Mỹ đang để Trung Quốc vượt mặt về công nghệ, nhưng chưa phải quá muộn để lật ngược thế cờ nếu biết tận dụng điều này

Trí Dũng | 18/07/2019 02:30 PM



Nước Mỹ cần nhận ra và thực hiện lại những gì họ đã từng làm, khi biến thung lũng Silicon từ một vùng nông nghiệp nghèo đói thành cái “nôi” công nghệ của thế giới.



Sự trỗi dậy của một đế chế công nghệ mới

Tháng 5/1980, cố chủ tịch Đặng Tiểu Bình tuyên bố khu vực duyên hải Thâm Quyến sẽ trở thành vùng kinh tế đặc biệt đầu tiên của Trung Quốc. Theo đó, nơi này sẽ tiếp nhận làn sóng đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế. Cách đó nửa vòng trái đất, Thung lũng Silicon đã trở thành một cái tên quen thuộc trong thế giới công nghệ. Tại đây, những chiếc Apple II từng "làm mưa làm gió" trong phân khúc máy tính để bàn được ra đời. Những máy chơi game Atari 2600S được phát minh ở Silicon cũng là thiết bị không thể thiếu trong mọi gia đình tại Mỹ. Thời điểm đó, Nhật Bản là mối đe dọa lớn nhất đối với nền công nghệ cực thịnh của Hoa Kỳ.


Thung lũng Silicon là biểu tượng của toàn bộ ngành công nghệ thế giới.

Bốn thập kỉ trôi qua, thêm nhiều vùng kinh tế được mở cùng với hàng ngàn tỉ USD tiền vốn, Trung Quốc giờ đã trở thành một đế chế công nghệ thực sự. Ngày nay, các quỹ đầu tư đến từ Trung Quốc đang mua lại rất nhiều cổ phần từ các công ty công nghệ của Mỹ, hoặc liên doanh với Mỹ. Cùng lúc đó, các ông lớn công nghệ của quốc gia này cũng tự thành lập ra các trung tâm nghiên cứu ngay tại Thung lũng Silicon. Chính phủ Trung Quốc cũng ưu tiên dành những khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp chính, từ chất bán dẫn tới xe điện và trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, Thâm Quyến là nơi đặt trụ sở của hàng loạt các thương hiệu toàn cầu như Huawei, Tencent.

Sức mạnh từ lịch sử

Câu hỏi khiến các nhà điều hành, người hoạch định chính sách và các vị tướng quân sự của Hoa Kỳ đau đầu là liệu các công ty nước này có thể cạnh tranh với ngành công nghiệp hoạt động quy củ, chặt chẽ từ trên xuống dưới như Trung Quốc đang làm hay không?

Câu trả lời là có. Nhưng, điều đó chỉ có thể xảy đến nếu như Mỹ nhận ra và thực hiện được những điều trước kia họ đã làm để Thung lũng Silicon trở nên lớn mạnh.
Giống như tại Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ đóng một vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp công nghệ nước này vào thời kì đầu. Sau thế chiến thứ II, nhận thức được những nguy cơ và cơ hội của thời đại hạt nhân, chính quyền đã dồn rất nhiều tiền của vào nghiên cứu khoa học và công nghệ tiên tiến. Tuy vậy, thay vì thực hiện mọi nghiên cứu trong các cơ quan chính phủ, Mỹ kí kết hợp đồng để các công ty tư nhân và các trường đại học làm việc này.


Đại học Stanford - cái nôi của thung lũng Silicon

Động thái này vô tình làm thay đổi cả một thung lũng nông nghiệp tẻ nhạt ở phía bắc California. Ngày ấy, đại học Stanford nổi tiếng với đội bóng bầu dục chứ không như bây giờ khi mà hàng loạt chương trình, trung tâm nghiên cứu được thành lập nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng cao của chính phủ Hoa Kỳ. Lockheed - tập đoàn nghiên cứu vũ trụ khổng lồ đã chuyển bộ phận tên lửa và không gian mới của mình sang khu Sunnyvale gần đó. Vào thời điểm chạy đua vũ trụ với Nga cuối những năm 50, Thung lũng Silicon tập trung vô vàn các nhả sản xuất thiết bị điện tử và hàng nghìn kỹ sư trẻ tuổi.

Nhưng rồi mọi sự dần dần phát triển theo chiều hướng xấu. Dù được coi là quỹ đầu tư lớn nhất tại Thung lũng Silicon nhưng sự cách xa về mặt địa lí cũng như các vấn đề chính trị đã khiến mối quan hệ giữa chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp công nghệ tại đây không còn được như thời gian đầu. Qua thời gian, các công ty tại đây hình thành nên nền văn hóa riêng biệt, không còn phụ thuộc vào nguồn vốn từ nhà nước.


Hàng loạt dự án của chính phủ Hoa Kỳ bị “đóng băng" do không nhận được sự hợp tác từ thung lũng Silicon.

Khi tổng thống Ronald Reagan thúc đẩy "Sáng kiến ​​phòng thủ chiến lược", hay còn gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao" hồi đầu những năm 1980, các chuyên gia máy tính của Thung lũng Silicon đã từ chối thẳng thừng dẫu cho sẽ có hàng triệu USD tiền nghiên cứu được đổ vào phòng thí nghiệm của họ. Dưới thời Clinton, dự án "Clipper Chip" cũng bị các công ty công nghệ phản đối kịch liệt dẫn tới việc bị đóng băng vô thời hạn.

Điều quan trọng trong ngành công nghiệp này là phải đảm bảo được sự dịch chuyển tự do của nguồn nhân lực và dòng vốn. Sự bất đồng chính trị là không thể tránh khỏi. Hơn nữa, các công ty cần được thương mại hóa các sản phẩm do chính phủ tài trợ nghiên cứu. Nhưng trên thực tế, Chính phủ Mỹ đang làm hoàn toàn ngược lại.

Trung Quốc đang vượt xa Hoa Kỳ về tỷ lệ đầu tư vào giáo dục, công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, những sửa đổi của Mỹ đang hướng tới việc hạn chế mở cửa đối với các sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài (không riêng gì nhân lực từ Trung Quốc). Các công ty công nghệ có tiếng thì phải vật lộn với thành công của chính họ. Cùng lúc đó, chi phí nhà ở đắt đỏ, giao thông tắc nghẽn đã khiến những start-up non trẻ khó mà trụ vững ở Thung lũng Silicon.

Đây có thể là bước đi sai lầm của Hoa Kỳ. Bởi dù sao đi chăng nữa, những nỗ lực từ phía Trung Quốc cũng khó có thể giúp họ sở hữu một Thung lũng Silicon thứ 2. Các nước phương Tây đang tích cực sàng lọc các khoản đầu tư từ phía Trung Quốc. Những trợ cấp khổng lồ của quốc gia tỷ dân đã một phần trở thành các khoản lãng phí và tham nhũng. Tuy rằng các công ty lớn tại đây đã vượt qua nhiều thách thức mà đổi mới, nhưng việc họ có duy trì được điều đó cũng như các công ty khác có nghe theo sự dẫn dắt của họ không vẫn là câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.

Nhìn vào lịch sử hình thành và phát triển của Thung lũng Silicon, có thể thấy việc kết hợp hài hòa từ sự hỗ trợ của chính phủ và quyền tự do kinh doanh của các công ty công nghệ có thể tạo nên phép màu như thế nào. Nước Mỹ đừng dại dột mà quên mất điều đó!

Tham khảo Bloomberg