là thờ Thần được khoác hình ảnh một con người trần tục. Quan niệm Thần Linh trên căn bản không khác gì bên Trung Quốc, cái khác là ở VN mỗi làng đều có thờ Thần Thành Hoàng.

Có thể nói chúng ta thờ Ông Bà là để nhớ tới tình thân yêu, bao bọc của Bố Mẹ. Chúng ta đặt bàn thờ Ông Bà là mong Linh Khí Ông Bà phù hộ, giúp đỡ chúng ta, giúp chúng ta vượt qua các sợ hãi trong cuộc sống, (Sợ hãi về tâm lý hay vật chất thiếu đủ) Vì lúc đứng trang nghiêm trước hưng khói bàn thờ chúng ta cảm nhận được khái niệm sống ở chết về. Về với Ông Bà Làng Xóm, về với Linh Khí tràn đầy trong trời đất.

Thần Thành Hoàng biểu tượng Thần Linh của làng cũng có vai trò như bàn thờ Ông Bà của mỗi gia đình, hơn nữa Thần Thành Hoàng còn đóng vai trò trung gian cần thiết nối liền giữa gia đình và Quốc Gia. Đào Duy Anh viết: "Tế tự ở hương thôn thì có sự thờ thần Thành Hoàng, thờ thổ địa và thờ Phật. Làng nào cũng có một cái nhà chung vừa là nơi thờ thần, vừa là nơi tụ hội của dân. Đối với dân làng, thần Thành Hoàng là biểu hiệu của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp lệ cùng hy vọng chung của cả làng, lại cũng là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho hương thôn thành một đoàn thể có tổ chức và hệ thống chặt chịa" (5)

Quan niệm thờ Thần Linh của dân tộc VN đã đi từ đơn vị gia đình tới làng xóm rồi mới tới Quốc Gia, đã hòa hợp với đạo Phật, với Vua, với Thượng Đế sinh ra Vua; tất cả đều là Thần Linh và dân VN thờ Thần Linh. Chỉ giải thích như vậy chúng ta mới hiểu vì sao có nhiều thần Thành Hoàng, các thần Thành Hoàng lại đi từ con người với muôn vẻ khác nhau, có võ quan nam, nữ, đã có công với đất nước, có ân nhân của làng, có thường dân, có Ông tổ nghề nghiệp của làng, có cá Voi và Hổ, có cả kẻ trộm, lại có cả dâm thần. (6)

Thần Thành Hoàng họp lại đủ đại diện cho xã hội Sống của con người VN. Chúng ta thờ Linh Khí của xã hội đó, thờ Khí Thiêng Sông Núi.

Mỗi làng VN đã là một tụ điểm chống quân xâm lăng (7) thì đình làng và Thần Thành Hoàng, và phần nào nơi ca dao tục ngữ (8) đã giúp dân tộc VN gìn giữ nếp sống tâm linh, văn hóa để không bị đồng hóa cho dầu qua cả ngàn năm bị đô hộ.

Thờ Ông Bà, Thần Thành Hoàng, Đạo Phật và Nho Giáo…với dân tộc VN đều là Thần Linh tất cả đã là nền tảng tâm linh của VN và đã giúp cá nhân vượt qua sự sợ hãi thiên nhiên, sợ hãi cái vô cùng của vũ trụ; giúp Quốc Gia giữ gìn Độc Lập và phát triển bờ cõi từ thời tự chủ từ Ngô Quyền, qua thời gian ngắn Pháp thuộc, cho tới ngày nay.

Ngày nay thời thế đã khác, nền tảng tâm linh (Tôn Giáo niềm tin, triết học, văn hóa) cũng phải có cái khác xưa hay được giải thích khác xưa cho hợp đạo lý và khoa học, dầu sao nền tảng tâm linh phải là điều rất quen thuộc với đa số dân chúng sống trong quốc gia, nó phải đủ rộng để bao dung được các khuynh hướng khác nhau về tín ngưỡng, nó phải đủ sức vừa đem lại đoàn kết trong Quốc Gia, vừa bảo đảm được tính độc lập cần thiết, vừa đủ cung cấp cho tất cả các thành viên trong quốc gia một nơi ẩn trú cho tinh thần, cho niềm sợ hãi về tâm linh cũng như về vật chất, vừa giúp cho ý trí tiến thủ, giúp cho ý muốn mưu cầu hạnh phúc.

Nó phải là cái nôi nuôi dưỡng con người thời thơ ấu; là tình thương, là đường đi cho con người trưởng thành, an ủi giúp đỡ nó trong những trường hợp thất thế, không may mắn; nó phải là nơi cuối cùng để trở về.


Kết luậnTrong Lý Giải mà quốc gia phải đưa ra cho dân chúng thì phần nền tảng tâm linh có thể coi như cơ bản để từ đó luật pháp và cơ cấu tổ chức hành chánh, xã hội được thiết lập để phục vụ cho toàn dân trên con đường đi tìm hạnh phúc. Nước Mỹ chỉ bằng một câu khởi đầu trong tuyên ngôn Độc Lập là đã xác định được, nước Tàu phải trải qua vài trăm năm với thực nghiệm và bàn luận của bách gia chư tử, và vài ông Thánh. Công việc dễ thì thật dễ mà khó thì cũng vô cùng khó như thế đó nên chúng tôi xin chấm dứt ở đây và xin hẹn trong bài tới sẽ nói về vấn đề tổ chức cùng các danh từ thời thượng: Bình Đẳng, Nhân Quyền, Dân Chủ và Tự Do.

Hà Dương Dực

Cước chú:

1/ Hướng Đạo là một tổ chức cho thanh thiếu niên đươc Trung Tướng, Lt General, người Anh tên là Robert Baden-Powell thành lập năm 1907, đến nay đã có khoảng 38 triệu đoàn viên trên 216 quốc gia. Lời hứa của Hướng Đạo cũng đã được thanh đổi tùy theo hoàn cảnh từng nước và từng thời. Lời hứa của HĐ VN cũng đã thay đổi nhiều, tuy nhiên phần sau của lời hứa là làm các công tác giúp ích xã hội và mười điều luật của HĐ là không thay đổi. (Đại khái có: Giữ gìn danh dự, trong sạch, thành tín. Làm bạn với tất cả mọi người, thương yêu thú vật…)

2/ Trong quyển Lão Tử tinh hoa Nhà sách Sống Mới xuất bản trang 41 tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết: Đạo là gì? Có lẽ Lão Tử là người đầu tiên trong các triết gia Trung Quốc đã dùng chữ Đạo để chỉ cái Nguyên-Lý Tuyệt-Đối của Vũ Trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa, không sinh, không diệt, không tăng, không giảm. Đạo có thể quan niệm dưới hai phương diện: Vô và Hữu. Vô, thì Đạo là Nguyên lý của Trời Đất, Nguyên-lý vô-hình. Hữu thì Đạo là Nguyên-lý hữu-hình, là Mẹ sinh ra vạn vật: vô-danh thiên-địa chi-thủy; hữu-danh vạn-vật chi-mẫu.

3/ Trong sách Trang Tử Nam hoa Kinh bản dịch của Nhượng Tống do nhà xuất bản Văn Học, 18 Nguyễn trường Tộ, Hanoi, in năm 2001; trang 185 viết: Giống có mấy? Gặp nước thì là ruốc; gặp chỗ nước lẫn đất thì là rêu; sinh ở gò đống thì là má đề; được đất tốt thì là chân quạ. Rễ chân quạ là sâu đất; lá nó là bướm bướm. Trứng bướm bướm nở thành sâu, sống dưới bạp. Hình nó như lột. Tên nó là cú xuyết. Cú xuyết nghìn ngày hóa làm chim, tên nó là can dư cốt. Dãi can dư cốt hóa làm tư di. Tư di hóa làm thực ê sinh ra di lạc. Cửu du sinh ra hoàng nghê. Cỏ mục sinh ra đom đóm. Dương hề bám vào gốc tre lâu không nẩy măng thì sinh ra sâu thanh ninh. Thanh ninh sinh trình. Trình sinh ngựa. Ngựa sinh người. Người lại trở lại vào máy. Muôn vật đều từ máy, đều vào với máy.

4/ Trong sách “Lương huệ Vương” hạ thiên, Mạnh Tử trả lời Tề Tuyên Vương rằng đuổi một ông vua tàn bạo thì cũng như đuổi một kẻ thất phu. Cũng trong cuộc bàn luận nầy Mạnh Tử cho rằng giết người bằng chính sách cai trị độc ác thì tội nặng hơn là giết người bằng gươm giáo.

5/ Trang 207 sách Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh, nxb Sống Mới

6/ Xin đọc Hội Hè Đình Đám của Toàn Ánh

7/ Phan Huy Lê sách Tìm Về Cội Nguồn tập II trang 119-394 nxb Thế Giới 1999.

8/ Theo Trương Tửu trong Kinh Thi Việt Nam nxb Liên Hiệp 1950.