kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY

  1. #1

    Mặc định TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY

    TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (1)

    Thứ sáu - 13/03/2009 21:20
    (NCTG) „Một tờ báo dân sự Pháp đã tổng kết những sự kiện xảy ra vài tuần sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, rằng „Trung Quốc đã đánh mất sự trong trắng của mình”. Một cách diễn đạt ý nhị, nhưng không đúng. Nếu nhìn trên phương diện vai trò toàn cầu của đất nước này trong thế giới mà chúng ta đang sống, phải nói rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ trong trắng và bất cứ lúc nào, nước này cũng hàm chứa trong mình khả năng gây tội ác” - nhà báo Hungary Bokor Pál viết trong cuốn sách "Một mùa hạ Trung Quốc", xuất bản cách đây đúng 30 năm.




    Ký giả Bokor Pál

    Lời Tòa soạn: Bokor Pál (1942-) là một tượng đài của nền báo chí Hungary. Ông bắt đầu gia nhập BBT Đối ngoại của Hãng Thông tấn Hungary (MTI) từ năm 1960, rồi trong nhiều năm trời, là phóng viên thường trú của MTI và Đài Tiếng nói Hungary (MTV) tại Moscow, Washington, Trung Quốc, v.v... Trong sự nghiệp báo chí, ông được MTI và MTV cử đi tường thuật về các hội nghị thượng đỉnh Liên Xô - Hoa Kỳ tại Moscow và Reykjavík, về chuyến du hành vũ trụ Liên Xô - Mỹ đầu tiên, về cuộc chiến Afghanistan và cuộc chiến biên giới Việt Nam 1979. Hiện tại, ông là giám đốc NXB Atlantic Press, là tác giả của 9 đầu sách, 3 tác phẩm dịch, và là nhà sản xuất của 3 bộ phim thời sự và 2 phim truyện.

    Mùa hè năm 1978, Bokor Pál là một trong số ít các ký giả nước ngoài có dịp tìm hiểu Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông ngay tại những thành phố lớn của nước này (Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Nam Kinh). Trong vòng 1 tháng, ông được tận mắt chứng kiến cuộc sống và làm việc của người dân Trung Quốc tại các nhà máy, phân xưởng, công xã nhân dân, mẫu giáo, công viên, sân vận động..., cũng như, được trực tiếp tiếp xúc với thực tế chính trị của Đại Lục.

    Vì vậy, những gì "tai nghe mắt thấy" được ông tập hợp trong cuốn sách "Một mùa hạ Trung Quốc" (Egy kínai nyár, NXB Kossuth, Budapest 1979) đã là một bức tranh sinh động về đất nước và con người Trung Quốc, lúc đó còn rất khép kín - những trang viết sắc sảo và hàm súc của ông đến nay vẫn còn lưu giữ những giá trị tư liệu và thời sự đáng kể.

    NCTG xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong cuốn "Một mùa hạ Trung Quốc", dịch từ nguyên bản tiếng Hungary.


    Bìa sách "Một mùa hạ Trung Quốc"


    BỮA TỐI TẠI CÂU LẠC BỘ QUỐC TẾ

    Tại một bữa tối được mời, chúng tôi đã trò chuyện về nhiều vấn đề ngoại giao và nội chính của Trung Quốc và nói chung, về những lý tưởng của Trung Quốc liên quan đến chủ nghĩa cộng sản. Mải mê trò chuyện, tác giả đã quên khuấy việc làm sáng tỏ một câu hỏi quan trọng: tại sao ức gà ở Bắc Kinh lại có vị hạnh nhân?

    Đồng chí Tiền (*) cao giọng, tuyên bố một cách thành kính, rằng Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao sẽ chiêu đãi tôi bữa tối, và anh nói thêm rằng rất ít phóng viên được hưởng một phần thưởng như thế. Có thể đồng chí Tiền đã hơi khuếch trương tầm quan trọng của sự kiện, nhưng nhất thiết phải mừng rỡ là ngay trong trường hợp của một ký giả ngoại quốc, Trung Quốc cũng tỏ ra có cố gắng lớn lao như thế để vượt qua những truyền thống khép kín chính thống. Bởi lẽ truyền thống này rất phong phú.

    Các đại sứ Hà Lan và Bồ Đào Nha đầu tiên, khi tới thăm cung điện Bắc Kinh vào thế kỷ 17-18, phải quỳ gối 3 lần và vái 9 lần trước hoàng đế Trung Hoa. Sau nhiều cuộc đàm phán ngoại giao, nhiều trận diễu hành của đại bác, chiến thuyền và nhiều cuộc chiến mà Trung Quốc phải nhận phần bại trận, năm 1873, các vị sứ thần nước ngoài mới được đứng chào hoàng đế, và khi đó cũng đã xảy ra bê bối vì về sau mới hay rằng, hóa ra hoàng đế đã tiếp các đại sứ Âu châu trong căn phòng mà ông thường tiếp đại diện các nước chư hầu, như sứ giả Bhutan, Nepal, Cao Ly...

    Bảy năm nữa trôi qua, năm 1880, bộ trưởng Đế chế Áo - Hung và đại sứ Anh đã có thể hiện diện trước hoàng đế tại một căn phòng mà trước đó, chưa từng tổ chức những nghi lễ „thấp kém” hơn. Lại 10 năm nữa và đến năm 1894, các sứ thần ngoại bang lần đầu tiên được bước qua ngưỡng Tử Cấm Thành và năm 1898, thân vương Heinrich của nước Phổ là người nước ngoài đầu tiên được hoàng đế cư xử như đối tác bình đẳng.

    Từ lúc 6 giờ kém 15, chúng tôi đã lượn lờ tại mấy con phố gần CLB Quốc tế để khỏi bị muộn. Tôi vận chiếc quần vải màu xám duy nhất và chiếc áo sơ-mi ngắn tay được mua riêng cho dịp này, nhưng sau một hồi suy ngẫm, tôi vẫn cho phép mình đeo thêm chiếc cà-vạt. Sau đó, tôi không thấy có cớ gì để bất mãn nữa. Tôi đánh giá sự hiện hiện của mình là giản dị và không màu mè, phù hợp với dịp được mời này, nhưng đồng thời tôi cảm thấy với chiếc cà-vạt màu đỏ sẫm với những chấm trắng, tôi sẽ thuyết phục được các vị chủ nhà rằng, song song việc tuân thủ những nguyên tắc lịch sự, tôi vẫn gắn bó với một dấu hiệu nào đó của bản tính Châu Âu. Bằng không, người ta có thể coi thứ trang phục mà tôi dùng là nịnh bợ quá mức.

    Như một phần quan trọng khác của sự chuẩn bị cho bữa tối, tối qua và trưa nay, tôi đã tự tập huấn nghệ thuật ăn bằng đũa. Buổi tối, tôi đặt món thịt thái miếng trong thực đơn Trung Quốc tại tiệm ăn dành cho giới ngoại giao rồi tìm cách và một bát cơm. Còn trưa nay tôi dùng đũa xơi món rau luộc hỗn hợp, bún và thịt, nấm thái nhỏ. Tôi đã quán triệt ở mức rất khá kỹ thuật sử dụng thứ dụng cụ ăn khác thường này: dùng đũa gắp, bới và nâng lên miệng tôi đều biết cả.

    Giữa đường, với vẻ bất bình thực lòng, đồng chí Tiền kể lại câu chuyện một nhà ngoại giao Hungary đã bắt anh phải chờ tới 20 phút ở góc phố, nơi họ hẹn gặp nhau. Trường hợp đơn lẻ, họa hoằn này đã đọng lại trong trí nhớ của đồng chí Tiền với toàn bộ những chi tiết của nó, khiến đồng chí ấy bất bình đến tận cùng, và anh thuật lại sự việc bất hạnh ấy - diễn ra cách đây ít nhất là 5 năm - với giọng một kẻ than vãn với vị thẩm phán vì bị hành hung nghiêm trọng mới nửa giờ trước. Thành thử sau vụ này, tôi sẽ không đến muộn ở bất cứ đâu trên đất Trung Quốc!

    Cho dù, với nghi thức của vùng Đông Âu, nên đến muộn vài phút khi được mời ăn tối để các vị chủ nhà còn kịp kết thúc những động thái chuẩn bị cuối cùng. Nhưng chúng tôi cũng bỏ lỡ những cảnh này, thành thử tại căn sảnh của CLB Quốc tế, chả ai chờ chúng tôi ở đó cả.

    Tiền biến mất ở góc sau của tòa nhà khổng lồ và một chút sau, anh ta trở lại cùng đồng chí Phấn mà chúng tôi đã quen tại Bộ Ngoại giao.
    Các nhân viên ngoại giao Trung Quốc đợi chúng tôi trong một căn phòng riêng vuông vức, tường quét vôi trắng và không hề được trang trí. Họ có tổng cộng 4 người thuộc Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, cùng một người bạn, một người quen cũ, anh Thẩm Tề Dân, từng là phóng viên Tân Hoa Xã tại Moscow và trước đó, tại Budapest. Sự hiện diện của anh không khiến tôi ngạc nhiên, mặc dù chắc chắn là đồng chí Tiền đã ám chỉ đến anh khi bảo bữa tối hôm nay sẽ có một bất ngờ.

    Tối thiểu là một tuần trước đây, tôi đã đề nghị đồng chí Tiền tìm cho tôi anh bạn Thẩm Tề Dân tại trung tâm của Tân Hoa Xã ở Bắc Kinh. Sau đó, đã có một số cú điện thoại mà từ đấy, tôi nhận được những thông tin giá trị: „Người bạn của đồng chí hiện không thể tìm được, nhưng thế nào lời chào của đồng chí cũng được chuyển đến anh ấy”. Hoặc: „Đồng chí chắc hẳn sẽ được gặp đồng chí Thẩm Tề Dân như đồng chí mong muốn. Hiện tại thời điểm chưa thích hợp, nhưng chẳng bao lâu nữa đâu đồng chí ấy sẽ liên hệ với đồng chí”. Hay: „Thiếu kiên nhẫn thì không được việc đâu. Tôi đã nói là tôi chuyển lời nhắn của đồng chí rồi và các đồng chí đã hứa là đồng chí sẽ được gặp bạn mà. Chắc chắn họ sẽ giữ lời”.

    Thì tất nhiên, có điều ở nước ta – ở Châu Âu, hoặc có lẽ trên toàn thế giới - việc tìm một người quen cũ diễn ra theo cách khác hẳn. Hơi đơn giản hơn chút. Cũng không sao. Thế là Thẩm Tề Dân vẫn ở đây và anh chả thay đổi chút nào!

    Anh ở đây, mỉm cười, với mái tóc bạc hệt như 5 năm trước, và trẻ trung hệt như dạo ấy. Hồi tôi còn làm phóng viên tại Moscow, chúng tôi đã có những đêm dễ chịu, cho dù không cùng nhau thì cũng cùng trong một hội. Nếu trí nhớ của tôi còn tốt, lần cuối cùng tôi gặp anh là tại buổi từ giã một phóng viên truyền hình Tây Đức trên một du thuyền ở sông Moscow.

    Trong bộ Âu phục màu xám được may rất khéo, Sen đi từ bàn này sang bàn khác, trò chuyện một cách quen biết với hết thảy mọi người, từ các cộng tác viên hàng đầu của Hãng truyền hình ARD tới những vị khách mời nổi danh – như tôi còn nhớ, trong số đó, có một ái nữ của Khrushchev, Bulat Okujava, nhà văn, nhà thơ và ca sĩ nổi tiếng, Yury Lyubimov, đạo diễn chính Nhà hát Taganka và còn vài nhân vật lừng danh thuộc thế giới nghệ thuật quyến rũ ở Moscow. Thẩm Tề Dân từng là một trong những tâm điểm của đời sống cộng đồng ở Moscow.

    Bề ngoài trông anh không thay đổi gì, có lẽ nội tâm anh cũng vậy, nhưng trong khi hồi tưởng lại những kỷ niệm chung, không làm sao tôi bỏ khỏi đầu một ý nghĩ: con người xuất chúng của cộng đồng ấy, tại đây, ở Bắc Kinh, còn không có cơ hội, không dám hoặc không được phép, nhấc điện thoại tại văn phòng Tân Hoa Xã và nói một câu: „Vui vì cậu đã đến”.


    (*) Người dịch các bài báo, bản tin của báo chí Trung Quốc ra tiếng Anh cho văn phòng của Hãng Thông tấn Hungary MTI tại Bắc Kinh (N.D.)


    Trần Lê chuyển ngữ và giới thiệu - Còn tiếp

    http://nhipcauthegioi.hu/lich-su/TRU...RY-1-1825.html
    Last edited by Bin571; 20-08-2019 at 11:11 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (2)

    Thứ bảy - 14/03/2009 21:28
    (NCTG) "Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ! Có cái gì không được chỉnh ở đây. Không lẽ, sự nghiệp của người cộng sản Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải có nạn đói, còn sự nghiệp của người cộng sản Trung Quốc đòi hỏi phải cắt viện trợ trong khoảnh khắc như thế? May thay, hiện nay, không có sự nghiệp nào đòi hỏi hàng triệu người dân Trung Quốc phải đói khát" - nhà báo Hungary Bokor Pál kinh ngạc trước câu trả lời của nhà ngoại giao Trung Quốc cách đây 3 thập niên.



    Người lính gác đi tuần trước khu nhà ngoại giao

    Lời Tòa soạn: NCTG giới thiệu phần tiếp theo trong đoạn trích cuốn "Một mùa hạ Trung Quốc" của nhà báo Hungary Bokor Pál. Tác giả ghi lại những suy nghĩ của ông sau cuộc gặp gỡ và ăn tối với các nhà ngoại giao Trung Quốc tại CLB Quốc tế ở Bắc Kinh.


    Các giấy tờ do nhà đương cục Trung Quốc cấp cho ký giả Bokor Pál

    Kỳ 1

    Tất cả đều mặc sơ-mi trắng, ngoại trừ bà Vạn Trấn mặc sơ-mi xám và quần, tất nhiên, bà châm hết điếu thuốc này đến điếu khác và còn sở hữu một mái tóc phi-dê kiểu gì đó, khác hẳn với bao triệu phụ nữ Trung Quốc khác, những người còn nhìn nhận tóc phi-dê là một trong những biểu hiện đặc thù của sự sa đọa tư bản.

    Từ một cuốn tra cứu, tôi được biết rằng từ năm 1972, bà Vạn Trấn là Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao và vì trước đó, chồng bà từng làm đại sứ ở nhiều nước Châu Á và bà đã cùng chồng ở nước ngoài, không khó để tôi rút ra nhận định rằng bà là một nhà ngoại giao am tường cơ hội và giàu kinh nghiệm, một người đã kinh qua cả „Cách mạng Văn hóa” lẫn „Tứ nhân bang” một cách may mắn, và trên cương vị Vụ phó Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, hiện tại bà vẫn là một lãnh đạo có trọng trách của cái bộ máy báo chí và tuyên truyền Trung Quốc, vốn rất tập trung và vận hành nhuần nhuyễn theo cách của nó.

    Trước bữa tối, chúng tôi trò chuyện trên chiếc đi-văng trang hoàng đăng ten. Trong mắt người Hoa, một cuộc đàm đạo như ý cũng giống hệt như một bữa tối thịnh soạn, nghĩa là sẽ lên tới đỉnh điểm ở món thứ năm, vịt Bắc Kinh, rồi, sau những món ẩm thực ấn tượng được ấn định thời gian hợp lý, một chút canh, chút hoa quả ngâm, hai ba thứ trái cây hợp khẩu vị sẽ là vĩ thanh của bữa ăn.

    Thế đấy, bà Vạn Trấn hít một hơi thuốc thật dài, vắt chân chữ ngũ và không ngừng nghỉ một giây, bà trình bày những vấn đề đang được đặt trong chương trình nghị sự của nền ngoại giao Trung Quốc, trong số đó, trước tiên là việc tại sao Trung Quốc lại đình chỉ viện trợ kinh tế cho CHXHCN Việt Nam.

    Trung Quốc là bạn của nhân dân Việt Nam, bà nói, chính vì vậy bà coi những sự kiện gần đây là hết sức đáng tiếc. Do đó, những điều đã xảy ra, hoàn toàn thuộc trách nhiệm của phía Việt Nam. Theo bà, CHND Trung Hoa không bao giờ có những ý đồ bá quyền đối với Việt Nam. Mỗi lần đến thăm Việt Nam, các vị khách cấp cao Trung Quốc đều tới đặt hoa tại đài kỷ niệm các vị anh hùng của Việt Nam, những người thời xưa từng chiến đấu chống lại sự chinh phục của nước Trung Hoa phong kiến. Trong nhiều thập niên, Trung Quốc đã có những khoản viện trợ khổng lồ cho Việt Nam để ủng hộ cuộc chiến đấu chống bè lũ thực dân và chủ nghĩa thực dân kiểu mới của Mỹ.

    Theo bà chủ nhà, chỉ là sự vu cáo bung ra từ đầu óc của những kẻ thù của nhân dân Việt Nam và Trung Quốc khi chúng phao tin nước bà sở dĩ chấm dứt quan hệ với Việt Nam là vì Việt Nam đã thống nhất, sức mạnh tăng. Bà cho rằng thái độ của Việt Nam đã thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam „không thể chờ đợi những người khác cùng họ chơi một vũ điệu theo chiếc đũa nhạc trưởng của một siêu cường”. Nhưng đây chỉ là những vấn đề thứ yếu. Ngay cả việc Việt Nam gia nhập Hội đồng Tương trợ Kinh tế và với động thái đó, „trong thực tế, đã gia nhập khối kinh tế của một siêu cường”, đối với phía Trung Quốc cũng là vấn đề thứ yếu. Với Trung Quốc, yếu tố quyết định lý giải việc nước này chấm dứt viện trợ và đình chỉ những mối quan hệ, là vì, Việt Nam, theo lời bà Vạn Trấn, có ý đồ „bá quyền trong khu vực”, và một lần nữa, lại đưa ra kế hoạch về cái gọi là Liên bang Đông Dương.

    - Đồng chí nghĩ đến kế hoạch thống nhất Việt Nam, Lào và Campuchia?

    - Đúng, nhưng kế hoạch ấy còn đi xa hơn nữa. Không phải ngẫu nhiên mà tại các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, những động thái quân sự và ngoại giao của Việt Nam bị theo dõi với sự ngờ vực lớn.

    - Tại các quốc gia ấy, đường lối ngoại giao tấn công và những nhu cầu về lãnh thổ của Trung Quốc cũng bị nhìn nhận với sự ngờ vực không kém. Việt Nam đã đoàn kết cùng Lào và Campuchia trong trận chiến chống chủ nghĩa đế quốc. Thời xưa, cả ba nước cùng chung một đảng cộng sản. Đường mòn Hồ Chí Minh, con đường hậu cần cho cuộc chiến tranh du kích chống Mỹ, từng đi qua cả ba nước. Tuy nhiên, như tôi được biết, sau chiến tranh, kế hoạch Liên bang Đông Dương không được Hà Nội đưa ra. Họ nghĩ đến một khối thống nhất lỏng lẻo hơn nhiều - sự hợp tác hòa bình và tự nguyện giữa các quốc gia trong vùng Đông Dương - khi đưa ra những suy nghĩ liên quan tới việc tạo dựng một khu vực hòa bình, độc lập và trung lập thực sự. Điều này chỉ có thể xâm phạm tới Trung Quốc nếu các nước có liên quan tính đến những gì xa xôi hơn là sự trung lập.

    - Cố nhiên là họ sẽ không nói thẳng ra là họ muốn thống nhất cả khu vực Đông Dương dưới sự lãnh đạo của Việt Nam. Nhưng chủ nghĩa sô-vanh quốc gia dẫn dắt họ trong mọi hành động. Tại sao họ bài xích người Hoa? Tại sao lại xua đuổi người Hoa khỏi đất nước họ? - mọi lời nói của bà Vạn Trấn đều thấm đượm vẻ bất bình của một người láng giềng bị xúc phạm.

    - Việt Nam chỉ muốn những gia đình gốc Hoa sinh sống ở đó nhập tịch Việt Nam – tôi nói. – Trong chuyện này thì họ cũng có lý chứ. Không nước nào muốn một phần cư dân của họ tìm cách tách mình để không phải thực hiện những bổn phận chung. Trong một thế kỷ liền, Trung Quốc cũng từng là nạn nhân của các đế quốc lớn Châu Âu, những kẻ đã dùng bạo lực để kiếm được cho họ các đặc quyền tại Trung Quốc. Giữa chừng, cả Châu Âu gào thét, rằng Trung Quốc xua đuổi người Âu. Ngoài ra, như tôi được biết, đa phần người Hoa rời Việt Nam cũng vì hoàn cảnh sống ở đó thay đổi quá. Theo tôi biết, trong năm nay, sản lượng lúa giảm 30% so với mức cần thiết để người dân có đủ lương thực. Và trong thời điểm đó, viện cớ những khó khăn trầm trọng trong kinh tế do người Hoa ở Việt Nam phải hồi hương, Trung Quốc đã cắt viện trợ cho Việt Nam. Điều này đã vấp phải hồi âm phản đối trên toàn thế giới. Trong nhiều thập niên, Việt Nam đã chiến đấu chống đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ, và không chỉ để bảo vệ họ, mà còn để bảo vệ cả CNXH ở Châu Á. Giờ đây, họ cần dựng dậy một đất nước lạc hậu về mọi mặt, và thêm vào đó, lại bị một vụ mùa tồi tệ hiếm thấy. Tôi có nghe là hàng trăm ngàn người đang bị đói ở Việt Nam.
    Bà chủ nhà, cho đến giờ vẫn kiên nhẫn ngồi nghe tôi lý sự, nói xen vào:

    - Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ!

    Rồi chúng tôi chuyển đề tài, nhưng khẳng định của bà Vạn Trấn, được các nhân viên ngoại giao khác gật gù tán thưởng nhiệt tình, tiếp tục vang vọng trong tai tôi.

    Nếu sự nghiệp đòi hỏi, những người cộng sản đến nạn đói cũng không từ! Có cái gì không được chỉnh ở đây. Không lẽ, sự nghiệp của người cộng sản Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải có nạn đói, còn sự nghiệp của người cộng sản Trung Quốc đòi hỏi phải cắt viện trợ trong khoảnh khắc như thế? May thay, hiện nay, không có sự nghiệp nào đòi hỏi hàng triệu người dân Trung Quốc phải đói khát. Dân Trung Quốc phải ăn uống thiếu chất, ăn vận tồi tàn, thiếu thốn nhiều tiện nghi của thế giới văn minh, nhưng họ chưa bị đói.

    Tuy vậy, những sự nghiệp trong lịch sử hiện đại Trung Quốc luôn đòi hỏi phải chịu đựng. Tháng 6-1940, thống chế Tưởng Giới Thạch còn hướng sự việc cho các vị hiền triết khi ông trích câu tục ngữ cổ: „Những khó khăn lớn khiến một dân tộc trở nên dân tộc”. Theo lời vị thống chế này, ông đã khích lệ binh sĩ của mình trong cuộc chiến - lúc thì chống Nhật, lúc thì chống Cộng - bằng một câu tục ngữ ưa thích khác: „Thuốc đắng dã tật”.

    (...) Thời gian trôi vèo đến nỗi khi bà Vạn Trấn mời tôi vào chiếc bàn tròn dự bữa tối, tôi liếc nhìn đồng hồ mà không thể tin nổi: cuộc trò chuyện khai vị của chúng tôi đã kéo dài hơn tiếng rưỡi đồng hồ! Bên bàn ăn chúng tôi cũng tán gẫu, cùng lắm, câu chuyện chỉ hơi thoải mái hơn và đề tài cũng rộng hơn.

    (...) Tôi cố tình không mô tả chi tiết bữa tối. Trong tối hôm ấy, điều khiến tôi quan tâm hàng đầu là nước Trung Quốc mà ý đồ chính trị của nó, hiện tại, ảnh hưởng đến hình ảnh thế giới nhiều hơn bao giờ hết, và sự phát triển kinh tế, thậm chí tinh thần của nó, cũng phụ thuộc vào thế giới hơn bao giờ hết. So với điều đó thì những vấn đề như bữa tối của bà thứ trưởng Ngoại giao gồm mấy món, đầu bếp của CLB Quốc tế hôm nay ngâm măng bằng nước gì, làm sao để ức gà mềm như bơ, nhẹ bỗng và có vị hạnh nhân, trứng muối màu đen khác trứng ung như thế nào, hay ngay cả chuyện món vịt Bắc Kinh làm thế nào để thật mềm mà không giòn, và lạc ngâm xi-rô tại sao lại ngon hơn để bình thường - tất cả đều là những chuyện thứ yếu!

    Tóm lại, bữa tối thật vương giả!

    Kỳ 3

    Trần Lê chuyển ngữ và giới thiệu - Còn tiếp
    Last edited by Bin571; 20-08-2019 at 11:43 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    TRUNG QUỐC NĂM XƯA DƯỚI CON MẮT MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (3)

    Thứ bảy - 14/03/2009 21:57
    (NCTG) "Như vậy, hiện tại chỉ có một Trung Quốc. Một Trung Quốc đã chối bỏ sự lạc hậu, nhưng chưa tìm thấy con đường để khắc phục sự lạc hậu. Một Trung Quốc, thay vì duy trì quyền lực nhân dân, thì khao khát địa vị một siêu cường thế giới. Một Trung Quốc mà lãnh đạo của nó, trong hai thập niên cuối, đã phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, và từ khi tấn công Việt Nam, họ còn có khả năng gia tăng chúng bằng những tội ác trầm trọng" - nhận định của một ký giả Hungary trong chuyến thăm Trung Quốc cách đây 30 năm, đến nay vẫn chưa hết thời sự tính?



    Nông dân Trung Quốc tại công xã nhân dân Nhị Kiều

    Lời Tòa soạn: Tiếp theo hai kỳ trước, NCTG xin giới thiệu một số nhận định của nhà báo Hungary Bokor Pál về Trung Quốc trong phần Vĩ thanh của cuốn sách "Một mùa hạ ở Trung Quốc", viết về những gì tác giả "tai nghe mắt thấy" cách đây 3 thập niên tại Đại lục. (Các minh họa trong ba kỳ báo trích từ cuốn sách của ông Bokor Pál).


    Bích chương cổ vũ chính sách Bốn hiện đại hóa tại Thượng Hải



    Vĩ thanh: Hơn ba phần tư bản thảo cuốn sách này đã nằm trong ngăn kéo của tôi khi tôi được tin Trung Quốc đã mở cuộc tấn công hung hãn đối với Việt Nam.

    Như thế, tôi phải cố gắng – không nhỏ - để giữ được văn phong khách quan cho những ký sự đi đường của mình, nhưng tôi nghĩ rằng rốt cục, tôi cũng đã kiên trì để trình bày những gì mình được thấy một cách bình tâm. Một tờ báo dân sự Pháp đã tổng kết những sự kiện xảy ra vài tuần sau khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, rằng „Trung Quốc đã đánh mất sự trong trắng của mình”. Một cách diễn đạt ý nhị, nhưng không đúng. Nếu nhìn trên phương diện vai trò toàn cầu của đất nước này trong thế giới mà chúng ta đang sống, phải nói rằng trong 20 năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ trong trắng và bất cứ lúc nào, nước này cũng hàm chứa trong mình khả năng gây tội ác. Do đó, nếu trong tôi có chút ác cảm với thể chế chính trị hiện tại của quốc gia này, thì ác cảm ấy đã tồn tại ngay từ đầu, và một bước đi không thể tha thứ - hơn tất cả những gì họ đã làm cho đến nay -, cuộc chiến xâm lược một đất nước XHCN láng giềng, chỉ làm gia tăng thêm sự ác cảm ấy.

    (...) Tôi không hề có khái niệm rằng, chẳng hạn, từ khoản chi cho 10 ngàn chiến xa, 3 ngàn máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, có đủ để cung cấp các thiết bị Röntgen cho 70 ngàn công xã nhân dân hay không? Tôi cũng không thể hình dung ra, có thể xây dựng bao nhiêu trường đại học và cảo đẳng, cũng như vận hành chúng trong một thời gian dài, với chi phí của 300 quả bom nguyên tử Trung Quốc. Về đại cục, chúng ta không thể can thiệp vào việc Trung Quốc đảm bảo sự phòng vệ cho mình bằng những công cụ gì. Cùng lắm, chúng ta chỉ có thể đưa ra nhận xét rằng, nước Trung Hoa mới chưa bao giờ cần sử dụng những thứ vũ khí này - hiện tại mới là xe tăng và đại bác – cho mục đích do tự vệ, vì không ai tấn công nước này cả. Nhưng với mục đích tấn công, họ đã dùng hai lần: năm 1962, với Ấn Độ, và năm 1979, với Việt Nam.

    Tiếp đó, tôi cũng không biết làm sao để giảm cái nóng oi bức khủng khiếp của mùa hạ Trung Quốc bằng thiết bị thông gió và tủ lạnh, làm sao có thêm nhiều đồ chơi cho các nhà trẻ, nhiều thịt cho dân cày, và làm sao để những công nhân làm việc trong các ngành công nghiệp có số ngày nghỉ phép năm ít nhất cũng phải như vô sản tại các nước tư bản lạc hậu nhất, xét về mặt xã hội.

    Những thiết sót ấy được giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc nhận biết và để tâm. Viện dẫn chương trình Bốn hiện đại hóa, họ còn cho rằng họ đã biết đất nước họ sẽ được chèo lái như thế nào để trở thành một quốc gia phú cường hơn vào năm 2000.
    Tôi chỉ được thấy mùa hạ đầu tiên của chương trình Bốn hiện đại hóa. Tôi đã tìm cách nhận ra những gì đã chuyển biến, và cả những gì còn dậm chân tại chỗ.

    Cái xã hội mà tôi cảm nhận được - ít ra là những nét chính của nó, thông qua sự giúp đỡ sẵn lòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, của hãng Chinese Travel, cũng như của các vị chủ nhà của tôi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Nam Kinh – có vẻ năng động trên một số lĩnh vực. Ở những phương diện khác, chẳng hạn về sự phát triển của những định chế chính trị, tôi cảm thấy sự thay đổi quá chậm chạp. Mặt khác, ngay trong đời sống kinh tế, tôi cũng không thấy được dấu ấn của sự năng động cách mạng có thể khiến Trung Quốc trở thành một nước hiện đại hai thập niên sau.

    Như vậy, hiện tại chỉ có một Trung Quốc. Một Trung Quốc đã chối bỏ sự lạc hậu, nhưng chưa tìm thấy con đường để khắc phục sự lạc hậu. Một Trung Quốc, thay vì duy trì quyền lực nhân dân, thì khao khát địa vị một siêu cường thế giới. Một Trung Quốc mà lãnh đạo của nó, trong hai thập niên cuối, đã phạm hết từ sai lầm này đến sai lầm khác, và từ khi tấn công Việt Nam, họ còn có khả năng gia tăng chúng bằng những tội ác trầm trọng. Trên mảnh đất của nền văn hóa cổ sơ, của đạo đức quý tộc truyền thống và của tinh thần cách mạng của nhân dân Trung Hoa, một nước Trung Quốc kiểu khác có thể đang được thai nghén.

    Bạn đọc hẳn đã nhận thấy, có một cụm từ gần như đang bị „tuyệt chủng”, cho dù vài năm trước nó còn được sử dụng đến mức nhàm chán: Trung Quốc Đỏ. Người ta đã dùng nó đến cũ mèm, nhưng đó vẫn là một cụm từ có ý nghĩa và đẹp đẽ. Trong phong trào công nhân quốc tế, màu đỏ là biểu tượng của giai cấp vô sản, còn ở Trung Quốc nó còn một nghĩa khác: niềm vui và hạnh phúc. Làm sao tôi không thể cầu mong Trung Quốc sẽ lại đỏ, và dân tộc Trung Quốc được vạn phúc!

    Budapest, ngày 31-3-1979
    Bokor Pál

    Trần Lê chuyển ngữ và giới thiệu
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 09-06-2018, 12:05 PM
  2. Trung Châu Phái Huyền Không Hình Học - Trung Châu Tam Quyết
    By PTS in forum Nơi Rao vặt, Trao đổi, Hiến tặng ...
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 07-06-2013, 02:33 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 13-12-2012, 09:04 AM
  4. Tam giới mật ma quan thánh đế quân trung hiếu trung nghị chân kinh
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 18-10-2011, 10:17 PM
  5. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 09-10-2010, 03:56 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •