Việt Nam sắp ký thỏa thuận quốc phòng với Liên minh châu Âu
02/08/2019 2000 GMT+7

Theo Asia Times, EU và Việt Nam sẽ ký kết một thỏa thuận quốc phòng mới vào ngày 5/8 tới, mở đường cho mối quan hệ hợp tác chiến lược mạnh mẽ hơn giữa hai phía tại Biển Đông.


EU-Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng

Tờ Asia Times đưa tin, ngày 5/8 tới, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini sẽ ký kết một thỏa thuận quốc phòng mới với Việt Nam. Đây là thỏa thuận an ninh đầu tiên có nội dung như vậy được EU ký kết với một quốc gia Đông Nam Á.

Theo Asia Times, thỏa thuận trên là tín hiệu cho thấy EU đang nỗ lực xây dựng mối quan hệ quốc phòng gần gũi hơn đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, nhất là trong bối cảnh Biển Đông có những diễn biến phức tạp.
Sau khi tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội Nghị Bộ trưởng ASEAN-EU tại Bangkok từ 1/8-2/8, bà Mogherini sẽ tới Hà Nội để ký "thỏa thuận về việc Việt Nam sẽ tham gia vào các hoạt động dân sự và quân sự của EU".

"Tôi kỳ vọng đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên trong nhiều thỏa thuận mà chúng tôi sẽ có với các quốc gia đối tác ASEAN, bởi nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là phục vụ lợi ích của châu Âu, mà đôi lúc còn cả lợi ích hòa bình và an ninh toàn cầu" - bà Mogherini phát biểu trước truyền thông hồi đầu tuần này.


Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini.Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, bà Mogherini dự kiến sẽ ký kết một thỏa thuận khung, trong đó cho phép Việt Nam tham gia vào các chiến dịch xử lý khủng hoảng của EU. Asia Times cho biết, họ đã xác nhận thông tin này với một số nguồn tin trong EU.

Thỏa thuận trên cũng sẽ cho phép quốc gia đối tác (Việt Nam) đóng góp vào các hoạt động trong khuôn khổ chính sách Quốc phòng và An ninh chung của EU.

Trả lời tờ Asia Times, một đại diện phát ngôn của EU cho biết thỏa thuận sắp tới sẽ xác nhận cam kết chung giữa EU và Việt Nam về việc đóng góp vào hòa bình và an ninh trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung, cũng như bảo đảm trật tự đa phương đang được thiết lập dựa trên các quy tắc hiện nay.

"Thỏa thuận sẽ cho phép Việt Nam tham gia tích cực vào các chiến dịch xử lý khủng hoảng do EU dẫn đầu. Những hoạt động này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình, ngăn chặn xung đột và củng cố an ninh quốc tế tại khu vực lân cận của EU và xa hơn nữa" - Vị đại diện phát ngôn cho hay.

Các thỏa thuận tương tự từng được EU ký kết với Australia, New Zealand và Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 18/7, Thông tấn xã Việt Nam cho biết, các đại sứ của Ủy ban Đại diện thường trực của Liên minh châu Âu (COREPER) đã phê chuẩn việc ký kết Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về việc thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động xử lý khủng hoảng của EU (FPA).

Giới chức châu Âu khẳng định nếu được ký kết, hiệp định này sẽ là thỏa thuận thứ hai trong khuôn khổ Chính sách An ninh và Quốc phòng chung của EU (PSDC) được ký với một quốc gia châu Á, sau thỏa thuận với Hàn Quốc.


EU ưu tiên mối quan hệ với Việt Nam

Theo Asia Times, EU ưu tiên các mối quan hệ với Việt Nam là bởi Việt Nam đã trở thành 1 trong 5 quốc gia được lựa chọn trở thành thành viên không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong hai năm tới. Đây là cơ hội để Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm trong ngoại giao quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm tới. Mối quan hệ khăng khít với Việt Nam có thể cho phép EU xây dựng tầm ảnh hưởng lớn hơn trong các vấn đề của Đông Nam Á.
Quan trọng hơn cả, Việt Nam là trung tâm địa-chiến lược của Đông Nam Á và đã thể hiện rõ lập trường cương quyết của mình sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Diễn đàn khu vực ASEAN diễn ra sau khi nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc gần đây đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trước nay EU đều từ chối công khai ủng hộ phía nào trong tranh chấp Biển Đông, mặc dù liên minh này bày tỏ quan điểm rằng Bắc Kinh cần tôn trọng luật pháp quốc tế được thiết lập dựa trên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Theo đánh giá của Asia Times, chưa thể xác định rõ thỏa thuận sắp tới giữa Việt Nam và EU sẽ có ý nghĩa thực tiễn như thế nào do hiện nay, EU mới chỉ tiến hành các hoạt động Chính sách Quốc phòng và An ninh Chung tại châu Âu và châu Phi, chưa có hoạt động nào tại châu Á. Vì thế trước mắt, có lẽ thỏa thuận này sẽ mang tính biểu tượng nhiều hơn.

Theo Lâm Vy (Soha/Trí Thức Trẻ)