Những vị khách không mời mà đến
Thứ Ba, 30/12/2008 --- cập nhật 02:34 GMT+7


Từ tháng 7 đến 10-2008, Báo NLĐ có nhiều bài viết vạch mặt các đối tượng giả sư để khất thực, kiếm tiền. Nay, phóng viên Báo NLĐ tiếp tục phát hiện nhiều sư giả cả gan vào tận nhà chùa để ăn uống, đi cầu siêu để kiếm tiền, thậm chí móc nối với các... trại hòm để ăn chia



Ngày 23-12, chùa Từ Quang, quận Thủ Đức (TPHCM) làm đám giỗ một trăm ngày mất của cố hòa thượng trụ trì. Từ 7 giờ, tại cửa chùa đã có một đoàn người lạ mặt ngấp nghé, dáo dác trông vào bên trong. Tất cả đều mặc trang phục nhà sư, đầu trọc lóc, liên hồi thì thầm với nhau điều gì không rõ. Trong khi chờ đợi nhà chùa “khai tiệc”, vài “sư” lôi thuốc lá ra hút hoặc móc tiền lẻ ra đếm.


Ăn no nê xong, "sư" Nguyễn Văn Hiển vơ vét thức ăn thừa mang về (ảnh chụp tại chùa Từ Quang ngày 23-12)

Hơn 150 sư giả dự một đám giỗ
Đến 10 giờ, số người lạ mặt đã hơn 60 người. Họ tuyệt nhiên không nói chuyện với những vị sư của chùa Từ Quang mà đứng tập trung ở một khoảng sân, mắt láo liên. Vài chục phút sau, số “khách tăng không mời mà tới” đã hơn 100 người, dáng điệu ai cũng lấm lét, không hề có vẻ đĩnh đạc của một nhà sư chân chính.

Đại đức Thích Thiện Ý, trụ trì chùa Từ Quang, cho biết danh sách khách dự đám được gửi thư mời chỉ có 150 vị nhưng số người mặc trang phục nhà sư đến đã hơn 300 người. Nhìn họ, thầy Thích Lệ Châu, thành viên Ban Tăng sự Thành hội Phật giáo TPHCM, ngao ngán: “Gần như đám giỗ nào ở các chùa cũng thấy họ đến. Họ không phải là người của chùa mà cũng không phải là khách mời. Đó là những người giả dạng nhà sư để trà trộn vào ăn uống, quấy rối”. Theo thầy Thích Lệ Châu, dường như đoàn sư giả này có “lịch” rất cụ thể về các ngày lễ, giỗ trong năm của tất cả các ngôi chùa trong TP. Cứ đến ngày là họ thông báo cho nhau cùng đi.

Khi nhà chùa thông báo đến giờ dùng tiệc cơm chay, đoàn sư giả đồng loạt tiến vào chánh điện. Thấy số lượng khách tăng đột biến, thầy trụ trì chùa Từ Quang tế nhị mời những “sư” không có giấy mời tập trung tại nhà ăn riêng. Thấy vậy, các “sư” tỏ vẻ không hài lòng, một số “sư” lầm bầm... Cứ mỗi bàn trong nhà ăn được xếp cho khoảng 10 “sư”.

Ngày 24-12, chùa Pháp Huyền ở huyện Hóc Môn (TPHCM) cũng có đám giỗ và ngay tại ngôi chùa này, chúng tôi lại bắt gặp hơn 15 sư giả, trong đó có nhiều “sư” từng ăn đám ở chùa Từ Quang hôm trước. Thầy Thích Lệ Tâm, Chánh Thư ký Ban Đại diện Phật giáo huyện Hóc Môn, cho biết nạn giả sư đi “ăn chùa” đã lan tràn khắp nơi. Ngay tại huyện Hóc Môn, gần như xã nào cũng có sư giả trú ngụ.

Gạ gẫm phật tử


Đang ăn, đám sư giả ngừng đũa khi thấy nhiều khách vào chùa thắp nhang. Một sư giả tiến đến chỗ một người phụ nữ chừng 50 tuổi, cười rồi nói thầm điều gì đó với bà ta. Chứng kiến cảnh ấy, thầy Thích Lệ Châu nói nhỏ với tôi: “Ông đó đang gạ gẫm phật tử đấy. Sư giả đến chùa trong ngày giỗ không chỉ để ăn uống mà còn tiếp cận phật tử để trục lợi”. Theo thầy Châu, trong buổi giỗ, các sư giả thường lân la trò chuyện với phật tử, tự giới thiệu mình là khách mời của nhà chùa rồi xin số điện thoại của phật tử để liên lạc. Sau đó, họ sẽ dụ dỗ phật tử bằng nhiều hình thức như xem bói, xem tướng, lên đồng, lên cốt.

Thầy Thích Lệ Châu còn kể thêm: Sau nhiều lần đi giỗ “chùa”, dụ dỗ được nhiều nữ phật tử, một sư giả ở Lái Thiêu (Bình Dương) đã mở hẳn một “văn phòng xem bói” tại nhà. Không ít sư giả còn mò đến nhà phật tử vào dịp cuối năm để giở trò “dời tượng, dời hình” (đổi hướng bàn thờ, hướng tượng Phật...) hoặc cúng kiếng liên miên hòng kiếm chác.

“Tu gì mà nhậu thịt chó hoài!”

Sau khi đánh chén no nê tại chùa Từ Quang, hầu hết các sư giả đứng dậy, ra ngồi lên xe máy, châm thuốc hút rồi mới về. Tôi để ý một ông “sư” tuổi ngoài 50, da ngăm đen, hơi mập đang nấn ná tại khu nhà ăn. Liếc mắt một hồi, “sư” này lùa tất cả thức ăn còn thừa trên bàn cho vào bọc. Một bàn chưa thỏa, “sư” này lại chạy sang bàn khác, lùa tiếp rồi uống thêm ngụm nước rồi thủng thẳng cưỡi xe máy ra về.

Tôi bám theo sư giả ham ăn này đến một căn nhà thuộc tổ 57, khu phố 4, phường 19, quận Bình Thạnh (TPHCM). Bà Ngô Thị Thu Cúc, tổ trưởng tổ 57, khẳng định: “Ông ấy không phải thầy tu đâu. Tu gì mà tôi thấy ổng nhậu thịt chó ở đầu hẻm hoài!”. Bà Cúc cho biết tên của “sư” này là Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1955. Gia đình ông có 3 anh em ruột, sống chung. Từ sau năm 1975, ông Hiển cạo trọc đầu. Buổi sáng, ông cưỡi xe đi khỏi nhà đến tối mịt mới về. Ông Hiển không bao giờ đi họp tổ dân phố và thường xa lánh mọi người, bộ dạng lúc nào cũng “bí hiểm”.

Sau khi chúng tôi cung cấp những hình ảnh ông Hiển ăn tiệc, nhận phong bì và quấy rối ở các chùa, bà Cúc cho biết sẽ báo cáo sự việc lên UBND phường 19 để có hướng xử lý.

Không chấp nhận sư giả đến chùa gây rối

Trong buổi giỗ ở chùa Từ Quang hôm đó, có lẽ do đến từ sáng sớm, đói quá nên các “sư” ăn uống tới tấp khiến đồ ăn rơi vãi đầy bàn, một vài “sư” ngốn thức ăn nhiều đến nghẹn cổ!

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM, cho biết cửa chùa sẵn lòng mời cơm chay người nghèo. Tuy nhiên, đối với những người giả dạng nhà sư đến chùa để quấy rối, dụ dỗ phật tử thì cần phải lên án.


Theo NLĐ