Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền nhờ thần lực của Phật, và sức căn lành của mình, quán sát mười phương khắp pháp giới. Muốn khai thị hạnh Bồ Tát. Muốn tuyên nói cảnh bồ đề của Như Lai. Muốn nói cảnh giới đại nguyện. Muốn nói kiếp số của tất cả Như Lai. Muốn nói chư Phật tuỳ thời xuất hiện. Muốn nói Như Lai tuỳ căn thành thục của chúng sinh mà xuất hiện, khiến cho họ cúng dường. Muốn biết rõ Như Lai ra đời, công không luống qua. Muốn biết rõ sự gieo trồng căn lành, sẽ được quả báo. Muốn biết rõ đại oai đức của Bồ Tát, vì tất cả chúng sinh hiện hình thuyết pháp, khiến cho họ khai ngộ, mà nói kệ rằng :

Lúc đó, đại Bồ Tát Phổ Hiền nương đại oai thần lực của Phật, và sức căn lành thuở xưa của mình đã tu, quán sát mười phương cho đến tận hư không khắp pháp giới. Muốn khai thị hạnh của các Bồ Tát tu. Muốn tuyên nói cảnh bồ đề của Như Lai. Muốn diễn nói pháp môn đại nguyện của Bồ Tát. Muốn diễn nói kiếp số thành, trụ, hoại, không, của tất cả thế giới. Muốn minh bạch nhân duyên Phật xuất hiện ra đời. Muốn nói Như Lai tuỳ theo căn tánh chúng sinh thành thục, mà xuất hiện ra đời, giáo hoá chúng sinh, khiến cho chúng sinh cúng dường Phật, tăng trưởng đại phước huệ. Muốn biết rõ Như Lai xuất hiện ra đời, công đức đó, không luống qua. Muốn biết rõ sự gieo trồng căn lành, sẽ đắc được quả báo. Muốn biết rõ đại oai đức của Bồ Tát, vì tất cả chúng sinh hiện thân thuyết pháp, khiến cho chúng sinh nghe pháp mà khai ngộ. Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền lại dùng một trăm hai mươi mốt bài kệ để nói rõ.

Các vị nên hoan hỉ
Xả lìa hết các cái
Một lòng cung kính nghe
Các hạnh nguyện Bồ Tát.

Bồ Tát Phổ Hiền đối với đại chúng pháp hội Hoa Nghiêm nói : Các vị mọi người nên thanh tịnh tâm mình, sinh đại hoan hỉ, xả bỏ hết tất cả tâm si, tâm vọng, cuồng tâm dã tính. Trừ diệt hết tất cả các cái (tham dục cái, sân hận cái, thuỳ miên cái, trạo hối cái, nghi pháp cái), chuyên tâm nhất chí để cung kính nghe pháp nầy, đây là đại thệ đại nguyện thuở xưa của Bồ Tát đã phát ra, là đại hạnh của Bồ Tát tu.

Thuở xưa các Bồ Tát
Tối thắng Nhân sư tử
Như các Ngài tu hành
Tôi sẽ lần lượt nói.

Thuở xưa hết thảy Bồ Tát, tối thù thắng Nhân sư tử (Phật), như hạnh môn các Ngài tu trì, hiện tại tôi y chiếu theo thứ tự để nói rõ ràng cho các vị nghe. Hy vọng các vị y pháp tu hành, thì chắc chắn sẽ chứng được lợi ích không thể nghĩ bàn.

Cũng nói các kiếp số
Thế giới và các nghiệp
Cùng với đấng Vô Đẳng
Xuất hiện ra nơi đời.

Cũng phải nói tất cả kiếp số của thế giới, thành, trụ, hoại, không, của thế giới và tất cả nghiệp quả tuần hoàn báo ứng, cùng với chư Phật thành Phật như thế nào, thị hiện ra đời trong hết thảy thế giới.

Như vậy Phật quá khứ
Đại nguyện hiện ra đời
Vì chúng sinh diệt trừ
Các khổ não ra sao !

Giống như quá khứ, hiện tại, vị lai, ba đời chư Phật, các Ngài vì đại nguyện đã phát ra thuở xưa, mà xuất hiện ra đời, để giáo hoá chúng sinh. Làm thế nào để có thể diệt trừ tất cả phiền não cho chúng sinh ? Lúc nào cũng muốn khiến cho chúng sinh lìa khổ được vui, chấm dứt sinh tử.

Tất cả Luận sư tử
Tiếp tục tu viên mãn
Được pháp Phật bình đẳng
Tất cả cảnh giới trí.

Pháp của tất cả chư Phật tu tiếp tục viên mãn. Đắc được pháp môn bình đẳng của chư Phật, và tất cả cảnh giới trí huệ rốt ráo. Chư Phật đã để lại cho chúng ta con đường quang minh bằng phẳng, chỉ cần chúng ta dũng mãnh tinh tấn, thì nhất định sẽ đạt được Niết bàn rốt ráo.

Thấy được đời quá khứ
Tất cả Nhân sư tử
Phóng lưới đại quang minh
Chiếu khắp mười phương cõi.

Thấy được tất cả chư Phật đời quá khứ, phóng lưới đại quang minh, chiếu khắp mười phương thế giới. Chúng sinh gặp được quang minh nầy, thì liền phát tâm bồ đề, tu vô thượng đạo

Suy gẫm phát nguyện nầy:
Tôi sẽ làm đèn sáng
Đầy đủ Phật công đức
Mười lực nhất thiết trí.

Suy gẫm phát thệ nguyện này, tôi sẽ làm đèn sáng cho thế gian. Chiếu soi chúng sinh mê muội mất phương hướng, khiến cho họ tìm được đại đạo bằng phẳng, bình an đạt đến Niết Bàn. Đầy đủ công đức của chư Phật, mười lực của Phật và nhất thiết trí của Phật.

Tất cả các chúng sinh
Tham sân si thiêu đốt
Tôi sẽ cứu thoát họ
Khiến diệt khổ đường ác.

Hết thảy tất cả chúng sinh, đều có tâm tham, tâm sân, tâm si, giống như lửa mạnh thiêu đốt. Hiện tại tôi phải cứu họ thoát khỏi, đắc được giải thoát, khiến cho họ tiêu diệt khổ ba đường ác.

Phát thệ nguyện như vậy
Kiên cố không thối chuyển
Tu đủ hạnh Bồ Tát
Được mười lực vô ngại.

Hết thảy chư Phật và chư Bồ Tát, các Ngài đều phát thệ nguyện này. Thệ nguyện này kiên cố, vĩnh viễn không thối chuyển. Đầy đủ hạnh của Bồ Tát tu hành, đắc được viên mãn mười lực vô ngại.

Thệ nguyện như vậy rồi
Tu hành không thối khiếp
Việc làm đều không hư
Nói tên Luận sư tử.

Bồ Tát phát thệ nguyện đó rồi, tu hành tất cả Bồ Tát đạo, vĩnh viễn không thối khiếp về sau, việc làm đều không luống qua, đều có sự thành tựu, nói danh hiệu đều thành Phật.

Ở trong một Hiền kiếp
Ngàn Phật hiện ra đời
Hết thảy Phổ Nhãn đó
Tôi sẽ lần lượt nói.

Tại một Hiền kiếp (hiện tại là Hiền kiếp thứ chín trụ kiếp trong kiếp diệt), có ngàn vị Phật (Phật Thích Ca là vị Phật thứ tư) xuất hiện ra đời. Ở đó hết thảy Bồ Tát Phổ Nhãn, tôi hiện tại chiếu theo thứ tự để nói.

Như trong một Hiền kiếp
Vô lượng kiếp cũng vậy
Phật hạnh vị lai đó
Tôi sẽ phân biệt nói.

Ở trong một Hiền kiếp, có ngàn vị Phật ra đời, giáo hoá chúng sinh. Trong vô lượng kiếp cũng như thế. Hạnh môn mà chư Phật vị lai tu hành, tôi sẽ phân biệt nói rõ.

Như một loại cõi Phật
Vô lượng cõi cũng thế
Đấng Thập Lực vị lai
Nay tôi nói các hạnh.

Ở trong một cõi Phật, có giống loại nhiều như số hạt bụi, ở trong vô lượng cõi Phật cũng như thế. Thế Tôn vị lai, tu hành các hạnh, bây giờ tôi phải nói kỹ càng với mọi người.

Phật lần lượt ra đời
Tuỳ nguyện tuỳ danh hiệu
Tuỳ theo được thọ ký
Tuỳ theo sự thọ mạng.

Tất cả chư Phật, lần lược xuất hiện ra đời. Tuỳ theo nguyện các Ngài đã phát ra thuở xưa, tuỳ theo danh hiệu của các Ngài có được, tuỳ theo các Ngài được thọ ký, tuỳ theo thọ mạng của các Ngài có được.
Hôm nay (ngày 20 tháng 1 năm 1978), thiền thất (ba tuần lễ) sắp kết thúc, chỉ còn ba tiếng đồng hồ nữa. Hy vọng các vị đắc được thắng lợi cuối cùng, thời gian cuối cùng có thể khai ngộ. Trong khoá thiền thất này, mỗi người đắc được lợi ích, như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Hôm nay kết thúc thiền thất, tôi nói ra một bài kệ, các vị dùng bài kệ này để tham khảo, hoặc là cuối cùng phút chốc có thể khai ngộ một chút :

Năm nay ngày này xong thiền thất
Cầu danh cầu lợi các thứ vật
Hai chân duỗi thẳng hai mắt nhắm
Tổ dạy oanh vũ kế thoát lồng.

Năm nay ngày này kết thúc xong thiền thất. Nếu muốn cầu danh thì có thể chạy về hướng đông, muốn cầu lợi thì có thể chạy về hướng tây. Cầu danh cầu lợi, chạy loạn đông tây. Đả xong thiền thất, ai muốn chạy thì cứ chạy.
Chúng ta nên nhớ Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, khi Ngài mới đến Trung Quốc, chưa độ được ai, thì gặp con chim oanh vũ biết nói. Chim oanh vũ hướng về Ngài cầu pháp, hỏi Ngài làm thế nào để thoát lồng ?
Đạt Ma Tổ Sư đáp :

« Kế thoát lồng ! Kế thoát lồng !
Hai chân duỗi thẳng, hai mắt nhắm,
Đó là kế thoát lồng ».

Hiện tại chúng ta đả xong thiền thất. Nếu muốn chấm dứt sinh tử, thì hai chân duỗi thẳng hai mắt nhắm. Đây là Đạt Ma Tổ Sư dạy chim oanh vũ kế thoát lồng. Chúng ta cảm thấy chưa thể thoát lồng, thì nên dùng pháp môn phương tiện, để tìm cửa thoát lồng.

Tuỳ sự tu chánh pháp
Chuyên cầu đạo vô ngại
Tuỳ giáo hoá chúng sinh
Chánh pháp trụ thế gian.

Tuỳ theo sự tu hành chánh pháp, chuyên tâm siêng cầu viên mãn đạo bồ đề vô ngại. Tuỳ thuận sự giáo hoá chúng sinh, khiến cho chánh pháp mãi mãi trụ thế gian.

Tuỳ sự tịnh cõi Phật
Chúng sinh và pháp luân
Diễn nói thời phi thời
Thứ tự tịnh quần sinh.

Khắp nơi thanh tịnh trang nghiêm tất cả cõi nước chư Phật, giáo hoá chúng sinh, thường chuyển pháp luân. Khi diễn nói pháp thì hợp thời, không đúng thời thì không nói pháp, để từng bước từng bước thanh tịnh hết thảy chúng sinh.

Tuỳ theo nghiệp chúng sinh
Thực hành và tin hiểu
Thượng trung hạ khác nhau
Hoá họ khiến tu tập.

Tuỳ theo hết thảy nghiệp quả, hết thảy hành vi, hết thảy tin hiểu của chúng sinh tạo ra, có căn tánh thượng trung hạ ba thứ khác nhau, đều có cảnh giới khác nhau. Tuỳ thời giáo hoá chúng sinh, khiến cho họ tu tập pháp môn viên dung vô ngại.

Nhập vào trí như vậy
Tu hành hạnh tối thắng
Thường làm nghiệp Phổ Hiền
Rộng độ các chúng sinh.

Chứng được trí huệ như ở trước đã nói, tu hạnh môn tối thù thắng. Thường làm nghiệp của Bồ Tát Phổ Hiền tu, rộng độ tất cả chúng sinh.

Thân nghiệp không chướng ngại
Lời nghiệp đều thanh tịnh
Ý hành cũng như thế
Ba đời đều như vậy.

Vì thân nghiệp thanh tịnh, không phạm sát, đạo, dâm, ba giới, cho nên không có chướng ngại. Lời nghiệp cũng thanh tịnh, chẳng phạm nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, chưởi mắng bốn giới. Ý nghiệp cũng thanh tịnh, chẳng phạm tham, sân, si, ba giới. Chư Phật ba đời đều giữ gìn giới luật như thế.

Bồ Tát hành như thế
Rốt ráo đạo Phổ Hiền
Sinh ra tịnh trí nhựt
Chiếu khắp nơi pháp giới.

Bồ Tát tu hạnh môn nầy, rốt ráo viên mãn pháp của Bồ Tát Phổ Hiền tu. Sinh ra trí huệ mặt trời thanh tịnh, ánh sáng trí huệ đó chiếu khắp pháp giới, hết thảy tất cả chúng sinh.

Các kiếp đời vị lai
Cõi nước bất khả thuyết
Một niệm đều biết rõ
Nơi đó không phân biệt.

Tất cả kiếp đời vị lai, có cõi nước nhiều bất khả thuyết. Bồ Tát ở trong một niệm, đều biết rõ tất cả cảnh giới, đối với tất cả cảnh giới, đều không có sự phân biệt.

Hành giả nhập vào được
Bậc tối thắng như vậy
Các pháp Bồ Tát nầy
Tôi sẽ nói ít phần.

Người tu hành mới hướng nhập vào cảnh giới nầy, bậc tối thù thắng như vậy, tất cả pháp nầy của Bồ Tát, tôi sẽ nói ít phần.

Trí huệ không bờ mé
Thông đạt cảnh giới Phật
Tất cả đều khéo vào
Tu hành không thối chuyển.

Trí huệ chẳng có bờ mé, thông đạt cảnh giới chư Phật, tất cả cảnh giới đều khéo vào, tu hành tinh tấn tiến về trước, tuyệt đối không thối lùi về sau.

Đầy đủ huệ Phổ Hiền
Thành mãn nguyện Phổ Hiền
Vào nơi trí vô đẳng
Tôi sẽ nói hạnh đó.

Đầy đủ trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, thành tựu hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Chứng được trí huệ không gì so sánh được, tôi sẽ vì quý vị tất cả mọi người nói pháp môn này, làm thế nào để tu hành.

Ở trong một hạt bụi
Đều thấy các thế giới
Chúng sinh nếu nghe được
Tâm mê loạn phát cuồng.

Trong mỗi hạt bụi, có thể thấy được hết thảy tất cả thế giới. Pháp môn này, nếu chúng sinh nghe được, trong tâm không thể tin, ngược lại sinh tâm mê loạn mà phát cuồng. Họ sinh tâm hoài nghi: Làm thế nào mà ở trong một hạt bụi, có thể hiện ra hết thảy thế giới?

Như nơi một hạt bụi
Tất cả bụi cũng thế
Thế giới đều vào trong
Như vậy không nghĩ bàn.

Chẳng những ở trong một hạt bụi, có thể hiện ra hết thảy cõi nước, mà ở trong hết thảy hạt bụi, cũng đều như thế. Hết thảy thế giới, đều có thể nhập vào trong một hạt bụi. Cảnh giới này, không thể dùng tâm suy gẫm, không thể luận bàn, là pháp diệu không thể tả.

Trong mỗi hạt bụi có
Pháp mười phương ba đời
Các cõi đều vô lượng
Đều phân biệt biết được.

Ở trong mỗi hạt bụi, có chư Phật mười phương ba đời, có pháp mười phương ba đời, có Tăng mười phương ba đời. Các cõi cũng là vô lượng, Bồ Tát thanh tịnh biết rõ những cảnh giới nầy.

Trong mỗi hạt bụi có
Vô lượng loại cõi Phật
Đủ thứ đều vô lượng
Chẳng gì mà không biết.

Ở trong mỗi hạt bụi, có vô lượng loại cõi Phật khác nhau, có thế giới ngửa, thế giới úp, có thế giới dài, thế giới ngắn, có thế giới tròn, thế giới vuông, đủ thứ hình trạng, đều là vô lượng vô biên. Mỗi cõi Phật, mỗi thế giới, Bồ Tát chẳng có gì mà không biết.

Hết thảy trong pháp giới
Đủ thứ các tướng lạ
Cõi loài đều khác nhau
Đều phân biệt biết được.

Ở trong pháp giới, hết thảy cảnh giới, hết thảy tướng thể, hết thảy cõi loại, đều khác nhau, nhưng Bồ Tát đều phân biệt biết rất rõ ràng.

Vào sâu trí vi tế
Phân biệt các thế giới
Tất cả kiếp thành hoại
Đều thấu rõ nói được.

Vào sâu trí huệ vi tế, phân biệt cảnh giới của tất cả thế giới. Hết thảy kiếp, thành, trụ, hoại, không, như thế nào? Bồ Tát đều thấu rõ nói ra được.

Biết các kiếp dài ngắn
Ba đời tức một niệm
Các hạnh giống chẳng giống
Đều phân biệt biết được.

Biết tất cả kiếp, hoặc dài, hoặc ngắn, kéo dài làm ba đời, thu ngắn lại một niệm. Tất cả hạnh môn, hoặc giống, hoặc chẳng giống, Bồ Tát đều phân biệt biết được.

Vào sâu các thế giới
Rộng lớn chẳng rộng lớn
Một thân vô lượng cõi
Một cõi vô lượng thân.

Vào sâu tất cả thế giới, hoặc là thế giới rộng lớn, hoặc thế giới nhỏ hẹp. Lại một thân vào vô lượng cõi, một cõi lại vào vô lượng thân.

Hết thảy trong mười phương
Các thế giới khác loại
Vô lượng tướng rộng lớn
Tất cả đều biết được.

Ở trong mười phương, hết thảy tất cả thế giới khác loại, là tướng rộng lớn vô lượng, Bồ Tát đối với tướng nầy, đều biết được.

Trong tất cả ba đời
Vô lượng các cõi nước
Đầy đủ trí thâm sâu
Đều rõ đó thành hoại.

Ở trong tất cả ba đời, có cõi nước vô lượng vô biên. Bồ Tát đầy đủ trí huệ thâm sâu không thể nghĩ bàn, hiểu rõ các cõi nước ba đời, thành như thế nào? Trụ như thế nào? Hoại như thế nào? Không như thế nào? Nhìn một cái thì biết rõ ràng.

Mười phương các thế giới
Có thành hoặc có hoại
Như vậy bất khả thuyết
Hiền đức đều hiểu sâu.

Mười phương hết thảy thế giới, có thế giới đang thời kỳ thành trụ, có thế giới đang thời kỳ hoại không. Các thế giới như vậy, nhiều bất khả thuyết. Bồ Tát hiền đức đều hiểu thâm sâu.

Hoặc có các cõi nước
Đủ thứ cõi nghiêm sức
Các cõi cũng như thế
Đều do nghiệp thanh tịnh.

Hoặc có tất cả cõi nước, có đủ thứ sự trang nghiêm. Trong tất cả cõi cũng có đủ thứ sự trang nghiêm. Đó là do nghiệp thanh tịnh của chúng sinh, cho nên mỗi địa phương, đều thanh tịnh trang nghiêm.

Hoặc có các thế giới
Vô lượng thứ tạp nhiễm
Đều do chúng sinh cảm
Tất cả như họ làm.

Hoặc có tất cả thế giới, có vô lượng thứ tạp nhiễm (ngũ thú tạp cư địa), đây cũng do nghiệp lực của chúng sinh sở cảm mà tạo thành. Chúng sinh nhiều nghiệp tạp nhiễm, thì thế giới đó sẽ nhiễm ô, chúng sinh nhiều nghiệp thanh tịnh, thì thế giới đó sẽ thanh tịnh. Chúng sinh nhiều nghiệp ác, thì nghiệp lành ít; chúng sinh nhiều nghiệp lành, thì nghiệp ác ít, tất cả tất cả, đều do hành vi của chúng sinh mà tạo thành.

]Vô lượng vô biên cõi
Biết rõ tức một cõi
Như vậy vào các cõi
Số đó bất khả thuyết.

Trong hư không có vô lượng vô biên cõi Phật, nếu minh bạch được, thì vô lượng vô biên cõi Phật tức là một cõi, một cõi tức là vô lượng vô biên cõi Phật. Biết rõ tất cả cõi Phật như vậy, số đó nhiều bất khả thuyết không biết được.

Tất cả các thế giới
Đều vào trong một cõi
Thế giới chẳng phải một
Lại cũng không tạp loạn.

Hết thảy tất cả thế giới, thảy đều quy nạp vào trong một cõi Phật, nhưng mỗi thế giới vẫn khác nhau, đều đâu đâu ra đó, chẳng tạp loạn nhau. Tóm lại, chẳng phải nói đem hết thảy thế giới vào trong một cõi Phật, thì biến thành một thế giới, chẳng phải vậy, vô lượng các thế giới đó vẫn rõ ràng, không ngại nhau, cũng chẳng tạp loạn nhau.

Thế giới có úp ngửa
Hoặc cao hoặc lại thấp
Đều do tưởng chúng sinh
Đều phân biệt biết được.

Hình dáng của thế giới đều khác nhau. Có thế giới ngửa, có thế giới úp, có thế giới cao, có thế giới thấp. Đó là do vọng tưởng của chúng sinh mà tạo thành, có vọng tưởng gì, thì hiện ra thế giới hình dáng đó. Bồ Tát phân biệt biết rất rõ ràng.

Các thế giới rộng lớn
Vô lượng không bờ mé
Biết đủ thứ là một
Biết một là đủ thứ.

Tất cả thế giới rộng lớn, vô lượng cũng vô biên. Biết thế giới rộng lớn và thế giới hẹp, đều là một thế giới. Biết đủ thứ thế giới là một thế giới, biết một thế giới là đủ thứ thế giới, đây là cảnh giới sự lý viên dung vô ngại.

Phổ Hiền các Phật tử
Hay dùng trí Phổ Hiền
Biết rõ số các cõi
Số đó không bờ mé.

Các vị Bồ Tát Phổ Hiện đệ tử của Phật ! Hay dùng trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, thì sẽ biết rõ số lượng của tất cả cõi, số lượng cõi Phật đó chẳng có bờ mé.

Biết các thế giới hoá
Cõi hoá chúng sinh hoá
Pháp hoá chư Phật hoá
Tất cả đều rốt ráo.

Biết hết thảy thế giới biến hoá, cõi Phật cũng đang biến hoá, chúng sinh cũng đang biến hoá, các pháp nên biến hoá như vậy, thần lực biến hoá của chư Phật, tất cả đều đến nơi rốt ráo.

Tất cả các thế giới
Cõi nhỏ bé rộng lớn
Đủ thứ trang nghiêm lạ
Đều do nghiệp khởi lên.

Mười phương hết thảy tất cả thế giới, có cõi nhỏ bé, có cõi rộng lớn, đủ thứ trang nghiêm khác nhau, đều do nghiệp của chúng sinh tạo thành.

Vô lượng các Phật tử
Khéo học vào pháp giới
Sức thần thông tự tại
Khắp cùng trong mười phương.

Có vô lượng vô biên đệ tử Phật! Khéo học tập pháp của chư Phật nói, sẽ chứng nhập pháp giới. Chứng được trí pháp giới và lý pháp giới, sẽ đắc được sức thần thông, tất cả tự tại. Đi đến khắp cùng mười phương pháp giới, gần gũi chư Phật, cúng dường chư Phật, giáo hoá chúng sinh, chấm dứt sinh tử.

Chúng sinh đồng số kiếp
Nói tên thế giới đó
Cũng không thể hết được
Chỉ trừ Phật khai thị.

Dùng số chúng sinh đồng với số kiếp, thời gian lâu dài như vậy, để nói tên của thế giới, cũng không thể nào nói hết được. Chỉ trừ Đức Phật khai thị, mới biết được số mục chính xác.

Thế giới và Như Lai
Đủ thứ các danh hiệu
Trải qua vô lượng kiếp
Nói không thể hết được.

Thế giới và Phật, có đủ thứ danh hiệu, dù trải qua vô lượng kiếp thời gian lâu dài, để nói danh hiệu, cũng không thể nào nói hết được.

Hà huống tối thắng trí
Ba đời các Phật pháp
Từ pháp giới sinh ra
Đầy khắp bậc Như Lai.

Hà huống trí huệ tối thù thắng, pháp môn chư Phật ba đời nói, từ trong pháp giới sinh ra, đầy khắp quả vị Phật chứng được.

Niệm thanh tịnh vô ngại
Huệ vô biên vô ngại
Phân biệt nói pháp giới
Đến được bờ bên kia.

Thanh tịnh chẳng có niệm chướng ngại, trí huệ chẳng có bờ mé và chẳng có chướng ngại. Phân biệt nói hết thảy pháp giới, rốt ráo đến bờ Niết Bàn bên kia.

Quá khứ các thế giới
Rộng lớn và nhỏ bé
Tu tập trang nghiêm đẹp
Một niệm đều biết được.

Vốn chẳng có tất cả thế giới quá khứ, cũng chẳng có tất cả thế giới hiện tại, cũng chẳng có tất cả thế giới vị lai, tức nhiên chẳng có, vậy tại sao nói có thế giới ba đời ? Vì chúng sinh có tâm phân biệt, cho nên chẳng có ba đời mà nói ba đời. Thế giới rộng lớn và thế giới nhỏ bé, đều do chư Phật Bồ Tát quá khứ tu tập trang nghiêm mà thành tựu, cũng là do vọng tưởng của chúng sinh tích tập mà thành tựu, Bồ Tát trong một niệm, đều biết được những nhân duyên đó.

Trong đó Nhân sư tử
Tu đủ thứ hạnh Phật
Thành tựu Đẳng Chánh Giác
Thị hiện các tự tại.

Phật ở trong mỗi thế giới đó, thuở xưa tu tập đủ thứ hạnh môn của Phật. Chúng sinh tu tập thành Phật, Phật đến giáo hoá chúng sinh, đối với chúng sinh thị hiện tất cả thần thông tự tại.

Như vậy đời vị lai
Lần lượt vô lượng kiếp
Hết thảy Nhân Trung Tôn
Bồ Tát đều biết được.

Như vậy thế giới vị lai, lần lượt trong vô lượng kiếp, hết thảy chư Phật Bồ Tát, đều biết được. Tại sao? Vì Bồ Tát có pháp nhãn thanh tịnh, dùng diệu quán sát trí để quán sát, đều biết, đều thấy được.

Hết thảy các hạnh nguyện
Hết thảy các cảnh giới
Như vậy siêng tu hành
Trong đó thành Chánh Giác.

Hết thảy hạnh môn và thệ nguyện, hết thảy tất cả cảnh giới, như vậy siêng năng tu hành đủ thứ pháp môn, ở trong thế giới đó, sẽ thành Chánh Giác, tức là thành Phật.

Cũng biết chúng hội đó
Thọ mạng hoá chúng sinh
Dùng các pháp môn đó
Vì chúng chuyển pháp luân.

Cũng biết ở trong chúng hội đạo tràng của Phật, có bao nhiêu chúng sinh? Trụ thọ mạng ở đời dài bao lâu? Giáo hoá chúng sinh bao nhiêu? Dùng đủ thứ pháp môn để vì hết thảy chúng sinh chuyển bánh xe pháp.

Bồ Tát biết như vậy
Trụ hạnh bậc Phổ Hiền
Trí huệ đều thấu rõ
Sinh ra tất cả Phật.

Bồ Tát đối với tất cả pháp như đã nói ở trước, biết như vậy, thấy như vậy. Trụ ở bậc đại hạnh đại nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền hoàn toàn thấu rõ. Trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, hay sinh ra tất cả chư Phật, vì trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền là mẹ của chư Phật.

Hiện tại nhiếp thế gian
Tất cả các cõi Phật
Vào sâu các cõi đó
Thông đạt nơi pháp giới.

Hiện tại trên thế gian để nhiếp thọ tất cả chúng sinh. Tất cả cõi nước chư Phật, vào sâu tất cả cõi Phật, mà thông đạt nơi pháp giới.

Trong các thế giới đó
Hiện tại tất cả Phật
Nơi pháp được tự tại
Ngôn luận không chướng ngại.

Ở trong tất cả thế giới, hiện tại nói pháp của tất cả chư Phật, đối với Phật pháp, đều đắc được tự tại, có ngôn luận khéo hay vô ngại.

Cũng biết chúng hội đó
Tịnh độ sức ứng hoá
Hết vô lượng ức kiếp
Thường suy gẫm việc đó.

Cũng biết đại chúng hải hội thanh tịnh cõi nước chư Phật, giáo hoá chúng sinh, ứng hoá sức lực đó, cùng tận đến vô lượng ức kiếp, luôn luôn suy gẫm những việc đó, làm thế nào giáo hoá chúng sinh.

Đấng Điều Ngự thế gian
Hết thảy sức oai thần
Trí huệ tạng vô tận
Tất cả đều biết được.

Điều Ngự Sư là đấng thế xuất thế, còn gọi là Thế Tôn. Hết thảy đại oai thần lực của Thế Tôn, trí huệ tạng, chẳng cùng tận, tất cả hết thảy, Bồ Tát đều biết rõ ràng.

Sinh ra mắt vô ngại
Tai mũi thân vô ngại
Lưỡi rộng dài vô ngại
Hay khiến chúng hoan hỉ.

Hay sinh ra mắt chẳng có chướng ngại, lỗ tai chẳng có chướng ngại, mũi và thân chẳng có chướng ngại, lưỡi rộng dài chẳng có chướng ngại, tức cũng là diễn nói Phật pháp, khiến cho tất cả chúng sinh, đều sinh tâm đại hoan hỉ.

Tâm tối thắng vô ngại
Khắp thanh tịnh rộng lớn
Trí huệ đầy khắp cùng
Đều biết pháp ba đời

Sinh ra tâm tối thù thắng chẳng có chướng ngại, khiến cho tất cả chúng sinh, đều đắc được thanh tịnh rộng lớn cùng khắp. Trí huệ quang minh đầy khắp cùng cõi hư không và pháp giới, khiến cho tất cả chúng sinh, đều biết pháp của chư Phật ba đời nói.

Khéo học tất cả hoá
Cõi hoá chúng sinh hoá
Đời hoá điều phục hoá
Rốt ráo hoá bờ kia.

Khéo học tập tất cả Phật pháp, để giáo hoá tất cả chúng sinh. Làm thế nào giáo hoá chúng sinh cõi nước của chư Phật? Dùng phương pháp gì để giáo hoá chúng sinh thế gian? Khiến cho họ được điều phục, rốt ráo sớm lên bờ kia.

Thế gian đủ thứ khác
Đều do có vọng tưởng
Vào Phật trí phương tiện
Nơi đó đều thấu rõ.

Thế gian có đủ thứ sự phân biệt, đều do vọng tưởng mà tồn tại. Đắc được phương tiện trí huệ của chư Phật, đối với đủ thứ nhân duyên đó, đều thấu rõ được. Cho nên khi Phật thành đạo, đã từng thốt lên: “Lành thay! Lành thay! Hết thảy chúng sinh, đều đầy đủ trí huệ đức tướng của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng chấp trước, nên không thể chứng đắc”. Do đó có thể thấy, vọng tưởng là đá cột chân người tu đạo, vì lẽ đó mà phải tiêu diệt vọng tưởng. Làm thế nào để tiêu diệt? Phương pháp đó tức là tham thiền. Dùng “Niệm Phật là ai”? để khống chế nhiều thứ vọng tưởng, một niệm không sinh thì sẽ khai ngộ.

Chúng hội bất khả thuyết
Mỗi mỗi vì hiện thân
Đều khiến thấy Như Lai
Độ thoát vô biên chúng.

Chúng hội có nhiều bất khả thuyết, ở trong mỗi chúng hội, Phật đều hiện thân vì chúng sinh thuyết pháp, khiến cho hết thảy chúng sinh, đều thấy được Phật, độ thoát vô lượng vô biên chúng sinh có duyên, do đó: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”.

Trí chư Phật thâm sâu
Như mặt trời nơi đời
Trong tất cả cõi nước
Hiện khắp không ngừng nghỉ.

Mười phương ba đời tất cả chư Phật, đều có trí huệ Bát Nhã thâm sâu. Giống như mặt trời ở trên không, ánh sáng đó chiếu khắp đại địa, tất cả chúng sinh đều thấy được ánh sáng mặt trời. Ở trong tất cả cõi nước, khắp thị hiện không ngừng nghỉ.

Thấu đạt các thế gian
Giả danh không có thật
Chúng sinh và thế giới
Như mộng như hình bóng.

Thấu rõ thông đạt tất cả thế gian, đều là giả danh mà thôi, chẳng có chân thật. Chúng sinh và thế giới, tựa như mộng, tựa như ánh sáng và hình bóng, đều là hư vọng không thật.

Pháp nơi các thế gian
Thấy chẳng sinh phân biệt
Người khéo lìa phân biệt
Cũng chẳng thấy phân biệt.

Đối với tất cả pháp thế gian, chẳng sinh tri kiến phân biệt. Người khéo lìa khỏi sự phân biệt, chẳng những chẳng thấy có sự phân biệt, mà cho đến suy nghĩ cũng không còn, niệm cũng không còn nữa.

Vô lượng vô biên kiếp
Hiểu rõ tức một niệm
Biết niệm cũng vô niệm
Thấy thế gian như vậy.

Tuy nhiên trải qua vô lượng vô số kiếp, nhưng hiểu rõ rồi, thì trong khoảng một niệm, biết niệm cũng vốn chẳng có niệm. Nếu nhìn pháp thế gian như vậy, thì tất cả đều không chấp trước.

Vô lượng các cõi nước
Một niệm đều siêu việt
Trải qua vô lượng kiếp
Chẳng động nơi bổn xứ.

Hết thảy vô lượng vô biên tất cả cõi nước, trong một niệm, hoàn toàn siêu qua quá khứ. Tuy nhiên trải qua vô lượng kiếp, nhưng vẫn chẳng động bổn xứ. Tại sao? Vì Phật thường ở trong định, tuy nhiên ở trong định, mà hay đến mười phương thế giới giáo hoá chúng sinh. Giống như Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, dù Đức Phật Thích Ca ngồi dưới cội bồ đề, mà ở trong định đến bảy nơi nói diệu pháp trong chín hội.

Bất khả thuyết các kiếp
Tức là trong khoảnh khắc
Chẳng thấy dài và ngắn
Pháp sát na rốt ráo.

Trải qua bất khả thuyết tất cả kiếp, tức là thời gian rất ngắn. Do đó, chứng minh người tu thiền định, ở trong định chẳng cảm thấy thời gian mau chậm. Do đó:

“Trong động mới bảy ngày
Ngoài đời mấy ngàn năm”.

Tĩnh toạ (nhập định) ở trong hang động nơi thâm sơn, cảm thấy chỉ có bảy ngày công phu, mà ở ngoài thế gian đã trải qua mấy ngàn năm. Đây là đạo lý gì? Nói đơn giản đó là hiện tượng nhập định. Tuy ở trong định giây lát, mà tại thế gian thời gian rất dài.
Khi lão hoà thượng Hư Vân ở tại lều tranh núi Chung Nam, bỏ khoai lang tươi vào nồi nấu, sau đó bèn ngồi thiền. Ngồi xuống một cái thì đã hơn hai mươi ngày, khi xuất định, đi xem khoai luột trong nồi, thì khoai đã lên mốc meo hơn một tấc. Hỏi qua người khác thì mới biết mình đã ngồi thiền trải qua hơn hai mươi ngày. Ở đây tức là ở trong định trong khoảnh khắc, thế gian đã trải qua mấy ngàn năm. Không cần dùng vọng tưởng để so sánh, đây thì dài, kia thì ngắn, đó tức là tâm phân biệt. Có tâm phân biệt thì chẳng thể nào được giải thoát.
Chẳng có vọng tưởng dài và ngắn, thí đó tức là pháp sát na rốt ráo. Sát na tức là thời gian rất ngắn. Một sát na có chín trăm lần sinh diệt. Nếu minh bạch vấn đề thời gian, thì sẽ không có phiền não. Chúng ta từ sống đến chết, bất quá chỉ là chuyển cái nháy mắt mà thôi, nhưng cảm thấy đã trải qua thời gian rất dài. Giống như con phù du, sáng sống chiều chết, nó cảm thấy thời gian rất dài. Giống như người trời sung sướng thì cảm thấy thời gian ngắn. Còn địa ngục rất khổ thì cảm thấy thời gian dài. Cho nên tại nhân gian của chúng ta, năm mươi năm, thì chỉ bằng một ngày một đêm trên cõi trời Tứ Thiên Vương. Tại nhân gian chúng ta một ngày một đêm, thì ở dưới địa ngục là năm mươi năm. Khi con người an vui, thì cảm thấy thời gian rất ngắn, khi khổ não thì cảm thấy thời gian rất dài. Đó là pháp sát na rốt ráo.

Tâm trụ nơi thế gian
Thế gian trụ nơi tâm
Nơi đây chẳng vọng khởi
Phân biệt hai chẳng hai.

Tâm trụ tại thế gian, thế gian trụ tại tâm, đừng đem sự chấp trước thế gian vào trong tâm. Vốn bên trong không có thân tâm, bên ngoài không có thế giới, đừng vọng khởi những sự phân biệt như thế. Thế gian và tâm là hai, hoặc chẳng phải hai.

Chúng sinh thế giới kiếp
Chư Phật và Phật pháp
Tất cả như huyễn hoá
Pháp giới đều bình đẳng.

Chúng sinh và thế giới với kiếp số, mười phương ba đời tất cả chư Phật và pháp của chư Phật nói, tất cả hết thảy như huyễn như hoá. Đừng quá coi thật, cõi hư không và pháp giới, đều là bình đẳng.

Khắp trong mười phương cõi
Thị hiện vô lượng thân
Biết thân từ duyên khởi
Rốt ráo không chấp trước.

Trong khắp cùng mười phương cõi nước chư Phật, thị hiện vô lượng vô biên thân, biết thân thể từ nghiệp duyên tinh cha huyết mẹ mà có. Nói một cách rốt ráo, thì đừng chấp trước vào.

Nương nơi trí không hai
Xuất hiện Nhân Sư Tử
Chẳng chấp pháp không hai
Biết không hai chẳng hai.

Y chiếu đệ nhất nghĩa đế, trí huệ trong trí huệ, chẳng có hai trí huệ. Xuất hiện Nhân Sư Tử (Phật), tức cũng là xuất hiện ra đời, mà thành Phật đạo. Cũng đừng trụ vào pháp không hai. Tại sao? Vì biết chẳng có hai, cũng chẳng phải không hai. Vốn cho đến một cũng chẳng có, làm gì có hai? Do đó:

“Một pháp chẳng lập,
Vạn pháp đều không”.

Biết rõ các thế gian
Như diệm như ánh bóng
Như vang cũng như mộng
Như huyễn như biến hoá.

Biết rõ tất cả thế gian, đều là vô thường, vô ngã, không, khổ, giống như dương diệm, ở xa nhìn thì có, lại gần thì không. Lại giống như ánh sáng và hình bóng, chẳng có thật thể, chẳng phải thật; lại giống như âm thanh, lại giống như mộng, lại giống như hư huyễn và biến hoá, đều là hư vọng không thật.

Như vậy tuỳ thuận vào
Nơi chư Phật tu hành
Thành tựu trí Phổ Hiền
Chiếu khắp sâu pháp giới.

Như vậy tuỳ thuận vào cảnh giới, để minh bạch cảnh giới nầy, đều là chẳng thật. Do đó :

« Thấy việc tỉnh việc thoát thế gian
Thấy việc mê việc đoạ trầm luân ».

Nếu nghĩ như vậy, thì chẳng chấp trước vào tất cả pháp. Do đó :

« Quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng ».

Tất cả đều không chấp trước, dù là pháp môn của chư Phật tu. Thành tựu đại trí đại huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, đại trí đại huệ nầy tận hư không khắp pháp giới, chiếu khắp tất cả.

Chúng sinh cõi nhiễm trước
Tất cả đều xả lìa
Mà khởi tâm đại bi
Tịnh khắp các thế gian.

Chúng sinh và cõi nước nhiễm trước, tất cả đều phải xả lìa. Buông bỏ chẳng được cũng phải buông bỏ, xả không được cũng phải xả, không thể nhẫn cũng phải nhẫn, không thể nhường cũng phải nhường, để khởi lên tâm đại từ bi. Thế nào là từ bi? Từ hay ban vui, bi hay cứu khổ, tức cũng là ban niềm vui đến cho chúng sinh, cứu khổ của chúng sinh. Khắp thanh tịnh tất cả thế gian, khiến cho chẳng còn nhiễm trước.

Bồ Tát thường chánh niệm
Luận sư tử diệu pháp
Thanh tịnh như hư không
Mà khởi đại phương tiện.

Bồ Tát bất cứ lúc nào, cũng chẳng có tâm ích kỷ, chẳng có tâm tự lợi, chỉ có tâm chánh niệm. Vì hoằng dương Phật pháp, giáo hoá chúng sinh, thường diễn nói diệu pháp của Phật nói. Tâm của Bồ Tát thanh tịnh như hư không, nhưng thường sinh tâm đại phương tiện.

Thấy đời thường mê đảo
Phát tâm đều cứu độ
Sở hành đều thanh tịnh
Khắp cùng các pháp giới.

Bồ Tát thấy tất cả chúng sinh thế gian, thường mê hoặc điên đảo, cho nên phát tâm đại từ bi, cứu chúng sinh thoát khỏi mê hoặc điên đảo từ trong biển khổ. Những gì Bồ Tát làm đều thanh tịnh, chẳng có nhiễm ô. Ngài đến khắp cùng tất cả pháp giới, để giáo hoá chúng sinh.

Chư Phật và Bồ Tát
Phật pháp thế gian pháp
Nếu thấy đó chân thật
Tất cả không khác biệt.

Mười phương tất cả chư Phật và các Bồ Tát, Phật pháp và pháp thế gian. Giả sử thấy đó là chân thật, thì tất cả chẳng có gì phân biệt.

Như Lai tạng pháp thân
Khắp vào trong thế gian
Tuy ở tại thế gian
Nơi đời không chấp trước.

Tạng pháp thân của Như Lai, vào trong khắp cùng thế giới, chẳng lìa khỏi thế gian. Pháp thân của Phật, tuy ở tại thế gian, mà đối với tất cả thế gian chẳng có sự chấp trước. Chẳng giống như chúng ta ở tại thế gian nầy, bèn chấp trước thế giới nầy, chấp trước thân nầy, chấp trước tất cả sự vật.

Ví như nước trong sạch
Hình bóng không đến đi
Pháp thân khắp thế gian
Nên biết cũng như vậy.

Ví như nước trong sạch, có hình bóng gì, thì sẽ hiện ra hình bóng đó. Hình bóng đó chẳng đi đến trong nước, cũng chẳng từ nước đi ra. Pháp thân khắp cùng nơi thế gian, nên biết rằng, cũng đạo lý như thế.

Như vậy lìa nhiễm trước
Thân đời đều thanh tịnh
Sáng suốt như hư không
Tất cả không có sinh.

Tại sao phải như vậy? Tức là dạy chúng ta lìa khỏi nhiễm trước, đừng có trôi nổi quên về, nhận rằng đời ác năm trược này là cõi nước An Lạc. Nếu lìa khỏi đời ác năm trược, thì thân cũng thanh tịnh, thế giới cũng thanh tịnh. Sáng suốt thường tịch như vậy, giống như hư không, tất cả chẳng có sinh, tất cả chẳng có diệt.

Biết thân không hết được
Không sinh cũng không diệt
Chẳng thường chẳng không thường
Thị hiện các thế gian.

Biết thân thể chẳng thể hết, hoặc chẳng hết, tại sao? Vì chứng được vô sinh pháp nhẫn. Pháp thân của Phật chẳng có sinh, cũng chẳng có diệt. Chẳng phải thường, cũng chẳng phải vô thường, mà tuỳ duyên thị hiện nơi tất cả thế gian.
Chẳng thường là thường, chẳng không thường là đoạn. Phật pháp chẳng đoạn chẳng thường, chẳng có chẳng không.

Diệt trừ các tà kiến
Khai thị nơi chánh kiến
Pháp tánh không đến đi
Chẳng chấp ta của ta.

Diệt trừ tất cả tà tri tà kiến, khai thị chúng sinh chánh tri chánh kiến. Bản tánh của pháp, cũng chẳng đến, cũng chẳng đi, cũng chẳng chấp chặt vào cái ta, cũng chẳng chấp chặt vào của ta.

Ví như nhà huyễn thuật
Thị hiện đủ thứ việc
Nó không từ đâu đến
Cũng chẳng đi đến đâu.

Ví như nhà huyễn thuật, ông ta thị hiện đủ thứ cảnh giới. Cảnh giới đó, đến chẳng có chỗ đến, đi cũng chẳng có chỗ đi. Tại sao ? Vì là hư vọng.

Tánh huyễn chẳng có lượng
Lại cũng chẳng không lượng
Ở trong đại chúng đó
Thị hiện lượng vô lượng.

Tánh huyễn cũng chẳng phải có số lượng, cũng chẳng phải chẳng có số lượng. Nhà huyễn thuật ở trong đại chúng, thị hiện có lượng và vô lượng, tức cũng là thị hiện sự việc có hạn lượng và chẳng có hạn lượng.

Có lượng và vô lượng
Thảy đều là vọng tưởng
Thấu đạt tất cả cõi
Chẳng chấp lượng vô lượng.

Tánh huyễn cũng chẳng phải có số lượng, cũng chẳng phải chẳng có số lượng. Nhà huyễn thuật ở trong đại chúng, thị hiện có lượng và vô lượng, tức cũng là thị hiện sự việc có hạn lượng và chẳng có hạn lượng.

Dùng tâm tịch định nầy
Tu tập các căn lành
Sinh ra tất cả Phật
Chẳng lượng chẳng không lượng.

Dùng tâm tịch định nầy, để tu tập tất cả căn lành. Căn lành tu đến lúc viên mãn, thì sẽ sinh ra tất cả chư Phật, đây chẳng phải là sự việc có hạn lượng và không có hạn lượng.

Có lượng và vô lượng
Thảy đều là vọng tưởng
Thấu đạt tất cả cõi
Chẳng chấp lượng vô lượng.

Có số lượng và không có số lượng, đều là do vọng tưởng phân biệt của chúng sinh mà có. Pháp vốn tịch diệt, vốn chẳng có những sự phân biệt như thế. Thấu rõ thông đạt tất cả cõi (bao quát tất cả chúng sinh), cũng chẳng chấp trước có số lượng, cũng chẳng chấp trước chẳng có số lượng.

Pháp chư Phật thâm sâu
Rộng lớn sâu tịch diệt
Trí thâm sâu vô lượng
Biết các cõi sâu đó.

Pháp vi diệu thâm sâu của mười phương chư Phật, pháp tịch diệt rộng lớn thâm sâu. Trí huệ thâm sâu vô lượng của Bồ Tát, biết các cõi thâm sâu, đều có tính chất của nó, đều có cái tốt, đều có sở cầu. Nếu đến được chỗ không còn mong cầu gì nữa, thì sẽ hết lo, do đó có câu :

« Người đến chỗ vô cầu, phẩm tự cao ».

Bồ Tát lìa mê đảo
Tâm tịnh thường liên tục
Khéo dùng sức thần thông
Độ vô lượng chúng sinh.

Bồ Tát lìa khỏi mê hoặc điên đảo rồi, trong tâm rất thanh tịnh, luôn luôn liên tục không ngừng, khéo xử dụng sức thần thông tự tại, độ thoát vô lượng chúng sinh, bao quát bạn, tôi, và họ ở trong đó.
Chỉ có Bồ Tát mới có thể lìa khỏi mê. Mê là gì? Tức là mê rượu, mê sắc đẹp, mê tiền tài .v.v… Rượu, sắc đẹp, tiền tài, đều mê hoặc con người, là nguyên nhân điên đảo. Tâm của Bồ Tát thì thanh tịnh, chẳng khởi vọng tưởng, do đó có câu :
Tâm chỉ niệm tuyệt chân phú quý
Tư dục đoạn tận chân phước điền.

Nghĩa là :

« Tâm dừng niệm bặc giàu sang thật
Ích kỷ dứt sạch thật ruộng phước ».

Các vị chú ý ! Không màn là người xuất gia hay người tại gia, phải nghiên cứu kỹ lại xem hai câu này. Tâm dừng tức là tình dục đã dừng lại, niệm tuyệt tức là ý niệm cũng không còn nữa, đó mới là giàu sang thật sự. Và dục niệm cũng dứt sạch, không còn nữa, thì đó mới thật là ruộng phước thật sự.
Tôi thường nói với các vị :

« Tánh định ma phục triều triều lạc
Vọng tưởng bất khởi xứ xứ an ».

Nghĩa là :

Tánh định ma kính phục lúc nào cũng vui
Vọng tưởng chẳng khởi nơi nào cũng bình an ».

Tánh chẳng định thì ma chẳng phục. Nếu tánh định rồi, thì ma sẽ được điều phục. Khi Đức Phật Thích Ca ở dưới cội bồ đề sắp thành Phật, thì ma nữ hiện ra rất đẹp, đến trước Phật để mê hoặc Phật, nhưng Phật chẳng động tâm, đó tức là tánh định. Tánh định, thì ma nữ không còn biện pháp nào khả thi, đem hết khả năng, cũng không làm gì được, thất bại bèn bỏ đi.
Các vị hãy nghĩ xem ! Tánh định thì hàng phục được ma, chẳng có ngày nào mà chẳng an lạc. Nếu vọng tưởng chẳng khởi, thì bất cứ đi đến đâu cũng đều là cõi Cực Lạc. Tại sao bạn cảm thấy ở đâu cũng đều không tốt ? Vì vọng tưởng của bạn quá nhiều. Do đó :

« Một thời thanh tịnh,
Một thời là linh sơn;
Thời thời thanh tịnh,
Thời thời là linh sơn ».

Tâm của bạn, khi nào thanh tịnh, thì lúc đó đang ở tại núi Linh thứu; thời thời đều thanh tịnh, thì thời thời đều đang ở tại núi Linh thứu. Tại sao chẳng thanh tịnh ? Tại sao chẳng bình an ? Vì bạn quá chấp trước vào thân thể : Ngủ thì phải ngủ ở chỗ tốt, ăn thì phải ăn đồ ngon, mặc thì phải mặc đồ tốt. Tóm lại, tất cả đều phải tốt, chẳng biết đủ, do đó « Dục vọng không lúc nào dừng lại », cho nên chẳng tự tại, thì tâm sinh phiền não sầu lo.
Tôi nhớ lúc ở tại núi Vân Môn, nghĩ muốn đi đến Hương Cảng, bèn nói với hoà thượng Hư Vân để từ giã.
Tôi nói : - « Lão hoà thượng ! Con ở tại Vân Môn chịu không được ».
Lão Hoà Thượng nói : - « Sao lại chịu không được ! »
Tôi nói : - « Phòng của con ở quá ẩm ướt, bây giờ là mùa hè, con có chút chịu không được ».
Lão Hoà Thượng nói : - « Ồ ! Con chịu không được, con xem người tại gia, đều giống như heo ngủ trong chuồng, họ cũng chịu không được !
Tôi nói : - « Lão Hoà Thượng ! Sao Ngài lại so sánh họ là heo ? »
Lão Hoà Thượng nói : - « Người tức là heo » !
Tôi nói : - « Con đến Hương Cảng, khi khí hậu khô một chút, con sẽ trở về ».
Lão Hoà Thượng nói : - « Con đến Hương Cảng sẽ không thể trở về ».
Tôi nói : - « Con nhất định sẽ trở về ».
Lão Hoà Thượng nói : - « Con chắc chắn sẽ không thể trở về ».
Tôi nói : - « Không trở về, thì ở lại Hương Cảng thôi ! »
Lão Hoà Thượng nói : - « Con sẽ ở đó ! »
Kết quả, tôi đến Hương Cảng rồi, muốn trở về Vân Môn, không thể trở về được. Lúc đó, binh lưu mã loạn, giao thông bị cắt đứt, cuối cùng phải ở lại Hương Cảng

Chưa an khiến được an
An rồi chỉ đạo tràng
Như vậy khắp pháp giới
Tâm đó không chấp trước.

Chúng sinh chưa được an lạc, thì khiến cho họ được an lạc. Chúng sinh đã an lạc, thì chỉ thị cho họ đi đến đạo tràng tu hành. Như vậy tận hư không khắp pháp giới, tâm cũng chẳng chấp trước.

Chẳng trụ nơi thật tế
Chẳng vào nơi Niết Bàn
Như vậy khắp thế gian
Khai ngộ các quần sinh.

Bồ Tát cũng chẳng trụ tại chân như, cũng chẳng vào nơi Niết Bàn, cũng chẳng trụ nơi phiền não, cũng chẳng trụ nơi bồ đề, do đó có câu: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, như vậy khắp cùng nơi tất cả thế gian, khai ngộ tất cả chúng sinh.

Pháp số chúng sinh số
Biết rõ mà chẳng chấp
Mưa khắp nơi pháp vũ
Thấm khắp các thế gian.

Pháp số và chúng sinh số, đều thấu rõ biết có bao nhiêu, nhưng không chấp trước vào. Thường chuyển bánh xe pháp, mưa pháp khắp cùng thấm nhuần thế gian tất cả hữu tình chúng sinh.

Khắp nơi các thế giới
Niệm niệm thành Chánh Giác
Mà tu hạnh Bồ Tát
Chưa từng có thối chuyển.

Khắp cùng tại tất cả thế gian, ở trong niệm niệm, đều là lúc Phật thành Phật, phải tu hành hạnh của Bồ Tát tu. Muốn chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì tâm đừng thối chuyển, phải dũng mãnh tinh tấn, thì mới có thể thành tựu Phật đạo.

Thế gian đủ thứ thân
Tất cả đều biết rõ
Biết pháp thân như vậy
Liền được thân chư Phật.

Chúng sinh thế gian có đủ thứ thân. Bồ Tát đối với những thân đó, hoàn toàn thấu rõ biết được. Tại sao phải biết thân chúng sinh ? Vì biết thân chúng sinh, thì biết nhân quả của chúng sinh. Biết nhân quả thì biết vì sao đắc được thân đó. Mèo tại sao làm mèo ? Vì khi làm người thì cứ làm những việc của mèo, cho nên đầu thai làm mèo. Chó tại sao làm chó ? Vì khi làm người thì cứ làm những việc của chó, cho nên đầu thai làm chó. Cho đến ngựa bò dê heo gà vịt .v.v… đều nhân quả như vậy ? Tóm lại, khi còn làm người thì chẳng làm người cho tốt, cứ làm những việc của súc sinh, cho nên đời sau biến làm súc sinh, đây là sự thật hoàn toàn, chứ chẳng phải mê tín. Nếu khi làm người, dụng công cho tốt, nỗ lực tu hành, thì sẽ thành Phật, tuyệt đối chẳng hí luận. Biết nhân quả đủ thứ thân là tuần hoàn báo ứng, tờ hào không sai, liền biết rõ pháp tắc đủ thứ thân, sẽ minh bạch tất cả thân chúng sinh, cũng minh bạch tất cả thân của chư Phật. Minh bạch thân Phật thì tương lai sẽ thành Phật.

Biết khắp các chúng sinh
Các kiếp và các cõi
Mười phương không bờ mé
Biển trí thảy đều vào.

Biết khắp nhân quả báo ứng của tất cả chúng sinh, tất cả kiếp dài và kiếp ngắn, tất cả cõi lớn và cõi nhỏ, mười phương chẳng có bờ mé. Bậc có đại trí huệ thì mới vào được biển trí huệ.

Thân chúng sinh vô lượng
Vì mỗi mỗi hiện thân
Thân Phật không bờ mé
Bậc trí đều nhìn thấy.

Thân chúng sinh, tuy nhiên có vô lượng vô biên, nhưng Phật Bồ Tát vì giáo hoá chúng sinh, dùng bốn pháp nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự), vì họ hiện thân. Thân Phật vô lượng, chẳng có bờ mé. Chỉ có bậc có đại trí huệ, mới nhìn thấy thân Phật, mới minh bạch được cảnh giới nầy.

Một niệm liền biết được
Các Như Lai xuất hiện
Trải qua vô lượng kiếp
Khen ngợi không hết được.

Trong khoảng một niệm, liền biết được chư Phật xuất hiện ra đời, để giáo hoá chúng sinh. Khiến cho họ bỏ mê về giác, phát bồ đề tâm, tu vô thượng đạo, chứng được quả Phật. Trải qua vô lượng kiếp thời gian lâu dài, để tán thán khen ngợi công đức của chư Phật, cũng chẳng khi nào hết được.

Chư Phật hay hiện thân
Nơi nơi vào Niết Bàn
Trong một niệm vô lượng
Xá lợi đều khác nhau.

Mười phương ba đời tất cả chư Phật, nơi nơi đều hiện thân, nơi nơi thị hiện vào Niết Bàn. Ở trong một niệm, có thể biến làm vô lượng, ở trong vô lượng có thể biến làm một niệm. Phật vào Niết Bàn, sau khi trà tỳ, linh cốt trở thành xá lợi, đều khác nhau.

Như vậy đời vị lai
Siêng cầu nơi quả Phật
Vô lượng tâm bồ đề
Quyết định trí đều biết.

Như vậy, chúng sinh đời vị lai biết có thể thành Phật, cho nên siêng cầu quả Phật, phát tâm vô lượng bồ đề. Bồ Tát có trí huệ quyết định, mới hoàn toàn biết được cảnh giới nầy.

Như vậy trong ba đời
Hết thảy các Như Lai
Tất cả đều biết được
Gọi trụ hạnh Phổ Hiền.

Như vậy trong ba đời, hết thảy tất cả chư Phật Bồ Tát, đều biết được. Đó tức là trụ tại đại hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền.

Như vậy phân biệt biết
Vô lượng các hạnh địa
Nhập vào nơi trí huệ
Chuyển bánh xe bất thối.

Như vậy ở trong sự không phân biệt lại có thể phân biệt, cũng biết được. Hết thảy vô lượng hạnh môn, quả vị tu được, nhập vào nơi trí huệ, thường chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển, do đó: “Pháp luân thường chuyển”.

Trí vi diệu rộng lớn
Vào sâu cảnh Như Lai
Vào rồi không thối chuyển
Gọi tên huệ Phổ Hiền.

Trí huệ vi diệu rộng lớn, vào sâu cảnh giới của Phật, chứng được ba bất thối (Niệm bất thối, hành bất thối, vị bất thối). Chứng bất thối chuyển nầy, tức là trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền.

Tất cả đấng Tối Thắng
Vào khắp cảnh giới Phật
Tu hành bất thối chuyển
Được vô thượng bồ đề.

Tất cả chư Phật, chứng nhập khắp cảnh giới của Phật, tu hành pháp môn không thối chuyển, liền chứng được vô thượng bồ đề giác đạo.

Vô lượng vô biên tâm
Mỗi mỗi nghiệp khác nhau
Đều do tưởng tích tập
Bình đẳng đều biết rõ.

Vô lượng vô biên tâm chúng sinh, do khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo, đều khác nhau. Tại sao phải khởi nghiệp thọ báo? Vì có vọng tưởng. Như núi sông đất đai .v.v… cho đến hư không pháp giới, đều do vọng niệm của chúng sinh tạo thành. Bồ Tát đối với tất cả cảnh giới, đều là bình đẳng, đều biết rõ được.

Nhiễm ô chẳng nhiễm ô
Tâm học tâm vô học
Bất khả thuyết các tâm
Trong niệm niệm đều biết.

Tâm nhiễm ô của chúng sinh là gì? Nói một cách đơn giản là ái tình, ái tình giữa nam nữ. Thế nào là tâm chẳng nhiễm ô? Tức là bồ đề tâm (trên cầu Phật đạo dưới độ chúng sinh). Trước tam quả A la hán đều gọi là bậc hữu học, còn gọi là tâm còn học. Quả vị A la hán gọi là bậc vô học, còn gọi là tâm vô học. Chúng sinh có nhiều tâm bất khả thuyết như thế, Bồ Tát trong niệm niệm, hoàn toàn biết đều biết rõ.

Biết rõ chẳng một hai
Chẳng nhiễm cũng chẳng tịnh
Cũng lại không tạp loạn
Đều do mình nghĩ khởi.

Chẳng phải biết rõ một chúng sinh, hoặc hai chúng sinh, mà là hết thảy chúng sinh, đều thấu rõ biết được. Chẳng phải nhiễm, cũng chẳng phải tịnh. Cũng chẳng phải sâu, cũng chẳng phải cạn. Cũng chẳng tạp, cũng chẳng loạn. Tất cả tất cả như vậy, đều do vọng tưởng của chính mình sinh khởi.

Như vậy đều thấy rõ
Tất cả các chúng sinh
Tâm tưởng đều khác nhau
Khởi đủ thứ thế gian.

Đủ thứ tâm như vậy – tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai, đều bất khả đắc. Tuy bất khả đắc, nhưng tất cả tâm vẫn tồn tại. Bồ Tát đều hoàn toàn thấy rõ. Tâm và tưởng của tất cả chúng sinh, đều khác nhau, cho nên sinh khởi đủ thứ thế gian.

Dùng phương tiện như vậy
Tu các hạnh tối thắng
Từ Phật pháp hoá sinh
Được tên là Phổ Hiền.

Dùng phương tiện như vậy để tu tất cả hạnh tối thù thắng, đó là từ Phật pháp hoá sinh, tên gọi là Phổ Hiền Bồ Tát. Ở trong phẩm nầy, hết thảy đại Bồ Tát (từ thế giới Phổ Thắng đến), đều gọi là Phổ Hiền Bồ Tát. Phổ Hiền có ba :
1. Thật tướng Phổ Hiền.
2. Cứu kính Phổ Hiền.
3. Hiền hiện Phổ Hiền.
Trong Kinh Pháp Hoa hiển giáo có nói, Phổ Hiền từ cõi Phật Bảo Oai Đức Vương đến. Trong Kinh Đại Nhựt mật giáo có nói, tương lai là Bồ Tát bổ xứ Đại Nhựt Như Lai.

Chúng sinh đều vọng khởi
Tưởng thiện ác các cõi
Do đó hoặc sinh thiên
Hoặc lại đoạ địa ngục.

Chúng sinh đều do vọng tưởng khởi, một niệm vọng lên sẽ tạo đủ thứ thế gian. Như sinh niệm thiện thì có quả báo thiện; sinh niệm ác thì có quả báo ác. Lưu chuyển trong các cõi, đều do vọng tưởng mà thành. Vọng tưởng một niệm thiện, hoặc sinh thiên đường; vọng tưởng một niệm ác, hoặc đoạ địa ngục. Thiên đường địa ngục là do nghiệp báo của mình tạo thành.

Bồ Tát quán thế gian
Vọng tưởng nghiệp khởi lên
Vì vọng tưởng vô biên
Thế gian cũng vô lượng.

Bồ Tát quán sát tất cả pháp thế gian, đều do chúng sinh vọng tưởng phân biệt tạo nghiệp, sinh khởi lên. Vì vọng tưởng vô lượng vô biên, cho nên thế gian cũng nhiều vô lượng vô biên.

Tất cả các cõi nước
Do lưới tưởng hiện ra
Vì phương tiện lưới huyễn
Một niệm đều vào được.

Hết thảy tất cả các cõi nước, đều do lưới vọng tưởng hiện ra. Vì lưới huyễn phương tiện, cho nên trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, trong khoảng một niệm đều minh bạch những đạo lý nầy.

Mắt tai mũi lưỡi thân
Ý căn cũng như vậy
Tưởng thế gian khác biệt
Bình đẳng đều vào được.

Mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn, cũng do vọng tưởng sinh ra. Tướng mạo của con người cũng do vọng tưởng sinh ra. Khởi vọng tưởng gì, thì sinh ra quả báo đó. Cho nên tất cả do vọng tưởng mà sinh, hư vọng mà diệt. Chúng sinh thế gian có vọng tưởng khác nhau, cho nên thế gian cũng đều khác nhau. Bồ Tát Phổ Hiền có đại trí huệ, đều bình đẳng nhập vào hết thảy những thế giới đó.

Mỗi mỗi cảnh giới mắt
Vô lượng mắt đều vào
Đủ thứ tánh khác nhau
Vô lượng bất khả thuyết.

Một thứ cảnh giới mắt và vô lượng thứ cảnh giới mắt, Bồ Tát Phổ Hiền đều vào được. Đủ thứ tánh khác nhau, nhiều vô lượng bất khả thuyết.

Chỗ thấy không khác biệt
Lại cũng không tạp loạn
Đều tuỳ theo nghiệp mình
Thọ dụng các quả báo.

Chỗ thấy đều giống nhau, chẳng có sự phân biệt, cũng chẳng tạp loạn, mà rất ngay thẳng. Mỗi một thứ cảnh giới, đều tuỳ nghiệp của mình tạo thành. Cho nên khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo, đều là: “Hoạ phước không cửa, do mình tự chiêu”. Tóm lại, trồng lúa được lúa, trồng dưa được dưa. Trồng nhân gì thì được quả đó.

Sức Phổ Hiền vô lượng
Đều biết hết tất cả
Tất cả cảnh giới mắt
Đại trí đều vào được.

Sức lực của Bồ Tát Phổ Hiền vô lượng vô biên. Ngài biết vọng tưởng của tất cả chúng sinh khởi lên, tất cả cảnh giới mắt tai mũi lưỡi thân ý sáu căn, Ngài hoàn toàn biết được. Đại trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, hoàn toàn vào được.

Như vậy các thế gian
Đều phân biệt biết được
Mà tu tất cả hạnh
Lại cũng không thối chuyển.

Tất cả thế gian như vậy, đều phân biệt biết được. Mà còn tu hành tất cả đại hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, vĩnh viễn không thối chuyển.

Phật nói chúng sinh nói
Cùng với cõi nước nói
Ba đời nói như vậy
Đủ thứ đều biết rõ.

Phật nói và chúng sinh nói, cùng với cõi nước nói, ba đời đều nói như vậy, đủ thứ nói đều thấu rõ biết được.

Vị lai trong quá khứ
Hiện tại trong vị lai
Đều thấy tướng ba đời
Mỗi mỗi đều thấu rõ.

Trong quá khứ có thể hiện vị lai, ở trong vị lai có thể hiện hiện tại, ở trong hiện tại có thể hiện quá khứ và vị lai. Tóm lại, ba đời hổ tương biến hoá, hổ tương thấy nhau. Trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền thấu rõ được đủ thứ những cảnh giới đó.

Như vậy vô lượng thứ
Khai ngộ các thế gian
Nhất thiết trí phương tiện
Bờ mé bất khả đắc.

Vô lượng đủ thứ biến hoá như vậy là tại sao? Vì khiến cho hết thảy chúng sinh thế gian đều khai ngộ. Nhưng chúng sinh đều có một thứ quái tánh đặc biệt. Bạn dạy họ khai ngộ thì họ chẳng khai ngộ. Bạn dạy họ tu hành thì họ chẳng chịu tu hành, do đó có câu:

“Thiên đường có lối không người đi,
Địa ngục không cửa, lại tự vào”.

Chúng sinh đáng thương như vậy đó. Nhất thiết trí huệ của Bồ Tát Phổ Hiền, tất cả phương tiện, bờ mé bất khả đắc, vì vô biên không bờ mé, cho nên tìm không được.

HẾT