LINH ỨNG QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Giảng: Hòa Thượng Tuyên Hóa (Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)

1. Ở Ðông Bắc (Mãn Châu) quê tôi, có một người nông dân rất giàu có. Mùa thu năm ấy, ông chất nông phẩm lên xe đem ra chợ bán; bán xong mang tiền về nhà. Khi còn cách nhà độ ba dặm đường, bất ngờ gặp phải đám thổ phỉ chặn đường đánh cướp. Người nông dân này thấy phía trước có cướp thì hốt hoảng than thầm: "Phải làm sao đây? Chạy trốn ư?" Nhưng bọn thổ phỉ nhìn thấy rồi, muốn trốn cũng không được; nếu không trốn thoát thì nhất định phải bị cướp. Ngay lúc ấy, ông ta niệm chú Ðại Bi, và chiếc xe ngựa của ông ta cứ thẳng đường tiến tới trước.

Khi xe ông tiến gần đến chỗ bọn thổ phỉ, thì từ trong đám thổ phỉ có một người bước ra, đi đến trước xe và nói: "Ông đưa roi cho tôi để tôi đánh xe cho!"

Ông nghe lời, đưa roi đánh xe cho người kia. Xe ông đi ngang qua chỗ đám thổ phỉ mà bọn họ dường như không thấy không nghe gì cả, cho nên ông không bị cướp. Ðợi xe chạy tới chỗ bọn thổ phỉ không còn thấy được nữa, người đánh xe giùm ấy trả roi lại cho ông và nói: "Bây giờ ông hãy đi đi, không có việc gì nữa đâu."

Ông nông dân ấy vì nhìn thấy người đánh xe giúp mình vốn từ trong đám thổ phỉ đi ra, nên cứ đinh ninh anh ta cũng là thổ phỉ, mới nói: "Thưa tiên sinh, hôm nay nhờ tiên sinh cứu giúp mà tôi khỏi bị nạn cướp, dám hỏi quý danh tiên sinh là chi? Hiện ở đâu? Tương lai tôi sẽ đến quý phủ hầu bái tạ."

Người kia đáp: "Tôi tên là A Thệ Dựng."

Quý vị niệm chú Ðại Bi ắt đều biết rõ, trong chú Ðại Bi không phải có một vị Hộ pháp tên là A Thệ Dựng sao? Trong đồ hình, vị Hộ pháp ở phía sau vai có hai cánh, tên là A Thệ Dựng. Nhưng đương lúc ấy, người nông dân lại tự hỏi: "Ồ, A Thệ Dựng là ai vậy kìa?" Bấy giờ ông ta quên bẵng rằng "A Thệ Dựng" chính là một câu trong chú Ðại Bi và là tên của một vị Hộ pháp.

Tới chừng vị A Thệ Dựng ấy đi rồi, không còn nhìn thấy nữa, người nông dân mới sực nhớ ra: "À, đây không phải là vị Hộ pháp A Thệ Dựng trong chú Ðại Bi hay sao?" Song, khi ông nhớ ra thì tìm không thấy "A Thệ Dựng" nữa, chẳng biết là đã đi về đâu!

Trên đây là một trong những cảnh giới không thể nghĩ bàn của chú Ðại Bi. Nếu như người nông dân ấy nghĩ: "Ðể mình thử niệm chú Ðại Bi xem có linh nghiệm không," tất A Thệ Dựng sẽ không hiện thân đến cứu ông ta. Chính nhờ ông ta không có ý muốn thử nghiệm, mà chỉ một lòng tin tưởng: "Trì niệm chú Ðại Bi thì sẽ có thể gặp hung hóa kiết, đổi nguy thành an"; và quả nhiên ông ta được toại ý nguyện, không bị thổ phỉ cướp bóc.

2. Trước kia có một người nhất tâm mong muốn đi Phổ Ðà Sơn ở Nam Hải để triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng mà trong thiên hạ lại có lắm chuyện trớ trêu! Ngày ông ta lên thuyền để đi Phổ Ðà Sơn triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm thì nhà kế bên phát hỏa, bốc cháy. Người nhà ông ta chạy đến báo tin: "Không xong rồi! Anh phải về mau! Ðừng đi Phổ Ðà Sơn nữa. Nhà kế bên chúng ta bị cháy rồi, anh phải về lo thu xếp mới được."

Người ấy nói: "Tôi vì muốn triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm nên đã trường chay ba năm rồi, bây giờ đã lên thuyền sắp đi. Nhà nếu phải cháy, thì dầu tôi có rời thuyền thì nhà cũng vẫn cháy. Nếu không đáng cháy, nhờ sức bảo hộ của Bồ-tát, dầu tôi không xuống thuyền nhà cũng không cháy được. Với thành tâm này, tôi đâu có thể vì nhà cháy mà không đi lễ Bồ-tát Quán Thế Âm!"

Ðối với ông ta lúc đó, việc nhà cháy cũng mặc kệ, chỉ quyết định nhất tâm đi lễ Bồ Tát Quán Thế Âm mà thôi. Sau khi ông ta đi triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm ở Phổ Ðà Sơn trở về, nhìn thấy làng xóm hai bên đều trống không vì bị lửa ngốn, chỉ còn độc ngôi nhà mình nguyên vẹn. Vì thế có người hỏi: "Tại sao mấy nhà xung quanh bị cháy hết mà nhà anh không bị cháy?" Anh ta đáp: "Nhờ tôi thành tâm đi lễ Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi đi, thứ gì tôi cũng buông xả hết, cái gì cháy cứ cháy, tôi cho cháy tuốt, đều không màng đến. Ðó là nhờ Bồ Tát Quán Thế Âm bảo hộ cho đấy! Nhờ oai lực của Ngài cứu giúp nên nhà của tôi mới được nguyên vẹn như thế!"

Ðó là bằng chứng: "Giả sử vào trong đám lửa lớn, lửa không thể cháy được."

3. Trước đây ở Trung Hoa có một vị Hòa thượng bị dân tộc miền núi (người Dao) bắt được, trói lại nhốt trong phòng. Dân ở đây tánh tình rất dã man, chuyên môn bắt người Hán giết để ăn thịt. Vị Hòa thượng này lúc bình thường rất tin tưởng Bồ Tát Quán Thế Âm, cho nên lúc đó ngài không hề sợ hãi, chỉ nhất tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Ông cứ niệm, niệm mãi, kết quả có một con hổ đến phòng giam của ngài phá tung cửa để ngài tự do trốn thoát. Gặp cảnh nguy hiểm như thế mà lại có thể hóa nguy thành an, cho nên niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được sự ứng nghiệm không thể nói hết được.

4. Xưa kia ở Trung Hoa có một người chuyên môn đoán quẻ và đoán rất đúng. Do đâu mà người ấy đoán được linh diệu như thế? Vì trong thân người ấy có yêu quái ma quỷ giúp đỡ. Thứ ma quỷ này mỗi năm ăn một đứa đồng nam và một đứa đồng nữ, do đó ông thầy bói toán này mỗi năm đều phải bắt cóc một đứa bé trai và một đứa bé gái để cúng tế ma quỷ ấy. Năm đó, ông ta bắt được một đứa bé gái mà ở nhà thường được dạy niệm Quán Thế Âm Bồ-tát. Ðương lúc bị nhốt trong phòng để chờ ma quỷ đến ăn thịt, đứa bé ấy liền niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Một lát sau, ma quỷ đến và đứng ngoài cửa sổ nhìn vào. Từ mắt của quỷ phóng ra hai luồng ánh sáng chiếu thẳng vào người đứa bé. Ðứa bé ấy nhơn miệng niệm Bồ-tát Quán Thế Âm nên từ trong miệng nó cũng phóng ra một luồng ánh sáng. Bỗng nhiên đứa bé cảm thấy có một cái gì thật lớn từ trên nóc nhà rớt xuống. Ngỡ là yêu quái đến sắp ăn thịt mình, đứa bé sợ quá kêu toáng lên. Ðúng lúc ấy, bên ngoài có vị quan đi tuần đêm vừa tới, nghe thấy trong nhà có tiếng con nít kêu khóc cầu cứu bèn phá cửa xông vào, và phát hiện xác một con đại mãng xà. Con đại mãng xà này chính là loại Ma-hầu-la-già (Maharaga).

Kết quả là người bói toán ấy bị quan phủ bắt, và thẩm vấn: "Tại sao ông bắt bé gái ấy nhốt trong đó?"

Ông ta đáp: "Tôi được một vị tiên giúp tôi bói toán, vị tiên ấy mỗi năm phải ăn một bé trai và một bé gái. Mấy năm nay tôi đều cúng tế như vậy, nhờ thế vị tiên ấy giúp tôi bói toán rất linh nghiệm, kiếm được rất nhiều tiền."

Thế rồi ông ta bị bắt giam vào ngục, xử phạt theo pháp luật. Vị thầy bói ấy bói toán rất linh nghiệm, nhưng không tính được kết cuộc của chính mình là bị luật pháp trừng phạt và chém đầu răn chúng.

5. Hồi đại chiến thế giới thứ hai, tại Thượng Hải có một vị cư sĩ tên là Phí Phàm Cảnh thường ngày niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Vào thời chiến tranh Trung Nhật, Thượng Hải thường bị phi cơ Nhật oanh tạc. Vị cư sĩ này thường hay dời nhà, một khi cảm thấy chỗ mình ở có nguy cơ bị oanh tạc bèn dời đi chỗ khác. Ông ta vừa dời đi thì nơi đó quả nhiên bị phi cơ Nhật dội bom. Ở chỗ thứ hai được bốn, năm hôm, ông ta lại cảm thấy bất an bèn dời vào Tô giới. Ở Thượng Hải có một khu vực của người Tây phương thuê của Trung Quốc, cho nên người Nhật không dám quấy phá Tô giới. Sau khi dời đến Tô giới, ông ta lại cảm thấy bất an bèn muốn dời đi nữa. Nhưng ngoại vi Tô giới có lưới điện bao quanh, ông ta không có cách nào dời ra khỏi được. Ðang lúc tiến thoái lưỡng nan, không thể quyết định được, bỗng có một đứa nhỏ nói với ông ta:

-Mau chạy đi, đàng sau có quân Nhật kéo đến đấy!

Bấy giờ ông ta thấy trên lưới điện có một lỗ hổng rộng độ hai thước vừa vặn một người chui qua lọt. Thấy đứa bé chui qua lỗ hổng đó, cả nhà ông ta: bà mẹ, vợ, con cái đều theo lỗ hổng đó thoát ra ngoài. Khi thấy họ, các binh lính Tây phương phòng thủ ở đó, cảm thấy rất lạ kỳ, không biết bọn họ tại sao lại chui ra được! Ðến chừng họ tìm lại đứa bé thì không thấy đâu nữa. Xem lại lưới điện vẫn nguyên vẹn, không có lỗ hổng hai thước vuông nào cả. Họ cảm thấy rất lạ kỳ! Từ đó họ đi một mạch đến Tô Châu, lánh khỏi tai nạn chiến tranh. Việc này chứng minh rằng cảnh giới của Bồ Tát Quán Thế Âm thật cao sâu khó nghĩ bàn, người đời không thể nào hiểu nổi. Trong mọi tình huống, Bồ Tát Quán Thế Âm luôn bảo hộ người niệm danh hiệu Ngài. Vì thế mỗi người chúng ta phải nên có lòng tin vững chắc, tha thiết niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

6. Có lần đó, tôi ở chùa Nam Hoa, vào thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, tôi gặp một vị Sư bị quân Nhật bắt giam vào ngục, tay chân đều bị xiềng xích cả. Vị Sư ấy ở trong ngục suốt ngày đều niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm miên mật không dứt. Vào một buổi chiều, bỗng nhiên những gông cùm trên thân Sư đều bị gãy đứt, cửa ngục cũng tự động mở ra nên trốn thoát được.

****************

Nếu lúc gặp hiểm nguy mà quý vị có thể nhớ niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, quý vị sẽ được bình yên vô sự. Nếu quý vị ở trong đám cháy, lửa sẽ không thiêu đốt quý vị. Nếu quý vị té xuống chỗ nước sâu, nước không nhận chìm quý vị. Nếu quý vị không biết bơi, quý vị sẽ thấy mình tự nhiên được tấp vào chỗ cạn. Ðó là do sức cảm ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Lúc nguy cấp, chỉ cần quý vị có thể niệm danh hiệu của Ngài, chắc chắn sẽ được sự cảm ứng và được cứu thoát. Tuy nhiên, quý vị cần phải thật sự có lòng tin; không thể lưỡng lự, bán tín bán nghi được.

Giả sử quý vị bị ở trong đám cháy và vừa niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát vừa hoài nghi: "Có thật là Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đến cứu mình không? Không có đâu! Làm gì có chuyện mầu nhiệm linh thiêng như thế được!" Vì một niệm nghi ngờ đó, Ngài không thể đến giải nguy cho quý vị được. Tại sao vậy? Bởi vì quý vị không tin, không có tín tâm đối với Ngài! Quý vị cần phải một lòng một dạ thiết tha tin tưởng: "Mình niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài chắc chắn sẽ đến cứu mình!" Hoặc nếu sắp bị cọp dữ vồ bắt ăn thịt, quý vị liền nhắm nghiền hai mắt và niệm "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát..."; bỗng nhiên cọp sẽ không thể hả miệng ra được nữa. Ðó chính là nhờ thần lực của Quán Thế Âm Bồ Tát vậy.

*********************

Nếu bình thường quý vị niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, hoặc là vô ý - chớ không phải muốn thử nghiệm Bồ Tát Quán Thế Âm mà nhảy xuống biển xem có linh nghiệm chẳng bị chìm hay không? Nếu quý vị có ý muốn thử, không phải thật lòng tin thì tuyệt đối không linh nghiệm đâu. Quý vị nhảy xuống biển chắc chắn sẽ chìm ngay. Tại sao? Tại quý vị có tâm muốn thử Bồ-tát. Bồ Tát Quán Thế Âm đâu phải học trò, quý vị cũng không phải là thầy giáo, tại sao quý vị lại muốn thử nghiệm Bồ Tát Quán Thế Âm? Tại vì quý vị không tin Bồ Tát Quán Thế Âm có những thần thông như thế nên mới thử nghiệm xem. Sự thử nghiệm đó không sao, nhưng lại là đem sinh mạng của mình làm vật hy sinh đấy! Không nên đem sinh mạng làm trò cười, để đánh cuộc như vậy!

Xưng danh hiệu Bồ-tát này liền gặp chỗ cạn. Quý vị xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì bất ngờ gặp được chỗ cạn. Ở trong biển lớn thì làm sao đến được bờ kia? Ðó là nhờ oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm mới có sự cảm ứng như thế. Bất cứ là người nào, nếu muốn giải trừ các khổ não của bảy nạn, thì trước phải thường thường cung kính xưng niệm danh hiệu Ngài.

**********************

Nếu có người trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm này. "Nếu có," là bây giờ chưa có, tương lai có thể có. Giả sử có một người ở tình huống ấy mà trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. "Trì" là nắm chắc, nghĩa là không quên, cũng tức là tâm tâm niệm niệm đều chấp trì câu: "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Thì dầu vào trong đám lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng. Song, đây ý là nói người ấy bình thường niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, mà không phải là nói đợi đến khi bị vây hãm trong đám lửa lớn mới niệm danh hiệu Ngài, không phải là bảo bây giờ mới đốt hương, bây giờ mới niệm Phật, cũng không phải là nói hôm nay có tai nạn, hôm nay mới niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Có câu là: "Bình thường chẳng đốt hương, gặp việc ôm chân Phật." Lúc rảnh, một cây hương cũng không đốt, gặp việc gấp mới chạy ôm chân Phật cầu xin cứu nạn cho. Lúc ấy dù cho quý vị ôm bắp vế của Phật, nhưng Phật cũng không có để mắt tới đâu. Tại sao thế? Vì lúc bình thường quý vị không chịu tu hành, đến chừng gặp nạn mới cầu cứu với Phật, đó gọi là "bây giờ mới đốt hương, bây giờ mới niệm Phật." Lại còn có một hạng người, lúc bình thường cũng chưa đốt hương chưa niệm Phật, nhưng lúc có nạn gấp, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng cứu giúp họ, khiến họ lìa khổ đượĩc vui. Thế nghĩa là sao? Quý vị biết rằng, mỗi người chúng ta đều có nhân trước quả sau. Ở đời trước, có thể người ấy đã từng dũng mãnh tinh tiến tu hành, gắng sức dụng công niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thậm chí đã từng tạo ra các thứ công đức, đời này dù không có niệm mà nhờ đời trước đã trì niệm, đã từng gieo trồng căn lành, nên ở đời này dù người ấy không niệm mà Quán Thế Âm Bồ Tát vẫn đến cứu giúp cho. Ấy là nhờ có nhân xa mà được. Về nhân, có nhân xa mà cũng có nhân gần. Nhân xa là nhân gieo trồng từ đời trước, nhân gần là nhân gieo trồng ở đời này.

Có người nói: "Ðời trước có thể tôi đã gieo nhân rồi, bây giờ không cần phải niệm nữa. Tương lai tôi có mắc nạn, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng sẽ đến cứu tôi." Ðiều đó không lấy gì chắc lắm. Quý vị yêu cầu tôi bảo đảm, tôi cũng không dám! Nếu như quý vị ngay từ bây giờ bắt đầu thành tâm thành ý niệm đi, thì tôi có thể bảo đảm với quý vị, chắc chắn có thể được cảm ứng, tương lai nếu quý vị có tai nạn chi, Bồ Tát Quán Thế Âm nhất định sẽ đến cứu quý vị. Vì bởi quý vị không phải là "bây giờ đốt hương, bây giờ cảm ứng" thì tuyệt đối sẽ có cảm ứng.

**************************

Mọi người có thể xem đầy đủ bài giảng trên của Hòa Thượng Tuyên Hóa ở Phẩm Phổ Môn Lược Giảng tại: https://dharmasite.net/PhamPhoMonLuocGiang.htm

NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT