Dịch tiếng Việt, tổng hợp và soạn lại từ các bài giảng của Đức Phật và các chú giải liên quan.

Vì mình chủ trương dùng ngôn từ dễ hiểu cho tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ mới tiếp cận tới Phật Pháp, nên những phần dịch trong bài viết này xử dụng nhiều từ ngữ phổ thông, bình dân và hạn chế những từ Hán-Việt. Nếu có ai thấy khó chịu mong bỏ qua cho. "Y nghĩa bất y ngữ".

Không giới hạn tôn giáo hoặc giới tính, ai tập cũng được. Thiền sinh cần là một người bình thường, có sức khỏe ổn định và không mắc các hội chứng tâm lý. Đây là một thói quen lành mạnh chứ không phải một phương pháp chữa bệnh, nếu bạn bị trầm cảm hoặc tâm thần thì tốt nhất nên đi gặp bác sĩ.

--------
Mục lục:
I. Lợi ích
II. Điều kiện cần để bắt đầu
III. Tư thế ngồi
IV. Chi tiết các bước
--- 0. Đếm hơi thở
--- 1. Quan sát cơ thể
--- 2. Quan sát cảm giác
--- 3. Quan sát tâm lý
--- 4. Quan sát hiện thực
--- 5. Thiền đi bộ
--- 6. Ăn ngủ điều độ
--- 7. Bảo vệ các giác quan

Phụ lục:
V. Mục tiêu cuối cùng
VI. Các tầng thiền định (Jhana) - chỉ để tham khảo
--- 1. Tầng thiền đầu tiên (1st Jhana)
--- 2. Tầng thiền thứ hai (2nd Jhana)
--- 3. Tầng thiền thứ ba (3rd Jhana)
--- 4. Tầng thiền thứ tư (4th Jhana)
--- 5. Không gian vô biên (Infinity of Space)
--- 6. Ý thức vô hạn (Infinity of Consciousness)
--- 7. Hư không (Nothingness)
--- 8. Không phải có nhận thức, cũng không phải là không có nhận thức (Neither Perception nor Non-perception)
--- 9. Tan biến (Cessation)

VII. Hiệu ứng phụ - không quan trọng
--- 1. Nhớ lại các đời sống quá khứ
--- 2. Nhìn thấy những sinh vật vô hình và các thế giới khác
--- 3. Các hiệu ứng khác
--- 4. Lời khuyên

VIII. Tài liệu tham khảo (tiếng Anh)
--------

.
I. Lợi ích:

- Là một thói quen lành mạnh, tốt cho cả cơ thể, trí não và tâm hồn. Có tiềm năng thay thế hoàn toàn tất cả các thói quen đốt thời gian vô ích. Mang lại lợi ích lâu dài và vững bền cho thiền sinh.

- Giảm dần các tính chất xấu (tham lam, sân hận, si mê, đố kị, sợ hãi, tính hung dữ, thiếu tập trung...), tăng cường các phẩm chất tốt (rộng lượng, bình tĩnh, tỉnh táo, cảm thông, kiên định, lòng vị tha, sự tập trung...).

- Thường thì nhiều người nghĩ ngồi thiền sẽ bị tẩu hỏa, ma nhập hay thần kinh các kiểu, nhưng phương pháp thiền này là hoàn toàn vô hại, vì chỉ là quan sát hơi thở, được Đức Phật trực tiếp giảng dạy các đây 2500 năm, hiện nay được luyện tập ở khắp mọi nơi trên thế giới.

- Còn nhiều mà mình kể không hết, bạn tập một thời gian sẽ tự thấy được.

.
II. Điều kiện cần để bắt đầu:

- Có một cuộc sống tương đối thanh thản, bằng cách không vi phạm các chuẩn mực tối thiểu sau đây dù dưới bất cứ lý do gì, cho dù là tự mình làm, khuyến khích người khác làm, chấp nhận cho người khác làm hoặc khen ngợi những việc làm đó:
+ Không giết chóc hoặc hãm hại sinh vật khác, không tự tử.
+ Không dâm dục quá độ (VD: ngoại tình, cưỡng dâm, thủ dâm).
+ Không trộm cướp dưới mọi hình thức.
+ Không nói dối dưới mọi hình thức, hạn chế nói lời chia rẽ, nói tục hoặc nói nhảm.
+ Không dùng rựu, bia, cần, cỏ hoặc các chất kích thích - gây nghiện khác.

- Sắp xếp được 1 khoảng thời gian để ngồi thiền, dù là 5 phút cũng được nhưng cần sự kiên trì, không phải ngồi được 1 2 hôm rồi bỏ. Từ từ khi thiền định phát triển thì sẽ tự động ngồi được lâu hơn.

.
III. Tư thế ngồi

- Ngồi thế nào cũng được, miễn thấy thoải mái, ổn định để ngồi được lâu. Nhưng mà phải thẳng lưng một cách tự nhiên, không dựa lưng vào bất cứ đâu, không gồng và thư giãn. Tay và vai thả lỏng xuống lòng, kẹp sát cánh tay vào hai hông, tránh để hai tay làm dáng ở hai gối như các hình trên mạng vì như vậy ngồi lâu sẽ mỏi.

- Một điều nữa là nên ngồi sao cho diện tích tiếp xúc của chân với nền là to nhất để giảm áp lực lên các khớp, các phần xương lồi và cơ. Người mới tập nên tránh ngồi kiểu kiết già vì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến khớp gối và khớp bàn chân (theo lời khuyên của một số bác sĩ chỉnh hình).

.
IV. Chi tiết các bước

--- 0. Đếm hơi thở

- Trong thời gian ngồi thiền, tạm thời gác lại quá khứ, tạm thời không suy nghĩ chuyện tương lai, vì quá khứ thì đã qua rồi, tương lại thì chưa tới. Làm như vậy là để nhẹ đầu và thư giãn. Ưu tiên hàng đầu lúc này là tập trung vào việc ngồi thiền.

- Để ý vào một chỗ duy nhất: hai lỗ mũi nơi không khí ra vào. Khi hít vào thì biết mình đang hít vào, khi thở ra thì biết mình đang thở ra.

- Bắt đầu quá trình đếm. Mỗi lần hít vào và thở ra kết thúc thì đếm 1. Đếm như vậy cho tới 10 thì quay trở lại 1. Người mới tập chắc chắn sẽ bị xao lãng và hay quên việc mình đang đếm tới số mấy, lúc quên là mình cần phải tập trung vào hơi thở thì ngay lập tức kéo tâm trở lại hơi thở và dếm lại từ số 1. Tập tính kiên trì và nhẫn nại. Cứ kéo tâm trở về hơi thở như vậy, cho dù phải kéo 10 lần, 100 lần hay 1000 lần, dần dần thì tâm hay bay nhảy sẽ được thuần phục.

- Khi nào đếm được liên tục không bị ngắt quãng khoảng 10 chu kỳ thì có nghĩa là bạn đã cải thiện được sự tập trung và sự tỉnh táo của mình một cách đáng kể, đây là lúc để qua bước tiếp theo.

--- 1. Quan sát cơ thể:

(Cơ thể ở đây là toàn cơ thể của hơi thở: phần đầu, phần giữa và phần đuôi của hơi thở. VD một người đang cưa gỗ, thay vì lúc nào cũng nhìn vào toàn bộ lưỡi cưa, thì họ chỉ cần nhìn vào vết đang cưa là đủ để biết phần nào của lưỡi cưa đang cắt vào gỗ. Cũng như vậy, thiền sinh chỉ cần để ý chỗ 2 lỗ mũi nơi không khí va chạm vào. Chỉ quan sát hơi thở, không cố tình điều chỉnh hơi thở)

"1. Khi hít vào nặng, họ biết rằng: ‘Tôi đang hít vào nặng.’ Khi thở ra nặng, họ biết rằng: ‘Tôi đang thở ra nặng.’
2. Khi hít vào nhẹ, họ biết rằng: ‘Tôi đang hít vào nhẹ.’ Khi thở ra nhẹ, họ biết rằng: ‘Tôi đang thở ra nhẹ.’
3. Họ luyện tập khi hít vào sẽ cảm nhận toàn bộ cơ thể (của hơi thở). Họ luyện tập khi thở ra sẽ cảm nhận toàn bộ cơ thể (của hơi thở).
4. Họ luyện tập khi hít vào sẽ làm dịu chuyển động của cơ thể (của hơi thở). Họ luyện tập khi thở ra sẽ làm dịu chuyển động của cơ thể (của hơi thở)."

(Ở bước 3, bạn sẽ luyện tập để quan sát được toàn bộ quá trình hít vào và thở ra không gián đoạn, tâm bạn dính với hơi thở chứ không còn bay nhảy lung tung.
Sau khi đã dính được tâm vào hơi thở không gián đoạn trong một thời gian nhất đinh thì bạn chuyển sang bước 4, làm dịu lại hơi thở, lúc này hơi thở sẽ từ từ dịu lại, nhẹ lại, tới một lúc nào đó nó dường như biến mất, nhưng bạn đừng hoảng loạn, đây là chuyện bình thường, vì mình ngồi yên bất động và không suy nghĩ gì nhiều thì cơ thể sẽ không cần quá nhiều Oxy.)

--- 2. Quan sát cảm giác:

(Nếu bạn mất dấu hơi thở nghĩa là sự tập trung của bạn chưa đủ mạnh, cố gắng luyện tập thêm ở các bước trước. Sau một thời gian nhất định để ý kỹ vào hơi thở một cách liên tục thì cơ thể sẽ tự nảy sinh một cảm giác sung sướng rất tinh tế, rồi với sự luyện tập, sự sung sướng này sẽ ngày càng lớn hơn, đi kèm với sự hạnh phúc, bình an và nhẹ nhàng.
Tại vì đây là sự hạnh phúc tự bản thân có được chứ không phụ thuộc vào các yếu tổ bên ngoài nên nó rất bền và rất thoải mái.)

"5. Họ luyện tập khi hít vào sẽ cảm nhận sự sung sướng. Họ luyện tập khi thở ra sẽ cảm nhận sự sung sướng.
6. Họ luyện tập khi hít vào sẽ cảm nhận sự hân hoan. Họ luyện tập khi thở ra sẽ cảm nhận sự hân hoan.
7. Họ luyện tập khi hít vào sẽ cảm nhận những cảm xúc này. Họ luyện tập khi thở ra sẽ cảm nhận những cảm xúc này.
8. Họ luyện tập khi hít vào sẽ làm dịu những cảm xúc này. Họ luyện tập khi thở ra sẽ làm dịu những cảm xúc này."

(Sự sung sướng và hạnh phúc, hân hoan, nhẹ nhàng sẽ lan tỏa ra khắp cơ thể. Lúc này sẽ không còn một tý sự đau đớn nào. Bạn có thể trú ngụ ở đây một thời gian để hưởng thụ hoặc đi tiếp tới bước 8 - làm dịu những cảm xúc này.)

--- 3. Quan sát tâm lý:

(Sau khi cơ thể, cảm xúc đã dịu đi và lắng xuống, lúc này thì sự nhận thức của bạn sẽ trở hên cực kỳ sáng và rõ ràng. Lúc này thì bạn dùng sự tỉnh táo phi thường này để nghiên cứu quá trình tâm lý của mình.)

"9. Họ luyện tập khi hít vào sẽ cảm nhận tâm. Họ luyện tập khi thở ra sẽ cảm nhận tâm.
10. Họ luyện tập khi hít vào sẽ làm hài lòng tâm. Họ luyện tập khi thở ra sẽ làm hài lòng tâm.
11. Họ luyện tập khi hít vào sẽ nhập tâm vào thiền định. Họ luyện tập khi thở ra sẽ nhập tâm vào thiền định.
12. Họ luyện tập khi hít vào sẽ giải phóng tâm. Họ luyện tập khi thở ra sẽ giải phóng tâm."

(Nhập vào thiền định nghĩa là gom tâm lại tập trung vào khía cạnh vào đó của tâm, tham khảo mục Các tầng thiền định. Hoặc cũng có thể là tập trung vào hình ảnh trong tâm của hơi thở, vì lúc này các giác quan vật lý dường như đã lắng xuống hoàn toàn chỉ còn lại tâm hoạt động thôi, nên bạn sẽ khó quan sát trực tiếp được hơi thở, mà phải quan sát qua hình ảnh của hơi thở được phóng lên tâm.
Sau một thời gian tùy ý thì xuất định, nghĩa là giải phóng tâm khỏi sự tập trung vào một điểm ở trên.)

--- 4. Quan sát hiện thực:

"13. Họ luyện tập khi hít vào sẽ quan sát sự ‘không phải vĩnh viễn’. Họ luyện tập khi thở ra sẽ quan sát sự ‘không phải vĩnh viễn’.
14. Họ luyện tập khi hít vào sẽ quan sát sự ‘phai nhạt’. Họ luyện tập khi thở ra sẽ quan sát sự ‘phai nhạt’.
15. Họ luyện tập khi hít vào sẽ quan sát sự ‘tan biến’. Họ luyện tập khi thở ra sẽ quan sát sự ‘tan biến’.
16. Họ luyện tập khi hít vào sẽ quan sát sự ‘buông bỏ’. Họ luyện tập khi thở ra sẽ quan sát sự ‘buông bỏ’."

(Ở đây mình không thích dịch thành từ 'vô thường' cho lắm bởi vì mọi người thường hiểu sai từ này và nó có cảm giác khá huyền bí. Từ bước 13 trở đi là bước cực kỳ nâng cao, liên quan trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ. Ở đây mình sẽ cung cấp một số đối tượng cơ bản cho việc phân tích hiện thực.
- Hơi thở: hơi thở vào thì sẽ ra, không thể giữ mãi được.
- 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể và tâm.
- 6 đối tượng của giác quan: hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm, ý nghĩ.
- 6 loại ý thức dựa trên giác quan và đối tượng: VD nếu sự để ý được hướng về phía mắt thì lúc đó mới ghi nhận được hình ảnh từ mắt.
- 6 loại tiếp xúc: khi giác quan, đối tượng của giác quan và 1 loại ý thức tương ứng gặp nhau, thì lúc này mới có sự tiếp xúc.
- 18 loại cảm giác: 6 loại cảm giác nảy sinh từ 6 loại tiếp xúc, mỗi loại cảm giác chia làm 3 nhóm: hài lòng, khó chịu và trung tính.
- 6 loại nhận thức: hay còn gọi là phân loại, VD khi thấy một cái áo thì sẽ nhận thức được đó là một cái áo, đẹp hay xấu, và cảm giác hài lòng hay khó chịu được khởi lên cùng lúc với nhận thức.
- Sự ham muốn dựa trên cảm giác và nhận thức: ham muốn sỡ hữu đối với đối tượng mang lại sự hài lòng, muốn tránh xa đối với đối tượng mang lại sự khó chịu, hoặc không để ý tới cảm giác trung tính.
Bạn phân tích xem có cái nào tồn tại mãi được không, đâu là nguyên nhân xuất hiện hay vắng mặt của từng đối tượng.
Sau đó bạn phân tích xem có nên bám lấy bất cứ một đối tượng nào không, nó có thực sự mang lại hạnh phúc như bạn nghĩ...
Bạn phân tích để thấy được 3 đặc tính của mọi sự vật hiện tượng: sự 'không phải vĩnh viễn', sự khổ nằm trong sự 'không phải vĩnh viễn', và nhận thức được rằng 'không phải mình' dựa trên việc nhận thức được sự khổ.)

--- 5. Thiền đi bộ:

- Loại thiền này là để chống buồn ngủ, và cũng để giảm sự tăng động (tâm nhảy từ chuyện này sang chuyện khác như khỉ leo cây - không thiền được). Và cũng là một phương pháp tập thể dục sau một thời gian ngồi thiền mỏi người.

- Tìm một không gian vừa đủ để đi bộ qua lại, và an toàn (VD: không đi giữa đường hoặc gần nơi đang thi công). Thường thì 10m là đủ.

- Hạn chế tối đa chuyển động của tay. Cổ thẳng, mắt nhìn chéo về trước mặt cách chân một khoảng 2 3m, không nhìn dáo dát. Đi bộ một cách hết sức từ tốn - nhưng cũng không chậm như con sên, cố gắng tập trung vào từng bước đi, biết được chân nào đang nhấc, chân nào đang chạm đất, cảm giác như thế nào...

--- 6. Ăn ngủ điều độ:

- Bạn nên tập thói quen làm việc gì cũng chỉ làm 1 việc 1 lúc và tập trung vào việc đó, không nên vừa ăn vừa xem phim, hoặc vừa ỉa vừa chơi điện thoại. Tập như vậy là để rèn luyện khả năng tỉnh táo, sự tập trung và khả năng thăng bằng của tâm.

- Khi ăn thì biết là mình đang ăn, khi uống thì biết là mình đang uống, khi nhai thì biết mình đang nhai...

- Bạn nên quan niệm rằng thức ăn là chỉ để cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho một cơ thể khỏe mạnh và hài hòa, chứ không phải là ăn để giải trí hoặc ăn cho đã con mắt. Làm như vậy sẽ giúp bạn dần hạn chế được thói ăn vặt và các loại thức ăn có hại cho cơ thể (như thức ăn nhanh, nước ngọt...).

- Bạn nên tập thói quen ngủ có giờ giấc, và hạn chế việc ngủ bừa bãi. Nếu không thì ngồi thiền chưa được 10 phút thì bạn đã buồn ngủ rồi.

--- 7. Bảo vệ các giác quan:

- Để hạn chế sự ô nhiễm trong tâm, giúp việc ngồi thiền thuận tiện hơn, thiền sinh không nên để ý vào những thứ có thể gợi lên những phẩm chất xấu trong tâm.

- VD: Chăm chú vào các đặc điểm của người khác giới, làm như vậy những ý dâm dục sẽ có thời cơ để nổi lên và lan truyền, tới một lúc nó sẽ kiểm soát và điều khiển mình khiến mình làm những hành động ngu xuẩn, giống như một chú chó bị dắt mũi bởi khúc xương. Hoặc để ý vào việc người khác chửi mình, từ đó ý tức giận, tư tưởng trả thù có thời cơ để nổi lên và lan truyền, khiến mình làm những chuyện ngu xuẩn, sau khi cơn giận nguôi đi thì điều còn lại là hậu quả, sự hối hận và sự xấu hổ.

.
Phụ lục:

.
V. Mục tiêu cuối cùng:

- Đức Phật du hành khắp miền bắc Ấn Độ cổ đại giảng dạy mọi tầng lớp trong xã hội suốt 45 năm cũng chỉ có một mục đích duy nhất: Chỉ ra con đường để trở thành một người hoàn hảo (về đạo đức, thiền định và trí tuệ), giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau, mọi sự bất an, mọi nỗi sợ hãi; tiêu diệt tận gốc tham lam, sân hận và si mê; chấm dứt quá trình vô nghĩa - tái sinh, già, bệnh, chết.

- Phương pháp thiền quan sát hơi thở này tuy đơn giản nhưng lại là phương pháp tối ưu nhất - được chính Đức Phật luyện tập để đưa đến giác ngộ - khi luyện tập đúng cách và đều đặn có thể đưa một thiền sinh từ việc có một thói quen tốt đẹp và lành mạnh cho đến việc giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ, khỏi quá trình sinh-diệt trong tương lai, hoặc nếu ở thời điểm chết mà chưa diệt sạch hoàn toàn được ô nhiễm trong tâm thì sẽ vẫn không quay trở lại thế giới này thêm một lần nào nữa.

.
VI. Các tầng thiền định (absorption) - chỉ để tham khảo:

--- 1. Tầng thiền đầu tiên (1st absorption):

"Một thiền sinh, bảo vệ tâm khỏi các ham muốn nơi các giác quan, bảo vệ tâm khỏi các tính chất xấu, nhập vào và trú ngụ trong tầng thiền đầu tiên, nơi đây có sự sung sướng và hạnh phúc đến từ việc bảo vệ thành công tâm và các giác quan, trong khi vẫn còn hành động kéo tâm và giữ tâm ở tại đối tượng thiền định (hơi thở)."

--- 2. Tầng thiền thứ hai (2nd absorption):

"Khi hành động kéo và giữ tâm đã lắng xuống, thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong tầng thiền thứ hai, nơi đây có sự sung sướng và hạnh phúc đến từ sự tập trung, cùng với sự sáng lạng và tự tin, với một cái tâm hợp nhất, và không có hành động kéo và giữ tâm."

--- 3. Tầng thiền thứ ba (3rd absorption):

"Và với sự mờ nhạt của sự sung sướng, thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong tầng thiền thứ ba, tỉnh táo và nhạy bén, tự mình trải nghiệm sự hạnh phúc mà các bậc thánh thường mô tả: 'Tỉnh táo và nhạy bén, một người thiền trong sự hạnh phúc.'"

--- 4. Tầng thiền thứ tư (4th absorption):

"Từ bỏ sự sung sướng và sự đau khổ, kết thúc niềm hạnh phúc và nỗi buồn trước đây, thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong tầng thiền thứ tư, nơi đây không có sung sướng hay đau khổ, chỉ có sự điềm tĩnh thuần khiết và một sự tỉnh táo cực kỳ sắc bén."

--- 5. Không gian vô biên (Infinity of Space):

"Hơn nữa, vượt qua hoàn toàn sự nhận thức về vật chất, với sự kết thúc nhận thức về sự xúc chạm, không chú ý vào sự nhận thức về sự đa dạng, nhận thức rằng 'không gian là vô biên', thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong chiều không gian vô biên."

--- 6. Ý thức vô hạn (Infinity of Consciousness):

"Hơn nữa, vượt qua hoàn toàn chiều không gian vô biên, nhận thức rằng 'ý thức là vô hạn', thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong chiều ý thức vô hạn."

--- 7. Hư không (Nothingness):

"Hơn nữa, vượt qua hoàn toàn chiều ý thức vô hạn, nhận thức rằng 'không có cái gì cả', thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong chiều hư không."

--- 8. Không phải có nhận thức, cũng không phải là không có nhận thức (Neither Perception nor Non-perception):

"Hơn nữa, vượt qua hoàn toàn chiều hư không, thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong chiều không phải có nhận thức, cũng không phải là không có nhận thức."

--- 9. Tan biến (Cessation):

"Hơn nữa, vượt qua hoàn toàn chiều không phải có nhận thức, cũng không phải là không có nhận thức, thiền sinh nhập vào và trú ngụ trong sự tan biến của nhận thức và cảm giác. Và, đã nhìn thấy rõ được với trí tuệ, mọi sự ô nhiễm trong tâm của thiền sinh được hoàn toàn chấm dứt."
"Thiền sinh hiểu rõ rằng: 'Không còn lối thoát nào cao hơn nữa'. Và bởi sự luyện tập liên tục, thiền sinh biết chắc rằng đúng là như vậy."

.
VII. Hiệu ứng phụ - không quan trọng:

--- 1. Nhớ lại các đời sống quá khứ:

- Trong quá trình luyện tập, có thể thiền sinh sẽ vô tình nhớ lại đời sống ngay trước đời sống hiện tại, nhớ lại được lúc đó mình là loài gì, sống ở đâu, tên là gì, xung quanh quang cảnh như thế nào, có những tâm tư, cảm giác như thế nào, chết ra làm sao, rồi sau khi chết thì đi đâu, rồi làm cách nào để tái sinh làm người được như ngày hôm nay...

- Sau khi thông thạo tầng thiền thứ tư, với cái tâm cực kỳ thuần khiết và mạnh mẽ, dễ uốn nắn, thiền sinh có thể hướng cái tâm này để nhớ lại tùy thích bất kỳ đời sống quá khứ nào của mình, cho dù là 1 đười trước, 2, 3 hay là 100 000 đời trước, thậm chí nhớ được nhiều chu kỳ sinh diệt của vũ trụ. Nhớ một cách rất chi tiết và sinh động, như là sống lại vào những khoảnh khắc đó vậy.

--- 2. Nhìn thấy những sinh vật vô hình và các thế giới khác

- Trong quá trình luyện tập, thiền sinh có thể thấy hoặc nghe những sự việc kỳ lạ, tuy nhiên đây không có gì đáng để chú ý vào, thiền sinh tốt nhất nên trở lại với đề mục thiền của mình.

- Tuy nhiên, sau khi thiền sinh thông thạo tầng thiền thứ tư, thiền sinh có thể tùy ý thấy được các thế giới khác nhau, có thể thấy xa tới nhiều thiên hà khác nhau, các thế giới vô hình song song với thế giới này, thấy được rõ ràng các loài sinh vật nơi đây, thấy rõ được các sinh vật tùy theo chủ ý của mình mà đi tái sinh hết nơi này tới nơi khác, tùy theo chủ ý của mình mà trở nên sung túc hay đói nát, đẹp đẽ hay xấu xí, ở một nơi xấu hay một nơi tốt. Có những sinh vật, làm những điều xấu nơi hành động, lời nói và suy nghĩ, lăng mạ những người có đạo đức, sau khi chết, họ tái sinh ở nơi của sự mất mát, một nơi xấu, địa ngục. Còn có những sinh vật, làm những điều tốt nơi hành động, lời nói và suy nghĩ, không lăng mạ những người có đạo đức, sau khi chết, họ tái sinh ở những nơi tốt đẹp, một chốn thiên đường.

--- 3. Các hiệu ứng khác

- Sự hiểu biết và tầm nhìn: thiền sinh hiểu được rằng: 'cơ thể của tôi chỉ là phần vật chất. Nó được hợp thành từ bốn nguyên tố cơ bản, được tạo ra bởi cha và mẹ, tăng trưởng nhờ cơm cháo, không phải là vĩnh viễn, dễ bị hư hao và sói mòn, dễ bị thối rửa và hủy diệt. Và ý thức này của tôi bị dính vào nó, bị trói vào nó.

- Cơ thể làm bằng tâm: sau khi thông thạo tầng thiền thứ tư, thiền sinh có thể rút ra một cơ thể khác làm từ tâm, có đầy đủ các giác quan, có thể tự do và không bị giới hạn.

- Các thần thông: sau khi thông thạo tầng thiền thứ tư, thiền sinh có thể phát triển các thần thông, như là: phân thân và trở lại thành một; đi xuyên tường, xuyên đất, đi trên không khí hoặc mặt nước; bay lượn như chim; chạm tay tới mặt trăng hoặc mặt trời; có thể đi xa tới cõi của các vị Phạm-thiên (Brahma).

- Tai thần: sau khi thông thạo tầng thiền thứ tư, thiền sinh có thể phát triển tai thần - nghe thấy mọi thứ, mọi sinh vật, ở các thế giới khác nhau và các nơi khác nhau.

- Đọc tâm người khác: sau khi thông thạo tầng thiền thứ tư, thiền sinh có thể phát triển khả năng đọc suy nghĩ và cảm nhận tâm của các sinh vật khác một cách rõ ràng, ở thế giới này hoặc thế giới khác, không giới hạn.

--- 4. Lời khuyên

- Chỉ có việc nhớ lại các đời sống quá khứ, thấy được cách hoạt động của hành động-kết quả và sự hiểu biết-tầm nhìn là đáng được phát triển vì nó nới rộng trí tuệ và có liên quan đến quá trình diệt khổ. Còn tất cả các hiện tượng còn lại không cần để ý tới.

- Và đây chỉ là hiệu ứng phụ, chứ không phải mục tiêu của phương pháp thiền này. Đời người rất ngắn ngủi và đầy đau khổ, đừng nên tốn thời gian vào những chuyện vô nghĩa, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Chỉ nên tập trung vào mục tiêu cuối cùng, quyết tâm, kiên nhẫn và không xao lãng.

.
VIII. Tài liệu tham khảo (tiếng Anh)

- Kinh MN 118 ( https://suttacentral.net/mn118 ).
- Kinh MN 119 ( https://suttacentral.net/mn119 ).
- Kinh MN 10 ( https://suttacentral.net/mn10 ).
- Kinh MN 148 ( https://suttacentral.net/mn148 ).
- Kinh MN 140 ( https://suttacentral.net/mn140 ).
- Kinh MN 107 ( https://suttacentral.net/mn107 ).
- Kinh MN 20 ( https://suttacentral.net/mn118 ).
- Kinh MN 13 ( https://suttacentral.net/mn13 ).
- Kinh DN 2 ( https://suttacentral.net/dn2 ).
- Bộ kinh SN 54 ( https://suttacentral.net/sn54 ).
- Bộ kinh SN 47 ( https://suttacentral.net/sn47 ).
- Bộ kinh SN 12 ( https://suttacentral.net/sn12 ).
- Bộ kinh SN 56 ( https://suttacentral.net/sn56 ).
- Chú giải Anapanasati 1 ( http://www.bps.lk/olib/bl/bl115_Ariy...Breathing.html ).
- Chú giải Anapanasati 2 ( http://www.aimwell.org/anapanasati.html ).

Các link trên là dẫn đến kinh trong tạng Pali Nikaya, tuy nhiên khi vào trang đó rồi, ở dưới sẽ có liên kết đến những kinh trong Hán tạng Agama có liên quan, và các bản dịch của các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Việt.

Hy vọng mình không làm sai lệch lời của Đức Phật.
Hy vọng sẽ đem lại lợi ích cho các bạn.