Báo cáo từ Trung Quốc cho rằng nước này đã chuyển từ vị thế "kẻ sao chép" sang "người tiên phong"

Tâm An | 17/07/2019 12:52 PM



Báo cáo Internet Trung Quốc 2019 đã hé lộ những bí mật đằng sau sự chuyển mình trong lĩnh vực công nghệ của quốc gia tỷ dân này.



Từ những bản clone đến các "siêu ứng dụng"


Báo cáo Internet China 2019 do nhật báo South China Morning Post, trang tin Abacus và Edith Yeung – đối tác quản lý của Quỹ Proof of Capital (một quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho blockchain) - cùng thực hiện.

Một thời gian dài, các công ty Trung Quốc từng bị gọi là chuyên gia sao chép (copycats) khi liên tục tạo ra những bản nhái của các nền tảng mạng xã hội phương Tây, để dùng riêng cho thị trường nội địa. Nhưng thời thế đã thay đổi, theo kết luận của Báo cáo Internet Trung Quốc 2019 mới được công khai. Theo đó, Trung Quốc ngày nay đã trở thành người tiên phong trong nhiều xu hướng công nghệ. Đáng kể nhất là mô hình "siêu ứng dụng" tất cả trong một, thương mại xã hội và video ngắn.

Theo đó, công ty tiên phong trong việc tạo ra một siêu ứng dụng "tất cả trong một" chính là Tencent với phần mềm WeChat. Từ thanh toán di động đến đặt thức ăn trực tuyến, tất cả đều có thể thực hiện trên ứng dụng nhắn tin này. Và thực tế đã chứng minh, những công ty như Go-jek (Indonesian), LINE (Nhật) và cả Facebook (Mỹ) hiện nay đều đang hướng đến mô hình này.
Trong khi đó, cơn sốt video ngắn được phổ biến nhờ ứng dụng TikTok của công ty Bytedance, cho phép người dùng đăng những video chỉ dài 15 giây. Ngay lập tức, TikTok gây bão trên toàn thế giới và trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store trong vòng 5 quý liên tiếp.
Dẫn đầu những xu hướng công nghệ thế hệ kế tiếp


Đã qua rồi cái thời doanh nghiệp Trung Quốc phải đi sao chép công nghệ nước ngoài.

Xu hướng công nghệ chủ chốt của Trung Quốc trong năm nay, được đề cập trong báo cáo, xoay quanh tham vọng của quốc gia này trong việc dẫn đầu mạng 5G. Trung Quốc hiện nắm giữ nhiều bằng sáng chế liên quan đến 5G nhất thế giới. Những dự án đầu tiên đã và đang được thực hiện ở hàng chục thành phố, với tổng dân số tham gia lên đến 167 triệu người.
Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là một xu hướng công nghệ được ứng dụng trên diện rộng tại quốc gia này. AI xuất hiện từ những thao tác mua vé tàu, check-in khách sạn bằng hệ thống nhận diện khuôn mặt, cho đến việc gợi ý mua sắm trực tuyến hay đọc tin tức được tùy chỉnh theo hành vi người dùng. Đây còn là công cụ đắc lực cho các nhà chức trách trong việc giám sát, như theo dõi những kẻ bỏ trốn hay thi hành luật giao thông.

Năm 2018 còn là năm bùng nổ IPO công nghệ ở Trung Quốc. Báo cáo thống kê được 56 công ty công nghệ, truyền thông và viễn thông đã tiến hành IPO – một nửa lên sàn ở Hong Kong và một nửa ở Mỹ. Con số này khá lớn so với năm 2017 (12) và 2016 (11). Hai vụ phát hành cổ phiếu lần đầu lớn nhất năm qua phải kể đến nhà cung cấp dịch vụ theo yêu cầu Meituan Dianping với vốn hóa thị trường 45 tỷ USD và China Tower – một công ty xây dựng tháp viễn thông – với vốn hóa 44 tỷ USD.
Công ty đầu tư mạo hiểm tích cực nhất Trung Quốc năm 2018 là Sequoia với 247 thương vụ, kế đến là IDG Capital (127 thương vụ) và Matrix (102 thương vụ).

Xu hướng phát triển công nghệ ở nông thôn và đô thị loại thấp


Một phụ nữ sử dụng xe điện để di chuyển trên đường phố Bắc Kinh.

Một trong những chủ đề được nhắc đến trong báo cáo là cách Trung Quốc trao quyền cho người dân ở khu vực nông thôn. Lượng người dùng Internet ở khu vực nông thôn năm 2018 đã đạt đến con số 222 triệu, tăng tỷ lệ thâm nhập từ 35% lên 38%.


Trong lĩnh vực thương mại điện tử, các thành phố kém phát triển hơn vẫn có tiềm năng lớn chưa được khai thác. Có 128 triệu người dùng Internet ở các đô thị loại 3 hoặc thấp hơn chưa từng mua hàng online. Trong khi đó, ở đô thị loại 2 trở lên, con số này là 74 triệu người.
Sự tăng trưởng của Pinduoduo – một nền tảng thương mại điện tử áp dụng mô hình "mua theo nhóm" – do chính người dùng từ các đô thị loại thấp tạo ra. Chính những nhà lãnh đạo thương mại điện tử Trung Quốc cũng đang hướng đến nhóm đối tượng này. Ví dụ như JD.com đã chuyển sự chú ý của họ sang những đô thị loại 3 trở xuống trong năm nay.
Chính phủ và những quy định nghiêm ngặt về công nghệ


Trung Quốc là một trong những quốc gia có sự liên kết chặt chẽ nhất giữa chính phủ và các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.

"Bàn tay hữu hình" của chính phủ Trung Quốc cũng là một chủ đề lớn được nhắc đến trong báo cáo. Các công ty về công nghệ tài chính, trò chơi trực tuyến và sáng tạo nội dung Internet tiếp tục đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt do nhà chức trách đưa ra. Chính phủ nước này đã ngưng cấp phép cho game mới trong 9 tháng cuối năm 2018, khiến cho ngành công nghiệp trò chơi điện tử ở quốc gia này rớt xuống mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.
Tháng 1/2018, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã càn quét hơn 7.000 mặt hàng, xóa sổ hơn 9.300 ứng dụng di động để sàng lọc những thông tin được coi là không phù hợp hoặc có hại.

Báo cáo Internet Trung Quốc 2019 cũng đưa ra những nghiên cứu sâu hơn về 11 lĩnh vực chính đang góp phần vẽ nên bức tranh công nghệ của quốc gia này, trong đó có: thương mại điện tử, mạng xã hội và nhắn tin, nền kinh tế chia sẻ, 5G, AI, điện thoại và thiết bị thông minh.

"Công nghệ đã trở thành trung tâm trong cuộc chiến Trung - Mỹ. Các công ty trên thế giới đang tìm kiếm những ý tưởng từ cải tiến kỹ thuật số và mô hình kinh doanh công nghệ mới ở Trung Quốc để thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4", Chua Kong Ho, người tham gia biên soạn báo cáo chia sẻ.

Tham khảo SCMP