Để đi sâu vào phân tích sự lợi lạc của việc thực hành pháp tu Kham Nhẫn chúng ta cần làm rõ sự khác biệt của sự Nhẫn Nhục trong đời thường và sự Kham Nhẫn của Phật Pháp.

Sự Nhẫn Nhục của đời thường: Mặc dù bản thân bị tổn hại (vật chất và tinh thần) nhưng do thế và lực không đủ để phản kháng nên đè nén nỗi căm giận chờ cơi hội để trả thù. Ví dụ điển hình của sự Nhẫn nhục này là câu chuyện về Việt Vương Câu Tiễn chịu đựng bị hành hạ, nằm gai nếm mật, thậm chí phải ăn phân để rồi khi có cơ hội đã trả thù thành công.

Còn Kham Nhẫn trong Phật Pháp: Là một Pháp hành đối trị hiệu quả với Vô minh. Giúp Ta luôn chủ động sáng suốt làm chủ Thân, Khẩu và Ý của mình. Như bài kệ 222 trong Phẩm “Phẫn Nộ” kinh Pháp cú đã nói rõ
“Ai chận được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ.”

Giờ ta hãy nhìn sự Kham Nhẫn dưới góc nhìn của Bát Chánh Đạo để thấy rõ lợi lạc của Pháp Hành này.
Ở đây tôi lấy ví dụ về sự Kham Nhẫn trước sự Vu oan, Sỉ nhục danh dự. Với trường hợp này thường chúng ta nổi Sân. Khi đó ta cần dùng Kham Nhẫn đối trị với Sân.

  1. Chánh Kiến: Người bị vu oan cần sáng suốt nhìn sự oan khuất này như một ví dụ về Khổ. Khổ này có gốc từ cầu mong Danh dự, cầu mong sự Yêu thương của xung quanh. Diệt được các mong cầu đó ta cũng sẽ diệt Khổ. Để diệt được Khổ đó ta cần thực hành Bát Chánh Đạo bằng hành động là Nhẫn.
  2. Chánh tư duy: Để phản ứng lại sự Vu oan nhục mạ này, ta có thể nổi Sân tức là hại chính bản thân. Ta có thể hành động trả thù, vậy là hại Người. Để không hại Ta và hại Người ta cần bỏ qua mọi chấp trước bằng hành động là Nhẫn.
  3. Chánh Ngữ: Nếu không bình tĩnh, ta sẽ nói lời nặng nề ác độc để phản ứng vậy nên đáp trả bằng hành động là Nhẫn. Giữ lời nói Chân chánh.
  4. Chánh Nghiệp: Để đáp trả sự tổn thương, ta sẽ có xu hướng làm tổn thương họ bằng các hành động phi phạm hạnh. Do đó ta nên hành động là Nhẫn. Giữ hành động Chân chánh.
  5. Chánh Mạng: Ta giữ để các điều tiêu cực không tác hại đến Tâm, đến Thân ta bằng việc hành Nhẫn. Đó chính là giữ Mạng Chân chánh vậy.
  6. Chánh Tinh Tấn: Chặn các Ác pháp đang sinh khởi, Ngăn ngừa các ác pháp sẽ sinh khởi bằng hành Nhẫn. Đó là sự Tinh tấn Chân chánh vậy.
  7. Chánh Niệm: Hành Nhẫn giúp ta luôn tỉnh giác điều phục được Thân Khẩu Ý theo bát chánh đạo. Đó chính là giữ Niệm Chân chánh.
  8. Chánh Định: Hành Nhẫn giúp cho Tâm luôn an tĩnh, không đem các xáo động bên ngoài vào làm xáo động trong Tâm. Đó là thực hành Chánh Định vậy.


Ngoài đối trị với Sân, Kham Nhẫn cũng có thể dùng để đối trị với Tham và Si theo cách tương tự như phân tích ở trên.

Câu chuyện tinh tấn thành tựu nhờ Kham Nhẫn tiêu biểu chính là chuyện Quan Âm Thị Kính.

Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều lợi lạc từ việc thực hành Nhẫn.

Thực ra nếu quan sát kỹ thì mọi Pháp Tu đều có sự hành Nhẫn trong đó. Do vậy bạn nào còn băn khoăn chưa tìm được Pháp Tu cho mình thì hãy nên chọn Kham Nhẫn như một Pháp Tu.



Chúc các bạn Tinh Tấn!