kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Nguyên Nhân Chướng Ngại Tu Học Phật Pháp

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Nguyên Nhân Chướng Ngại Tu Học Phật Pháp



    Có một số người bị chướng ngại khi học hoặc tu học theo Phật Pháp Đại Thừa, họ cảm thấy khó tin... Đo là bởi vì do nghiệp chướng ác ràng buộc nơi thân nên mới như vậy. Trong Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phẩm Hạnh Phổ Hiền Thứ 36 có nói rất rõ, mong mọi người hãy đọc thật kỹ để tránh những lỗi lầm làm cản trở mình đến với Chánh Pháp Đại Thừa của Chư Phật. Ngoài ra cũng nên thường xuyên trì tụng Chú Đại Bi ít nhất mỗi ngày 5 biến để tiêu diệt mọi tội lỗi sâu nặng và căn lành Đại Thừa được tăng trưởng mà an trụ tin tưởng nơi giáo pháp Đại Thừa Chân Thật của Như Lai nói. Thoát khỏi các bệnh tật và còn thoát được sự não loạn thân tâm của mình do tà ma ngoại đạo làm. Ngoài ra người trì Chú Đại Bi không những chỉ giúp mình, mà còn có thể giúp các chúng sanh khác trừ diệt các tội nặng nữa. Có thể xem Chú Đại Bi tại đây: http://dharmasite.net/Great_Compassion_Mantra.htm

    Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có dạy:

    Nếu có vị Tì khưu, Tỳ khưu ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di hay đồng nam, đồng nữ nào muốn tụng trì chú này, trước tiên phải phát tâm từ bi đối với chúng sanh, và sau đây y theo tôi mà phát nguyện:

    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con mau biết tất cả pháp.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con sớm được mắt trí huệ.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con mau độ các chúng sanh,
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con sớm được phương tiện khéo.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con mau lên thuyền bát nhã.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con sớm được qua biển khổ,
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con mau được đạo giới định.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con sớm lên non Niết Bàn.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con mau về nhà vô vi.
    Nam mô đại bi Quán Thế Âm,
    nguyện con sớm đồng thân pháp tánh.
    Nếu con hướng về nơi non đao,
    non đao tức thời liền sụp đổ.
    Nếu con hướng về lửa, nước sôi,
    nước sôi, lửa cháy tự khô tắt.
    Nếu con hướng về cõi địa ngục,
    địa ngục liền mau tự tiêu diệt,
    Nếu con hướng về loài ngạ quỷ.
    Ngạ quỷ liền được tự no đủ,
    Nếu con hướng về chúng Tu La,
    Tu la tâm ác tự điều phục,
    Nếu con hướng về các súc sanh,
    súc sanh tự được trí huệ lớn.

    Khi phát lời nguyện ấy xong, chí tâm xưng danh hiệu của tôi, lại chuyên niệm danh hiệu bổn sư tôi là đức A Di Đà Như Lai, kế đó tiếp tụng đà ra ni thần chú này. Nếu chúng sanh nào, trong một ngày đêm tụng năm biến chú, sẽ diệt trừ được tội nặng trong ngàn muôn ức (1 Triệu Tỷ hay 1000 000 000 000 000) kiếp sanh tử.




    "Chúng sanh nào tụng trì thần chú này, có thể trị lành tám muôn bốn ngàn thứ bịnh ở thế gian, hàng phục các thiên ma, ngoại đạo, sai khiến được tất cả quỷ thần. Những kẻ tụng kinh tọa thiền ở nơi non sâu, đồng vắng, bị sơn tinh, tạp mị, các quỉ vọng lượng làm não loạn phá hoại, khiến cho tâm không an định, chỉ cần tụng chú này một biến, các quỉ thần ấy thảy đều bị trói. Nếu hành giả có thể tụng trì đúng pháp, khởi lòng thương xót tất cả chúng sanh, lúc ấy ta sẽ sắc cho tất cả thiện thần, long vương, kim cang mật tích thường theo ủng hộ, không rời bên mình, như giữ gìn tròng con mắt hoặc thân mạng của chính họ. "



    "Tâm chú Đại Bi đây do chư Phật nhiều như số cát của 9 Tỷ 900 Trăm Triệu sông hằng (99 ức hằng sa) trong đời quá khứ đã nói ra. Các đức Phật ấy vì thương xót muốn cho người tu hành: công đức lục độ chưa đầy đủ, mau được đầy đủ; mầm bồ đề chưa phát, mau được phát sanh; hàng thanh văn chưa chứng may được chứng quả; các vị thần tiên trong cõi đại thiên chưa phát lòng bồ đề, mau được phát tâm Bồ Đề, nếu chúng sanh nào chưa được tín căn Đại Thừa, do sức oai thần của đà ra ni này, hột giống Đại Thừa tự sanh mầm và tăng trưởng, lại do sức từ bi phương tiện của ta, khiến cho sự mong cầu của họ đều được thành tựu. "




    "Hàng trời, người nào thường thọ trì tâm chú này như tắm gội trong sông, hồ, biển cả, nếu những chúng sanh ở trong đó được nước tắm gội của người này dính vào thân thì bao nhiêu nghiệp nặng tội ác thảy đều tiêu diệt, liền được siêu sinh về tha phương Tịnh Độ, hóa sanh nơi hoa sen, không còn thọ thân thai, noãn, thấp nữa. Các chúng sanh ấy chỉ nhờ chút ảnh hưởng mà còn được như thế, huống chi là chính người trì tụng? Và, như người tụng chú đi nơi đường, có ngọn gió thổi qua mình, nếu những chúng sanh ở sau được ngọn gió của kẻ ấy lướt qua y phục thì tất cả nghiệp ác, chướng nặng thảy đều tiêu diệt, không còn đọa vào tam đồ, thường sanh ở trước chư Phật, cho nên, phải biết quả báo phước đức của người trì tụng chú thật không thể nghĩ bàn!

    Lại nữa, người trì tụng đà ra ni này, khi thốt ra lời nói chi, hoặc thiện hoặc ác, tất cả thiên ma ngoại đạo, thiên, long, quỷ thần đều nghe thành tiếng pháp âm thanh tịnh, đối với người ấy khởi lòng cung kính, tôn trọng như Phật."

    KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM

    PHẨM HẠNH PHỔ HIỀN THỨ BA MƯƠI SÁU


    Giảng giải: (chữ thường là giảng giải bởi Hòa Thượng Tuyên Hóa Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông)

    Bồ Tát Phổ Hiền dùng hạnh nguyện văn danh, cho nên xưng là Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền. Do đó :

    « Đức khắp pháp giới là Phổ,
    Chí thuận điều thuận là Hiền ».

    Ngài là một trong Hoa Nghiêm tam Thánh, ở giữa là Phật Thích Ca Mâu Ni, bên trái là Bồ Tát Văn Thù, bên phải là Bồ Tát Phổ Hiền. Hai vị Bồ Tát này, trợ giúp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo hoá chúng sinh. Bồ Tát Văn Thù ngự trên con sư tử, Bồ Tát Phổ Hiền ngự trên con voi trắng. Bồ Tát Văn Thù chú trọng về trí huệ, Bồ Tát Phổ Hiền chú trọng về định hạnh. Đại biểu cho đại thừa, Phật giáo là giáo tri hành hợp nhất, do đó có câu :

    « Tín giải hành chứng ».

    Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền nương đại oai thần lực gia bị của Đức Phật Thích Ca, mà đối với chúng Bồ Tát pháp hội Hoa Nghiêm, diễn nói pháp môn tu hạnh Bồ Tát Phổ Hiền. Phẩm này thuộc về thứ ba mươi sáu.

    Kinh văn: (chữ đậm là Kinh văn)

    Bấy giờ, đại Bồ Tát Phổ Hiền lại bảo đại chúng các đại Bồ Tát rằng : Phật tử ! Như ở trước đã nói, đó chỉ là tuỳ căn cơ của chúng sinh, mà lược nói ít phần cảnh giới của Như Lai.

    Khi nói xong Phẩm ba mươi lăm rồi, chuẩn bị nói Phẩm ba mươi sáu, vị Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền, Ngài là đại Bồ Tát trong các Bồ Tát. Ngài nói với đại chúng các Bồ Tát trong pháp hội Hoa Nghiêm rằng : « Các vị đệ tử của Phật ! Như công đức ở trước đã nói, đó là tuỳ thuận căn cơ của chúng sinh, mà lược nói chút ít phần cảnh giới của Như Lai ».

    Tại sao ? Chư Phật Thế Tôn vì các chúng sinh không có trí huệ làm ác, tính toán cái ta và của ta, chấp trước vào thân, điên đảo ngu si, tà kiến phân biệt, với các ràng buộc luôn cùng tương ưng, theo dòng sinh tử, xa đạo Như Lai, nên Phật xuất hiện ra đời.

    Do nhân duyên gì mà chúng sinh làm việc điên đảo ? Vì chúng sinh ngu si, chẳng nghe lời dạy của thiện tri thức. Thiện tri thức dạy họ siêng tu giới định huệ, diệt trừ tham sân si, nhưng họ chẳng nghe lời, ngược lại, chẳng tu giới định huệ, chuyên dùng tham sân si. Mười phương tất cả chư Phật Thế Tôn, xem thấy chúng sinh không có trí huệ, chuyên làm việc điên đảo nghiệp ác. Đối với tất cả sự vật, tính toán đây là ta, kia là của ta, chấp trước vào thân, rất chiếu cứ đến thân, lại sợ nó đói, lại sợ khát, sợ nóng, sợ lạnh, xem nó như là bảo bối. Vì quá chu đáo, cho nên làm việc gì cũng đều điên đảo. Biết rõ chẳng đúng vẫn cứ đi làm, biết là chân lý vẫn muốn ngu si. Biết rõ Phật pháp là không thể nghĩ bàn, mà chẳng chú ý học tập. Đối với chân lý của Phật nói thì hoài nghi không tin, cho rằng chẳng phải là chánh pháp. Dùng tà tri tà kiến để phân biệt, thì làm sao mà thoát khỏi ba cõi ? Do đó bèn cùng với tất cả sự ràng buộc (Ái, sân, mạn, vô minh, thấy, chấp, nghi, kị, phẫn, chín cái ràng buộc) cùng tương ưng với nhau, cho nên không được giải thoát. Do đó mà lưu chuyển theo dòng sinh tử, giống như sóng trong biển, sinh rồi chết, chết rồi sinh, vĩnh viễn không ngừng. Do đó mà lìa khỏi giáo đạo của Phật, ngày càng xa, ngày càng mê. Do nhân duyên đó, cho nên Phật mới xuất hiện ra đời, để giáo hoá chúng sinh, khiến cho họ bỏ mê về giác, chấm dứt sinh tử.

    Phật tử ! Tôi chẳng thấy một pháp nào, lỗi lầm lớn bằng các Bồ Tát đối với Bồ Tát khác, khởi tâm sân hận.

    Bồ Tát Phổ Hiền lại gọi một tiếng các vị đệ tử của Phật ! Tôi chẳng thấy một pháp nào lỗi lầm nghiêm trọng lớn nhất, bằng các Bồ Tát đối với Bồ Tát khác sinh tâm sân hận.

    Tại sao ? Phật tử ! Vì nếu các Bồ Tát khởi tâm sân hận với Bồ Tát khác, tức thành tựu trăm vạn cửa chướng ngại.

    Tại sao các Bồ Tát chẳng khởi tâm sân hận đối với Bồ Tát khác ? Các vị đệ tử của Phật ! Nếu như có vị Bồ Tát đối với Bồ Tát khác khởi tâm sân hận, thì sẽ thành tựu trăm vạn cửa chướng ngại, do đó có câu :

    « Nhất niệm sân tâm khởi
    Bách vạn chướng môn khai ».

    Nghĩa là :

    Một niệm sân nổi lên
    Trăm vạn cửa chướng đều mở ra.

    Những gì là trăm vạn chướng. Đó là : Chướng chẳng thấy bồ đề. Chướng chẳng nghe chánh pháp. Chướng sinh thế giới bất tịnh. Chướng sinh vào các đường ác. Chướng sinh vào nơi các nạn. Chướng nhiều các bệnh tật. Chướng nhiều người phỉ báng. Chướng sinh vào cõi ngu độn. Chướng hoại mất chánh niệm. Chướng thiếu trí huệ.

    Những gì là trăm vạn chướng ? Chướng tức là chướng ngại, hay chướng ngại Thánh đạo, hay chướng ngại chứng đắc quả Thánh, như đã nói, chướng không thấy được bồ đề giác đạo, chướng không nghe được chánh pháp. Hiện tại chúng ta đang ở đây giảng Kinh Hoa Nghiêm Đại Phương Quảng Phật, nhưng có người không nghe được, nhìn chẳng thấy được, chẳng biết Pháp Sư giảng pháp gì ? Tại sao ? Vì bị nghiệp chướng che lấp. Lại có chướng sinh ra ở thế giới chẳng thanh tịnh, giống như chúng ta sinh ra ở thế giới đời ác năm trược, đây tức là thế giới chẳng thanh tịnh. Chướng sinh ra trong bốn đường ác (A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Chướng sinh ra nơi tám nạn (Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, Bắc Câu Lư Châu, Trời Trường Thọ, câm điếc mù, thế trí biện thông, trước Phật sau Phật). Tại sao con người hay có bệnh tật ? Vì nhân duyên nghiệp chướng, cho nên chướng có nhiều thứ bệnh tật. Tại sao thường bị người khác phỉ báng ? Rõ ràng mình đang tu hành, nhưng bị phỉ báng chẳng tu hành, vì đời trước bạn đã từng phỉ báng kẻ khác, đó là nhân quả báo ứng, cho nên có chướng bị phỉ báng. Có chướng ngu si ám độn, đối với họ nói chánh pháp thì họ chẳng tin, đối với họ nói tà pháp thì họ tin, tại sao ? Vì họ đã mất đi chánh niệm. Bất cứ đối với sự vật gì, đều chẳng rõ ràng, hồ đồ trong hồ đồ, do đó : « Chấp mê chẳng ngộ », tại sao ? Vì thiếu trí huệ.

    Chướng mắt, chướng tai, chướng mũi, chướng lưỡi, chướng thân, chướng ý. Chướng ác tri thức. Chướng bạn ác đảng. Chướng thích tu tiểu thừa. Chướng thích gần kẻ phàm ngu.

    Có chướng mắt chẳng thấy được Phật, có chướng tai chẳng nghe được pháp, có chướng mũi chẳng ngửi được mùi hương, có chướng lưỡi chẳng nếm được vị, có chướng thân chẳng kiện toàn, hành động chẳng phương tiện, sinh ra mọi sự chướng ngại. Có chướng ý chẳng thanh tịnh, tư tưởng chẳng chánh đáng, sinh ra mọi sự chướng ngại. Gặp ác tri thức, bị lời hay ý đẹp làm mê hoặc, chẳng tin chánh pháp, mà tin tà pháp. Người tu đạo phải gần gũi thiện tri thức, xa lìa ác tri thức, đó là việc quan trọng nhất, bằng không, bị ác tri thức làm chướng ngại. Gặp bạn bè ác, kết thành băng đảng, chẳng có việc ác nào mà chẳng làm, làm hại xã hội, đó cũng là chướng. Bỏ pháp đại thừa, tu tập pháp tiểu thừa, đó cũng là chướng. Nghe người ta nói : « Nam truyền pháp tiểu thừa là thật, bắc truyền pháp đại thừa là giả », liền bị lay động, đó cũng là chướng. Thích gần gũi kẻ phàm phu tục tử ngu muội chẳng rõ sự lý, đó cũng là chướng.

    Chướng chẳng tin ưa người đại oai đức. Chướng thích cùng ở với người lìa chánh kiến. Chướng sinh vào nhà ngoại đạo. Chướng trụ cảnh giới ma. Chướng lìa khỏi chánh giáo của Phật. Chướng chẳng thấy bạn lành. Chướng khó trồng căn lành. Chướng tăng pháp bất thiện. Chướng được nơi hạ liệt. Chướng sinh nơi biên địa.

    Chẳng tin Bồ Tát, đây cũng là chướng. Hoan hỉ ở chung với kẻ tà tri tà kiến, chẳng cùng ở với người chánh tri chánh kiến, đây cũng là chướng. Sinh vào nhà bàng môn tả đạo, bị hoàn cảnh ảnh hưởng, mất đi tâm bồ đề, đây cũng là chướng. Trụ cảnh giới ma, đây cũng là chướng.
    Người tu đạo, nên nhớ ! Nên nhớ ! không thể sinh tâm sân hận, nếu sinh tâm sân hận, thì trăm vạn cửa chướng đều mở ra đón bạn đi vào, thọ sự khống chế của nó. Chúng ta phải phản tỉnh triệt để, có chướng ngại gì chăng ? Nếu có, thì phải mau sửa đổi, nếu không có, thì phải dũng mãnh tinh tấn, xa lìa tất cả sự chướng ngại. Người đời thường nói Phật giáo là mê tín, là giáo của kẻ ngu tin, khiến cho họ nghe được lìa bỏ chánh giáo của Phật, đây cũng là chướng. Không muốn gần gũi bạn lành, thích gần gũi với bạn ác, đây cũng là chướng. Muốn trồng căn lành, tu phước công đức, nhưng bị nghiệp chướng ngại, lại chẳng muốn trồng căn lành, đây cũng là chướng. Tăng thêm pháp bất thiện, làm những việc điên đảo, đây cũng là chướng. Tuy sinh làm người, những sáu căn không đủ, ngũ quan bất chánh, đây cũng là chướng. Sinh vào nơi biên địa, chẳng gặp được Phật, chẳng nghe được pháp, chẳng gặp được Tăng, đây cũng là chướng.

    Chướng sinh vào nhà kẻ ác. Chướng sinh trong ác thần. Chướng sinh trong : Rồng ác, Dạ Xoa ác, Càn Thát Bà ác, A Tu La ác, Ca Lâu La ác, Khẩn Na La ác, Ma Hầu La Già ác, La Sát ác.

    Sinh vào trong gia đình ác, vốn muốn học Phật pháp bị cha mẹ phản đối, chẳng cho học chánh pháp, đây cũng là chướng. Sinh vào trong ác thần, chẳng bảo hộ người tu đạo, ngược lại phá hoại người tu đạo, đây cũng là chướng. Sinh vào trong rồng ác, chuyên phun khí độc làm hại chúng sinh. Sinh vào trong Dạ Xoa ác, chuyên tìm người để làm phiền, khiến cho họ tăng thêm tai nạn. Sinh vào trong Càn Thát Bà ác, chuyên xướng lên tiếng du dương, dẫn dụ người tưởng bậy bạ. Sinh vào trong A tu la ác, chuyên môn tranh giành với người, làm tăng thêm nhiều sự nguy nan. Sinh vào trong Ca Lâu La ác, chuyên môn sát sinh, chẳng có tâm từ bi. Sinh vào trong Khẩn Na La ác, chuyên tấu khúc lưu hành, chẳng tấu khúc trang nghiêm pháp. Sinh vào Ma Hầu La Già ác, chuyên hại chúng sinh, khiến cho chúng sinh chẳng được an toàn, đó là thiên long bát bộ ác thần. Người tu đạo, nếu sinh tâm nóng giận, chẳng có tâm nhẫn nại, sẽ có những chướng nầy. Sinh vào trong La Sát ác, chuyên ăn người có dục tâm, đây cũng là chướng.

    Chướng chẳng thích Phật pháp. Chướng tập pháp nhi đồng ngu muội. Chướng ưa chấp tiểu thừa. Chướng chẳng ưa đại thừa. Chướng tánh nhiều sợ hãi. Chướng tâm thường ưu sầu. Chướng ái chấp sinh tử. Chướng chẳng chuyên Phật pháp. Chướng chẳng vui thấy nghe thần thông tự tại của Phật. Chướng chẳng đắc được các căn Bồ Tát.

    Chẳng muốn nghe Phật pháp, nếu như nghe mà sinh tâm nhàm chán, đây cũng là chướng. Muốn học tập hành vi ngu muội của trẻ con, đây cũng là chướng. Chẳng hoan hỉ học pháp đại thừa, đây cũng là chướng, vì tâm tánh chẳng chánh đáng, thường có hiện tượng sợ hãi, đây cũng là chướng. Trong tâm thường sinh ưu sầu phiền não, chẳng có an lạc, đây cũng là chướng. Tham ái sinh tử (tình ái), hoan hỉ lưu chuyển trong luân hồi, đây cũng là chướng. Chẳng chuyên tâm học Phật pháp, gặp lúc đến chùa lễ Phật, trồng chút căn lành, khi trở về nhà lại uống rượu, ăn thịt, đánh bài. Đối với những việc này thì chuyên tâm, còn đối với Phật pháp chẳng chuyên tâm, đây cũng là chướng. Có người cho rằng thần thông là lời nói không có căn cứ, cho nên chẳng muốn thấy thần thông tự tại của Phật Bồ Tát, đây cũng là chướng. Chẳng đắc được cảnh giới sáu căn dụng với nhau của Bồ Tát, tại sao ? Vì tai chẳng thông mắt chẳng rõ, đây cũng là nhân duyên chướng đạo.

    Chướng chẳng tu hành tịnh hạnh Bồ Tát. Chướng thối khiếp thâm tâm Bồ Tát. Chướng chẳng sinh đại nguyện Bồ Tát. Chướng tâm chẳng phát nhất thiết trí. Chướng giải đãi đối với hạnh Bồ Tát. Chướng không thể tịnh trị các nghiệp. Chướng không thể nhiếp lấy phước lớn. Chướng trí lực không thể sáng lợi. Chướng dứt nơi trí huệ rộng lớn. Chướng chẳng hộ trì các hạnh Bồ Tát.

    Chẳng tu hành tịnh hạnh của Bồ Tát, chẳng học tập pháp không nhiễm của Bồ Tát, đây cũng là chướng. Đối với bốn tâm vô lượng của Bồ Tát phát tâm (Từ, bi, hỉ, xả), sợ hãi thối khiếp, chẳng chịu thực hành, đây cũng là chướng. Chẳng muốn phát đại nguyện của Bồ Tát, chẳng muốn phát tâm để học nhất thiết trí, đây đều là nhân duyên chướng đạo. Đối với pháp môn lục độ vạn hạnh của Bồ Tát, giải đãi không chịu tinh tấn, không thể tịnh trị thân, miệng, ý ba nghiệp, không thể nhiếp lấy phước báo lớn, tai mắt không thể thông lợi, không thể có trí huệ rộng lớn, không thể hộ trì các hạnh của Bồ Tát, tại sao ? Vì có sự chướng ngại.

    Chướng thích phỉ báng lời nói của bậc nhất thiết trí. Chướng xa lìa chư Phật bồ đề. Chướng thích ở các cảnh giới ma. Chướng chẳng chuyên tu cảnh giới Phật. Chướng chẳng quyết định phát hoằng thệ nguyện của Bồ Tát. Chướng chẳng thích ở chung với Bồ Tát. Chướng chẳng cầu căn lành của Bồ Tát. Chướng tánh nhiều kiến hoặc. Chướng tâm thường ngu tối. Chướng không thể thực hành bố thí bình đẳng của Bồ Tát, vì tham sân không bỏ được.

    Thích phỉ báng lời nói của bậc có trí huệ nói, xa lìa bồ đề giác đạo của chư Phật. Hoan hỉ trụ ở cảnh giới của ma, tâm cam tình nguyện làm quyến thuộc của ma. Chẳng chuyên tâm tu trì hết thảy cảnh giới của Phật, không thể quyết định phát bốn hoằng thệ nguyện của Bồ Tát, không muốn ở chung với Bồ Tát, chẳng muốn học căn lành của Bồ Tát. Tự tánh nhiều nghi hoặc, kiến hoặc và tư hoặc tâm rất nặng. Ngu si đen tối, chẳng có trí huệ quang minh, chẳng tu hành tâm bố thí bình đẳng của Bồ Tát, xan tham xả bỏ chẳng được. Nếu tâm sân hận sinh khởi, sẽ có những chướng này, chướng ngại bạn tu đạo chẳng được thành tựu. Chúng ta học tập Phật pháp, không thể không cẩn thận, bất cứ như thế nào, không thể nổi sân với người khác, phải hiểu rõ lửa vô minh, có thể thiêu sạch rừng công đức.

    Vì không giữ giới của Như Lai, nên chướng khởi phá giới. Vì không thể vào môn kham nhẫn, nên chướng khởi ngu si não hại sân hận. Vì không thể thực hành đại tinh tấn của Bồ Tát, nên chướng khởi sự giải đãi cấu bẩn. Vì không thể đắc được các tam muội, nên chướng khởi tán loạn. Vì không tu trị Bát nhã ba la mật, nên chướng khởi ác huệ. Chướng ở trong xứ phi xứ, không thiện xảo. Chướng đối với độ chúng sinh, không phương tiện. Chướng ở trong trí huệ Bồ Tát, không thể quán sát. Chướng ở trong pháp xuất ly của Bồ Tát, không thể biết rõ.

    Chướng không thể thọ trì giới của Phật chế, mà khởi phá giới. Chướng không thể vào môn kham nhẫn thống khổ, mà sinh khởi tâm ngu si, tâm não hại, tâm sân hận. Chướng vì không thể tu hành đại tinh tấn của Bồ Tát, nên sinh khởi giải đãi cấu bẩn. Giống như hiện tại đả thiền thất, có người cho rằng đêm ngủ không đủ, sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ, cảm thấy tinh tấn chịu không nổi, nên giải đãi lười biếng, đó là chướng giải đãi cấu bẩn. Chướng không thể đắc được chánh định chánh thọ của Bồ Tát, nên sinh khởi phiền não, vọng tưởng, chấp trước. Ngồi tại đây tham thiền, mà cảm thấy chẳng thoải mái, toàn thân chẳng tự tại, đây tức là chướng tán loạn. Chướng vì không tu trị Bát nhã ba la mật, nên sinh ra ác trí huệ. Giống như có người, tự mình giảng đạo lý cho mình, nói Phật chẳng từ bi, chẳng gia trì cho họ. Tóm lại, cái này cũng không đúng, cái kia cũng không đúng, ai cũng đều không đúng, chỉ có mình đúng, đây là chướng ác trí huệ. Ở tại thị xứ (Đạo tràng tu tập), hoặc tại phi xứ (đạo tràng chẳng tu tập), chẳng có phương tiện khéo léo, đây cũng là chướng. Ở trong sự hoá độ chúng sinh, chẳng biết làm thế nào vận dụng pháp môn quyền xảo phương tiện, đây cũng là chướng. Ở trong trí huệ Bồ Tát, không thể quán sát tất cả cảnh giới, đây cũng là chướng. Ở trong pháp xuất ly tam giới của Bồ Tát, không thể thấu rõ pháp xuất thế của Bồ Tát, đây cũng là chướng.

    Chướng vì không thành tựu mười thứ mắt rộng lớn của Bồ Tát, nên mắt như sinh ra đã mù. Chướng vì tai không nghe pháp vô ngại, nên miệng như câm. Chướng vì chẳng đủ tướng tốt, nên căn mũi phá hoại. Chướng vì không thể biện rõ lời lẽ chúng sinh, nên thành tựu căn lưỡi. Chướng vì khinh tiện chúng sinh, nên thành tựu căn thân. Chướng vì tâm nhiều cuồng loạn, nên thành tựu ý căn. Chướng chẳng giữ ba thứ luật nghi, nên thành tựu thân nghiệp. Chướng vì luôn khởi bốn thứ lỗi lầm, nên thành tựu lời nghiệp. Chướng vì sinh nhiều tham sân tà kiến, nên thành tựu ý nghiệp. Chướng tặc tâm cầu pháp.

    Chướng vì không thể thành tựu mười thứ mắt rộng lớn, nên con mắt giống như người mới sinh ra đã mù loà, sinh ra nhìn chẳng thấy gì. Tuy có lỗ tai, nhưng nghe chẳng được pháp vô ngại, có miệng cũng không thể nói, giống như người câm, đây cũng là chướng. Chẳng đầy đủ tướng tốt, nên lỗ mũi bị phá hoại, mất đi khứu giác. Chướng vì khinh tiện chúng sinh, nên thành tựu thân căn không hoàn toàn. Chướng vì tâm nhiều cuồng loạn, tinh thần chẳng tập trung, không thể bình tâm tĩnh khí để phân tích sự lý, để quán sát sự vật, do nhân duyên đó, nên thành tựu ý thân bất an. Chướng vì chẳng giữ giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nên thành tựu thân nghiệp. Chướng vì sinh khởi nói dối, thêu dệt, hai lưỡi, chưởi mắng, bốn lỗi lầm, nên thành tựu lời nghiệp. Chướng vì sinh nhiều tâm tham, sân, si, ba độc, nên thành tựu ý nghiệp. Phàm là dụng tâm chẳng thẳng để cầu pháp, là trộm pháp. Giống như có kẻ trộm đến Chùa Kim Sơn nghe kinh, chẳng nói rõ từ đâu đến, đó tức là chướng tặc tâm cầu pháp.

    Chướng đoạn tuyệt cảnh giới Bồ Tát. Chướng ở trong pháp Bồ Tát dũng mãnh, sinh tâm thối khiếp. Chướng ở trong đạo xuất ly của Bồ Tát, sinh tâm lười biếng. Chướng ở trong môn trí huệ quang minh của Bồ Tát, sinh tâm ngừng nghỉ. Chướng ở trong niệm lực Bồ Tát, sinh tâm hạ liệt nhu nhược. Chướng ở trong giáo pháp Như Lai, không thể trụ giữ. Chướng nơi đạo lìa sinh của Bồ Tát, không thể gần gũi. Chướng nơi đạo không thất hoại của Bồ Tát, không thể tu tập. Chướng tuỳ thuận nhị thừa chánh vị. Chướng xa lìa giống tánh chư Phật Bồ Tát ba đời.

    Đoạn tuyệt cảnh giới của Bồ Tát, đây cũng là chướng. Tại sao ? Vì không tin. Hạnh của Bồ Tát tu, họ không thể tu, giống như hàng tiểu thừa, không thừa nhận có cảnh giới của Bồ Tát. Đối với pháp của Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn, thì chướng sinh ra thối khiếp. Đối với đạo xuất ly tam giới của Bồ Tát, thì chướng sinh ra lười biếng. Đối với môn quang minh trí huệ của Bồ Tát, thì chướng sinh ngừng nghỉ. Đối với niệm lực của Bồ Tát, thì sinh ra chướng liệt nhược. Đối với giáo pháp của Như Lai, thì có chướng không thể trụ giữ. Đối với đạo xa lìa sinh tử của Bồ Tát, thì có chướng không thể gần gũi. Đối với đạo bồ đề không thất hoại của Bồ Tát, thì có chướng không thể tu tập. Tuỳ thuận pháp môn nhị thừa để học tập, thì có chướng này, chướng xa lìa giống tánh của chư Phật Bồ Tát ba đời, thì có chướng này.

    Phật tử! Nếu Bồ Tát đối với các Bồ Tát khởi một tâm sân, thì sẽ thành tựu trăm vạn cửa chướng như vậy. Tại sao? Phật tử! Vì ta không thấy có một pháp nào, lỗi ác lớn bằng các Bồ Tát đối với Bồ Tát khác khởi tâm sân.

    Các vị đệ tử của Phật! Giả sử có Bồ Tát đối với các Bồ Tát khác, sinh khởi một niệm sân hận, thì sẽ thành tựu trăm vạn cửa chướng như đã nói ở trên. Tại sao vậy? Phật tử! Vì ta chẳng thấy có một pháp nào, lỗi ác lợi hại lớn bằng Bồ Tát đối với Bồ Tát khác, sinh khởi tâm sân hận. Bồ Tát chẳng còn vô minh, tu pháp môn nhẫn nại, tuyệt đối không khởi tâm sân hận. Tư tưởng của Bồ Tát, từ bi làm hoài bảo, ban cho chúng sinh sự an vui, diệt trừ đau khổ của chúng sinh. Do đó có câu: “Vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Đối với chúng sinh còn như thế, hà huống đối với Bồ Tát, càng không thể nào nổi tâm sân hận.

    Cho nên các đại Bồ Tát muốn mau viên mãn các hạnh Bồ Tát, thì phải siêng tu mười pháp. Những gì là mười? Đó là:
    Tâm chẳng xả bỏ tất cả chúng sinh. Đối với các Bồ Tát sinh tưởng Như Lai. Vĩnh viễn không phỉ báng tất cả Phật pháp. Biết các cõi nước không cùng tận. Đối với hạnh Bồ Tát, sinh tâm tin ưa thâm sâu. Chẳng xả bỏ tâm bồ đề bình đẳng hư không pháp giới. Quán sát bồ đề, vào lực của Như Lai. Tinh cần tu tập biện tài vô ngại, giáo hoá chúng sinh không có mỏi nhàm. Trụ tất cả thế giới, tâm không chấp trước. Đó là mười.

    Bởi nguyên nhân đó, cho nên các đại Bồ Tát nếu muốn mau chóng viên mãn các hạnh Bồ Tát tu, thì phải siêng tu mười thứ pháp môn. Những gì là mười thứ pháp môn ? Đó là:
    1. Tâm chẳng xả bỏ tất cả chúng sinh, lúc nào cũng nghĩ đến, lúc nào cũng giáo hoá.
    2. Đối với các Bồ Tát lúc nào cũng cung kính, lúc nào cũng lễ bái, giống như cung kính Phật.
    3. Vĩnh viễn không phỉ báng Phật pháp tăng Tam Bảo.
    4. Biết các cõi Phật không cùng tận.
    5. Đối với hạnh Bồ Tát, sinh tâm tin và ưa thích thâm sâu.
    6. Bồ Tát chẳng xả bỏ tâm bồ đề bình đẳng hư không pháp giới.
    7. Bồ Tát quán sát bồ đề giác đạo, mà chứng nhập lực của Như Lai.
    8. Bồ Tát tinh tấn siêng tu học tập biện tài vô ngại.
    9. Bồ Tát giáo hoá chúng sinh không có mệt mỏi và nhàm chán.
    10. Bồ Tát tuy trụ tất cả thế giới, nhưng tâm không chấp trước. Chẳng giống như chúng ta đến thế giới Ta Bà, lưu chuyển quên về, tham luyến vui năm dục, không biết trở về cố hương của mình (cõi Thường Tịch Quang).
    Ở trên là mười thứ pháp môn của bậc tu Bồ Tát đạo phải tu hành.

    Phật tử! Đại Bồ Tát an trụ mười pháp này rồi, liền được đầy đủ mười thứ thanh tịnh. Những gì là mười? Đó là:
    Thông đạt pháp thâm sâu thanh tịnh. Gần gũi thiện tri thức thanh tịnh. Hộ trì các Phật pháp thanh tịnh. Thấu đạt cõi hư không thanh tịnh. Vào sâu pháp giới thanh tịnh. Quán sát vô biên tâm thanh tịnh. Với tất cả Bồ Tát đồng thiện căn thanh tịnh. Chẳng chấp các kiếp thanh tịnh. Quán sát ba đời thanh tịnh. Tu hành tất cả các Phật pháp thanh tịnh. Đó là mười.


    Các vị Phật tử! Đại Bồ Tát an trụ mười pháp này rồi, liền được đầy đủ viên mãn mười thứ thanh tịnh. Những gì là mười thứ thanh tịnh? Đó là:
    1. Thông đạt pháp thanh tịnh thâm sâu vi diệu vô thượng.
    2. Gần gũi thiện tri thức thanh tịnh. Người tu hành phải gần gũi thiện tri thức, xa lìa ác tri thức. Thiện tri thức có tư tưởng chánh tri chánh kiến, dạy bảo chúng ta giữ gìn quy cụ, y pháp tu hành. Ác tri thức có tư tưởng tà tri tà kiến, dạy chúng ta không giữ giới luật, không y pháp tu hành. Gần gũi thiện tri thức, mới có thể đắc được pháp thanh tịnh; gần gũi ác tri thức, thì đắc được pháp nhiễm ô.
    3. Hộ trì các Phật pháp thanh tịnh. Phàm là Phật giáo đồ, đều có trách nhiệm hộ trì Tam Bảo. Không thể nhìn ngoại đạo phá hoại Phật giáo, chúng ta không nghe không hỏi, như vậy thì chẳng tận hết trách nhiệm hộ pháp. Cho nên đệ tử Phật phải hộ trì chánh pháp làm trách nhiệm của mình, khiến cho Phật pháp trụ mãi ở đời, vĩnh viễn thanh tịnh.
    4. Thấu rõ thông đạt bản tánh cõi hư không thanh tịnh. Do đó:

    “Bổn lai không nhất vật
    Hà xứ nhạ trần ai”.

    Nghĩa là:

    “Xưa nay không một vật
    Chỗ nào dính bụi bặm”.

    5. Vào sâu tất cả pháp giới thanh tịnh. Khiến cho mình đồng với pháp giới làm một thể, thành pháp thân.
    6. Quán sát vô biên tâm chúng sinh thanh tịnh.
    7. Với tất cả Bồ Tát đồng căn lành thanh tịnh. Thành tựu đầy đủ căn lành của Bồ Tát có, đắc được sự thanh tịnh vốn có.
    8. Chẳng chấp trước vào các kiếp thanh tịnh.
    Chúng ta đang đả thiền thất, chẳng có thời gian dài, cũng chẳng có thời gian ngắn. Đừng trụ vào thời gian, đừng khởi vọng tưởng, khoá thiền thất này chưa xong. Nếu đả xong khoá thiền thất, thì quý vị lại giải đãi mà đi! Bây giờ đang là khoá thiền thất, phải phấn chấn tinh thần, chuyên tâm dụng công, trở thành một khối, công phu đến nhà thì tự nhiên sẽ khai ngộ. So sánh sự lên núi, sai một bước thì cũng không thế đến được đỉnh núi, nhất định phải tiến lên được bước cuối cùng, thì mới gọi là công phu thành tựu; nếu không tiến lên được bước cuối cùng, thì không thể đến được đỉnh núi, nếu lùi lại một bước, thì có nguy cơ bị rớt xuống núi!
    Hiện tại hai vị tam bộ nhất bái, đang chiến đấu với sinh tử, tu hành tiến về trước! Tu hành! Tu hành! Nếu chỉ cần sai một chút, thì sự khảo nghiệm sẽ không thành công. Vẫn phải luyện lại từ đầu, phải tu pháp môn đoạn dục khử ái. Đoạn! Đoạn! Đoạn! Đoạn đến cực điểm, lại sinh ra lại. Tại sao? Vì còn vọng tưởng. Vọng tưởng sinh ra, thì tình ái sẽ theo sau. Nếu không còn vọng tưởng, thì tình ái cũng không còn nữa. Không còn nữa, đó mới thật là thanh tịnh. Người tu đạo, đừng mong đả xong thiền thất, nếu thiền thất kết thúc, cũng phải tiếp tục dụng công đề khởi công phu miên mật. Khi dụng công đến sơn cùng thuỷ tận, phong hồi lộ chuyển, thì:

    “Đầu sào trăm trượng tiến thêm một bước,
    Mười phương thế giới hiện toàn thân”.

    Như vậy mới có thể khôi phục lại bản lai diện mục.
    9. Bồ Tát dùng diệu quán sát trí để quán sát ba đời thanh tịnh.
    10. Tu hành tất cả các Phật pháp thanh tịnh.
    Pháp môn thanh tịnh thì không tham không nhiễm. Phàm là tham tình tham ái, tham danh tham lợi, đó đều là pháp nhiễm ô. Hoặc tham tài, sắc, danh, ăn, ngủ, hoặc tham sắc, thanh, hương, vị, xúc. Cảnh giới năm dục này, nếu tham thì chẳng phải là pháp thanh tịnh. Chúng ta người tu hành, không nên tham bất cứ gì hết, cho đến ý niệm tham vi tế cũng không còn tồn tại nữa, mới là thanh tịnh.
    Ở trên là mười thứ thanh tịnh đầy đủ của Bồ Tát.

    Phật tử! Đại Bồ Tát trụ mười pháp này rồi, liền được đầy đủ mười thứ trí rộng lớn. Những gì là mười? Đó là:
    Trí biết tất cả tâm hạnh của chúng sinh. Trí biết tất cả nghiệp báo của chúng sinh. Trí biết tất cả Phật pháp. Trí biết tất cả Phật pháp lý thú sâu dày. Trí biết tất cả môn Đà la ni. Trí biết tất cả văn tự biện tài. Trí biết tất cả lời lẽ âm thanh từ biện thiện xảo của chúng sinh. Trí khắp hiện thân mình trong tất cả thế giới. Trí khắp hiện hình bóng trong tất cả pháp hội. Trí đủ nhất thiết trí trong tất cả chỗ thọ sinh. Đó là mười.

    Các vị Phật tử! Đại Bồ Tát trụ mười pháp thanh tịnh này rồi, liền được đầy đủ mười thứ trí huệ rộng lớn. Những gì là mười thứ trí huệ? Đó là :
    1. Trí biết tất cả tâm tưởng và hành vi của chúng sinh. Ngài có trí huệ này, đó là biết chân chánh, đã khai mở mắt trí huệ.
    2. Trí biết tạo nghiệp gì, thọ báo gì của tất cả chúng sinh. Do đó : « Khởi hoặc, tạo nghiệp, thọ báo », tơ hào không sai.
    3. Trí biết tất cả Phật pháp, đều thấu rõ thông đạt nghĩ lý Phật pháp.
    4. Trí biết tất cả Phật pháp lý thú sâu dày, đạo lý không dễ gì minh bạch được, đạo lý tông thú này, Ngài đều hiểu rõ được.
    5. Trí biết tất cả môn Đà la ni (dịch là tổng trì : Tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa), tức cũng là tổng trì giới định huệ, tiêu diệt tham sân si. Tóm lại, thân miệng ý ba nghiệp thanh tịnh.
    6. Trí biết tất cả văn tự, các văn tự khác nhau trên thế giới, không thầy mà tự thông.
    7. Trí biết tất cả ngôn ngữ, âm thanh khác nhau, đủ thứ từ biện, các thứ thiện xảo của chúng sinh. Tóm lại, Bồ Tát đối với loài chúng sinh nào, thì nói thứ ngôn ngữ đó, văn tự đó, từ biện đó, thiện xảo đó, đều viên dung vô ngại.
    8. Trí khắp hiện thân mình trong tất cả thế giới, đi đến gần gũi chư Phật, cúng dường chư Phật, Ngài có thần thông trí huệ này.
    9. Trí khắp hiện hình bóng trong tất cả chúng hội, Ngài có thần thông trí huệ này.
    10. Trí đủ nhất thiết trí trong tất cả chỗ thọ sinh (khi trụ thai mẹ), Ngài có thần thông trí huệ này.
    Đó là mười thứ trí huệ rộng lớn không thể nghĩ bàn, tức cũng là mười thứ thần thông không thể nghĩ bàn.

    Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ mười trí này rồi, liền được mười thứ vào khắp. Những gì là mười ? Đó là :
    Tất cả thế giới vào trong một lỗ chân lông, một lỗ chân lông vào trong tất cả thế giới.
    Tất cả thân chúng sinh vào một thân, một thân vào tất cả thân chúng sinh.
    Bất khả thuyết kiếp vào một niệm, một niệm vào bất khả thuyết kiếp.
    Tất cả Phật pháp vào một pháp, một pháp vào tất cả Phật pháp.
    Bất khả thuyết nơi vào một nơi, một nơi vào bất khả thuyết nơi.
    Bất khả thuyết căn vào một căn, một căn vào bất khả thuyết căn.
    Tất cả căn vào chẳng phải căn, chẳng phải căn vào tất cả căn.
    Tất cả tưởng vào một tưởng, một tưởng vào tất cả tưởng.
    Tất cả lời nói vào một lời nói, một lời nói vào tất cả lời nói.
    Tất cả ba đời vào một đời, một đời vào tất cả ba đời. Đó là mười.

    Các vị Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ mười thứ trí huệ này rồi, liền chứng được cảnh giới mười thứ vào khắp. Những gì là mười thứ vào khắp? Đó là :
    1. Tất cả thế giới vào được trong một lỗ chân lông, một lỗ chân lông lại vào được trong tất cả thế giới. Đây là cảnh giới trong nhỏ hiện lớn, trong lớn hiện nhỏ, lớn nhỏ vô ngại, lớn nhỏ viên dung. Theo quan điểm nhìn của phàm phu chúng ta, thì cảm thấy cảnh giới này, tuyệt đối không thể được, cho nên cho rằng chẳng có. Nhưng, Phật Bồ Tát chứng được thần thông trí huệ, thì xem ra là sự việc rất bình thường.
    2. Tất cả thân chúng sinh vào được một thân chúng sinh; một thân chúng sinh, vào được tất cả thân chúng sinh. Đây là cảnh giới một nhiều vô ngại.
    3. Bất khả thuyết kiếp, có thể rút ngắn vào trong một niệm; một niệm có thể kéo dài vào trong bất khả thuyết đại kiếp.
    4. Tất cả Phật pháp, chỉ là một pháp căn bản; một pháp căn bản vào được trong tất cả Phật pháp.
    5. Bất khả thuyết nơi vào một nơi, một nơi lại có thể vào bất khả thuyết nơi.
    6. Bất khả thuyết căn vào được trong một căn, một căn lại có thể vào trong bất khả thuyết căn.
    7. Tất cả căn vào chẳng phải căn, chẳng phải căn lại sinh ra tất cả căn.
    8. Tất cả vọng tưởng vào trong một tưởng, một tưởng vào trong tất cả tưởng.
    9. Tất cả lời nói vào trong một lời nói, một lời nói vào trong tất cả lời nói.
    10. Tất cả ba đời vào một đời, một đời vào tất cả ba đời.
    Đó là mười thứ cảnh giới vào khắp, những cảnh giới đó không thể nghĩ bàn, không thể dùng con mắt của phàm phu để đo lường.

    Phật tử ! Đại Bồ Tát quán sát như vậy rồi, liền trụ vào mười thứ tâm thù thắng vi diệu. Những gì là mười ? Đó là :
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào ngôn ngữ chẳng phải ngôn ngữ của tất cả thế giới.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào tưởng niệm không chỗ y chỉ của tất cả chúng sinh.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào cõi hư không rốt ráo.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào vô biên pháp giới.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào tất cả Phật pháp sâu dày.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào pháp thâm sâu không khác biệt.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào trừ diệt tất cả nghi hoặc.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào tất cả đời bình đẳng không khác biệt.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào chư Phật ba đời bình đẳng.
    Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào lực vô lượng của tất cả chư Phật. Đó là mười.

    Các vị Phật tử ! Đại Bồ Tát quán sát như vậy rồi, liền chứng được mười thứ tâm thù thắng vi diệu. Những gì là mười thứ tâm thù thắng vi diệu ? Đó là :
    1. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào ngôn ngữ và chẳng phải ngôn ngữ của hết thảy chúng sinh tất cả thế giới.
    2. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào tưởng niệm không chỗ y chỉ của tất cả chúng sinh. Do đó : « Ngô ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt ».
    3. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào cõi hư không rốt ráo.
    4. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào vô biên pháp giới.
    5. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào tất cả Phật pháp sâu dày.
    6. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào pháp thâm sâu không phân biệt.
    7. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào chẳng còn tất cả nghi hoặc.
    8. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào tất cả đời bình đẳng, không có phân biệt.
    9. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào chư Phật ba đời bình đẳng.
    10. Tâm thù thắng vi diệu, trụ vào mười lực vô lượng của tất cả chư Phật.
    Đó là mười thứ cảnh giới tâm thù thắng vi diệu.

    Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ vào mười thứ tâm thù thắng vi diệu đó rồi, liền đắc được mười thứ trí thiện xảo Phật pháp. Những gì là mười ? Đó là :
    Trí thiện xảo thấu đạt Phật pháp thâm sâu. Trí thiện xảo sinh ra Phật pháp rộng lớn. Trí thiện xảo tuyên nói đủ thứ Phật pháp. Trí thiện xảo chứng nhập Phật pháp bình đẳng. Trí thiện xảo thấu rõ Phật pháp khác biệt. Trí thiện xảo ngộ hiểu Phật pháp không khác biệt. Trí thiện xảo vào sâu Phật pháp trang nghiêm. Trí thiện xảo một phương tiện vào Phật pháp. Trí thiện xảo vô lượng phương tiện vào Phật pháp. Trí thiện xảo biết vô biên Phật pháp không khác biệt. Trí thiện xảo dùng tự tâm tự lực đối với tất cả Phật pháp không thối chuyển. Đó là mười.

    Các vị Phật tử ! Đại Bồ Tát trụ vào mười thứ tâm thù thắng vi diệu đó rồi, liền đắc được mười thứ trí huệ thiện xảo Phật pháp. Những gì là mười ? Đó là :
    1. Trí huệ thiện xảo phương tiện, thấu rõ thông đạt Phật pháp thâm sâu.
    2. Trí huệ thiện xảo phương tiện, sinh ra Phật pháp rộng lớn vô biên.
    3. Trí huệ thiện xảo phương tiện, tuyên nói đủ thứ Phật pháp.
    4. Trí huệ thiện xảo phương tiện, chứng nhập Phật pháp bình đẳng.
    5. Trí huệ thiện xảo phương tiện, thấu rõ Phật pháp khác biệt.
    6. Trí huệ thiện xảo phương tiện, ngộ hiểu Phật pháp không khác biệt.
    7. Trí huệ thiện xảo phương tiện, vào sâu Phật pháp trang nghiêm.
    8. Trí huệ thiện xảo phương tiện dùng một phương tiện vào Phật pháp.
    9. Trí huệ thiện xảo phương tiện, dùng vô lượng phương tiện vào Phật pháp.
    10. Trí huệ thiện xảo phương tiện, biết vô biên Phật pháp không khác biệt.
    11. Trí huệ thiện xảo phương tiện, dùng tự tâm tự lực đối với tất cả Phật pháp không thối chuyển.
    Ở trên có mười một thứ, hai thứ sau hợp làm một thứ. Đó là mười thứ trí huệ thiện xảo phương tiện.

    Phật tử ! Đại Bồ Tát nghe pháp này rồi, đều nên phát tâm cung kính thọ trì. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát trì pháp này, ít làm công lực, mau đắc được A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, đều được đầy đủ tất cả Phật pháp, đều đồng với pháp của chư Phật ba đời.

    Các vị Phật tử ! Đại Bồ Tát nghe những pháp môn đó rồi, đều nên phát tâm cung kính thọ trì. Tại sao ? Vì đại Bồ Tát trì pháp này, thì làm rất ít công lực, nhưng lại mau đắc được quả vị A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác), tự tánh đầy đủ tất cả Phật pháp, hoàn toàn đồng với pháp của chư Phật ba đời đã nói.

    Bấy giờ, do thần lực của Phật, vì pháp như vậy, nên mười phương đều có các thế giới nhiều như số hạt bụi bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đều sáu thứ chấn động. Mưa xuống tất cả mây hoa, mây hương, mây bột hương, y lọng, tràng phan, báu ma ni, cùng với mây tất cả đồ trang nghiêm. Mưa xuống mây các kỹ nhạc. Mưa xuống mây các Bồ Tát. Mưa xuống mây bất khả thuyết sắc tướng Như Lai. Mưa xuống mây bất khả thuyết tán thán Như Lai lành thay. Mưa xuống mây âm thanh Như Lai đầy khắp tất cả pháp giới. Mưa xuống mây bất khả thuyết thế giới trang nghiêm. Mưa xuống mây bất khả thuyết tăng trưởng bồ đề. Mưa xuống mây bất khả thuyết quang minh chiếu sáng. Mưa xuống mây bất khả thuyết thần lực thuyết pháp, thảy đều hơn ở các cõi trời.

    Lúc đó, do đại oai thần lực của Phật, vì pháp phải như vậy, cho nên mười phương đều có các thế giới nhiều như số hạt bụi bất khả thuyết trăm ngàn ức Na do tha cõi Phật, đồng thời đều có sáu thứ chấn động (động dũng khởi, chấn hống kích). Mưa xuống tất cả mây hoa, mây hương, mây bột hương, mây y lọng, mây tràng phan, mây báu ma ni, cùng với mây tất cả đồ trang nghiêm. Mưa xuống mây báu các kỹ nhạc. Lại mưa xuống mây báu các Bồ Tát. Lại mưa xuống mây báu bất khả thuyết sắc tướng Như Lai. Lại mưa xuống mây báu bất khả thuyết tán thán Như Lai lành thay. Lại mưa xuống mây báu âm thanh Như Lai đầy khắp tất cả pháp giới. Lại mưa xuống mây báu bất khả thuyết thế giới trang nghiêm. Lại mưa xuống mây báu bất khả thuyết tăng trưởng bồ đề. Lại mưa xuống mây báu bất khả thuyết quang minh chiếu sáng. Lại mưa xuống mây báu bất khả thuyết thần lực thuyết pháp, thảy đều hơn ở các cõi trời.

    Như trong cung điện Bồ đề tràng dưới cội bồ đề bốn thiên hạ thế giới này, đều thấy Đức Như Lai thành Đẳng Chánh Giác, diễn nói pháp này. Trong mười phương tất cả các thế giới, cũng lại như thế.

    Như trong cung điện Bồ đề tràng dưới cội bồ đề bốn thiên hạ thế giới này, đều thấy Đức Như Lai thành Đẳng Chánh Giác ở đó, diễn nói pháp này. Trong mười phương tất cả các thế giới, cũng lại như thế.

    Bấy giờ, do thần lực của Phật, vì pháp như vậy, nên mười phương đều vượt ngoài số thế giới nhiều như số hạt bụi mười bất khả thuyết cõi Phật, có các đại Bồ Tát nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật đi đến cõi này, đầy khắp mười phương, đều nói như vầy : Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Có thể nói đây là pháp thệ nguyện thọ ký rộng lớn thâm sâu nhất của chư Phật Như Lai.

    Lúc đó, do thần lực của Phật, vì nói pháp là phải như vậy, nên mười phương đều vượt ngoài số thế giới nhiều như số hạt bụi mười bất khả thuyết cõi Phật. Lại có các đại Bồ Tát nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật đi đến cõi này, đầy khắp mười phương, các Ngài đều nói như vầy : « Lành thay ! Lành thay ! Phật tử ! Có thể nói đây là pháp thệ nguyện thọ ký rộng lớn thâm sâu nhất của chư Phật Như Lai ».

    Phật tử ! Chúng tôi tất cả đều đồng danh hiệu là Phổ Hiền, đều từ thế giới Phổ Thắng, chỗ Đức Như Lai Phổ Tràng Tự Tại, đi đến cõi nầy. Do đều nhờ thần lực của Phật, mà trong tất cả mọi nơi, đều diễn nói pháp này, như chúng hội nầy, lời nói đều như vậy, tất cả đều bình đẳng không có thêm bớt. Chúng tôi đều nương oai thần lực của Phật, đến đạo tràng nầy, để vì Ngài làm chứng.

    Lại gọi một tiếng Phật tử ! Chúng tôi tất cả đều đồng danh hiệu là Phổ Hiền. Chúng tôi đều từ thế giới Phổ Thắng, chỗ Đức Như Lai Phổ Tràng Tự Tại, đi đến thế giới Ta Bà nầy. Bởi đều nhờ đại oai thần lực của Phật, mà trong tất cả mọi nơi, đều diễn nói diệu pháp Bồ Tát thệ nguyện thọ ký này. Như chúng hội nầy, lời nói đều như vậy. Mười phương thế giới cũng nói pháp nầy, tất cả đều bình đẳng, cũng không thêm, cũng không bớt. Các Bồ Tát chúng tôi đến đây, đều nương đại oai thần lực của Phật, mà đến đạo tràng pháp hội Hoa Nghiêm nầy, để vì Ngài chứng minh diệu pháp nầy.

    Như đạo tràng nầy, các Bồ Tát chúng tôi nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật, đến làm chứng. Trong mười phương tất cả thế giới, cũng đều như thế.

    Giống như đạo tràng nầy, các Bồ Tát chúng tôi nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật, đặc biệt đến để làm chứng. Trong mười phương tất cả thế giới, đều có các Bồ Tát nhiều như số hạt bụi mười cõi Phật, đến để làm chứng, cũng đều như thế.
    Last edited by 123456789; 15-07-2019 at 10:21 PM.
    Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm dạy: "NẾU QUÊN MẤT TÂM BỒ ĐỀ MÀ TU CÁC PHÁP LÀNH, ĐÓ LÀ NGHIỆP MA."
    HT Tuyên Hóa dạy "Nơi nào có Kinh Hoa Nghiêm thì nơi đó có đức Phật."

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 31
    Bài mới gởi: 19-01-2021, 04:24 AM
  2. Nhìn lại sử liệu viết về Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh
    By quadiacau in forum Truyền thuyết - Giai thoại - Lịch sử VIỆT NAM
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 05-04-2016, 12:43 PM
  3. Nguyễn Bảo Nguyên: Nói chuyện với người trong tranh
    By Bin571 in forum Chân dung & Đối Thoại
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 19-05-2013, 08:43 AM
  4. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 30-03-2013, 06:19 AM
  5. Thái thượng nguyên thủy thiên tôn thuyết ngọc hoàng bổn nguyện tôn kinh
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 30-06-2011, 10:58 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •