Hành trình tìm người lính trong bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược

Thứ Hai, 22/07/2019 07:58 AM GMT+7
(VTC News) - Mất nhiều công sức, chúng tôi tìm được người lính trong bức ảnh ‘mang tính biểu tượng nhất’ của cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.


Khi nói về cuộc chiến tranh vệ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979, không thể không hình dung đến một bức ảnh đã ăn sâu vào tâm trí của mọi người. Đó là bức ảnh chụp anh bộ đội gầy gò vác khẩu súng phóng lựu B41 kê lên cột cây số 0 Lạng Sơn.

Bức ảnh ‘biểu tượng nhất’ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.

Phóng viên chiến trường kỳ cựu TTXVN, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo cho rằng đây là một trong những hình ảnh ấn tượng, ‘mang tính biểu tượng nhất’ cho cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 của nhân dân Việt Nam.“Hình ảnh người chiến sỹ hiên ngang vác trên vai khẩu súng lớn, hướng về phía quân xâm lược, bên cạnh là cột mốc số 0 như một lời tuyên bố mạnh mẽ sẵn sàng đáp trả bất cứ đội quân nào nào xâm phạm đến lãnh thổ, đến biên giới nước ta, dù đó là đội quân đông nhất, mạnh nhất”, ông Đạo viết.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, gặp gỡ nhân chứng từ những manh mối rất nhỏ, có lúc tưởng chừng như mò kim đáy biển, với những bằng chứng sáng tỏ, chúng tôi đã tìm ra người lính trong bức ảnh nổi tiếng ấy.Kỳ 1: Clip hồ đồ và nỗi đau của gia đình người lính trong bức ảnh nổi tiếngLần theo thông tin được thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) - người tham gia vào biên soạn quyển sách “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (1979 - 1989): Góc nhìn báo chí” cung cấp, phóng viên VTC News tìm về nhà con trai ông Trần Huy Cung (hay còn gọi là Trần Duy Cung) ở phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Thật buồn là ông Trần Huy Cung đã mất năm 2015, sau thời gian dài ốm nặng


Bức ảnh nổi tiếng được phóng to, đặt bên cạnh di ảnh của ông Trần Huy Cung.

Anh Trần Văn Dinh, con trai út của ông Cung, sinh 1975, từng lên tiếng trên facebook của mình khẳng định bố anh là nhân vật trong bức ảnh nổi tiếng “người chiến sỹ cầm súng B41 bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn” - bức ảnh biểu tượng của cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979.Vừa gặp chúng tôi, giọng anh run run xúc động nói: “Sách này thầy Hiếu tặng gia đình tôi, ngày mai là giỗ bố, may quá kịp đến để tôi đặt lên bàn thờ cụ”.Rồi anh đặt quyển sách lên bàn thờ, thì thầm: “Bố có vui không bố?”. Bà Tô Thị Huê, vợ ông Cung đứng bên bật khóc: “Mấy chục năm rồi mới có người tìm đến nhà tôi”.Quay lên bàn thờ, bà nức nở: “Ông ơi, ông vui lắm phải không? Họ tìm ra ông rồi”. Anh Dinh mắt rưng rưng vỗ về: “Thôi mẹ, đừng khóc nữa để con nói chuyện với khách”.

Vợ ông Cung liên tục bật khóc vì xúc động mỗi khi nhắc đến chồng.

Trên bàn thờ, bức ảnh người chiến sỹ cầm súng B41 đứng bên cột mốc biên giới số 0 Lạng Sơn được phóng to, để cạnh di ảnh ông Trần Huy Cung. Hình ảnh ông Cung chẳng khác gì với hình ảnh chiến sỹ cầm súng B41: Dáng người gầy nhỏ, gò má cao, mũi cao, ánh mắt sắc,… Bằng trực giác của mình, chúng tôi tin đã tìm đúng người.Một lúc sau, con trai cả của ông Cung là Trần Văn Dũng, sinh năm 1971, cũng tới. Thắp xong nén nhang cho bố, anh xin phép lấy cuốn sách xuống rồi giở từng trang, nâng niu trân trọng.

Tôi lặng lẽ ngồi nhìn người thân ông Cung, vừa để họ tạm lắng cơn xúc động, cũng là vừa để có thời gian quan sát từng thành viên. Tôi tin rằng trực giác ban đầu đúng, vì trong từng ánh mắt, từng cử chỉ của người thân ông Cung hiện rõ sự chân thành, tin tưởng.Chiến sỹ Binh đoàn Chi LăngTheo lời kể của bà Huê, ông Cung sinh năm 1946. Đến năm 1964, ông nhập ngũ, tham gia chiến trường Quảng Trị. Đến khoảng năm 1969, ông Cung xuất ngũ về làm thợ cơ điện tại Nhà máy Mì sợi Thái Bình.
Giấy chứng nhận ông Trần Huy Cung thuộc Quân đoàn 14 - Binh đoàn Chi Lăng.

Năm 1979, khi quân Trung Quốc tràn qua biên giới phía Bắc xâm lược nước ta, lệnh tổng động viên được ban ra, ông Cung quyết định tái ngũ.“Tôi còn nhớ cái hôm ông ấy đi, tôi chở theo thằng Dinh chạy lên tiễn chồng nhưng lên đến nơi thì người ta bảo chồng tôi cùng đồng đội đi từ 4h sáng rồi. Trên đường về, tôi cứ vừa đi vừa khóc. Thời đó chiến tranh rất ác liệt, ai cũng biết quân địch tàn ác nên ai có người thân ra trận là coi như đeo tang từ đó. Mấy năm trời ông ấy đi không liên lạc, không có thư từ gì cho đến ngày về,” bà Huê kể.Anh Trần Văn Dũng cho biết, khi còn sống, ông Cung luôn kể về việc ông là một trong những người có mặt trong trận đánh đầu tiên ở Lạng Sơn.

Theo giấy chứng minh được gia đình ông Cung lưu giữ, ông thuộc biên chế của Trung đoàn 540, Quân đoàn 14. Ngày 18/2/1979, Trung đoàn 540 thuộc Sư đoàn Bộ binh 327 được Quân khu 3 điều từ Quảng Ninh tăng cường cho Quân khu 1 bảo vệ Lạng Sơn.

Huân chương kháng chiến được treo trên tường nhà ông Cung.

Ngày 24/2/1979, Sư đoàn 327 được biên chế sang Quân đoàn 14 (phiên hiệu Binh đoàn Chi Lăng). Quân đoàn 14 gồm 5 sư đoàn bộ binh (F3, F327, F337, F338, F347) ra đời một tuần sau khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.Hoàn thành nhiệm vụ, ông Cung về lại Nhà máy Mì sợi Thái Bình công tác. Được ít lâu, ông lại được điều chuyển về làm thợ cơ điện ở Nhà máy Xay Tiền Hải. Về hưu năm 1993, cuộc sống khó khăn, ông cùng gia đình chuyển cả vào Vũng Tàu sinh sống. Khi chuyển ngành, ông Cung đem tất cả hồ sơ giấy tờ nộp vào Nhà máy Mì sợi Thái Bình.

Không may cho ông, toàn bộ hồ sơ giấy tờ ông nộp vào nhà máy bị thất lạc hết. Thứ sót lại có thể chứng minh ông Cung từng tham gia chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược là giấy chứng minh quân nhân do Trung tá Ngô Công Nội ký, chứng nhận ông Cung thuộc biên chế Quân đoàn 14. Ngoài ra ông còn có một huân chương kháng chiến hạng Ba vì có công lao trong Kháng chiến chống Mỹ.

Hình ảnh so sánh ông Trần Huy Cung và người chiến sỹ cầm súng B41.

Thế nhưng từng đó giấy tờ cũng không đủ để ông được tham gia vào hội cựu chiến binh như mong muốn.Một năm sau khi ông Cung qua đời, một người họ hàng đi họp Hội cựu chiến binh đặc công ở Thái Nguyên được tặng bức ảnh nổi tiếng “người chiến sỹ cầm súng B41 đứng bên cột mốc km 0 Lạng Sơn”. Sau đó, người này đem bức ảnh về cho gia đình ông Cung.“Tôi còn nhớ ông chú nói với tôi: Đây, mày đem ảnh bố mày về mà thờ. Đó là lần đầu tiên gia đình nhìn thấy bức ảnh này, mà nhìn vào là nhận ra ông ngay. Giá mà bức ảnh đến với gia đình tôi sớm hơn, có lẽ bố tôi không day dứt cho đến tận lúc chết như thế. Ông vẫn không hề biết có một bức ảnh nổi tiếng về mình trong khi người ta nhất định không công nhận ông từng đi bộ đội”, anh Dinh nghẹn ngào.

Clip hồ đồ
Cuối năm 2017, đầu 2018 trên YouTube bỗng lan truyền clip, trong đó có người đàn ông tên Hà được người quay clip gán cho là chiến sỹ ôm súng phóng lựu bên cột mốc số 0 Lạng Sơn.Trong clip được đặt tít là “Vô tình gặp người chiến sỹ ôm B41 năm xưa tại Lạng Sơn 0KM”, người đàn ông ngồi trong xe ô tô giới thiệu tên Hà, cựu binh thuộc Tiểu đoàn 11, Thị đội Lạng Sơn (bộ đội địa phương), mở cửa kính nói chuyện với ít nhất 3 người bên ngoài đang quay ông.Chiếc ô tô đỗ cạnh cột mốc 0 Lạng Sơn. Người quay ông (có thể xác định như vậy bởi giọng nói sát máy quay nên to nhất, rõ nhất) giới thiệu ngay: “Đây, chú này chính là người trong bức ảnh lịch sử ấy đây…”. Không xác nhận mình là nhân vật theo lời giới thiệu đó, ông Hà vừa cười vừa xem tấm ảnh tải về trên điện thoại.Một người giới thiệu là phóng viên báo Zing bên ngoài xe nói: “Cho cháu hỏi là cái người lính mà cầm cái khẩu B41 mà đứng chụp…”. Ông Hà quay ra trả lời ngay: “Không biết, anh không biết” và cười gượng gạo.

Video: Gia đình ông Trần Huy Cung chia sẻ về mong muốn trả lại danh dự cho chiến sỹ tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc


Nhưng ngay lập tức giọng người quay clip bên cạnh hoan hỉ gán ghép khẳng định luôn: “A đây này, chú đây này. Em không thấy giống sao… Chú có thể ra đứng cho cháu chụp một tấm…”. Ông Hà vội khoát tay từ chối ngay rồi lảng tránh các câu hỏi tiếp theo bằng cách nói chuyện với người đàn ông khác, cũng là cựu binh chiến tranh vệ quốc 1979, theo giới thiệu của ông, về đơn vị chiến đấu của mình.Clip được làm hú hoạ, không có dù chỉ là một manh mối rất nhỏ cho thấy người đàn ông tên Hà là nhân vật trong bức ảnh lịch sử nổi tiếng. Chính người này cũng không xác nhận mình là nhân vật trong bức ảnh trong khi bị gán ghép cho bằng được.Ấy vậy mà clip lan truyền nhanh chóng trên mạng. Gia đình anh Dinh buồn lắm. “Lúc đó tôi xem được đoạn clip này rất bức xúc, khuôn mặt của ông ấy hoàn toàn khác khuôn mặt trong bức ảnh nhưng lại nhận là của mình. Tôi đăng lên mạng xã hội nhờ chia sẻ, cũng là mong các cơ quan chức năng có thể biết đến, tìm lại để trả sự thật cho bức ảnh chụp bố tôi”, anh Dinh kể.Sau đó ít lâu, thầy giáo Trần Trung Hiếu - người biên soạn cuốn sách về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc liên lạc được với anh Dinh để hỏi những thông tin liên quan về ông Trần Huy Cung.“Thầy Hiếu nói lên Lạng Sơn để tìm lại ông Hà. Lần này, ông Hà thừa nhận không phải mình là người trong bức ảnh. Sau đó, thầy về quê tôi để xác minh sự thật rồi mới tiếp tục biên soạn quyển sách”, anh Dinh kể lại.

Anh Trần Văn Dũng (bên trái) và anh Trần Văn Dinh (bên phải) chia sẻ câu chuyện về ông Trần Huy Cung.


Ngồi bên cạnh anh Dinh, anh Dũng cho biết gia đình mình vốn chẳng mong muốn hay đòi hỏi điều gì, chỉ mong tìm ra được sự thật để hương hồn ông Cung an lòng, cũng là để thế hệ con cháu tự hào vì có người ông từng trực tiếp cầm súng chống quân xâm lược phương Bắc.“Tôi hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải, Thị xã Phú Mỹ, tôi lấy tư cách của mình ra để khẳng định đây là bức ảnh chụp bố tôi - ông Trần Huy Cung. Sự thật của lịch sử thì mãi là sự thật và cần được trả lại đúng vị trí của nó.Chúng tôi không đòi hỏi chế độ gì vì bố tôi cũng mất rồi, nhưng chúng tôi mong mọi người công nhận sự đóng góp của ông cho đất nước”, anh Dũng nói.Trong suốt cuộc trò chuyện, bà Huê luôn nắm chặt tay tôi, nước mắt lưng tròng mỗi khi các con nhắc về ông bố. Bà nói rằng, chừng nào còn sống, bà chỉ mong đến ngày người ta trả lại danh dự cho ông, trả lại đúng tên cho bức ảnh về người chiến sỹ Việt Nam anh hùng.

Năm nay, trong ngày giỗ ông Cung, trên bàn thờ sẽ có thêm một cuốn sách viết về ông và đồng đội. Đây cũng là năm đầu tiên những người thân của ông có cơ hội lên tiếng sau hành trình nhiều năm đi tìm lại danh dự cho ông - người chiến sỹ Binh đoàn Chi Lăng anh hùng.Hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Cung trở về làm công nhân Nhà máy Mì sợi Thái Bình. Nhưng khi quân xâm lược Trung Quốc tràn sang các tỉnh biên giới phía Bắc, người cựu binh Trần Huy Cung lại cùng ba lô và cây súng tòng quân theo tiếng gọi của quê hương đang bị quân giặc giày xéo.

Đón đọc kỳ 2 đăng ngày, 23/7: Đoạn kết đẹp lạ kỳ hành trình tìm người lính trong bức ảnh nổi tiếng cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược