TẠI SAO VIỆT NAM CÓ THỂ TỒN TẠI NHIỀU NGHÌN NĂM BÊN CẠNH MỘT “ĐẾ QUỐC” TRUNG HOA HÙNG MẠNH?
===========





1- Quan hệ Việt – Trung, Ân và Oán

Đầu năm 2012, Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã đăng bài nghiên cứu phản biện sắc bén của Tiến Sĩ Vũ Cao Phan. Bài viết này đã lược lại lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc từ hàng nghìn năm nay và phân định khá rạch ròi đâu là ÂN, đâu là OÁN. Cổ nhân có câu “Ân đền oán trả”. Truyền thống của người Việt Nam nói chung (đa số, không phải thiểu số) là “ân đền”. Coi việc “đền ơn” như một nghĩa vụ của lòng nhân.

Nhưng người Việt Nam không hiểu hai từ “Oán trả” theo cách hiểu của người Trung Quốc. Người Trung Quốc có câu: “Oan oan tương báo” có nghĩa là “lấy oán trả oán”. Người Việt Nam có truyền thống “lấy ân báo oán, oán tất tan”. Điều đó đã được Nguyễn Trãi tổng kết trong “Cáo Bình Ngô”: “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn Đem chí nhân để thay cường bạo”. Trong lịch sử hơn 4.000 năm quan hệ giữa hai dân tộc, Trung Quốc đã gây ra 13 cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn và hàng trăm vụ khiêu khích, xâm lấn khác đối với Việt Nam. Và tất cả đều bị đánh bại, không sớm thì muộn. Mỗi lần tống tiễn xong những người khách không mời đến từ phương Bắc, người Việt Nam lại “trải chiếu hoa” đón tiếp sứ giả, cho sứ thần sang phương Bắc triều cống, tái kết hòa hiếu, lập lại quan hệ hòa bình giữa hai dân tộc.

Điều đó không chỉ là chuyện “lấy ân báo oán, oán tất tan” mà còn là cách tồn tại của một dân tộc nhỏ nhưng vừa bất khuất, kiên cường, vừa mềm dẻo, giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ một cách khéo léo bên cạnh một nước lớn khổng lồ vào bậc nhất thiên hạ.

Để giữ được nước thì nhiệt huyết, đức hy sinh, ý chí xả thân và vũ khí hiện đại là chưa đủ. Phải có cả sự khôn ngoan, khéo léo, lựa thời chọn thế, biết mình biết người thì mới bảo vệ chắc chắn chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển và hải đảo của Tổ Quốc. Một trong những nét đặc sắc của sự khôn khéo của tiền nhân trong ứng xử với Trung Quốc là bên cạnh những cuộc Nam chinh xâm lược của Trung Quốc, trong lịch sử đã có nhiều giai đoạn hai dân tộc đã từng giúp đỡ nhau chống ngoại xâm, từng nương tựa vào nhau để tồn tại.

Điều này có vẻ vô lý khi hình dung một quốc gia bé xíu như Việt Nam có thể giúp đỡ được người khổng lồ Trung Quốc. Tuy nhiên, đó lại là những sự kiện đã được lịch sử ghi lại bằng văn tự, di tích, lễ hội hoặc qua văn chương truyền miệng. Sau đây là một vài ví dụ tiêu biểu.

– Lý Ông Trọng: Vào thế kỷ thứ I trước Công nguyên, dưới thời trị vì của An Dương Vương, Lý Ông Trọng (tên thật là Lý Thân), người làng Chèm, một danh tướng người Việt đã được triều đình Âu Lạc cử sang giúp nhà Tần chống quân xâm lược Hung Nô. Đại Việt sử ký toàn thư thì chép rằng: Từ lúc ít tuổi, ông đến hương ấp làm lực dịch, bị trưởng quan đánh, bèn bỏ sang nước Tần, làm quan đến chức Tư lệ hiệu úy. Sách “Việt sử tiêu án” và sách “Việt điện u linh” cũng chép sự kiện này. Đền thờ Lý Ông Trọng được xây dựng từ năm 603 ở làng Chèm, nay thuộc phường Thụy Phương, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngọc Phả của đình Chèm cũng chép rõ công tích của ông. Lễ hội tưởng nhớ ông được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch hàng năm.

– Nhà Trần cự tuyệt việc cho quân Nguyên – Mông mượn đường đánh Tống. Giữa thế kỷ XIII, Đế quốc Mông Cổ xâm lược và chiếm đóng nhiều quốc gia từ Á sang Âu và chuẩn bị đánh chiếm phía Nam Trung Quốc (Nam Tống). Hãn Mông Kha (Mongke) cử tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriyangqatai) chiếm Đại Lý (Vân Nam) và đề nghị nhà Trần của Việt Nam cho mượn đường đánh tập hậu nhà Nam Tống. Triều đình nhà Trần thấy rõ kế “mượn đường diệt Quắc” của quân Nguyên nên cự tuyệt, bất chấp sự đe dọa “làm cỏ nước Nam” của tướng giặc. Ngày 17 tháng 1 năm 1258, quân Mông Cổ phát binh đánh Việt Nam từ hướng Vân Nam. quân đội nhà Trần dù phải bỏ Thăng Long nhưng kiên quyết kháng cự. Ngày 28 tháng 1 năm 1258, quân đội nhà Trần phản công, chỉ 10 ngày sau đã đánh đuổi quân Nguyên khỏi Đại Việt. Trong cuộc chiến này, Đại Việt vừa tự bảo vệ mình, đồng thời cũng là bảo vệ sườn phía Nam cho Trung Quốc.

– Tướng Tống và binh sĩ người Hoa trong quân đội nhà Trần. Năm 1278, quân Nguyên Mông đánh chiếm toàn bộ Trung Quốc. Hoàng tộc nhà Tống nhảy xuống biển tự tử. Nhà Tống diệt vong. Tuy nhiên, một đạo quân Tống hơn 1.000 người do tướng Triệu Trung cầm đầu đã đào thoát sang Đại Việt, được Trần Nhật Duật thu nạp và đưa về Thắng Long. Ngày 21 tháng 7 năm 1284, quân Nguyên do thái tử Toghan (Thoát Hoan) chỉ huy xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Tướng quân Nguyên Sogetu (Toa Đô) sau khi bình định Chiêm Thành ở phía Nam cũng tấn công ra Châu Hoan, Châu Ái. Hai đầu Đại Việt đều có giặc. Trong các trận phản công chiến lược của quân đội nhà Trần ở Hàm Tử, Tây Kết, Chương Dương, đội quân của Triệu Trung đã góp phần làm nên chiến thắng của quân đội nhà Trần và giải phóng Thăng Long. Quân Nguyên – Mông phải triệt thoái khỏi Đại Việt sau gần một năm chiến tranh. Sau này, không thấy sử sách chép thêm về tướng Triệu Trung và đội quân của ông. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, họ đã định cư ở Đại Việt và được Việt hóa.

– Lưu Vĩnh Phúc. Năm 1864, Nhà Thanh với sự trợ giúp của quân đội Anh, Mỹ và Pháp đã dẹp tan khởi nghĩa “Thái bình thiên quốc”. Triều đình nhà Thanh đã “bán đất cầu an”. Các thế lực đế quốc phương Tây bắt đầu xâu xé Trung Quốc. Một viên tướng trong quân đội Thái Bình Thiên Quốc là Lưu Vĩnh Phúc dẫn theo 200 lính Trung Quốc chạy sang Đại Nam (quốc hiệu Việt Nam đời Minh Mạng). Triều đình nhà Nguyễn thu nạp viên tướng này, cho phép tuyển binh ở Việt Nam, lập nên đội quân Cờ Đen có quân số khoảng 600 người.

Năm 1869, quân nhà Nguyễn phối hợp với quân Cờ Đen đánh bại quân Cờ Vàng (cũng vốn là di duệ của Thái Bình Thiên Quốc) xâm nhập biên giới Việt Nam ở Lào Cai và Hà Giang. Ngày 19-11-1873, đại úy hải quân Pháp Francis Garnier cầm đầu 171 quân Pháp và hơn 150 quân đánh thuê người Vân Nam tấn công Thành Hà Nội lần thứ nhất. Hà Nội thất thủ, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng mà chết.

Ngày 18-12-1873, Lưu Vĩnh Phúc dẫn quân Cờ Đen kéo về lập trại ở Phủ Hoài Đức. Ngày 21-12, Francis Garnier dẫn quân Pháp ra cửa Tây thành nghênh chiến, bị quân nhà Nguyễn và quân Cờ Đen mai phục tiêu diệt ở Cầu Giấy. Francis Garnier bị giết. Quân Pháp phải bỏ thành Hà Nội theo đường thủy rút vào phía Nam. Sau chiến thắng này, Lưu Vĩnh Phúc được thăng lên làm Phó Lãnh binh dưới trướng Hoàng Tá Viêm (có sách chép là Hoàng Kế Viêm). Ngày 23-4-1882, Đại tá hải quân Pháp Henri Rivière cầm đầu 480 lính thủy đánh bộ tấn công thành Hà Nội lần thứ hai. Thành Hà Nội thất thủ chỉ sau vài giờ giao chiến. Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử. Henri Rivière thừa thắng đem quân đánh rộng ra đồng bằng Bắc Bộ, chiếm thành Nam Định và cảng Hòn Gai.

Ngày 10-5, Lưu Vĩnh Phúc lại dẫn quân Cờ Đen về đóng ở Phủ Hoài Đức và gửi tối hậu thư thách Henri Rivière giao chiến. Ngày 19-5-1882, Henri Rivière dẫn 500 quân tấn công Phủ Hoài Đức. Quân Cờ Đen và quân nhà Nguyễn lại mai phục tại Cầu Giấy, có trận địa pháo yểm hộ tại Hạ Yên Quyết. Sau ba giờ chiến đấu, quân Cờ Đen và quân Nhà Nguyễn làm chủ trận địa, giết chết Henri Rivière và hơn 50 lính Pháp, 76 tên khác bị thương. Quân Pháp phải rút vào cố thủ trong thành Hà Nội. Sau trận này, Lưu Vĩnh Phúc trực tiếp chỉ huy phòng thủ trong trận Pháp đánh thành Sơn Tây, tham gia phòng thủ thành Hưng Hóa, giao chiến với quân Pháp ở Lạng Sơn và bao vây 1 tiểu đoàn quân Pháp ở Tuyên Quang.

Có thể nói cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ nhất của người Việt Nam đã làm cho Lưu Vĩnh Phúc từ thân phận một tội phạm bị nhà Thanh truy nã trở thành một công thần trong cuộc chiến chống các thế lực thực dân của Việt Nam và Trung Quốc cuối thế kỷ 19.

– Chiến thắng Thập Vạn Đại Sơn. Tháng 4 năm 1949, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vượt sông Trường Giang Nam hạ, liên tiếp đánh bại quân Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, đánh chiếm Nam Kinh. Theo đề nghị của đại diện Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tư lệnh Biên khu Việt – Quế (Quảng Đông – Quảng Tây), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam phái một lực lượng vũ trang sang giúp Trung Quốc chiến đấu để “xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung–Long – Khâm liền với biên giới Đông Bắc ta, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Đại quân Nam Hạ” (Trích mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 23-4-1949).

Chiến dịch “Thập Vạn Đại Sơn” kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 năm 1949. Lực lượng của Giải phóng quân Trung Quốc gồm 3 tiểu đoàn địa phương, do đồng chí Trần Minh Giang (Chen Mingjiang) chỉ huy. Lực lượng Việt Nam tham gia chiến dịch gồm một số tiểu đoàn thuộc 3 trung đoàn 28, 174, 95, do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy. Lực lượng Quốc dân đảng có 5 trung đoàn. Trên hướng Long Châu, bộ đội Việt Nam đánh chiếm Bằng Tường, Thuỷ Khẩu (ngày 12-6), Hạ Đồng (ngày 13-6).

Ngày 18-6, Bộ đội Việt Nam đã diệt 1 tiểu đoàn viện binh Quốc dân Đảng từ Long Châu xuống và tiến đánh Ninh Minh. Trên hướng Khâm Châu, trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 9-7, liên quân Trung-Việt đánh thị trấn Trúc Sơn (Zhushan) nằm trên đường từ Đông Hưng đến Phòng Thành nhưng không thành công. Ngày 25-7, liên quân Việt – Trung chuyển sang tấn công quân Quốc dân Đảng tại Voòng Chúc, Mào Lênh, tiến sát Phòng Thành. Quân Quốc dân đảng phải rút khỏi các đồn bốt nhỏ, tập trung về bào vệ các thị trấn Long Châu, Nà Lương, Phòng Thành, Đông Hưng. Chiến dịch kết thúc vào tháng 10 khi cánh quân từ phía bắc của Quân Giải phóng Trung Quốc đánh chiếm Nam Ninh. Tại Biên khu Việt – Quế, liên quân Trung – Việt đã chiếm được 10 trên 12 vị trí thuộc 3 huyện Long Châu, Khâm Châu, Phòng Thành, mở rộng vùng giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây.

Để ghi công và tưởng nhớ các chiến binh đã tử trận trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn, tại thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc) có một đài liệt sĩ trên khắc song song hai hàng chữ Việt – Hán: “Đài kỷ niệm liệt sĩ cách mạng nhân dân Việt – Trung”. Trên bệ có khắc một bia bằng tiếng Việt “Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tình hữu nghị giữa các dân tộc. 1956, Đảng Lao động và Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban hành chính tỉnh Hải Ninh”. Hài cốt của các tử sĩ Việt Nam và Trung Quốc được quy tập và chôn cất dưới chân đài. Trong chiến dịch, tại Thủy Khẩu (thị trấn cửa khẩu thuộc huyện Long Châu, Trung Quốc, đối diện cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng, Việt Nam) diễn ra trận đánh kéo dài 2 ngày đêm của liên quân Trung – Việt chống lại 3 trung đoàn quân Quốc dân Đảng. Trong số những người tử trận có Chủ tịch huyện Long Tân Ngu Khắc Hàn và 22 chiến sĩ Việt Nam.

Để tưởng nhớ liệt sĩ của hai nước, Chính phủ Trung Quốc cho quy tập các hài cốt đã an táng tại Khiếu Lâm, La Hồi và Hạ Đồng về Thủy Khẩu, lấy tên là “Nghĩa trang Liệt sĩ Trung Việt tại Thủy Khẩu Long Châu” (龙州水口中越烈士陵园 – Long Châu Thủy Khẩu Trung Việt Liệt Sĩ Lăng Viên). Đây là một trong các địa điểm du lịch của Long Châu.

2- Vì sao nhiều dân tộc bên rìa Trung Quốc đã diệt vong hoặc bị Trung Quốc đồng hóa?

Hãy thử nhìn lại những dân tộc đã mất đất vào tay Trung Quốc hoặc thậm chí là diệt vong, bị Trung Quốc đồng hóa trong lịch sử:

– Bách Việt: Thời Nhà Tần, Trung Quốc mới chỉ chiếm được một số điểm lẻ tẻ ở phía Nam sông Dương Tử. Có đến 100 tộc người Việt từng tồn tại ở phía Nam sông Dương Tử: Mân Việt, Đông Việt, Nam Việt, Hồ Việt, Điền Việt, Dương Việt, Cán Việt, Sơn Việt, Ư Việt, Âu Việt, Lạc Việt, Câu Ngô, Dạ Lang .v.v… Thế nhưng đến nay, tất cả đều bị diệt vong. Duy nhất Lạc Việt còn tồn tại và đến nay là Việt Nam. Tại sao vậy ?

– Thổ Phồn (hay Thổ Phiên hoặc Thổ Phiền), một quốc gia Phật giáo từng thống trị Tây Tạng, từng cạnh tranh với Nhà Đường của Trung Quốc. Thổ Phồn khống chế gần như toàn bộ con đường tơ lụa suốt từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX. Đến năm 877 diệt vong và bị sáp nhập vào Trung Quốc. Tại sao vậy ?

– Người Nữ Chân: Từng có triều đại nhà Kim hùng mạnh, thôn tính nhà Liêu, từng đánh bại nhà Tống nhiều lần, thống trị Mãn Châu, từng chịu ách đô hộ của Mông Cổ, từng là nơi phát tích của nhà Thanh. Cuối cùng, bị Hán hóa. Tại sao vậy ?

– Người Tây Khương: Cư trú ở địa bàn miền Tây tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, từng bành trướng lãnh thổ ra khắp vùng, uy hiếp nhà Hán. Nhưng cuối cùng vẫn trở thành một tộc người thiểu số và bị sáp nhập vào Trung Quốc. Tại sao vậy ?

– Nhà nước Hung Nô (thường bị nhầm với đế quốc Mông Cổ) từng là một nhà nước hùng mạnh của người Mông Cổ từ thế kỷ III đến thế kỷ IV. Chỉ sau 1 thế kỷ, bị người Hán vừa chia rẽ vừa đồng hóa, bị chia cắt thành hai phần: Nam Hung Nô và Bắc Hung Nô. Năm 431, nhà nước Hung Nô sụp đổ, Nam Hung Nô bị Hán hóa, bây giờ là Khu tự trị Nội Mông. Tại sao vậy ?

– Người Duy Ngô Nhĩ (còn gọi là người Hồi hay Hồi Hột) từng có một Vương quốc Hồi Cốt (Hãn quốc Uyghur) hùng mạng vào thế kỷ thứ VIII, chiếm cứ toàn bộ Mông Cổ và phía Bắc Trung Quốc, uy hiếp nhà Đường. Nhưng chỉ 104 năm sau, đã bị người Hán dùng kế ly gián đánh bại. Hãn Quốc Uyghur diệt vong. Tại sao vậy ?

– Cao Câu Ly (Koguryŏ), vương quốc hùng mạnh nhất trên bán đảo Triều Tiên từ năm 37 TCN và đến năm 668 SCN. Vào thời cực thịnh năm 476, sau nhiều cuộc chinh phạt, lãnh thổ Cao Câu Ly mở rộng ra Đông Mãn Châu và Bắc Nhiệt Hà, Bán đảo Liêu Đông, Bán đảo Sơn Đông. Cuối thể kỷ VII, nhà Đường liên minh với hai vương quốc ở phía Nam bán đảo Triều Tiên là Bách Tế (Baekje) và Tân La (Silla) đánh bại Cao Câu Ly. Mãn Châu rơi vào tay Trung Quốc. Đế quốc Cao Câu Ly sụp đổ và bị Nhà Đường thôn tính. Đến năm 918, nhà nước Cao Ly mới phục hồi và trở thành nhà nước Triều Tiên (Triều đại Chosun) nhưng toàn bộ phần đất phía Bắc sông Áp Lục đã mất về tay Trung Quốc. Tại sao vậy ?

– Đế quốc Mông Cổ: Khét tiếng toàn cầu với hình ảnh”vó ngựa Nguyên – Mông đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đó”. Mông Cổ từng xâm chiếm toàn bộ Trung Quốc, gần như toàn bộ Châu Á, Bắc Tiểu lục địa Ấn Độ và phần phía Đông Châu Âu. Từng thảm bại ba lần tại Việt Nam. Cuối cùng, vẫn bị Trung Quốc Hán hóa gần hết và co lại thành nước Mông Cổ ngày nay trên một vùng đất khô cằn. Có thể nói, chính cuộc xâm lăng của Đế quốc Mông Cổ đã giúp người Hán có được định hình được lãnh thổ Trung Quốc gần giống như ngày nay.

Nó chứng minh một chân lý mà Ăng Ghen đã đúc kết: “Kẻ chinh phục bị nền văn hóa của dân tộc bị chinh phục chinh phục lại” Nguyên nhân thì có rất nhiều, bởi lịch sử luôn biến thiên do những cuộc tranh giành quyền lực của nhiều thế lực, nhiều tộc người. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân cơ bản: Một là: Sở dĩ Việt Nam còn tồn tại được là vì Việt Nam không tham một tấc đất của Trung Quốc. Cái gì của Việt Nam thì Việt Nam phải giữ và giữ bằng mọi giá, kể cả vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền đã tuyên bố. Cái gì không thuộc về Việt Nam thì Việt Nam không màng đến. Những quốc gia kể trên sở dĩ diệt vong hoặc bị Hán hóa, bị nô dịch bởi nền văn hóa Trung Hoa là do bề dày văn hóa của họ không đủ để đối địch lại với nền văn hóa Trung Hoa, không định hình được bản sắc văn hóa của riêng mình một cách vững chắc (trường hợp Mông Cổ), hoặc tham lam những thứ không phải của mình.

Mặt khác, chính bản thân người Trung Quốc cũng từng nhiều lần phải trả giá khi tham lam những thứ không phải của mình mà Việt Nam là một ví dụ điển hình. Hai là: Những dân tộc đã mất một phần lãnh thổ, dân cư hay bị diệt vong bởi tay Trung Quốc đều là những dân tộc mất đoàn kết. Trong lịch sử của mình, người Việt Nam không ít lần bị chia rẽ, mất đoàn kết nên bị Trung Quốc hoặc cường quốc khác đô hộ. Người Việt thấu hiểu bài học đoàn kết dân tộc hơn ai hết.

Về hình thức chính trị, sự đoàn kết dân tộc của người Việt tập trung xung quanh chính quyền trung ương, đó là hạt nhân thứ nhất. Nhưng người Việt còn có hạt nhân thứ hai cũng tạo nên sự đoàn kết không kém phần rắn chắc. Đó là mô hình xã hội “cộng đồng làng” với nền “dân chủ bình đẳng làng xã”.

3- “Cộng đồng làng”, “pháo đài phòng thủ” bất khả chiến bại của dân tộc Việt Nam

Nhiều nhà nghiên cứu sử học, xã hội học Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Anh và nhiều nước phương Tây đã đặt câu hỏi rằng: Tại sao trong suốt 1.000 năm Bắc thuộc, người Việt Nam không bị Hán hóa như nhiều tộc người khác ? Tại sao trong suốt hơn 100 năm đô hộ, người Pháp vẫn không thể Âu hóa được người Việt Nam. Trong suốt nhiều chục năm, họ vẫn đi tìm lời giải đáp.

Mô hình xã hội Việt Nam từ thời cổ đại đến nay có một cấu trúc khá đặc sắc hiếm thấy xuất hiện ở các quốc gia dân tộc khác. Đó là “Cộng đồng làng nghề” (bao gồm cả nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp .v.v…). Ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Bắc Á, mô hình xã hội cơ sở chủ yếu dựa trên điền trang thái ấp. Mô hình này cũng tồn tại khá phổ biến ở nước Nga và nhiều nước Châu Âu. Ở Việt Nam, lịch sử cho thấy mô hình “Điền trang thái ấp” tuy được người Trung Quốc du nhập vào Việt Nam và có thời kỳ được các triều Lý, Trần sử dụng khá phổ biến nhưng nhìn chung, người Việt Nam không chấp nhận mô hình này. Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa mô hình “Cộng đồng làng” và mô hình “Điền trang thái ấp” chính là sự phân tầng xã hội diễn ra rất hạn chế, làm cho nó có vẻ giống với mô hình “thị tộc” và “bộ lạc” nhưng lại không phải là “thị tộc” và “bộ lạc”.
Trở lại lịch sử, người ta thấy thời Văn Lang – Âu Lạc có một từ khá quen thuộc là “chạ” (chung chạ). Dưới thời An Dương Vương, “chạ” là mô hình tổ chức xã hội cơ sở khá phổ biến xung quanh Kinh thành Cổ Loa. Cho đến nay, nhiều nơi thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ vẫn còn lưu giữ được tục “kết chạ”. Xem xét mô hình “chạ”, người ta thấy nó chính là di duệ của chế độ thị tộc thời nguyên thủy trước khi tiến triển thành một mô hình xã hội lớn hơn là bộ lạc. Ở Việt Nam, thể chế bộ lạc đã ra đời nhưng thị tộc vẫn còn đó. Người ta cũng tìm thấy dấu tích của chế độ mẫu hệ thông qua các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của Hai Bà Trưng với những đội quân mà phái nữ chiếm da số, còn hầu hết tướng lĩnh là nữ.

Có nhiều cách lý giải khác nhau. Có giả thuyết rằng đó là do người Hán đã áp dụng chính sách sát phu, hiếp phụ đối với người Việt. Có giả thiết rằng đó là do sự vùng lên đòi lại nữ quyền, lập lại chế độ mẫu hệ.v.v… Nhưng trong những cách lý giải ấy, có một khả năng là chế độ thị tộc mẫu hệ vẫn còn di duệ ở Việt Nam cho đến đầu công nguyên.

Có một điều chắc chắn là tổ chức xã hội kiểu “làng” ở Việt Nam là một kiểu thị tộc thoái hóa. Thị tộc ở Việt Nam không biến mất hẳn như ở hầu hết các tộc người khác mà nó chỉ tích hợp vào nó những yếu tố hiện đại hơn và dần chuyển hóa thành làng. Trong đó, chế độ phụ hệ được du nhập từ Trung Quốc dần dần thay thế cho chế độ mẫu hệ. Một số yếu tố hiện đại về phong tục, tập quán cũng được tích hợp trên cơ sở trao đổi văn hóa giữa các làng với nhau, giữa làng với chính quyền trung ương. Đó là cái cách người Việt Nam tạo dựng mô hình xã hội cho mình mà không phải rập khuôn từ bất kỳ ai.

Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, khi đất nước bị phong kiến phương Bắc đô hộ, chính quyền nằm trong tay ngoại bang nhưng làng thì vẫn là của người Việt Nam. Ở đây có luật lệ riêng (hương ước), có đội quân vũ trang riêng (tuần đinh), có cơ cấu tổ chức quyền lực riêng (việc làng), có bộ máy điều hành riêng (lý trưởng và các chức dịch), có tín ngưỡng riêng (thành hoàng làng), có cơ sở sản xuất (ruộng làng), có công quỹ tài chính riêng (khoán lệ), có hoạt động xã hội cộng đồng riêng (hội làng), có cơ sở thờ tự, hoạt động chính trị, văn hóa xã hội riêng (đình làng), có cương vực biên giới riêng (lũy tre làng), có thị trường riêng (chợ làng). Trong tâm thức người Việt cổ và cho đến tận ngày nay, có nhiều cơ sở vật chất công cộng vẫn được gắn liền với làng, xóm: đường làng ngõ xóm, giếng làng, đình làng, ao làng, trống làng, lũy tre làng .v.v…

Làng Việt có tổ chức xã hội rất khác với nhiều nước. Nếu như ở Trung Quốc, Nga, Châu Âu và nhiều nơi khác, các quan lại, chức sắc của chính quyền trung ương khi nghỉ hưu thường rất được trọng vọng và có địa vị xã hội cao trong cộng đồng dân cư thì ở Việt Nam, quan lại, chức sắc bỏ mũ từ quan về làng cũng chỉ như dân thường. Có chăng là được các chức dịch trong làng tôn trọng, được ngồi chiếu trên trong việc làng và được tham vấn ý kiến để hành xử việc trong làng sao cho “phải đạo”. Các chức dịch của làng không phải là công chức chuyên nghiệp và không hưởng lương. Họ được dân làng bầu ra. Họ vẫn phải lao động để có thu nhập và được hưởng một khoản phụ thu từ “ruộng làng” chia theo chế độ “tỉnh điền”. Một thửa ruộng của một hộ chia làm 9 phần, chủ hộ hưởng 8 phần, phần còn lại nộp cho làng làm quỹ.

Hệ thống cai trị của phong kiến Trung Quốc suốt 1.000 năm cũng như thực dân Pháp suốt 100 năm cũng không thể xóa được làng với tư cách là một thiết chế xã hội cơ sở. Một đế quốc thực dân tư bản phát triển hiện đại như Pháp vẫn phải sử dụng mô hình thiết chế làng, tổng, huyện, phủ, tỉnh, kỳ trong cơ cấu bố trí hệ thống chính trị thuộc địa ở Việt Nam, trong đó, làng vẫn là cơ sở. Thời Pháp thuộc, mặc dù mất đi hầu hết vị trí độc lập về chính trị và một số yếu tố khác nhưng về văn hóa nói chung, Làng Việt vẫn là Làng Việt. Điều đó chứng tỏ văn hóa là cái còn tồn tại rất lâu sau khi tất cả đã mất đi.

Ngay cả chính quyền phong kiến Việt Nam độc lập trong suốt 1.000 năm từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX cũng vẫn phải thừa nhận một cách không chính thức tính “tự trị tương đối” của làng. “Phép vua” thì vẫn phải thi hành như “lệ làng” thì không thể bỏ. Điều cần thiết là đạt được sự hài hòa giữa “luật” và “lệ” để “vẹn cả đôi đường”. Chỉ trong những trường hợp cực chẳng đã, “làng” mới nổi dậy chống lại “triều đình”. Còn trong phần lớn thời gian lịch sử của dân tộc Việt, “làng” tồn tại cùng “nước” trong một thể chế chính trị thống nhất có tính biện chứng. Nó thống nhất đến mức Phan Bội Châu đã nhận định: “Làng là cái nước nhỏ, nước là cái làng to”.

Chính nhờ sự khép kín tương đối trong mô hình tổ chức xã hội cơ sở mà Làng Việt vẫn có thể tồn tại độc lập tương đối với chính quyền trung ương, bất kể là ngoại bang hay nội địa. Sự tồn tại tương đối độc lập ấy mang theo nền văn hóa Việt mà căn bản là “văn hóa làng” đi xuyên qua hai thiên niên kỷ, làm cho văn hóa Việt tồn tại đến tận ngày nay với những bản sắc vốn có và cả những bản sắc du nhập được Việt hóa. Cương vực của làng, cái lũy tre ấy vẫn tồn tại từ bao đời nay và trở thành nỗi khiếp đảm của quân xâm lược đến từ bất kỳ đâu.

Tuy nhiên, chính tính chất khép kín tương đối ấy của Làng đã tạo nên một sự thách thức không nhỏ trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo ra sức ỳ và tính bảo thủ, cố hữu cản trở con đường phát triển của người Việt. Ngược lại, “Văn hóa làng Việt” cũng đứng trước những thách thức, những nguy cơ mất đi những nét tốt đẹp truyền thống của mình, bị mặt trái của cơ chế thị trường và văn hóa ngoại lai làm cho méo mó, biến dạng, trở thành có hại.

Và một câu hỏi tất yếu được đặt ra: Làm sao để bảo tồn những di sản văn hóa tốt đẹp của “Cộng đồng làng” và triệt tiêu những ảnh hưởng tiêu cực của nó trong quá trình phái triển ? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có những kiến giải thỏa đáng.
Văn hóa Việt Nam chính là văn hóa làng xã, gia tộc của ta khác với dòng tộc của Trung Quốc. Ông cha ta đã chọn lọc sáng tạo nên không bị Trung Quốc đồng hóa được.