Thực tế, đào bích không phải giống đào của Việt Nam. Nó xuất phát từ một tích rất ly kỳ. Chuyện kể rằng, rất lâu trước đây, có một vị khách phương xa, mang đến đền Quán Thánh tặng cành đào, thì nhà sư trụ trì thấy cành đào bích đẹp quá nên mới trồng ở đó. Sau này mới mang lên nhờ ông Nam Nguyên ở làng Nhật Tân ươm hộ. Mình còn lên mình khảo xem Nam Nguyên là ông nào mà không ai biết hết cả. Cho nên, mới suy ra đào bích là giống từ Trung Quốc sang vì cây đào với người Trung Quốc rất quan trọng".




Năm 1801, chúa Nguyễn Ánh đem thủy quân đánh kinh đô Phú Xuân, vua Tây Sơn là Nguyễn Quang Toản phải bỏ chạy ra Thăng Long. Ở đây Nguyễn Quang Toản sai đắp đàn Phương Trạch tại hồ Tây để làm lễ tế trời đất, sai Nguyễn Huy Lượng là Chương lĩnh hầu, giữ chức quan Phụng nghị bộ Lễ, soạn một bài phú, đọc trong lễ tế.

Và bài Tụng phú Tây Hồ được Nguyễn Quang Toản rất tâm đắc nên ban thưởng cho Lượng hai quan tiền đồng.
Tụng phú Tây Hồ có câu ngắn, câu dài, lại độc vận (vần hồ) khiến người đọc say mê, rù rì đọc từng chữ, từng câu. Dư âm của nó quấn quýt mãi không rời. Những từ láy lần đầu phát ra từ bài văn chẳng bao giờ lặp lại đã mô tả mọi khía cạnh của hồ Tây, từ lịch sử, cảnh đẹp đến các truyền thuyết cổ xưa, sản vật... Bài phú được dân Thăng Long truyền miệng và sợ quên nên ai ai cũng chép bài thơ này khiến giá giấy và giá mực tăng vọt.
Bài phú mở đầu như thế này:

Lạ thay cảnh Tây hồ!
Lạ thay cảnh Tây hồ!
Trộm nhớ thuở đất chia chín cõi,
Nghe rằng đây đá mọc một gò
Trước Bạch Hồ vào ở đó làm hang, Long vương trổ nên vùng đại trạch,
Sau Kim Ngưu do vào đây hóa vực, Cao vương đào chặn mạch hoàng đô
Tiếng nghe gọi Dâm Đàm, Lãng Bạc,
Cảnh ngầm in tinh chử, băng hồ
Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo,
Hình lượn lượn uốn vòng trăng bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò…

Hay như:

Tòa Kim Liên sóng nổi mùi hương, chùa Trấn Quốc tưởng in vùng tĩnh phạn
Hàng cổ thụ gió rung bóng lục, tràng Phụng Thiên nhận sẵn thú Nghi, Vu
Dấu Bố Cái rêu in nền phủ
Cảnh Bà Đanh hoa khép cửa chùa
Trông mơ màng dường đỉnh Thứu nơi kia, vài tổ thước cuối làng kêu chích chích,
Nghe phảng phất ngỡ động Đào mai nọ, mấy tiếng gà trong trại gáy o o
Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút ,
Ghềnh Nhật Chiêu sóng giật ì ồ,
Rập rềnh cuối bãi Đuôi nheo, thuyền thương khách hãy chen buồm bươm bướm,
Thanh lảnh đầu hồ Cổ ngựa tháp cao tăng còn hé cửa tò vò.
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co…

Năm 1802 triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Huy Lượng bị bắt khi đội quân nhà Tây Sơn rút khỏi Bắc thành. Trung thần Tây Sơn là Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích bị giải đến Văn Miếu làm nhục. Nhậm bị đánh trọng thương về đến nhà thì chết. Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành định giết Lượng nhưng có người khuyên không nên giữ lại dùng vì Lượng có tài văn chương. Nghe lời khuyên, Nguyễn Văn Thành không giết mà cho Lượng làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Nhân Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Nguyễn Văn Thành tổ chức lễ mừng ở Bắc thành đã sai Nguyễn Huy Lượng làm bài văn tế các tướng sỹ nhà Nguyễn trận vong. Bài văn tế do Lượng soạn rất lâm ly, tụng ca công trạng của tướng sỹ chúa Nguyễn đã tiêu diệt nhà Tây Sơn thế nào. Khi đọc ai cũng khen bài văn tế tuyệt tác. Các nhà Nho đương thời dù phục tài thơ Lượng nhưng chê bảo Lượng không phải là người tiết tháo, nhà Nho trượng phu thì "Uy vũ bất năng khuất".


Toàn cảnh Tây Hồ lúc hoàng hôn. Nguồn: Daidoanket.


Khi đọc Tụng phú Tây Hồ, Phạm Thái vốn phù Lê chống Tây Sơn, nể phục văn chương của Lượng song ghét Lượng từng phù Lê nay xu thời phù Tây Sơn đã họa lại và lấy tên là Tụng chiến Tây Hồ với cùng số câu, cùng vần. Về hình thức Tụng chiến Tây Hồ đối chọi từng câu từng chữ với Tụng phú Tây Hồ, về nội dung thì bác bỏ, có khi thóa mạ…

Cho đến ngày nay, Tụng phú Tây Hồ vẫn nguyên vẹn giá trị nghệ thuật. Nhưng thêm vào đó nó còn có giá trị lịch sử. Bởi khi đọc bài phú có thể hình dung Thăng Long qua các gia đọan và hồ Tây thế nào. Ví dụ đọc câu Lò Thạch Khối khói tuôn nghi ngút ta biết Thạch Khối xưa có lò nung vôi và các lò vôi nằm sát đê Yên Phụ (đoạn đầu đường Thanh Niên hiện nay) nhưng do cát bồi và sông Hồng đoạn này đã đổi dòng.


Phải khẳng định lại một lần nữa, Hồ Tây có tầm vóc cực kỳ trọng yếu xuyên suốt các thời kỳ lịch sử của Thăng Long, Hà Nội. Nó là nơi sản sinh ra, lưu giữ lại và tiếp tục phát triển các giá trị vật thể và phi vật thể của thủ đô.

Thực tế, thời Pháp thuộc, ngay trong các dự án quy hoạch lại Hà Nội, người Pháp đã xác định chọn Hồ Tây là trung tâm của Hà Nội sau này. Thậm chí bản quy hoạch năm 1943 đã được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt nhưng đáng tiếc, sự có mặt của quân Nhật đã khiến toàn bộ kế hoạch không thể triển khai. Sau này, trong quy hoạch Hà Nội năm 1992, được chính phủ phê duyệt, người ta đã xác định sẽ xây dựng Hồ Tây thành khu du lịch tầm cỡ nhưng thực tế thì cũng chưa làm gì cả. Các công trình tự phát mọc lên như nấm, một số làng trong quy hoạch được giữ lại như Yên Thái, Võng Thị thì không giữ được, nhà cửa xây bừa bãi, đất bán hết khiến nó không còn vóc dáng một ngôi làng cổ nữa và tất cả những mục định khai thác trong quy hoạch bị phá vỡ và cũng không còn đất để mà thực hiện.

Ví dụ như ngay bây giờ Hồ Tây cần một khu vui chơi giải trí đẳng cấp, xứng tầm thủ đô chứ không phải là một công viên nước bao năm không thay đổi. Trước đây khi vực đó toàn là ruộng nhưng sau này đến năm 1995, tức là cách đây 24 năm, lập ra một công ty của thành ủy và tiếp tục xây dựng một khu vui chơi dưới nước, tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chỉ thế thôi. Thực tế, hiện tại công viên nước sống chính bằng bán hàng ăn và làm nhà cho thuê xung quanh. Nhưng nơi đó lại thiếu những hoạt động diễn ra quanh năm, mùa hè còn bơi được, trượt nước được nhưng mùa đông thì phải làm gì?

Để khai thác được Hồ Tây đúng với giá trị của nó đem lại, trước nhất điều bây giờ cần có là một bảo tàng về Hồ Tây. Đó sẽ là một nơi người ta đến để biết về lịch sử HồTây, qua đó biết 1 phần lịch sử Hà Nội, 1 phần lịch sử Việt Nam và biết được cả về tâm thức của người Việt. Trong đó có phải sen Hồ Tây, phải có thủy sinh, phải có đình, chùa… phải lưu lại tất cả những giá trị xưa.

Nhưng đó chỉ là một phần, đối với việc khai thác các giá trị của Hồ Tây, dứt khoát phải có các hoạt động, trò chơi trên mặt nước. Mặt nước Hồ Tây bao la như thế, nếu không tận dụng thì thực sự là phí hoài. Giá trị mà Hồ Tây tạo ra nếu như đi đúng hướng có thể đến từ cả khách du lịch trong và ngoài nước, miễn sao có đủ "dịch vụ du lịch" cung cấp cho họ. Thêm vào đó, hoàn toàn có thể mở ra các dịch vụ tham quan đường thủy, đi xung quanh hồ. Hay nói cụ thể hơn là các tour du lịch văn hóa – tôn giáo tại các điểm di tích tôn giáo. Tất nhiên, đối với ý tưởng này, chắc chắn sẽ có những khó khăn đến từ chi phí rất lớn để đầu tư cơ sở vật chất xây dựng bến bãi đậu thuyền hay đến từ chính việc xử lý các nguồn thu đến từ tour du lịch bởi Hồ Tây quá lớn, nó trải rộng trên địa bàn nhiều quận. Nhưng quả thật, nếu đủ quyết tâm, nếu tất cả tầng lớp trong xã hội đều chung tay thì việc phục dựng giá trị Hồ Tây hay tận dụng khai thác hết tiềm năng của nó là hoàn toàn khả thi.

* Ngoài nội dung chính là các ghi chép của phóng viên trong cuộc gặp với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, chúng tôi cũng sử dụng một số tài liệu, hình ảnh trong công trình đang viết của anh để dựng lên một bức tranh thu nhỏ về Hồ Tây phục vụ quý độc giả.


Người kể chuyện: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến

Ghi chép: Trần Hải Trung

Đồ họa: Đỗ Linh


29/08/2019