Việt Nam phong tục: Sự tích núi Cô, núi Cậu và chuyện cầu tự của dân gian xưa

B.T sưu tầm, sách Việt Nam phong tục | 09/07/2019 13:16




Hình minh họa

Ngay từ thời xa xưa, chuyện con cái, đặc biệt là việc có người nối dõi đã là đại sự của mỗi cặp vợ chồng. Đối với những gia đình không may hiếm muộn, họ luôn tìm cách để cố gắng.


"Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.
Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".
Phan Kế Bính (1875-1921)

CẦU TỰ
Nhà nào hiếm muộn thì cầu tự. Cầu tự có nhiều cách: người thì uống thuốc cho bổ khí huyết, người thì cho tại đất tuyệt đinh, nhờ thầy địa lý dịch mả, người thì đi lễ bái chùa này miếu nọ để cầu Phật, Thánh độ cho có con.
Về tháng Giêng, tháng Hai, vợ chồng thiên hạ thường dắt díu nhau vào lễ chùa Hương Tích (thuộc phủ Mỹ Đức tỉnh Hà Nội) cầu tự. Trong chùa có một hang đá, thạch nhũ mọc lổm chổm hai bên, tục gọi là núi Cô, núi Cậu.


Hình minh họa. Chùa Hương Tích

Các người cầu tự đem vàng hương oản lễ đến chùa, rồi thì đem quà bánh đến chỗ hang thạch nhũ ấy, coi hòn nào thích mắt thì xoa tay vào đầu mà khấn: cậu về ở với vợ chồng nhà tôi nhá. Ai nhiều con giai rồi muốn cầu con gái thì sang dãy núi Cô cũng nói như vậy. Khấn xong lúc giở ra về, ăn thì thêm bát thêm đũa, đi đò thì giả thêm một suất tiền cho người lái đò, làm như đã có một người đi theo vậy.

Nếu về nhà mà sau vợ có mang sinh con thì mỗi năm phải đem con về chùa lễ tạ ơn Phật.
Có người về lễ đền Kiếp Bạc (đền thờ ông Trần Hưng Đạo, thuộc tỉnh Hải Dương) cầu tự. Hạng người này thì phần nhiều là người sinh con khó nuôi, cho là có tiền oan nghiệp chướng, cho nên đến lễ bái trừ tà thì về sau đẻ con mới nuôi được.

Xét cái tục cầu tự của ta, cũng bởi tin sự quỷ thần mà ra. Tục này từ thượng cổ đã có, như vua Đế Cốc cầu tự ở đền Cao Môi mà sinh ra ông Hậu Tắc, ông Thúc Lương Ngột cầu tự ở núi Ni Sơn mà sinh ra Đức Khổng Tử. Nhưng thiết tưởng toàn là do bụng tin tưởng mà ra, chớ không có lẽ gì cho đích đáng tin được.

Cứ lấy sự hiển nhiên mà nói thì người không có con hay là đẻ con mà không nuôi được, hoặc là vì người đàn ông hay đàn bà có tật bệnh gì, hoặc là vì đẻ con ra, tiên thiên suy nhược khó nuôi, hay là nuôi trái phép vệ sinh thì không nuôi được.


Còn như người chỉ sinh con gái mà không sinh con giai, cũng bởi có một lẽ riêng nào đó, quyết không có thần thánh nào chủ trương về việc sinh con đẻ cái gì đâu.
Có người nói rằng: sự cầu tự cũng nhiều khi linh nghiệm, xem như các người vợ chồng đã ngoài bốn mươi tuổi chưa có con, đi cầu tự rồi mới có, mà cũng nhiều khi người con ấy làm nên thế này thế khác, nếu không nghiệm thì sao thế được.

Thiết tưởng sự ấy cũng là sự ngẫu nhiên, dẫu chẳng cầu đâu cũng có. Vả lại muôn sự thường hay nên ở lòng người tin tưởng. Cái bụng người ta đã tin mê ở điều gì thì lại hay cố sức làm cho điều ấy phải nghiệm, vậy thì lại có một lẽ chắc được, chớ cũng không phải có chi lạ hết.
Còn như con hay con dở, bởi ở cách dạy dỗ, con thọ con yểu, bởi ở cách dưỡng sinh, không nên cho là con giời, con Phật mà nhảm quá.

NUÔI NGHĨA TỬ

Người không có con, thường nuôi con nhà anh em hay là người ngoài làm nghĩa tử. Nghĩa tử ấy cũng như con đẻ ra.
Cha mẹ nuôi con phải vun giồng dạy dỗ, con nuôi ở với cha mẹ, cũng phải hiếu kính phụng dưỡng, coi như cha mẹ đẻ, mai sau cũng được thừa hưởng gia tài.
Người phú quý có nhiều con rồi, thường cũng có nuôi nghĩa tử. Nghĩa tử này, một là vì người nuôi thương kẻ cơ hàn mà nuôi, hai là vì người muốn nương thân vào cửa quyền quý mà tình nguyện làm con nuôi. Những con nuôi ấy có người ở hết lòng trung nghĩa, như Quan Bình ở với Quan Công, có người ở phản trắc bất nhân như Lộc Sơn ở với Đường Minh Hoàng.

Nhiều người nuôi con nuôi từ khi đứa trẻ còn thơ bé, hoặc vì cha mẹ nó mất sớm, thấy trẻ mồ côi mà nuôi, hoặc vì cha mẹ nó nghèo khó đem bán, người hiếm hoi thì nuôi cho nó đứng đầu đứng số. Đứa con ấy lớn lên, nhiều khi không nhớ đến bản thân phụ mẫu là đâu. Mà dẫu có nhớ cũng không có phép coi cha mẹ đẻ trọng hơn cha mẹ nuôi được, vì cha sinh không bằng mẹ dưỡng, nếu quên ơn người nuôi thì bất nghĩa.


Ta trọng nhất là việc kế tự, nếu không có người kế tự cho mình, thì mình tức là người bất hiếu với tổ phụ. Cho nên không có con, thì phải nuôi, chủ ý là để mai sau có người giữ hương hỏa cho nhà mình.
Cái bổn tâm đối với tổ tiên như thế thì cũng phải, nhưng xét cho kỹ thì cũng có điều nên bàn: Giá thử người bất hạnh mà không có con, nuôi được con anh em hoặc con nuôi đồng họ, để mà nối dõi tông đường, thì dẫu là con nuôi, nhưng cũng là huyết mạch trong một nhà, chẳng hại gì.

Còn những người nuôi con người ngoài, mà thường lại yêu thương quý trọng hơn con anh em, thì tưởng cũng là không phải.
Về phần người con nuôi, người ta đã có công nuôi dạy dỗ mình như con, thì mình cũng phải nên mong mà đền báo cái ơn ấy, chớ đừng nên nghĩ người ta không phải là người sinh ra mình, mà ăn ở phụ bạc.

Còn như những người thấy người ta có quyền thế mà hạ cái mình quý báu để xin vào làm con nuôi người ta thì là một thói du mị nịnh đời, để cầu lấy các sự ước ao của mình, ấy là một cách rất đê tiện.

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.



theo Helino