Sergei Vronsky – Nhà chiêm tinh bí ẩn làm việc cho tình báo Xô Viết

Hồng Sơn | 10/07/2019 11:0



Cơ quan phản gián của phát xít Đức ngay cả trong mơ cũng không thể ngờ rằng, nhà chiêm tinh nổi tiếng Sergei Vronsky được rất nhiều thủ lĩnh hàng đầu của Đế chế thứ ba yêu thích lại là một điệp viên của tình báo Xô Viết.



Tiểu sử và tài năng của nhà chiêm tinh này hiện vẫn đang khiến cho nhiều nhà nghiên cứu lịch sử phải đau đầu tìm hiểu. Vronsky vẫn được đánh giá là một trong những nhân cách bí ẩn và khó tin nhất của thế kỷ XX…

Gần như ngay sau khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933, một chàng thanh niên trẻ 18 tuổi có tên Sergei Vronsky đã rời Latvia để tới Berlin du học. Nếu xét theo mọi tiêu chí của châu Âu thời bấy giờ, anh chàng này có nguồn gốc khá cao quý. Cha của anh là bá tước Aleksei Vronsky có dòng máu quý tộc từ Ba Lan. Tổ tiên của họ chuyển tới nước Nga từ thế kỷ XVII.

Trước Cách mạng tháng 10, ông Aleksey từng làm chỉ huy ban mật mã trong Bộ tổng tham mưu quân đội Nga hoàng. Trong thời kỳ hỗn loạn sau năm 1917, gia đình ông đã bị sát hại. Sergei may mắn được một người vú nuôi che giấu, đưa tới Paris, sau đó qua Hội chữ thập đỏ tìm được ông bà đang sống tại Riga.



Bà của Sergei khi đó cũng là một người rất giỏi về nghiên cứu những môn khoa học thần bí như chiêm tinh, xem tướng tay và ảo thuật. Vốn là một người thông minh lại được bà truyền dạy tận tình, Sergei ngay từ năm 7 tuổi đã biết lập biểu tử vi cho bạn bè và thầy giáo trong trường.

Cậu cũng sớm thể hiện những khả năng về việc thôi miên, các thuật về tâm lý; say mê nghiên cứu về chiêu hồn và ảo thuật.

Có thể nói, Sergei là một học sinh rất toàn diện, luôn đạt được kết quả xuất sắc tại trường học. Đến tuổi thanh niên, cậu đã có thể nói tới 13 ngôn ngữ khác nhau. Không chỉ là một con mọt sách, Sergei còn dành thời gian cho học đấu vật, quyền Anh, bơi, tennis, khiêu vũ và đàn nhạc v.v…

Ngoài việc tham gia đua xe, đến năm 17 tuổi, Sergei đã tốt nghiệp xuất sắc trường hàng không tại Innsbruck (Áo).
Sau khi đặt chân tới Đức, Sergei thi vào khoa y Trường đại học tổng hợp Berlin. Cậu sinh viên từ Latvia khi đó đã thể hiện những khả năng đặc biệt về các phương pháp chữa trị phi truyền thống: bịt mắt chuẩn đoán bệnh, dự đoán tiến trình của bệnh…

Cậu nhanh chóng được phát hiện và tuyển chọn vào một Viện nghiên cứu đặc biệt chuyên đào tạo những người có khả năng siêu nhiên để phục vụ cho chính quyền phát xít. Những học viên này được đào tạo chuyên sâu về trị liệu tâm lý, thôi miên…, được cử đi thực tập ở khắp nơi trên thế giới.
Vào thời điểm đó, giới lãnh đạo phát xít đặc biệt quan tâm tới thuật chiêm tinh, muốn làm rõ những bí mật trong số phận của mình để củng cố quyền lực. Hitler vào năm 1935 còn gọi chiêm tinh là "ngành khoa học của đế chế".

Tên trùm phát xít này bắt đầu tin tưởng đặc biệt vào những lời tiên đoán và lá số tử vi, sau khi được một nhà chiêm tinh dự báo về thất bại trong cuộc nổi dậy do ông ta tổ chức vào năm 1923 (khiến Hitler sau đó phải vào tù một thời gian).

Ngay sau khi tốt nghiệp xuất sắc khóa học, Sergei đã được gọi tới văn phòng hiệu trưởng, gặp gỡ một số quan chức cấp cao của quân đội Đức.
Ông được tuyên bố đã được tuyển chọn để phục vụ cho quốc trưởng và nước Đức phát xít. Hitler vào thời điểm đó không thể ngờ rằng, Sergei đã bí mật gia nhập Đảng cộng sản Đức từ năm 1933, và rất có thể từ thời điểm đó đã bắt đầu làm việc cho cơ quan tình báo Xôviết.

Dù không công khai khẳng định về sự hợp tác này, nhưng Sergei về sau đã thừa nhận: "Vào những năm tháng đáng sợ đó, tôi không chỉ là một sinh viên mà còn là một người hoạt động bí mật. Từ năm 1938, tôi đã vài lần bí mật tới Liên Xô…

Nhưng giờ đây tôi vẫn chưa có quyền nói rõ về chuyện này". Theo một số nhà nghiên cứu, nhiều khả năng những chuyển biến bất ngờ về nhận thức của Sergei là do tình bạn với Vilis Lacis, về sau là một nhà văn Latvia và là một nhà hoạt động cho phong trào cộng sản.
Nhà tiên tri riêng của Rudolf Hess
Ngay từ khi chuẩn bị tới Đức, một người quen trong gia đình Sergei đã đưa cho ông một lá thư giới thiệu gửi tới Johann Koch, một nhà lãnh đạo nổi tiếng của đảng phát xít.

Qua nhân vật này, Sergei lại có dịp làm quen với một lãnh đạo phát xít khác là Rudolf Hess, người cũng rất đam mê về khoa học huyền bí. Sau một loạt những lời tuyên đoán chính xác, Hess bắt đầu tin tưởng vô điều kiện vào người thanh niên mình mới quen.

"Chúng tôi có cùng sở thích về chiêm tinh - Sergei về sau đã kể lại về mối quan hệ của họ - Và Hess đã trở thành học trò đầu tiên của tôi. Ông ấy rất có khả năng về môn khoa học này, chỉ có điều còn rất thiếu tự tin…
Tôi đã cho ông ấy nhiều lời khuyên như cần quan hệ với ai, cần đề phòng hay thân cận với ai. Ông ấy luôn nghe theo những lời khuyên trên vì thông thường tôi luôn dự đoán chính xác".

Sergei được cho là đã dính líu trực tiếp tới một bí mật lớn của chính quyền phát xít, khi Hess - dù là một nhân vật thứ hai trong đảng phát xít chỉ sau Hitler - đã quyết định từ bỏ tất cả quyền lực và vật chất để bất ngờ bỏ trốn sang Anh.


Có nhận định cho rằng, Rudolf Hess chính vì những lời tiên đoán của Sergei Vronsky nên đã quyết định chạy trốn sang Anh.

Có thông tin nhận định, Hess đã được tiên đoán trước về sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chủ nghĩa phát xít. Trong hồi ký sau này của trùm mật vụ Walter Schellenberg cũng có đoạn nói về sự dính líu của các nhà chiêm tinh học đối với vụ bỏ trốn của Hess.

Bản thân Sergei cũng kể lại khá chi tiết về trường hợp này: "Cho đến năm 1941, chúng tôi đã hoàn toàn thân mật và cởi mở. Khi Rudolf biết về kế hoạch "Barbarossa", chúng tôi đã lập ra bản dự báo về chiêm tinh dựa trên ngày tháng chính xác bắt đầu chiến dịch.
Các tính toán trên đều dự đoán về sự sụp đổ hoàn toàn của nước Đức phát xít. Hess đã đề nghị Hitler đổi sang ngày khác nhưng quốc trưởng chỉ cười nhạo ông ta.

Hess thậm chí đã nghĩ tới việc chạy sang Nga, nhưng việc xem sao đã dự đoán về cái chết của ông ta. Phương án chạy sang Anh sẽ giúp đảm bảo mạng sống và đã đúng như vậy. Hess sống lâu hơn các đồng đội trong đảng phát xít của mình đến 50 năm".

Trong một buổi dạ hội, Hess đã giới thiệu Sergei với Eva Braun, được cô gái này đề nghị giúp dự đoán số phận của mình. Trong cuộc gặp sau, Sergei thông báo cô ta sẽ có "một tương lai đặc biệt" nhờ vào việc lấy chồng. Sau khi Hitler gặp Braun và yêu cô ta, Hess đã gọi điện ngay cho Sergei, cho biết những lời nói của ông đã trở thành sự thật.

Từ thời điểm đó, Sergei đã chiếm được sự tin cậy hoàn toàn của Hess, được đề xuất tham gia chữa bệnh bằng ngoại cảm cho các quan chức phát xít hàng đầu, kể cả Hitler, người khi đó đang mắc chứng bệnh đau dạ dày và rối loạn tâm lý. Nói đơn giản, ông đã trở thành một bác sĩ ngoại cảm nổi tiếng tại Berlin.
Những chiến công cho Moscow
Ngay từ khi tới Berlin, Sergei đã luôn ghi nhớ nội dung cuộc trò chuyện của những khách hàng cao cấp của mình, sau đó thông báo lại cho liên lạc viên của trung tâm tình báo Xôviết tại Đức. Ngoài ra, ông cũng được giao những nhiệm vụ cụ thể theo tình hình.


Sergei Vronsky những năm cuối đời.

Chẳng hạn, Gergei được yêu cầu giúp cựu võ sĩ quyền Anh của Nga là Igor Miklasevski được tiếp cận và làm quen với những nhân vật gần gũi với quốc trưởng. Ông đã giới thiệu Igor với Max Schmeling, một nhà vô địch quyền Anh thế giới, người thường được Hitler mời đến chơi.
Theo hồi ức của các tình báo viên Xôviết, Igor khi đó được giao một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: xâm nhập vào hàng ngũ những người thân cận của Hitler, qua đó tận dụng cơ hội thuận lợi để tiêu diệt trùm phát xít.

Trên thực tế, theo cuốn sách của chỉ huy cao cấp tình báo Pavel Sudoplatov, Stalin về sau đã bác bỏ kế hoạch trên, do lo ngại những kẻ thay thế Hitler có thể ký kết thỏa ước riêng với nước Anh.
Với bản tính quyết liệt và ưa thích mạo hiểm của mình, Sergei được cho là đã tham gia vào kế hoạch ám sát Hitler.

Theo dự kiến, quả bom được đặt tại quán bia Burgerbrau sẽ phát nổ vào ngày 8-11-1939, nhưng Hitler đã đến trước đó hơn nửa tiếng, đồng thời công suất vụ nổ cũng không đạt được mục tiêu đề ra. Chiến dịch thanh trừng hàng loạt sau đó chút nữa đã làm ảnh hưởng đến an toàn của bản thân Sergei.

Năm 1941, Sergei được cử tới châu Phi với tư cách một bác sĩ ngoại cảm trong thành phần quân đoàn của viên thống chế Erwin Rommel.
Viên tướng này đã tặng cho Sergei một khẩu súng cá nhân của mình mà không thể ngờ rằng, ông ta đã thua người Anh trên mặt trận này là do tay bác sĩ ngoại cảm đã thường xuyên cung cấp những thông tin quan trọng chiến lược của mình cho đối phương.

Cuộc trở về đầy trắc trở

Đầu năm 1942, Sergei nhận được chỉ thị bất ngờ phải quay trở lại Liên Xô. Một số nguồn tin cho rằng, nhiều khả năng mối quan hệ quá thân cận của ông với giới lãnh đạo phát xít đã khiến cho Moscow nghi ngờ.

Cuốn sách "Chiêm tinh học cổ điển" của Vronsky.

Sergei quay trở lại Riga vào mùa xuân năm 1942, mạo hiểm xâm nhập vào một sân bay quân sự tại đây, thôi miên các thợ kỹ thuật, yêu cầu họ nạp nhiên liệu vào một chiếc máy bay nhỏ để tự lái vượt qua chiến tuyến. Chiếc máy bay của ông bị bắn rơi trên lãnh thổ Liên Xô.
Dù bị thương rất nặng, nhưng Sergei may mắn vẫn sống sót và phải nằm viện một thời gian dài. Xuất viện, ông đã phải trải qua một giai đoạn sống trong tình cảnh vất vưởng: cơ quan tình báo không thừa nhận là người của mình, còn bản thân không có công ăn việc làm.
Năm 1944, người bạn cũ Vilis Lacis (sau này trở thành thủ tướng Litva) đã tình cờ gặp lại Sergei, bố trí cho ông quay trở về Latvia làm thanh tra hàng không dân dụng, sau đó làm hiệu trưởng một trường trung học tại đây. Đến năm 1946, Sergei bất ngờ bị bắt giữ và kết án 25 năm tù.



Sergei được trả tự do vào năm 1951, sau khi bác sĩ tại bệnh viện kết luận ông chỉ còn sống được vài tháng do mắc bệnh ung thư... Suốt vài năm sau, Sergei sống một cuộc sống ẩn dật, kiếm tiền bằng việc lập lá số tử vi cho giới thượng lưu tại Moscow.

Khả năng của ông nhanh chóng được các quan chức tại điện Kremlin biết đến. Sau một cuộc trò chuyện với Khrutsev, Sergei được điều đến trung tâm nghiên cứu hàng không vũ trụ của Liên Xô tại Zvyozdny Gorodok, nơi đã làm quen được với rất nhiều nhà khoa học và phi công vũ trụ hàng đầu.

Chính ông đã đề nghị dời ngày phẫu thuật cho tổng công trình sư Sergei Korolev ấn định vào ngày 14-1-1966. Tuy nhiên đề xuất của ông đã không được chấp thuận, và Korolev chết ngay trên bàn phẫu thuật. Sergei về sau cũng dự đoán về cái chết của Yuri Gagarin, nhưng nhà du hành này cũng không hề tin.
Trong chuyến đi cùng Gagarin tới Mỹ vào năm 1962, Sergei đã gặp hai anh em nhà Kennedy và dự đoán trước về cái chết của họ do bị ám sát.

Chính những kết quả dự đoán rất chính xác của Sergei, Tổng thống Bush cha sau này đã liên hệ với ông vào cuối năm 1990, đề nghị đưa ra dự đoán về kết quả chiến dịch "Bão táp sa mạc". Cuối đời mình, Sergei chỉ tập trung vào việc viết tác phẩm 12 tập có tên "Chiêm tinh học cổ điển". Nhân vật đầy bí ẩn trong lịch sử này qua đời vào ngày 10-1-1998.