"Giờ Ngọ ba khắc”: Thời điểm người Trung Quốc xưa hành quyết tử tù - Vì sao chọn giờ này?

Hoàng Hiệp | 19/07/2019 21:09



Ảnh minh họa.

Vì sao người Trung Quốc xưa chọn giờ Ngọ ba khắc để hình hành tử tù?


Trong các bộ phim cổ trang của Trung Quốc, không khó để thấy những cảnh tử tù bị diễu đi trên đường phố sau đó quỳ gối trước pháp trường để quan thi hành án hạ lệnh chém đầu.

Chém đầu chính là hình phạt nặng nhất cho một tội trạng thời phong kiến, thường là tội nặng và thậm chí có thể chém nhiều người trong một pháp trường nếu các phạm nhân phải chịu tội bị coi là "tày đình" như tru di tam tộc.

Tuy nhiên không phải quan thi hành án muốn chém đầu tội nhân bất cứ lúc nào mà cũng phải làm đúng quy định. Một trong những quy định phổ biến mà chúng ta thường thấy nhất là thời gian thi hành án. Cụ thể thường là "giờ ngọ ba khắc" của ngày thi hành án sẽ luôn được chọn để hành quyết tử tù.
"Giờ Ngọ ba khắc" là mấy giờ nếu so với thời gian hiện đại?


Đầu tiên, hệ đo thời gian của người xưa khác với chúng ta bây giờ, một ngày không được chia làm 24 tiếng mà chỉ được chia làm 12 khoảng thời gian mỗi khoảng thời gian ứng với 2 giờ đồng hồ và đặt tên theo các con giáp bắt đầu từ Tí cho đến Hợi.
Giờ đầu tiên là Giờ tí sẽ bắt đầu từ 11 giờ đêm tới 1 giờ sáng, giờ Hợi là giờ cuối cùng từ 9 giờ đêm đến 11 giờ đêm. Nếu theo quy luật thì giờ Ngọ sẽ là 11 giờ trưa đến 1 giờ trưa.

Ngoài ra, sách "Thuyết Văn Giải Tự" (cuốn sách đầu tiên của người Trung Quốc viết và nghiên cứu về hệ thống các ký tự) của học giả Hứa Thận thời Đông Hán cũng ghi: "Về khắc tiết, trú dạ trăm khắc" – nghĩa là trong một ngày đêm có tổng cộng 100 khắc được chia đều.

Với 100 khắc như vậy thì tương ứng mỗi khắc là 14,4 phút bây giờ, đến thời nhà Thanh thì đặt lại là 96 khắc, quy ra thời gian như hiện tại thì mỗi khắc tròn 15 phút. Như vậy, "giờ Ngọ ba khắc" ở đây sẽ là khoảng 11h45 phút hiện tại, gần 12 giờ trưa.

Thời gian biển thời cổ – trung đại chỉ được chia làm 12 khoảng thời gian, giờ ngọ là buổi trưa, tương ứng từ 11 giờ đến 13 giờ (Ảnh: Sohu.com)

Tại sao giờ hành quyết lại phải là "giờ Ngọ ba khắc"?

Thứ nhất là do quan điểm tâm linh, người Trung Quốc xưa cũng cho rằng việc sống chết phần nhiều do thần linh định đoạt. Khi một người chết, linh hồn của anh ta vốn là một "con ma" với "âm khí" nặng nề sẽ phải xuống âm phủ để trình diện Diêm Vương.
Diêm Vương sẽ cử tay sai lên đưa anh ta đi. Quan điểm của mọi người là thời gian ban ngày, cụ thể vào giữa trưa sẽ là lúc "dương khí" mạnh nhất, trấn áp được "âm khí" mà người chết tạo ra, khiến hồn ma trở nên yếu ớt, dễ dàng bị khống chế để đưa xuống âm phủ.
Còn ban đêm là lúc "âm khí" mạnh mẽ nhất, sẽ là lúc linh hồn có thể chống lại quy luật phải về âm phủ trình diện mà ở lại lang thang trên dương gian để phá hoại người còn sống.


Minh họa áp người chết xuống âm phủ trình diện diêm vương (Ảnh: Dkn.tv




Thêm vào đó, người Trung Quốc cho rằng cũng chính vì giờ ngọ ba khắc là lúc dương khí mạnh nên các linh hồn còn đang lang thang sẽ bị áp chế, không thể dụ dỗ linh hồn mới của kẻ tử tù, ngăn chúng tập hợp lại với nhau.
Thứ hai là do... sự nhân văn. Cụ thể, người ta quan niệm rằng buổi trưa sẽ là lúc con người cảm thấy mệt mỏi nhất. Thử tưởng tượng nếu chém đầu một người vào buổi sáng khi họ mới thức dậy, tràn trề năng lượng và tỉnh táo thì sự đau đớn mà họ cảm nhận sẽ rất rõ.

Vì vậy, nếu để đến trưa mới hành hình, là lúc cơ thể mệt mỏi, uể oải, thiếu tập trung thì phần nào có thể khiến người tử tù xao lãng việc mình sắp lên đoạn đầu đài. Như vậy, sự đau đớn mà họ phải chịu cũng sẽ nhanh chóng qua đi hơn. Đồng thời, những người chứng kiến cũng sẽ ít tập trung hơn
.


Hình ảnh tội nhân bị hành hình vào thời nhà Thanh (Ảnh: Sohu.com)



Hơn nữa, người xưa coi giờ trưa là giờ không nên thực hiện những việc được coi là tốt như xây nhà, chuyển nhà, sang cát huyệt mộ (tức chuyển nhà cho người đã khuất), cúng bái thần phật, thành hôn, mua bán...
Những "hỷ sự" cần đến vận may thì sẽ được thực hiện tránh giờ ngọ. Ngược lại, những việc mang tính trừng phạt, không cần đến may mắn như hành hình tội nhân thì cần thực hiện vào "giờ xấu".

Tham khảo: 52SHIJING.COM, MSN.CN, SOHU.COM