ĐẠI BIỂU CHÁNH PHÁP - KINH LĂNG NGHIÊM
Hòa Thượng Tuyên Hoá (Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông) giảng vào năm 1983


Kinh Lăng Nghiêm là kinh được dùng như kính chiếu yêu quỉ trong Phật giáo. Tất cả các loại thiên ma, ngoại đạo và các loại ma quỉ ly, mỵ, vọng lượng đều tự phơi bày chân tướng khi gặp phải Kinh Lăng Nghiêm. Chúng không có cách nào che dấu và cũng không có chỗ để chạy trốn. Trong quá khứ, khi Đại sư Trí Giả nghe thấy có sự hiện hữu của kinh này, ngài hướng về nước Ấn Độ lễ lạy suốt mười tám năm. Trong mười tám năm đó, ngài dùng tâm chân thành tột bực để cầu nguyện Kinh này sẽ dược truyền bá đến Trung Hoa.

Trong tất cả những vị cao tăng thạc đức trong quá khứ, tất cả những tăng ni trí tuệ cao thượng, không có một vị nào mà không ca tụng kinh Lăng Nghiêm. Vi vậy, hễ Kinh Lăng Nghiêm còn tồn tại trên thế gian này, thì Phât Pháp còn tồn tại. Nếu Kinh Lăng Nghiêm bị hủy diệt thì Phật Pháp cũng sẽ bị hủy diệt theo. Phật Pháp sẽ suy tàn như thế nào ? Đó là khi Kinh Lăng Nghiêm bắt dầu bị hủy diệt. Ai sẽ hủy diệt Kinh Lăng Nghiêm ? Những thiên ma ngoại đạo sẽ hủy diệt kinh Lăng Nghiêm. Chúng thấy kinh Lăng Nghiêm giống như cây đinh trong mắt của chúng, như cây gai nhọn trong thớ thịt của chúng. Chúng không thể ngồi yên, hay đứng yên, mà sẽ tìm cách tạo ra một tà thuyết mới cho rằng Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo.

Là Phật tử, chúng ta nên nhận biết đạo lý chân thật. Mỗi chữ giáo pháp trong kinh Lăng Nghiêm đều là tuyệt đối chân thật, hông một chữ nào không diển bày chân lý. Vì vậy hiện tại chúng ta đang nghiên cúu phần Năm Mươi Ấm Ma, chúng ta càng nên nhân thức kinh Lăng Nghiêm quan trọng như thế nào. Kinh Lăng Nghiêm là kinh mà các loại tà ma, quỉ, yêu tinh sợ nhất.

Hòa Thượng Hư Vân sống đến 120 tuổi, và trong suốt cuộc đời của mình, ngài đã không viết chú giải cho bất cứ một kinh nào khác ngoại trừ kinh Lăng Nghiêm. Ngài đặc biệt cẩn thận giữ gìn những bản thảo chú giải của mình về kinh Lăng Nghiêm. Ngài giữ gìn những bản thảo này qua nhiều thập niên, nhưng sau đó chúng đã bị mất trong biến cố Vân Môn. Đây là việc khiến Hòa Thượng Hư Vân ân hận nhất trong đời. Ngài đề nghị rằng, là người xuất gia, chúng ta nên nghiên cứu học kinh Lăng Nghiêm cho đến mức mà chúng ta có thể tụng đọc thuộc lòng Kinh từ đầu đến cuối cũng như từ cuối lên đầu, xuôi ngược đều thuộc. Đó là đề nghị của ngài. Tôi biết rằng, suốt cuộc đời ngài, Hòa Thượng Hư Vân đã xem Kinh Lăng Nghiêm đặc biệt quan trọng.

Khi có người cho Hòa Thượng Hư Vân biết rằng có những người cho Kinh Lăng Nghiêm là giả tạo, ngài giảng giải rằng sự suy đồi của Phật pháp xảy ra chỉ vì những người này đã tìm cách cho rằng mắt cá là ngọc trai, làm mê lầm người khác khiến họ không phân biệt được đúng sai. Họ làm cho chúng sanh mù quáng đến nỗi không còn nhận thức được Phật pháp. Họ cho thật là giả, cho giả là thật. Hãy nhìn xem: người này viết một quyển sách và mọi người đều đọc, người kia viết một quyển sách và mọi người cũng đều đọc. Còn Kinh thật do chính Phật nói thì nằm trên kệ sách, không ai từng đọc đến. Từ điều này, chúng ta có thể thấy rằng nghiệp của chúng sanh rất nặng. Nếu họ nghe điều tà tri tà kiến, thì sẵn sàng tin liền. Còn nếu quý vị nói Pháp dựa trên chánh tri chánh kiến, thì họ sẽ không tin theo. Tại sao họ không tin theo ? Vì họ không có đủ thiện căn và nền tảng tốt. Đó là lý do vì sao họ có sự nghi ngờ đối với Chánh pháp. Họ luôn hoài nghi và không muốn tin.

Ở đây tại Vạn Phật Thành, chúng ta sẽ lập Lăng Nghiêm Đàn Tràng, như thế sẽ là nơi lý tưởng cho những ai muốn phát tâm đọc tụng Kinh Lăng Nhiêm mỗi ngày một hay hai tiếng đồng hồ. Quý vị có thể học Kinh Lăng Nghiêm hằng ngày như đang học ở trường học, và học thuộc lòng để quý vị có thể tụng từ trí nhớ. Nếu quý vị có thể tụng từ trí nhớ Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa hay ngay cả Kinh Hoa Nghiêm, thì đó là điều tốt nhất. Nếu có người nào có thể thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa và Kinh Hoa Nghiêm, thì điều này có nghĩa rằng vẫn còn Chánh pháp tồn tại trên thế gian này. Vì vậy, tại một nơi kỳ diệu như Vạn Phật Thành, mọi người nên phát tâm Bồ đề làm những việc này. Không phải rằng chúng ta tranh nhau, nhưng chúng ta nên trở thành kiệt xuất, vượt lên đám đông, để làm những việc này.

Trong quá khứ, tôi có một uớc vọng: Tôi muốn có thể tụng thuộc lòng kinh Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa. Ở Hồng Kông, có một môn đệ tên Quả Nhất (Hằng Định) có thể tụng thuộc lòng Kinh Lăng Nghiêm. Tôi dạy ông ta học Kinh Pháp Hoa, nhưng cuối cùng có lẽ ông ta vẫn chưa học thuộc hết, đó là điều rất đáng tiếc. Ở một nơi tốt đẹp như chúng ta đang có ở đây, tất cả quý vị nên phát đại quyết tâm học kinh Phật và giới luật - Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Tứ Phần Luật và Kinh Phạm Võng - cho đến quý vị thuộc lòng. Đó là điều tốt đẹp nhất vì lúc đó Chánh Pháp chắc chắn sẽ còn tồn tại rất lâu trên thế gian này .

--------------------

CÓ CHÚ LĂNG NGHIÊM LÀ CÓ CHÁNH PHÁP
Giảng: Hòa Thượng Tuyên Hóa

Tên của Chú Lăng Nghiêm là “Ma Ha Tát Đát Đa Bát Đát La Vô Thượng Thần Chú”. “Ma ha” là tiếng Phạn, dịch nghĩa là lớn – thể, tướng và dụng đều lớn. “Thể,” khắp mười phương, tận hư không khắp Pháp Giới là đại dụng của Chú. Nói đến “tướng,” Chú này không có tướng, Chú thì có tướng gì chứ? Tuy nhiên, Chú này là “vô tướng” nhưng lại không “vô tướng.” Cũng có thể nói Chú không có “dụng” gì, nhưng không có gì là không “dụng,” tận hư không khắp Pháp Giới không có gì là không “dụng.” “Dụng” này là đại dụng, “tướng” là đại tướng, “thể” là đại thể, đây chính là ý của “Ma Ha.”

“Tát Đát Đa” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là “màu trắng” (bạch sắc), cũng có nghĩa là “thanh tịnh,” tức là không bị nhiễm ô. Cho nên nói:

Tướng mà dứt tuyệt mọi ô nhiễm được gọi là “trắng.”

(Tướng tuyệt chư nhiễm viết “bạch.”)

Chú Lăng Nghiêm là pháp “bạch tịnh”—một thứ pháp thanh tịnh, không ô nhiễm.

“Bát Đát La” cũng là tiếng Phạn, dịch nghĩa là cái lọng (tản cái). Đây là một tỷ dụ, Chú Lăng Nghiêm ví như một cái lọng báu dùng để che mát cho vạn vật, che chở cho tất cả những người có đức; ai có đức hạnh thì người đó có thể gặp được pháp này, người không có đức hạnh thì không thể nào gặp được pháp này. Cho nên nói:

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài.”

Có một số người nhất định cho rằng “ba thứ ánh sáng (tam quang)” là ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao. Mặt trời, mặt trăng, ngôi sao là ba ánh sáng ở bên ngoài. Quý vị trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì ba nghiệp thân khẩu ý đều phóng hào quang – trên thân có thân quang, trong miệng có khẩu quang, trong tâm có tâm quang. Quý vị đã từng nghe nói về điều này chưa? Đây là quý vị được nghe điều chưa từng nghe, thấy điều chưa từng thấy vậy.

Hào quang từ trên thân phóng ra là hoàng quang (ánh sáng màu vàng); khi quý vị tu thành công rồi thì nó biến thành kim quang (ánh sáng màu vàng kim). “Kim quang vạn đạo” tức là hàng vạn luồng ánh sáng màu vàng kim. Quý vị bắt đầu tu Chú Lăng Nghiêm thì trên thân có ánh sáng màu vàng nhạt, lâu ngày chày tháng, lại biến thành màu vàng kim. Cho nên nói muôn ánh sáng màu vàng tía đầy khắp Pháp Giới, đây đều là nhờ tu Chú Lăng Nghiêm mà thành tựu được.

Ánh sáng phóng ra từ miệng là ánh sáng màu đỏ (hồng quang), ánh sáng từ trong tâm phóng ra là màu trắng (bạch quang). Nhưng có lúc, trong miệng cũng phóng ra ánh sáng màu vàng (hoàng quang), có lúc lại phóng ra ánh sáng màu xanh (thanh quang), có lúc lại phóng ra ánh sáng màu đen (hắc quang). Có lúc thì lại phóng ra ánh sáng đủ các màu sắc – xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, nhưng đây đều phải tu thành mới được.

“Bát Đát La” ví như cái lọng lớn màu trắng che chở cho tất cả những chúng sanh có đức, những chúng sanh thọ trì Chú Lăng Nghiêm. Cho nên nói:

“Tam quang phổ chiếu thấu tam tài” (tam quang chiếu khắp tận tam tài.) “Tam tài” tức là trời, đất, và con người.

“Diêm phù thế giới thủ bất lai” (đi khắp cõi Diêm Phù mà không tìm thấy.) Ở cõi Diêm Phù quý vị tìm khắp mọi nơi mà tìm không ra; nhất định phải thọ trì Chú Lăng Nghiêm mới có thể có được loại hào quang này.

“Đại đức đại thiện năng ngộ đắc” (đại đức, đại thiện, mới được gặp.) Phải là người có đức hạnh lớn, có thiện tâm lớn, mới có thể gặp được pháp môn này.

“Vô đức vô thiện bất minh bạch” (vô đức, vô thiện, chẳng hiểu được.) Người không có đức hạnh, không hiền lương, không có thiện công đức, thì không thể nào hiểu được. Nếu quý vị không có đức hạnh, không có công đức thiện lành, thì cho dù quý vị có gặp được rồi, thì cũng sẽ để vuột qua ngay trước mắt, bị lỡ mất cơ hội mà thôi. Quý vị nhìn thấy vàng lại cho đó là đồng thau, nhìn thấy kim cương lại ngỡ là thủy tinh, nhìn thấy Chú Lăng Nghiêm lại cho rằng đó chẳng qua cũng là thứ rất tầm thường, không đáng gì cả, chẳng biết đó là quý báu, không biết được sự vi diệu của nó, không biết rằng công đức của Chú Lăng Nghiêm là không thể nghĩ bàn!

“Tâm quang” tức là ý niệm, là thức thứ sáu. Nhưng nếu quý vị không chịu tu hành, thì diệu dụng gì cũng không có được, nếu siêng năng tu hành thì sẽ phóng hào quang. Hào quang vừa nói đến, vẫn không phải chỉ ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh thì phóng ra ánh sáng thanh tịnh, mà còn có hồng quang chung quanh. Quý vị tụng Chú Lăng Nghiêm thì tự nhiên sẽ có hào quang màu đỏ bao quanh thân của quý vị, cho nên nói:

“Thiên đóa hồng liên hộ trụ thân” (ngàn đóa sen hồng che chở quanh thân). Hoa sen hồng phóng ra ánh sáng màu đỏ.

“Tọa câu kỵ trước mặc kỳ lân” (ngồi trên mình con kỳ lân đen).- Trong thời đại khoa học này mà nói như vậy e rằng sẽ bị người học khoa học chê cười đến rớt cả răng. Nhưng như vậy cũng tốt, nếu không cười rớt răng, ngày ngày cứ ở đó mà khoa học, khoa học mãi.

“Vạn yêu nhất kiến vãng viễn đóa” (hàng vạn yêu tinh trông thấy liền chạy trốn). Bất cứ yêu ma quỷ quái gì hễ trông thấy tướng oai đức của pháp thân được “thiên đóa hồng liên hộ trụ” này thì đều “chạy trốn ra xa.”

“Tế Công Pháp sư hữu diệu âm” (Pháp sư Tế Công có diệu âm). Lúc tụng Chú Lăng Nghiêm lại có ánh sáng màu tím đẹp đẽ, ánh sáng màu trắng xoay tròn. Vì sao hễ vừa tụng Chú Lăng Nghiêm, thì yêu ma quỷ quái không dám xuất hiện? Bởi vì Chú có năng lực lớn quá, khắp cả Pháp Giới hư không, nơi nào cũng chan hòa ánh sáng an lành, và có khí lành bao phủ. Cho nên, có người tụng Chú Lăng Nghiêm chính là bổ sung thêm chánh khí chưa đủ cho trời đất – một người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có năng lượng của một người, trăm người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có năng lượng của một trăm người, nhờ đó yêu ma quỷ quái trên đời đều sẽ trở nên hiền lành, ngoan ngoãn.

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các chú, cũng là chú dài nhất trong các chú. Chú này liên quan đến sự hưng suy của toàn Phật Giáo, trên đời nếu không còn một người nào biết niệm Chú Lăng Nghiêm, thì thế giới này sẽ nhanh chóng bị hủy diệt, vì trên đời không còn có Chánh Pháp nữa. Chỉ có Kinh Lăng Nghiêm và Chú Lăng Nghiêm là bộ kinh và chú quan trọng nhất trong Chánh Pháp. Đức Phật tuyên thuyết Kinh Lăng Nghiêm là để nói ra Chú Lăng Nghiêm, là giải thích Chú Lăng Nghiêm, tán thán Chú Lăng Nghiêm. Trong Kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn nói về phương pháp kết đàn rất tỉ mỉ, nếu quý vị muốn hiểu biết cho tường tận, có thể tìm xem đoạn kinh văn này.

Chú Lăng Nghiêm còn được gọi là “Phật Đảnh Quang Minh,” là do hóa thân trên đảnh Phật tuyên thuyết, cho nên là pháp vi diệu không thể nghĩ bàn. Mỗi một câu có mỗi một công dụng riêng, mỗi chữ có mỗi sự áo diệu khác nhau, thảy đều không thể nghĩ bàn. “Phật đảnh quang minh” chính là biểu thị năng lực của chú có thể phá trừ tất cả tối tăm, hắc ám, đồng thời có thể thành tựu mọi công đức. Nếu quý vị có thể thọ trì Chú Lăng Nghiêm, tương lai nhất định sẽ được thành Phật, nhất định sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. (Không nhìn chú văn mà vẫn có thể đọc được thì gọi là “tụng”; nhìn vào chú văn mà đọc thì gọi là “đọc.”) Nếu quý vị có thể thường xuyên tụng niệm Chú Lăng Nghiêm, thì sẽ khiến cho nghiệp chướng đời trước được tiêu trừ. Đây là diệu dụng của Chú Lăng Nghiêm.

Thế nào gọi là “vô”? Vô cùng cao minh. “Cao minh vô cực,” sáng đến cực điểm rồi, không có gì chiếu sáng hơn ánh sáng này nữa. “Thượng” là tôn quý, trên cao, không gì sánh bằng, không có gì tôn quý hơn, cao cả hơn điều này được. “Thần” chính là không thể nghĩ bàn, cũng chính là ý nghĩa uy linh khó lường. “Chú” chính là “cảm ứng đạo giao,” nó có một loại năng lực, quý vị niệm chú liền có cảm ứng.

-----------------------------------

Các bạn hãy vào các link sau đây để nghe đọc giảng giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa bộ Kinh Lăng Nghiêm trọn bộ 7 tập:

Tập 1: https://youtu.be/l-tD1xKCaO4
Tập 2: https://youtu.be/0NG1fpBiZcc
Tập 3: https://youtu.be/O3nW8bqnVns
Tập 4: https://youtu.be/0wqbmdqFG4g
Tập 5: https://youtu.be/9fLOlMa09NU
Tập 6: https://youtu.be/0CSwVMpCdwg
Tập 7: https://youtu.be/5en9NmBZ0v0

Và đây là các link trọn bộ đủ 5 tập nghe đọc giảng giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa về Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm:

Tập 1: https://youtu.be/YLE7NkNGBX4
Tập 2: https://youtu.be/VUtqk73l1_o
Tập 3: https://youtu.be/UFM9b8OEhXU
Tập 4: https://youtu.be/sGHcXG2fx9Y
Tập 5: https://youtu.be/GXpOI0NA_ek

Bạn nào thích đọc hơn nghe thì vào link này có đầy đủ tài liệu giảng giải Kinh Thủ Lăng Nghiêm và Chú Thủ Lăng Nghiêm của Hòa Thượng Tuyên Hóa:

https://drive.google.com/drive/mobil...usp=drive_open