Nói về "Tam tòng, Tứ đức" của người con gái thì ai cũng hiểu, vậy "Tam bất khả xuất là gì?

B.T sưu tầm, Sách Việt Nam phong tục | 05/07/2019 13:16



Hình minh họa
Thuở xưa, người phụ nữ bị ràng buộc bởi rất nhiều quy tắc, luật lệ của thời phong kiến. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, cũng có những điều luật sinh ra để bảo vệ phái yếu.


  • "Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen. Hoặc bởi phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra. Hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi mà dần dần tiêm nhiễm thành tục.

Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có tục hay, cũng có tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tín dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao đổi ngay đi được".
Phan Kế Bính (1875-1921)

VỢ CHỒNG

Tiếng gọi

Vợ chồng con nhà sang trọng gọi nhau bằng cậu mợ, thầy thông thầy phán thì gọi nhau bằng thầy cô, nhà thường thì gọi nhau bằng anh chị. Có con rồi thì gọi nhau bằng thầy em, đẻ em, nhà thô tục thì gọi nhau là bố cu mẹ đĩ, có người thì gọi bố nó mẹ nó, có người cả hai vợ chồng gọi lẫn nhau là nhà ta. Ở Quảng Nam thì vợ gọi chồng là anh, chồng gọi vợ là em. Ở Nghệ Tĩnh vợ chồng gọi là gấy nhông.

Đạo vợ chồng

Đạo vợ chồng cư xử với nhau, trọng nhất là hai chữ hòa thuận. Tục có câu rằng: "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn" nghĩa là có hòa thuận với nhau thì việc khó đến đâu, cũng làm nên được. Người chồng lại trọng nhất là phải giữ nghĩa với vợ, mà vợ thì phải giữ tiết với chồng.

Nghĩa vụ của người vợ

Người vợ trên phải phụng dưỡng cha mẹ chồng, có khi phải nuôi cả chồng; giữa thì giúp chồng lo lắng công kia việc khác, gánh vác giang sơn cho nhà chồng; dưới thì săn sóc nuôi con, thế mới gọi là nội trợ.



Tứ đức

Lại phải đủ tứ đức mới gọi là hiền. Tứ đức là: phụ dung, phụ công, phụ ngôn, phụ hạnh.
Phụ dung là dáng người đàn bà, dáng phải chính đính hòa nhã, nhưng cũng phải chải chuốt cho gọn gàng sạch sẽ.
Phụ công là nghề khéo của người đàn bà, nghề khéo thì chẳng qua trong việc vá may thêu dệt, và biết buôn bán mà thôi, ai giỏi nữa thì biết đủ các việc cầm kỳ thi họa là cùng.





Phụ ngôn là lời ăn tiếng nói của người đàn bà, ăn nói phải khoan thai, dịu dàng; đừng câu cẩu mà cũng đừng the thé, quý hồ mềm mỏng cho ai cũng dễ nghe.
Phụ hạnh là nết na người đàn bà, nết na thì đến trên kính dưới nhường, ở trong nhà chiều chồng thương con, và lấy nết hiền hậu mà ở với anh em họ hàng nhà chồng. Ra ngoài thì nhu mì chín chắn, không hợm hĩnh mà cũng không cay nghiệt với ai.
Ấy là tứ đức, có đủ chừng ấy mới là người đáng khen.

Tam tòng

Đàn bà lại có nghĩa tam tòng nữa. Tam tòng là: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.
Nghĩa là khi người đàn bà còn ở nhà thì theo cha mẹ, khi đã đi lấy chồng thì theo chồng, khi chồng mất rồi thì theo con.


Cho nên tục ta đi lấy chồng thì dù hay, dở, sống, chết thế nào cũng là người nhà chồng, chỉ nương nhờ về chồng con, chớ không nương nhờ ai được nữa. Cũng vì nghĩa ấy mà người đàn bà phải hết lòng hết sức lo cho chồng con, tức là lo cho mình.

Nghĩa vụ của người chồng

Nghĩa vụ của người chồng đối với vợ thì chỉ ở cho đúng đắn, biết thương yêu vợ, biết quý trọng vợ, nhất là có tài trí, khiến cho vợ được nương nhờ sung sướng là hơn cả.
Thứ nhì là vợ chồng đồng tâm hiệp lực, kẻ lo việc ngoài, người lo việc trong, cho việc gia đình chỉnh đốn đâu ra đấy, mà đừng để khổ sở vất vả riêng cho một mình vợ. Còn người quanh năm chí tối, chỉ trông cậy về vợ thì gọi là người hèn.

Quyền người chồng

Tục ta trọng nam khinh nữ, quyền người chồng bao giờ cũng nặng hơn quyền vợ. Một là tiền của. Tiền của, của hai vợ chồng làm ra, hoặc của người chồng hay là do người vợ làm ra, cũng gọi là của chồng cả. Có câu rằng: "Giai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm vạn cũng thể nhờ chồng".


Hai là việc giao thiệp. Ta chỉ người đàn ông có quyền giao thiệp với người ngoài, chớ đàn bà thì không được dự gì đến việc nọ việc kia cả. Cho nên từ trong họ, đến ngoài làng, cho đến việc tiếp khách, các việc ứng tiếp với xã hội, cũng không việc gì dự đến đàn bà. Ta vì tục ấy mà đàn bà ít kiến thức, tựa như một phần người vô dụng ở đời.

Ba là quyền tự do. Ta chỉ người đàn ông được tự do, nghĩa là muốn chơi bời gì thì chơi, muốn đi lại đâu thì đi lại, người vợ không có quyền ngăn cấm được, mà vợ hơi có điều gì trái gia pháp thì chồng có thể chửi được. Chồng có thể lấy năm, bảy vợ, mà vợ chỉ được phép lấy một chồng.
Có câu rằng: "Tài giai lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ có một chồng". Đây là nói đại khái, chớ quyền gì thì chồng cũng hơn. Thất xuất. - Đàn bà ở với chồng, bảy điều nên phải đuổi gọi là thất xuất:

1. - Không con,
2. - Dâm dật,
3. - Không thờ cha mẹ chồng,
4. - Lắm điều,
5. - Trộm cắp,
6. - Ghen tuông,
7. - Có ác tật.

Đàn bà lấy chồng, trọng nhất là việc nối dõi tông đường, không có con thì chồng phải lấy vợ khác, cho nên phải bỏ. Dâm dật là một nết hư. Không thờ phụng được cha mẹ chồng là bất hiếu. Lắm điều thì chua ngoa khó chịu. Trộm cắp thì là có tính gian phi. Ghen tuông thì mất tính hiền hậu. Có ác tật thì không đương nổi việc nhà, và e truyền nhiễm cho người trong nhà chăng.
Các điều ấy cũng khó dung, cho nên phải đuổi.

Tam bất khả xuất
Trong phép có ba điều không được đuổi:

1. - Đàn bà từng để tang ba năm nhà chồng,
2. - Trước nghèo sau giàu,
3. - Ở nhà chồng thì được mà về nhà mình thì không có chỗ nào nương tựa.

Đàn bà đã để tang cha mẹ chồng ba năm là đã giúp chồng trong sự báo hiếu rồi, ấy cũng là có công với chồng, nếu bỏ thì chẳng những bạc tình, mà lại là người bất hiếu với cha mẹ nữa. Trước mới lấy nhau thì nghèo, mà sau rồi mới giàu có, thì là đường sinh lý cũng có nhờ giúp đỡ mới nên.
Nếu bỏ đi thì là người phụ công. Đàn bà chỉ nhờ chồng con và nhờ cha mẹ được thôi. Nếu cha mẹ người vợ mất rồi mà đuổi đi thì người ta nương nhờ vào đâu, thế là bất nghĩa, cho nên không đuổi.

* Bài viết được biên tập theo sách Việt Nam phong tục của tác giả Phan Kế Bính, Nhã Nam với mục đích chia sẻ thêm nhiều kiến thức về các phong tục cổ xưa của dân gian Việt Nam.