KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA

PHẨM PHỔ MÔN QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT THỨ HAI MƯƠI LĂM

Giảng giải: (chữ thường là Hòa Thượng Tuyên Hóa Tổ Sư Giác Ngộ Đời Thứ 9 Của Quy Ngưỡng Thiền Tông giảng giải)

KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA gồm có bảy quyển, chia thành hai mươi tám phẩm. Phẩm Phổ Môn là phẩm thứ hai mươi lăm, Phẩm Phổ Môn diễn bày công đức thần thông diệu dụng và cảnh giới không thể nghĩ bàn của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Có mười nhân duyên nói phẩm Phổ Môn này; đó là 1) Nhân Pháp, 2) Từ Bi, 3) Phước Huệ, 4) Chơn Ứng, 5) Dược Châu, 6) Hiển Mật, 7) Quyền Thật, 8) Bản Tích, 9) Duyên Liễu, và 10) Trí Ðoạn.

1. Nhân Pháp: "Nhân" có nghĩa là người, và ở đây chính là Bồ Tát Quán Thế Âm; còn "Pháp" chính là pháp môn Phổ Môn Thị hiện.

Bồ Tát Quán Thế Âm có thể cứu chúng sanh thoát khỏi bảy thứ tai nạn, giải trừ ba thứ độc, và đáp ứng hai điều mong cầu của chúng sanh; cho nên Ngài là một nhân vật không thể nghĩ bàn. Ngài lại nói pháp Phổ Môn Thị Hiện, có cầu tất ứng, vô cảm bất thông. "Pháp" này là một pháp môn không thể nghĩ bàn; vì không thể nghĩ bàn nên gọi là Diệu-pháp. Vì Nhân (người) ở đây cũng không thể nghĩ bàn, cho nên cũng có thể gọi là Diệu nhân. Là Diệu nhân, Diệu-pháp mới đáng gọi là Phổ Môn, mới có thể xưng là Thật-tướng-phù. Vậy, do nhân duyên của Nhân và Pháp, nên nói Phẩm Phổ Môn.

2. Từ Bi: do nhân duyên của Từ và Bi nên Bồ Tát Quán Thế Âm nói Phẩm Phổ Môn này. Sao gọi là "Từ?" Từ hay ban vui. Sao gọi là "Bi?" Bi hay cứu khổ.

Bồ Tát Quán Thế Âm cứu bảy thứ nạn, giải trừ ba thứ độc và đáp ứng hai thứ mong cầu của chúng sanh.

Bảy thứ nạn này trong kinh văn nói rất tỉ mỉ; đó là nạn lửa, nạn nước, nạn quỷ La-sát (gió bão), nạn đao gậy, nạn ác quỷ, nạn gông cùm (lao tù), và nạn oán tặc.

Ba thứ độc là gồm những thứ nào? Ðó là ba độc tham, sân, si.

Hai điều cầu mong tức là cầu mong sanh con trai và cầu mong sanh con gái.

Trong mọi chúng sanh đều có ba thứ độc tham, sân, si. Tuy nhiên, nếu người nhiều tham, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa tham. Nếu người nhiều sân, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa sân. Nếu người nhiều si, thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì được lìa si.

Thứ tham này nếu kể hết ra thì rất nhiều, sân cũng không ít, còn si thì không nhiều mà cũng chẳng ít. Nói nó nhiều thì cũng không hẳn là nhiều, nói nó ít thì cũng không phải là ít. Sao gọi là si, hoặc ngu si? Do thiếu trí huệ, không am hiểu sâu xa, không lãnh hội được hàm ý, thấy lý mà thấy không đúng (kiến lý bất chân), nên gọi là ngu si. Vì ngu si, dầu thấy được lý luận ấy không chính xác, biết nó là thế mà không biết tại sao như thế.

Căn cứ vào học thuyết của Vương Dương Minh, một học giả người Trung Hoa, thì người ngu si là người không thể tri hành hợp nhất. Theo ông, người ấy sở dĩ không làm là bởi người ấy không biết; nếu biết, thì người ấy sẽ làm ngay. Ông lại cho rằng, kẻ biết mà không làm, đó là do chưa thật biết; nếu kẻ ấy biết thật, thì nhất định sẽ làm ngay.

Vương Dương Minh là một học giả rất nổi tiếng ở Trung Hoa, học thuyết của ông là Tri Hành Hợp Nhất - biết và làm là một - nếu người thật biết thì nhất định sẽ thật hành; chỉ vì không biết, người ấy mới không làm. Ðiều này cũng có nghĩa là kẻ chân chánh hiểu biết, thì không làm những việc ngu si. Tại sao có người làm việc ngu si? Bởi vì người ấy không hiểu, không biết rõ. Cho nên tôâi nói đây là thấy không đúng lý.

Có bài thơ về người ngu si như sau:

Hoa đẹp sáng sáng đều xinh tươi,

Trăng sáng ngại gì mỗi đêm tròn,

Ðại địa có suối đều thành rượu,

Rừng già không cây chẳng lay tiền.

Người ham thích hoa sanh tâm ngu si nói: "Tôi muốn đóa hoa này mãi mãi xinh tươi, chẳng tàn phai; sáng sáng đều đẹp như thế này."

Người tham trăng tròn thì nói: "Trăng sáng nào ngại mỗi đêm tròn? Tối hôm qua trăng tròn thật đẹp, nếu trăng mỗi đêm đều tròn như thế cả thì tốt biết bao! Mỗi đêm ra ngoài trời ngắm trăng, ánh trăng sáng ngời cũng đủ, không cần phải dùng đèn điện, vừa bớt tốn tiền, mà dùng ánh sáng thiên nhiên còn tốt nữa!"

Như thế không phải là ngu si sao? Trăng có tròn có khuyết, hoa có nở có tàn. Hoa nở thì phải có lúc hoa tàn, trăng tròn thì phải có lúc trăng khuyết, đó là luật tuần hoàn của trời đất.

Người thích uống rượu lại nghĩ: "Mỗi ngày tôi đều đi mua rượu, mà whisky hoặc brandy thì rất đắt. Nếu tất cả ao nước trên trái đất này đều biến thành ao rượu, để khi nào tôi thèm rượu thì chỉ việc đến ao múc lên uống, thật tiện lợi biết bao!"

Còn kẻ tham tiền thì mơ mộng: "Mình bây giờ phải đi làm kiếm tiền, thật là quá sức vất vả. Ước gì tất cả cây cối đều biến thành 'cây tiền,' trên cây kết toàn những đĩnh vàng đĩnh bạc và tiền đô-la, để khi mình cần tiền thì chỉ việc hái xuống tiêu xài, thật tiện lợi biết bao!"

Những ước muốn không thể thực hiện được ấy đều là những ảo tưởng ngu si. Lại lấy một ví dụ dễ hiểu nhất. Như có người không có đi học, thậm chí cũng chưa học tiểu học-trung học thì khỏi nói rồi-nhưng lại muốn được một học vị Tiến sĩ ở đại học. Quý vị nói việc này có hợp lý không? Chưa học qua tiểu học, thì học vị Tiến sĩ làm sao cấp cho anh ta được?

Lại còn có những người, không làm ruộng bao giờ, song đến vụ mùa lại muốn thu hoạch như thiên hạ! Ðó đều là ngu si! Thậm chí có người không mua vé số mà lại mong trúng lô độc đắc, quả là một ý tưởng quá ngu si! Thế nhưng, đa số người đời đều mắc phải chứng bịnh vọng tưởng "không làm mà muốn có ăn." Vậy thì phải làm sao? Có thứ bịnh này thì cần phải sửa đổi đi mới được.

Bồ Tát Quán Thế Âm cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai điều mong cầu, đó là đại bi. Ngài lại làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh, khiến cho chúng sanh lìa khổ được vui, đó là Ðại từ. Vì nhân duyên đại từ đại bi, nên Ngài nói phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn này.

3) Phước Huệ: Bồ Tát Quán Thế Âm sở dĩ có thể "tầm thanh cứu khổ," phân biệt được mọi âm thanh khác nhau của thế gian-tiếng thiện, tiếng ác, tiếng khổ, tiếng vui, tiếng phải, tiếng quấy-là vì Ngài có trí huệ chơn chánh.

Trí huệ của Ngài do đâu mà có? Là vì Ngài bố thí Phổ Môn, nhờ đem pháp ấy ban phát cho chúng sanh, cho nên Ngài được phước báo này-phước đức trang nghiêm. Vì thế nói là do nhân duyên Phước Huệ mà nói Phẩm Phổ Môn.

4) Chơn Ứng: "Chơn" là Bồ Tát Quán Thế Âm dùng diệu lực của chơn thân Ngài để giải cứu bảy nạn, giải trừ ba độc, thỏa mãn hai điều mong cầu của chúng sanh. Ngài lại thị hiện ba mươi hai Ứng hóa thân-cũng gọi là Ứng thân-để giáo hóa chúng sanh; vì thế nên có nhân duyên Chơn Ứng này.

5) Dược Châu: Tại sao gọi là "Dược?" "Dược" đây chính là Dược-vương-thọ. Sao lại gọi là Dược-vương-thọ? Cách đây thật lâu xa, có một người lên núi đốn củi gánh về bán ở chợ. Một vị thầy thuốc nọ thấy trong gánh củi của anh ta phát ra ánh sáng, bèn mua hết gánh củi đó. Về nhà, vị ấy dở củi ra xem thì thấy bên trong có một khúc cây Dược-vương. Sau khi vị thầy thuốc được Dược-vương-thọ rồi, gặp bất cứ bịnh gì, chỉ cần lấy Dược-vương-thọ gõ nhè nhẹ trên thân người bịnh, hoặc đánh nhẹ một cái thì bịnh liền hết, cứu được không biết bao nhiêu người. Chính vì thế mà gọi là Dược-vương-thọ.

Tại sao gọi là "Châu?" "Châu" đây chính là Như Ý bảo châu. Sao gọi là Như Ý bảo châu? "Như ý" là vừa lòng toại ý, cũng chính là khiến cho quý vị vui thích vừa ý, thỏa mãn sự yêu cầu của quý vị, đáp ứng mọi ước muốn của quý vị.

Nếu quý vị muốn ăn món chi thì Như Ý châu liền hiện ra món ấy, quý vị chẳng cần phải đi mua. Nếu muốn mặc bộ đồ đẹp, chỉ cần đối với Như Ý châu mà nghĩ rằng: "Tôi muốn có một bộ đồ thật đẹp, ít có trên đời," bấy giờ Như Ý châu liền hiện ra bộ đồ đúng như ý quý vị mong muốn. Thậm chí quý vị muốn có nhà ở, nó cũng có thể hiện ra được. Quý vị ao ước: "Tối nay tôi muốn ở một căn nhà thật sang trọng" thì bảo châu này liền hiện ra căn nhà như ý quý vị muốn. Sau khi ở một đêm, sang ngày thứ hai, căn nhà tự động trở về lại trong Như Ý châu.

Quý vị muốn ăn thức gì, Như Ý châu liền hiện ra thức ấy, phân lượng vừa đủ, không thừa không thiếu. Về y phục, quý vị cũng không cần phải sắm giá áo, chỉ cần cởi ra thì y phục ấy tự động trở về trong Như Ý châu. Vì thế, hạt châu ấy được gọi là "Như Ý," toại lòng vừa ý, thật là mầu nhiệm. Như Ý châu bao lớn? Hạt châu này rất nhỏ, có thể tùy tiện đem theo bên mình; nó lại không nặng và không choán chỗ.

Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm cũng giống như Dược-vương-thọ và Như Ý châu vậy, có thể làm cho mọi người được toại nguyện, vừa lòng. Chỉ cần quý vị đọc tụng Phẩm Phổ Môn thì cầu mong việc chi cũng sẽ được mãn nguyện. Nhưng không phải là hôm nay tụng niệm, ngày mai liền có hiệu quả. Cần phải trước tiên sửa soạn một cơ sở thật ổn định, giống như cất nhà lầu, trước tiên phải làm nền móng cho thật chắc chắn; nền móng không vững chắc thì nhà lầu không có cách gì xây lên được.

Phổ Môn Phẩm tuy có cảm ứng linh thiêng chẳng khác gì Dược-vương-thọ và Như Ý châu, cũng mầu nhiệm không thể nghĩ bàn như thế, nhưng trước tiên quý vị cần phải trì tụng Phẩm Phổ Môn. Quý vị phải mỗi ngày mỗi tụng niệm, tụng niệm cho đến chừng nào Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn nhận là quý vị hợp cách, có lòng thành, thì sau đó quý vị cầu điều chi cũng đều được như ý mãn nguyện. Không thể nào lúc bình thường chẳng hề tụng niệm, đến khi muốn cầu cảm ứng thì tức khắc có cảm ứng ngay được. Do vậy, lúc bình thường quý vị cũng phải nhất định dụng công tu hành, để đến khi cần thì Phẩm Phổ Môn sẽ thị hiện những sự vi diệu không thể nghĩ bàn giống như cây Dược-vương và ngọc Như Ý vậy. Nhưng trước hết, chính bản thân quý vị cần phải thường xuyên trì tụng mới được!

Có người nói: "Trong Phật giáo có quá nhiều điều phải học! Ðã tụng chú Lăng Nghiêm, chú Ðại Bi, bây giờ lại phải tụng thêm Phẩm Phổ Môn nữa. Thế thì nhiều thời khóa quá, chúng tôi làm sao có đủ thời giờ?"

Quý vị không cần quá nhiều thời gian, chỉ cần mỗi ngày quý vị ngủ ít đi một tiếng đồng hồ, bớt nói chuyện một tí, thì công khóa này có thể thực hiện được ngay. Nếu quý vị không muốn được toại lòng vừa ý, nói rằng: "Tôi không mong cầu điều chi cả. Tôi không có tâm tham, cũng không có tâm sân hoặc tâm si!" Với những lý do đó, quý vị chẳng cần phải tụng niệm và như thế thì không còn gì để nói nữa!

Tuy nhiên, nếu quý vị cảm thấy trong tương lai, mình có thể sẽ gặp một biến cố nào đó, muốn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát hoặc Phật giúp đỡ cho, thì quý vị phải học nhiều Phật-pháp hơn một tí nữa. Phật-pháp ví như biển cả mênh mông, quý vị một giọt cũng chưa uống mà vội sợ nhiều, thì tương lai nhất định không thể nào uống hết nước trong biển cả ấy được. Nhưng chỉ cần quý vị cố gắng hết sức mình, cần bao nhiêu thì cứ uống bấy nhiêu. Phật-pháp là kho báu vô tận, dùng hoài không hết, cho nên quý vị hãy cố đem hết sức mình mà vận dụng Phật-pháp.

Vậy, do ý nghĩa Dược Châu nên nói Phẩm Phổ Môn.

6) Hiển Mật: "Hiển" là hiển lộ rõ ràng; "Mật" là bí mật kín đáo. Quý vị trì tụng Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm thì có lúc được sự cảm ứng rõ ràng, và cũng có lúc được sự cảm ứng âm thầm.

Cảm ứng rõ ràng tức là sự cảm ứng mà mọi người đều có thể nhìn thấy, đều biết được. Ví như việc Quán Thế Âm Bồ Tát cứu giúp chúng sanh, trong Phẩm Phổ Môn có nói: "Dầu vào lửa lớn, lửa chẳng đốt được."

Trong Kinh Lăng Nghiêm, khi Quán Thế Âm Bồ Tát thuật về Nhĩ căn Viên thông, có nói: "Lửa không thể đốt vì tánh lửa là chơn không, tánh không là chơn hỏa."

Ví dụ như quý vị đang ngồi trong phòng, nhất tâm nhất ý niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, bất ngờ có hỏa hoạn xảy ra. Lúc ấy, chỉ cần quý vị có thể thành tâm niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì dù cho nhà bên cạnh có bị cháy, nhà của quý vị vẫn được vô sự. Nhưng đó phải là vô ý chứ không phải cố ý!

Nếu quý vị cố ý nổi lửa đốt thử để xem nhà mình có bị cháy không, thì nhất định phải cháy rồi! Tại sao thế? Vì quý vị vốn có ý muốn thử Quán Thế Âm Bồ Tát! Bởi quý vị không có lòng tin chắc chắn nên mới thử Ngài như thế. Giống như quý vị có một người bạn chẳng hạn, vì muốn biết người bạn ấy có thật tâm với mình không, có phải là hạng người tốt, "gặp vàng không chóa mắt" hay chăng, bèn đợi khi người bạn đến chơi rồi cố ý đánh rơi dưới đất năm trăm đô-la và tự nhủ: "Nếu anh ấy là người tốt thì dù biết mình không trông thấy, anh ấy cũng sẽ không lấy số tiền kia."

Tại sao quý vị lại muốn thử thách bạn của mình? Chính là vì quý vị chưa có được sự nhận định đúng đắn về người bạn ấy, không biết anh ta có phải thật là người tốt không, cho nên mới thử nghiệm như vậy.

Trong kinh, Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, có nói rằng: Dầu vào lửa lớn, lửa chẳng đốt được. Về việc này, nếu quý vị không tin chút nào, thì Quán Thế Âm Bồ Tát cũng chẳng để ý đến những chuyện không đâu của quý vị. Quý vị muốn nhảy xuống biển tự tử, nói rằng: "Tôi nhảy vào trong biển lớn để xem có gặp chỗ cạn hay không?" Quý vị muốn thử nghiệm để xem thần thông diệu dụng của Quán Thế Âm Bồ Tát, điều đó chứng tỏ rằng quý vị không có lòng tin đối với Ngài. Nếu đối với Bồ-tát mà quý vị không có lòng tin, thì Ngài có thể cũng chẳng muốn để ý đến những việc không đâu của quý vị.

Quý vị ngụy biện: "Nếu không thử nghiệm, làm sao tôi biết được việc ấy là thật hay giả?" Quý vị biết việc ấy là thật, thì thế nào? Mà không biết việc ấy là thật, thì đã làm sao? Quý vị biết rồi, thì ngày ngày cũng vẫn phải ăn cơm, mặc quần áo, mới có thể sống được; thế thì quý vị cần gì phải làm thêm một việc thừa nữa?

Sự cảm ứng hiển lộ rõ ràng thì mọi người đều biết. Như nhà kế bên cháy mà nhà mình không cháy; đó không phải là hiển lộ rõ ràng sao? Ai nấy đều biết rõ: "A! Người ấy nhờ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát nên được sự cảm ứng đấy! Tin Phật thật là có sự mầu nhiệm." Ðó là sự cảm ứng hiển lộ.

Lại còn có sự cảm ứng bí mật nữa. Ví dụ đáng lẽ quý vị phải gặp tai nạn hoặc té xuống biển bị nước cuốn, nhưng trong vô hình, được sự cảm ứng từ Quán Thế Âm Bồ Tát, quý vị không phải gặp sự nguy hiểm ấy nữa. Trong thầm kín, Ngài làm cho tai nạn của quý vị tiêu mất đi, mà ngay cả quý vị cũng hoàn toàn không hay biết; đó gọi là sự cảm ứng bí mật.

Như có người đáng lẽ bị chết thiêu trong trận hỏa hoạn, nhưng nhờ người ấy tin tưởng Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài bèn âm thầm giải trừ tai nạn cho. Ðó cũng là sự cảm ứng bí mật.

Thậm chí quý vị đang ngồi trên phi cơ, lẽ ra phi cơ bị trục trặc - giao thông hiện nay tuy rất tiện lợi, song số người tử vong do phi cơ, xe lửa, xe taxi... gây ra cũng rất nhiều-nhưng quý vị nhờ tụng phẩm Phổ Môn, nhờ niệm chú Ðại Bi, nhờ tin tưởng ở Quán Thế Âm Bồ Tát, nên Ngài âm thầm, không để cho ai biết, lặng lẽ giúp quý vị "chuyển rủi thành may." Ðó gọi là "gặp hung hóa kiết, biến nguy thành an."

Nhân có sự quan hệ Hiển Mật cho nên nói Phẩm Phổ Môn. Phẩm này có Hiển Mật Viên thông-Hiển cũng viên thông mà Mật cũng viên thông; bởi Hiển Mật đều viên thông cả, nên công đức của Phẩm Phổ Môn là không thể nghĩ bàn.

Phẩm Phổ Môn có vô số diệu dụng, chú Ðại Bi cũng có những diệu dụng như thế. Bây giờ tôi kể một việc cảm ứng xảy ra ở quê tôi cho quý vị nghe.

Ở Ðông Bắc (Mãn Châu) quê tôi, có một người nông dân rất giàu có. Mùa thu năm ấy, ông chất nông phẩm lên xe đem ra chợ bán; bán xong mang tiền về nhà. Khi còn cách nhà độ ba dặm đường, bất ngờ gặp phải đám thổ phỉ chặn đường đánh cướp. Người nông dân này thấy phía trước có cướp thì hốt hoảng than thầm: "Phải làm sao đây? Chạy trốn ư?" Nhưng bọn thổ phỉ nhìn thấy rồi, muốn trốn cũng không được; nếu không trốn thoát thì nhất định phải bị cướp. Ngay lúc ấy, ông ta niệm chú Ðại Bi, và chiếc xe ngựa của ông ta cứ thẳng đường tiến tới trước.

Khi xe ông tiến gần đến chỗ bọn thổ phỉ, thì từ trong đám thổ phỉ có một người bước ra, đi đến trước xe và nói: "Ông đưa roi cho tôi để tôi đánh xe cho!"

Ông nghe lời, đưa roi đánh xe cho người kia. Xe ông đi ngang qua chỗ đám thổ phỉ mà bọn họ dường như không thấy không nghe gì cả, cho nên ông không bị cướp. Ðợi xe chạy tới chỗ bọn thổ phỉ không còn thấy được nữa, người đánh xe giùm ấy trả roi lại cho ông và nói: "Bây giờ ông hãy đi đi, không có việc gì nữa đâu."

Ông nông dân ấy vì nhìn thấy người đánh xe giúp mình vốn từ trong đám thổ phỉ đi ra, nên cứ đinh ninh anh ta cũng là thổ phỉ, mới nói: "Thưa tiên sinh, hôm nay nhờ tiên sinh cứu giúp mà tôi khỏi bị nạn cướp, dám hỏi quý danh tiên sinh là chi? Hiện ở đâu? Tương lai tôi sẽ đến quý phủ hầu bái tạ."

Người kia đáp: "Tôi tên là A Thệ Dựng."

Quý vị niệm chú Ðại Bi ắt đều biết rõ, trong chú Ðại Bi không phải có một vị Hộ pháp tên là A Thệ Dựng sao? Trong đồ hình, vị Hộ pháp ở phía sau vai có hai cánh, tên là A Thệ Dựng. Nhưng đương lúc ấy, người nông dân lại tự hỏi: "Ồ, A Thệ Dựng là ai vậy kìa?" Bấy giờ ông ta quên bẵng rằng "A Thệ Dựng" chính là một câu trong chú Ðại Bi và là tên của một vị Hộ pháp.

Tới chừng vị A Thệ Dựng ấy đi rồi, không còn nhìn thấy nữa, người nông dân mới sực nhớ ra: "À, đây không phải là vị Hộ pháp A Thệ Dựng trong chú Ðại Bi hay sao?" Song, khi ông nhớ ra thì tìm không thấy "A Thệ Dựng" nữa, chẳng biết là đã đi về đâu!

Trên đây là một trong những cảnh giới không thể nghĩ bàn của chú Ðại Bi. Nếu như người nông dân ấy nghĩ: "Ðể mình thử niệm chú Ðại Bi xem có linh nghiệm không," tất A Thệ Dựng sẽ không hiện thân đến cứu ông ta. Chính nhờ ông ta không có ý muốn thử nghiệm, mà chỉ một lòng tin tưởng: "Trì niệm chú Ðại Bi thì sẽ có thể gặp hung hóa kiết, đổi nguy thành an"; và quả nhiên ông ta được toại ý nguyện, không bị thổ phỉ cướp bóc.

7) Quyền Thật: Bồ Tát Quán Thế Âm dùng sức của Pháp thân mà lặng lẽ, bí mật cứu giúp chúng sanh, ấy là "Thật." Ngài lại dùng ba mươi hai Ứng hóa thân để giáo hóa chúng sanh, ấy là "Quyền." "Quyền" là phương tiện quyền xảo, cũng là phương pháp tạm thời, không phải là vĩnh viễn. Lại vì Bồ Tát Quán Thế Âm dùng nhân duyên Quyền Thật này, nên mới nói Phẩm Phổ Môn.

8) Bản Tích: Sao gọi là "Bản?" "Bản" là căn bản, "Tích" là dấu tích. Bồ Tát Quán Thế Âm dùng một Pháp thân mà độ khắp tất cả chúng sanh; Pháp thân ấy chính là "Bản." Ngài lại dùng Ứng hóa thân để giáo hóa chúng sanh; các thân đó chính là "Tích."

Pháp thân của Bồ Tát Quán Thế Âm ví như vầng trăng sáng; còn "tích" của Ngài ví như bóng trăng soi trên ngàn sông nước. Ấy gọi là: "Nước đẫy ngàn sông ngàn ánh trăng." Chỉ có một vầng trăng sáng chiếu soi các dòng sông, mà tất cả những bóng trăng trong các dòng sông đều là từ bản thân của một mặt trăng duy nhất này huyễn hiện ra. Trăng trong nước chính là nước, là "tích;" còn mặt trăng trên trời chính là "bản."

Do nhân duyên Bản Tích mà nói Phẩm Phổ Môn.

Bồ Tát Quán Thế Âm dùng một Pháp thân mà thị hiện khắp trong tâm của tất cả chúng sanh, khiến cho họ đều cải quá tự tân, hồi tâm hướng thượng, lìa khổ được vui, rốt ráo thành Phật.

Giảng đến đây có người nói: "Hèn gì! Sở dĩ tôi không cải quá tự tân là vì Bồ Tát Quán Thế Âm không thị hiện ở tâm tôi, khiến tôi gây ra biết bao lỗi lầm, lại còn không chịu sửa đổi nữa."

Người nghiện thuốc lá thì nghĩ rằng: "Có lẽ là vì Bồ Tát Quán Thế Âm không gia bị tôi, không muốn giúp tôi cai thuốc."

Người thích uống rượu thì nói: "Tôi muốn học Phật pháp, nhưng đáng tiếc là tôi cai rượu không được. Ðó là lỗi của Bồ Tát Quán Thế Âm, vì Ngài không chịu giúp đỡ tôi."

Họ nghĩ như thế rồi sanh lòng oán trách Bồ Tát Quán Thế Âm: "Bồ Tát Quán Thế Âm thật bất công! Tại sao Ngài giúp đỡ người ta mà không giúp đỡ tôi?"

Ðiều này thật là ngu lại càng ngu, thành ra hai cái ngu si chồng chất lên nhau. Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại không gia bị quý vị? Ðó là do quý vị không chịu nghe lời giáo hóa của Ngài đấy thôi. Quý vị nghe thấy danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì phải cải quá tự tân, phải thanh lọc đầu óc của mình đi. Ðồng thời, cần phải hiểu rằng:

Hiểu dĩ vãng là không kể đến,

Biết vị lai có thể truy tìm.

Mọi người đều phải biết rằng việc quá khứ thì đã qua rồi, kể như xong; còn tương lai thì sắp đến, chúng ta có thể sửa đổi để đi theo con đường chân thiện. Nhưng quý vị rõ biết mà cố phạm thì tội ấy càng chồng chất thêm. Vì thế, oán trách Bồ Tát Quán Thế Âm không bảo hộ quý vị là một điều quá lầm lạc! Bồ Tát Quán Thế Âm lúc nào cũng muốn bảo hộ quý vị, nhưng tiếc thay, cửa lòng quý vị đóng chặt, không để cho Ngài tiến vào. Bồ Tát Quán Thế Âm chỉ có nước thở dài: "Ôi! Chúng sanh này thật là đáng thương biết bao!" Vì thế quý vị không nên trách Bồ Tát Quán Thế Âm, mà phải tự trách mình đã thiếu nhiệt tâm.

9) Duyên Liễu: "Duyên" là duyên nhân, "Liễu" là liễu nhân. Sao gọi là "Liễu nhân?" Ấy là cái nhân này đã kết liễu, đã dứt hết. Cũng có thể nói "liễu nhân" tức là hiểu rõ nguyên nhân.

Trong khóa tu học mùa hè năm nay (1968), mọi người đều thức dậy rất sớm và tận dụng từng giây từng phút để học Phật-pháp. Những người ở xa thì thức dậy từ lúc bốn giờ khuya để có thể đến đây tham Thiền và nghiên cứu kinh điển. Có những người đang theo học Cử nhân, Tiến sĩ tại trường Ðại học Washington ở Seattle, cũng đến tham gia khóa tu học này. Ðiều đó chứng tỏ rằng họ đã nhận thức được tầm quan trọng của Phật-pháp. Tại sao họ từ những nơi quá xa xôi như vậy mà chịu khó đến tận đây (San Francisco) để tham Thiền, học tập kinh tạng, nghiên cứu Phật-pháp? Chính là vì họ muốn "liễu" cái "nhân" ấy. Nghe kinh chính là chủng tử của "liễu nhân;" quý vị có nhân duyên nghe kinh, đó là "duyên" của nhân. Vậy, vì nhân duyên Duyên Liễu nên nói Phẩm Phổ Môn này.

10) Trí Ðoạn: Bồ Tát Quán Thế Âm dùng trí huệ, trí đức trang nghiêm của Ngài để giáo hóa chúng sanh, quả vị của Ngài là trang nghiêm trí huệ.

"Trí" là Trí đức của Huệ, tức là đức hạnh của trí. "Ðoạn" là Ðoạn đức, tức là đoạn trừ, cắt đứt tất cả vô minh. Ðoạn đức còn được gọi là Phước đức. Nhân vì Ngài đoạn trừ được vô minh, nên có được phước đức trang nghiêm chân chánh.

Ðức Phật thì đầy đủ cả phước lẫn huệ; Bồ Tát Quán Thế Âm mặc dù là Bồ-tát, nhưng Ngài có phước đức trang nghiêm và cũng có huệ đức trang nghiêm. Cho nên, "Trí huệ" cũng gọi là "Phước huệ."

Trên đây là mười nhân duyên nói phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn, phẩm thứ hai mươi lăm của bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Trước khi nghiên cứu phần kinh văn, chúng ta hãy tìm hiểu về danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi tin rằng Quán Thế Âm Bồ Tát rất quen thuộc đối với tất cả quý vị, bởi Ngài là một vị Bồ-tát đại từ đại bi và rất có nhân duyên với chúng sanh chúng ta.

Quán là "năng quán chi trí"- trí huệ năng quán, trí huệ dùng để quán xét. Thế Âm là cảnh giới sở quán-các âm thanh của thế gian chính là cảnh giới được quán xét.

Bất luận âm thanh nào của thế gian, Quán Thế Âm Bồ Tát cũng đều nghe biết cả. Ngài biết rõ từng âm thanh một của mỗi chúng sanh; vì sao? Vì Ngài không ngừng quán sát các âm thanh đó. Suốt ngày, Ngài hết xem xét nơi này lại xem xét nơi khác, tìm xem có âm thanh gì hay không.

Âm thanh vốn phải lắng nghe mới phải, vì sao ở đây lại nói là "xem?" Âm thanh mà có thể "xem," có thể "thấy" được ư? Chúng ta thì không thể, song Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể "thấy" được âm thanh. Ngài nhìn thấy âm thanh như thể chúng được ghi nhận trên màn ra-đa, và mỗi chúng sanh được ký hiệu bằng một ánh chớp nhỏ (blip) trên màn ảnh ra-đa. Ngài có thể theo dõi từng âm thanh của quý vị. Ðó là một cách giải thích.

Lại có thể giải thích rằng: Quán Thế Âm Bồ Tát có khả năng nghe bằng mắt và thấy bằng tai! Mặc dầu chúng ta nói là Ngài quán sát các âm thanh của thế gian, Ngài cũng có thể nghe bằng mắt được! Ngài không chỉ dùng mắt để nhìn mà còn có thể dùng mắt để nghe nữa. Vì sao ư? Bởi vì Ngài có thần thông Lục căn Hỗ dụng. Những người tu hành theo Kinh Pháp Hoa, đạt được cảnh giới Pháp Hoa Tam Muội, hoặc Lục căn Thanh tịnh, đều có được khả năng Lục căn Hỗ dụng; huống hồ là Quán Thế Âm Bồ Tát!

Cho nên, tai của Quán Thế Âm Bồ Tát có thể nói chuyện, có thể ăn uống; mắt của Ngài có thể nghe và cũng có thể suy nghĩ được nữa. Ðó là cảnh giới Lục căn Hỗ dụng mà Quán Thế Âm Bồ Tát đã chứng được từ lâu xa về trước; và nhờ vậy, Ngài có thể quán xét âm thanh của thế gian.

Có lẽ có người thắc mắc: "Tại sao Quán Thế Âm Bồ Tát lại đa sự, muốn ôm đồm nhiều việc quá vậy? Từ sáng đến tối nhọc lòng quán xét âm thanh? Ðể làm gì kia chứ?"

Quán Thế Âm Bồ Tát làm như thế là vì Ngài không thể bỏ mặc chúng sanh Ứ quý vị, tôi, và bao người khác nữa. Ngài xem tất cả chúng sanh như con vậy. Quán Thế Âm Bồ Tát chẳng khác nào một người mẹ luôn quan tâm đến con cái Ứ luôn để ý xem đứa này có khóc không, đứa kia có đói không, đứa nọ có lạnh khôngẨ, suốt ngày Ngài bận rộn trông nom chúng sanh chúng ta.

Có người thắc mắc: "Như thế thì Ngài giống như baby-sitter sao?"

Ðúng, cũng gần như là vậy. Có điều là Ngài không được trả lương! Ðó là điều thiệt thòi nhất cho Quán Thế Âm Bồ Tát! Chính vì không thể bỏ mặc chúng sanh, nên Ngài muốn quán xét các âm thanh của thế gian, để xem có chúng sanh nào đang chịu khổ sở thì Ngài giải trừ sự thống khổ cho chúng sanh đó, hoặc có loài chúng sanh nào gặp nạn thì Ngài giải trừ tai nạn cho loài chúng sanh đó.

Quán Thế Âm Bồ Tát "tầm thanh cứu khổ"Ứ Ngài lắng nghe tiếng kêu của chúng sanh mà đến cứu họ thoát khỏi khổ nạn. Nếu quý vị đang chịu khổ sở, thì chỉ cần niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, tất quý vị sẽ được "gặp rủi hóa may," và mọi sự được thuận lợi đúng như quý vị mong muốn. Ða số người đời không biết đến diệu pháp này, cho nên khi gặp chuyện nguy hiểm, bất trắc, họ không biết niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Nếu lúc gặp hiểm nguy mà quý vị có thể nhớ niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, quý vị sẽ được bình yên vô sự. Nếu quý vị ở trong đám cháy, lửa sẽ không thiêu đốt quý vị. Nếu quý vị té xuống chỗ nước sâu, nước không nhận chìm quý vị. Nếu quý vị không biết bơi, quý vị sẽ thấy mình tự nhiên được tấp vào chỗ cạn. Ðó là do sức cảm ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát. Lúc nguy cấp, chỉ cần quý vị có thể niệm danh hiệu của Ngài, chắc chắn sẽ được sự cảm ứng và được cứu thoát. Tuy nhiên, quý vị cần phải thật sự có lòng tin; không thể lưỡng lự, bán tín bán nghi được.

Giả sử quý vị bị ở trong đám cháy và vừa niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát vừa hoài nghi: "Có thật là Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ đến cứu mình không? Không có đâu! Làm gì có chuyện mầu nhiệm linh thiêng như thế được!" Vì một niệm nghi ngờ đó, Ngài không thể đến giải nguy cho quý vị được. Tại sao vậy? Bởi vì quý vị không tin, không có tín tâm đối với Ngài! Quý vị cần phải một lòng một dạ thiết tha tin tưởng: "Mình niệm danh hiệu của Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài chắc chắn sẽ đến cứu mình!" Hoặc nếu sắp bị cọp dữ vồ bắt ăn thịt, quý vị liền nhắm nghiền hai mắt và niệm "Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát..."; bỗng nhiên cọp sẽ không thể hả miệng ra được nữa. Ðó chính là nhờ thần lực của Quán Thế Âm Bồ Tát vậy.

Bồ-tát là "giác hữu tình," kẻ đi giác ngộ chúng hữu tình, giúp họ trở nên giác ngộ. Các ngài cũng là "hữu tình giác," những chúng hữu tình đã giác ngộ. Bồ-tát cũng còn được gọi là "Ðại Ðạo tâm chúng sanh, Khai sĩ, hoăc Hữu thượng sĩ. "

Kinh văn: (chữ đậm là Kinh văn)

Lúc bấy giờ ngài Vô Tận Ý Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng về Ðức Phật mà thưa rằng: "Thế Tôn! Bồ Tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm?"

Lúc bấy giờ chính là đương lúc ấy. Ðương lúc ấy là lúc nào? Chính là lúc Bồ Tát Vô Tận Ý ở trên hội Pháp Hoa hỏi về nhân duyên có tên gọi Quán Thế Âm Bồ Tát; cũng chính là lúc này, khi nói xong phẩm Diệu Âm Bồ Tát Bổn Sự, giờ đây là lúc nói Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn. Có vị Vô Tận Ý Bồ Tát. Sao gọi là Vô Tận Ý? Nói chung, có ba thứ vô tận:

1. Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu: Thế giới thì vô lượng vô biên, chúng ta không nên cho rằng thế giới này là cái mà chúng ta mắt thấy tai nghe được, đó là một thứ giới hạn của thế giới thôi. Không phải thế đâu! Thế giới này nhiều đến vô lượng vô biên, có thế giới này, thế giới khác,vô lượng thế giới; cõi nước này, cõi nước khác, vô lượng cõi nước, vô cùng vô tận, cho nên gọi là Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu.

Sao gọi là nhiễu nhiễu? Nhiễu là nhiễu loạn; nhiễu loạn là bất định; bất định cũng có nghĩa là động. Trần có nghĩa là không thanh tịnh, trên thế giới có rất nhiều vi trần. Thử nhìn khi mặt trời mới mọc, trong ánh dương quang thấy vô số vi trần đang lên lên xuống xuống trong không trung, lăng xăng lay động, chợt cao chợt thấp. Những vi trần này từ đâu đến? Bao nhiêu đất bụi ở thế giới này từ đâu có? Xét tận cội nguồn, truy cứu căn nguyên của vi trần này là vấn đề thật quan trọng. Tất cả vi trần này đều từ trong tâm của mỗi chúng sanh hiện ra. Tại sao? Vì trong tâm chúng sanh quá nhiều vọng tưởng. Vọng tưởng giống như vi trần lăng xăng không an, luôn luôn biến động. Chúng ta thử quan sát vọng tưởng nhiều vô số, chúng nhiều đến nỗi không thể tính đếm được. Có đếm cũng không biết là bao nhiêu! Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: "Trong một niệm có chín mươi sát-na." Sát-na là một khoảng thời gian rất ngắn, mà trong một sát-na lại có chín trăm lần sanh diệt, cho nên nói là "Thế giới vô biên trần nhiễu nhiễu."

2. Chúng sanh vô tận nghiệp mang mang: Thế giới là vô biên, nhân vì có thế giới cho nên cũng có chúng sanh. Chúng sanh là do các duyên hòa hợp mà sanh ra. Có rất nhiều thứ do nhân duyên hòa hợp mà sanh, đại khái có bốn thứ: Thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh. Tại sao có thai sanh? Thai nhân nơi tình mà có, thai sanh là vì có ái tình, nhân đó mà có ra sanh mạng mới. Noãn nhân tưởng mà sanh, đó là do tưởng mà thành hình. Thấp sanh là nương nơi ẩm ướt mà sanh, ở nơi chỗ có khí ẩm ướt cũng có thể sanh ra. Hóa sanh tức là biến hóa mà sanh ra, đó là sanh mạng tự nhiên biến hóa mà sanh ra chứ không nương vào duyên của cha mẹ. Nói kỹ hơn, có mười hai loại chúng sanh không ngoài tám thứ: Có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có sắc, chẳng phải không sắc, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng. Chúng sanh nhiều như vậy, cứu cánh là từ đâu mà có? Chúng sanh là từ Phật tánh mà ra. Vì thế mới nói: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật." Nhưng chẳng phải là nói chúng sanh chính là Phật, không cần tu hành cũng thành Phật. Nhưng nhất định phải dụng công tu hành tham thiền, học Phật-pháp... thì mới có thể phản bổn hoàn nguyên mới thành Phật được; không phải là nói chúng sanh hiện tại chính là Phật mà chẳng cần phải tu hành. Hiểu một cách đơn giản như thế chính là thứ tà tri tà kiến! Mà là cần phải tu học Phật-pháp, y giáo phụng hành mới có thể thành Phật được.

3. Ái hà vô để lãng thao thao: Ái hà là chỉ tình yêu nam nữ; chẳng những ở nhân loại nói yêu, mà ở dị loại như súc sanh cũng chấp mê không ngộ vì chữ "yêu" này, nhất là súc sanh lại càng không rõ lý hơn, cho nên tâm dâm dục của chúng nặng phi thường. Chúng nó từng giờ từng khắc đều nghĩ tưởng đến việc dâm dục. Nếu có thể sanh tâm quả dục, tự trong sạch tâm mình, cắt bỏ ái dục thì cách việc thành Phật không xa. "Ái hà" này thật không có đáy, càng chìm càng sâu, càng sâu càng chìm xuống nữa, nên là "vô để" (không có đáy). "Lãng thao thao" là thứ sóng dập dồn liên miên không dứt cũng như sóng nước vậy. Tại sao trong nước biển lại có sóng? Bởi vì trong tâm chúng sanh có sóng. Trong tâm chúng sanh có sóng là vì ái hà có sóng. Tâm ái này muốn bứt cũng bứt không đứt. Lại dùng dao bén muốn chặt đứt tình ái cũng không dễ gì. Nhưng nếu quý vị có trí huệ chân chánh thì giải quyết vấn đề này không khó, ấy gọi là "Gươm trí huệ dứt dây tình ái." Người không có trí huệ thì rớt trong biển ái, càng quậy càng sâu. Phải quậy đến bao giờ? Ðó là vì nó không có đáy, càng quậy càng sâu, càng sâu càng quậy, càng quậy càng chìm.

Do ba lý do nói trên nên Bồ Tát Vô Tận Ý muốn biến vô lượng thế giới này thành thế giới Cực Lạc, muốn giáo hóa vô tận chúng sanh đều được thành Phật, lại muốn lấp ái hà không đáy kia thành bằng phẳng. Cho nên Bồ-tát này gọi là Vô Tận Ý.

Bồ-tát là tiếng Phạn nói gọn, nói đủ là Bồ-đề Tát-đỏa. Theo nghĩa Trung Hoa thì "Bồ' là giác, "Tát" là tình. Bồ-đề là giác đạo, Tát-đỏa là hữu tình. Bồ-tát dùng đạo lý giác ngộ để giác ngộ tất cả hữu tình. Ðó là chính mình được khai ngộ, rồi muốn tìm cách dạy bảo mọi người cùng khai ngộ, ấy gọi là tự giác, giác tha. Những vị Bồ-tát này từ đâu đến? Bồ-tát là từ chúng sanh mà đến. Bồ-tát trước kia cũng là chúng sanh, cũng đủ tất cả tánh chúng sanh như chúng ta hiện nay, không có gì khác cả. Nhưng các ngài là người giác ngộ trong chúng sanh, là bậc giác ngộ trong chúng hữu tình, còn chúng ta đây lại là kẻ mê muội trong chúng sanh, hãy còn chưa giác ngộ. Nếu như hôm nay quý vị giác ngộ thì hôm nay là Bồ-tát, ngày mai quý vị giác ngộ thì ngày mai là Bồ-tát. Mà giác ngộ cái gì? Giác ngộ cái vô minh. Nếu quý vị biết vô minh từ đâu đến thì có thể phá trừ nó được ngay, đó là "giác" đấy. Nếu không phá được vô minh thì là "bất giác." Phá được vô minh thì Pháp tánh tự hiện bày, ái hà cũng khô cạn; ái hà khô cạn thì trí huệ hiện tiền. Ðó là giác ngộ đấy. Bồ-tát là giác ngộ hữu tình, mà cũng là hữu tình giác ngộ. Bồ-tát còn gọi là chúng sanh "đại đạo tâm," vì đạo tâm của các ngài rất lớn; còn gọi là Khai sĩ, vì các ngài có thể khai mở tâm ngu si của chúng sanh để hiển bày Phật tánh sẵn có.

Liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Ở trên hội Pháp Hoa, Vô Tận Ý Bồ Tát nghe Phật nói Phẩm Diệu Âm Bồ Tát Bổn Sự đã xong, liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình. Tại sao phải đứng dậy? Bất luận ở trong một hội trường lớn nào, khi quý vị muốn nói cần phải đứng dậy trước đã, chớ không thể ngồi tại chỗ rồi đưa tay lên hỏi. Như vậy là quá tùy tiện! Lúc ấy ngài Vô Tận Ý Bồ Tát muốn nói, Ngài chẳng những là đứng dậy mà còn trịch áo bày vai phải nữa. Tại sao phải để lộ vai phải? Ðó là để biểu lộ sự cung kính.

Chắp tay hướng về Ðức Phật. Tiếp theo, ngài Vô Tận Ý chắp hai tay lại mà thưa rằng:

Từ đoạn Lúc bấy giờ Bồ-tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch áo bày vai phải, chắp tay hướng về Phật mà thưa thưa rằng là do Tôn giả A Nan khi kiết tập kinh điển viết ra. Ðoạn này dùng để miêu tả nhân duyên của pháp hội này. Bắt đầu từ "Thế Tôn" là lời của Bồ Tát Vô Tận Ý nói.

Thế Tôn! Thế Tôn là bậc tôn quý của thế gian và xuất thế gian. Thế gian và xuất thế gian đều tôn kính Ngài.

Bồ Tát Quán Thế Âm do nhân duyên gì mà tên là Quán Thế Âm? Bồ Tát Vô Tận Ý sau khi bạch Thế Tôn, rồi nói: "Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần to lớn như thế, có nguyện lực từ bi to lớn như thế - Ngài có thể cứu được bảy nạn, giải ba độc, ứng hai thứ cầu, có mười bốân vô úy, mười chín lần thuyết pháp, thị hiện ba mươi hai ứng thân - do nhân duyên gì mà Ngài được gọi là Quán Thế Âm?" Do nhân duyên gì, cũng chính là hỏi rằng Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong quá khứ đã tu pháp môn gì mà tên của Ngài là Quán Thế Âm?

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: "Này thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh chịu các khổ não, nghe Bồ Tát Quán Thế Âm này nhất tâm xưng danh. Quán Thế Âm tức thời quán xét tiếng tăm kia, đều đặng giải thoát."

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Câu này là Tôn giả A Nan khi kiết tập kinh tạng y chiếu theo văn nghĩa mà viết ra. Thiện nam tử là tiếng Phật Thích-ca xưng gọi Bồ Tát Vô Tận Ý. Phật bảo: "Này Thiện-nam-tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sanh." "Nếu có," là lời giả thiết, là sẽ có mà chưa có, hiện nay chưa có, tương lai có thể sẽ có. Tương lai hoặc là có trăm ngàn vạn ức chúng sanh. Những chúng sanh này gồm có mười hai loại chúng sanh: noãn, thai, thấp, hóa, có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng phải có tưởng, chẳng phải không tưởng.

Thọ chư khổ não. "Thọ" là gặp phải, thọ chịu. Chữ "chư," nếu hiểu như một trợ động từ, có nghĩa là nhiều và cũng để chỉ các thứ khổ não mà họ phải thọ. Nếu không coi như là một ngữ trợ từ, thì có nghĩa là mỗi một chúng sanh thọ lấy thứ khổ não nào đó.

Những "khổ não" này có nhiều hay ít? Ðại khái có bốn loại:

1. Một người thọ một khổ: Như là câm, người ấy có khổ thì chính người ấy biết, cũng không thể nói cho người khác biết; đó gọi là "người câm nhai hoàng liên" (một loại cây thuốc rất đắng).

2. Một người thọ nhiều khổ: Ví như một người đi đến bất cứ chỗ nào cũng đều gặp phải khổ não, nếu chẳng thiên tai thì cũng nhân họa, nếu chẳng bị giặc cướp thì lại bị hỏa tai. Tất cả những khổ não ở thế gian, người ấy đều gặp phải, đó gọi là "một người thọ nhiều khổ."

3. Nhiều người thọ một khổ: Giống như Việt Nam bây giờ (1968) hiện đang chiến tranh, khi tác chiến, phi cơ oanh tạc, đạn pháo rầm trời, sanh linh đồ thán, thương vong vô số kể, thật là kinh khủng. Nhiều người trong một quốc gia thọ nhận một thứ khổ, đó gọi là "nhiều người thọ khổ." Lại có một thứ nữa, như bịnh dịch lan tràn, rất nhiều người bị thứ bịnh truyền nhiễm ấy uy hiếp làm chết đi sống lại. Thứ khổ não ấy dù chưa phải chết, nhưng mắc phải tật bịnh thì đau khổ phi thường. Ðó cũng là "nhiều người thọ một khổ."

4. Nhiều người thọ nhiều khổ: Ngoài ra lại còn có rất nhiều thứ khổ não khác, nói mãi cũng không hết. Thế giới này là thế giới khổ não, chúng sanh cũng nhiều, khổ não cũng không kém, vậy thì có bao nhiêu thứ khổ não? Thật ra, không thể nào tính đếm được, nói chung là có tám vạn bốn ngàn thứ.

Thế thì khi thọ khổ phải làm sao? Ai cũng có khổ não hết. Ðương lúc chúng ta thọ khổ, luôn luôn phải nhớ kỹ, đừng nên quên Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðương lúc chúng ta thọ khổ, nghe Bồ Tát Quán Thế Âm này thì phải nên nhất tâm xưng danh.

Nghe tức là xưa nay mình vốn không biết. Như tại Mỹ đây, cứu cánh là có bao nhiêu người nghe qua danh hiệu của Ðức Bồ Tát Quán Thế Âm? Tìm thử xem? Tôi tin rằng toàn cả nước không có đến 1%! Quý vị nghĩ xem, có biết bao nhiêu người không được nghe danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, mà quý vị hiện tại được nghe. "Nghe" cũng có nghĩa là minh bạch hay biết được. Như biết được Quán Thế Âm Bồ Tát với Nhĩ căn viên thông, có ba mươi hai Ứng thân... thần lực tự tại như thế.

Nhất tâm xưng danh: Quan trọng là ở chỗ nhất tâm. Quý vị chớ nhị tâm, tam tâm và lại càng không nên tứ tâm. Quý vị càng nhiều tâm, nhưng không giống với làm việc công đức đâu, càng nhiều càng tốt. Tâm càng nhiều lại càng không tốt. Tại sao? Vì tâm một khi nhiều tức sẽ tán loạn, tán loạn tức là không chuyên nhất, không chuyên nhất thì bất linh, không có công hiệu. Nếu quý vị nhị tâm xưng danh thì không linh ứng, mà tam tâm xưng niệm lại càng không có tác dụng.

Bồ Tát Quán Thế Âm. "Quán" là quán thấy, "Thế" là thế gian, "Âm" là âm thanh. Ðó là vị Bồ-tát quán thấy tất cả âm thanh của thế gian. Tức thời quán xét tiếng tăm kia. Tức khắc quán xét âm thanh của chúng sanh ấy. Ðều đặng giải thoát. Bao nhiêu khổ não đều được giải thoát. Giải thoát có nghĩa là không còn nữa. Không còn khổ não nữa thì thế nào? Thì được an vui. Sự giải thoát này cũng là đạt đến tự do thực sự, không còn bị bó buộc, vô quái vô ngại.

Nếu có người trì danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm này, dầu vào trong lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng, vì do sức oai thần của Bồ-tát này đặng như vậy. Nếu có người bị nước xiết cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ-tát này liền gặp chỗ cạn.

Ðoạn văn kinh này nói về Bồ Tát Quán Thế Âm cứu độ chúng sanh thoát khỏi nạn lửa và nạn nước, hai nạn đầu trong bảy nạn. Nếu có người trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm này. "Nếu có," là bây giờ chưa có, tương lai có thể có. Giả sử có một người ở tình huống ấy mà trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. "Trì" là nắm chắc, nghĩa là không quên, cũng tức là tâm tâm niệm niệm đều chấp trì câu: "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Thì dầu vào trong đám lửa lớn, lửa chẳng cháy đặng. Song, đây ý là nói người ấy bình thường niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, mà không phải là nói đợi đến khi bị vây hãm trong đám lửa lớn mới niệm danh hiệu Ngài, không phải là bảo bây giờ mới đốt hương, bây giờ mới niệm Phật, cũng không phải là nói hôm nay có tai nạn, hôm nay mới niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Có câu là: "Bình thường chẳng đốt hương, gặp việc ôm chân Phật." Lúc rảnh, một cây hương cũng không đốt, gặp việc gấp mới chạy ôm chân Phật cầu xin cứu nạn cho. Lúc ấy dù cho quý vị ôm bắp vế của Phật, nhưng Phật cũng không có để mắt tới đâu. Tại sao thế? Vì lúc bình thường quý vị không chịu tu hành, đến chừng gặp nạn mới cầu cứu với Phật, đó gọi là "bây giờ mới đốt hương, bây giờ mới niệm Phật." Lại còn có một hạng người, lúc bình thường cũng chưa đốt hương chưa niệm Phật, nhưng lúc có nạn gấp, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng cứu giúp họ, khiến họ lìa khổ đượĩc vui. Thế nghĩa là sao? Quý vị biết rằng, mỗi người chúng ta đều có nhân trước quả sau. Ở đời trước, có thể người ấy đã từng dũng mãnh tinh tiến tu hành, gắng sức dụng công niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thậm chí đã từng tạo ra các thứ công đức, đời này dù không có niệm mà nhờ đời trước đã trì niệm, đã từng gieo trồng căn lành, nên ở đời này dù người ấy không niệm mà Quán Thế Âm Bồ Tát vẫn đến cứu giúp cho. Ấy là nhờ có nhân xa mà được. Về nhân, có nhân xa mà cũng có nhân gần. Nhân xa là nhân gieo trồng từ đời trước, nhân gần là nhân gieo trồng ở đời này.

Có người nói: "Ðời trước có thể tôi đã gieo nhân rồi, bây giờ không cần phải niệm nữa. Tương lai tôi có mắc nạn, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng sẽ đến cứu tôi." Ðiều đó không lấy gì chắc lắm. Quý vị yêu cầu tôi bảo đảm, tôi cũng không dám! Nếu như quý vị ngay từ bây giờ bắt đầu thành tâm thành ý niệm đi, thì tôi có thể bảo đảm với quý vị, chắc chắn có thể được cảm ứng, tương lai nếu quý vị có tai nạn chi, Bồ Tát Quán Thế Âm nhất định sẽ đến cứu quý vị. Vì bởi quý vị không phải là "bây giờ đốt hương, bây giờ cảm ứng" thì tuyệt đối sẽ có cảm ứng.

Trước kia có một người nhất tâm mong muốn đi Phổ Ðà Sơn ở Nam Hải để triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Nhưng mà trong thiên hạ lại có lắm chuyện trớ trêu! Ngày ông ta lên thuyền để đi Phổ Ðà Sơn triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm thì nhà kế bên phát hỏa, bốc cháy. Người nhà ông ta chạy đến báo tin: "Không xong rồi! Anh phải về mau! Ðừng đi Phổ Ðà Sơn nữa. Nhà kế bên chúng ta bị cháy rồi, anh phải về lo thu xếp mới được."

Người ấy nói: "Tôi vì muốn triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm nên đã trường chay ba năm rồi, bây giờ đã lên thuyền sắp đi. Nhà nếu phải cháy, thì dầu tôi có rời thuyền thì nhà cũng vẫn cháy. Nếu không đáng cháy, nhờ sức bảo hộ của Bồ-tát, dầu tôi không xuống thuyền nhà cũng không cháy được. Với thành tâm này, tôi đâu có thể vì nhà cháy mà không đi lễ Bồ-tát Quán Thế Âm!"

Ðối với ông ta lúc đó, việc nhà cháy cũng mặc kệ, chỉ quyết định nhất tâm đi lễ Bồ Tát Quán Thế Âm mà thôi. Sau khi ông ta đi triều bái Bồ Tát Quán Thế Âm ở Phổ Ðà Sơn trở về, nhìn thấy làng xóm hai bên đều trống không vì bị lửa ngốn, chỉ còn độc ngôi nhà mình nguyên vẹn. Vì thế có người hỏi: "Tại sao mấy nhà xung quanh bị cháy hết mà nhà anh không bị cháy?" Anh ta đáp: "Nhờ tôi thành tâm đi lễ Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi đi, thứ gì tôi cũng buông xả hết, cái gì cháy cứ cháy, tôi cho cháy tuốt, đều không màng đến. Ðó là nhờ Bồ Tát Quán Thế Âm bảo hộ cho đấy! Nhờ oai lực của Ngài cứu giúp nên nhà của tôi mới được nguyên vẹn như thế!"

Ðó là bằng chứng: "Giả sử vào trong đám lửa lớn, lửa không thể cháy được."

Do nhờ sức oai thần của Bồ-tát này. Tại sao lửa không thể cháy được? Vì Bồ Tát Quán Thế Âm có oai thần lực lớn nên lửa không thể cháy được.

Nếu bị nước xiết cuốn trôi. Nếu bình thường quý vị niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, hoặc là vô ý - chớ không phải muốn thử nghiệm Bồ Tát Quán Thế Âm mà nhảy xuống biển xem có linh nghiệm chẳng bị chìm hay không? Nếu quý vị có ý muốn thử, không phải thật lòng tin thì tuyệt đối không linh nghiệm đâu. Quý vị nhảy xuống biển chắc chắn sẽ chìm ngay. Tại sao? Tại quý vị có tâm muốn thử Bồ-tát. Bồ Tát Quán Thế Âm đâu phải học trò, quý vị cũng không phải là thầy giáo, tại sao quý vị lại muốn thử nghiệm Bồ Tát Quán Thế Âm? Tại vì quý vị không tin Bồ Tát Quán Thế Âm có những thần thông như thế nên mới thử nghiệm xem. Sự thử nghiệm đó không sao, nhưng lại là đem sinh mạng của mình làm vật hy sinh đấy! Không nên đem sinh mạng làm trò cười, để đánh cuộc như vậy!

Xưng danh hiệu Bồ-tát này liền gặp chỗ cạn. Quý vị xưng niệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì bất ngờ gặp được chỗ cạn. Ở trong biển lớn thì làm sao đến được bờ kia? Ðó là nhờ oai lực của Bồ Tát Quán Thế Âm mới có sự cảm ứng như thế. Bất cứ là người nào, nếu muốn giải trừ các khổ não của bảy nạn, thì trước phải thường thường cung kính xưng niệm danh hiệu Ngài.

Nếu có trăm ngàn muôn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ báu... mà vào biển lớn. Giả sử gió bão thổi giạt thuyền bè của họ trôi tấp nơi nước quỷ La-sát. Trong ấy nếu có nhẫn đến một người xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thời các người đó đều thoát khỏi nạn quỷ La-sát. Do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.

Ðoạn văn này là nói về nạn quỷ La-sát, nạn thứ ba trong bảy nạn, cũng có thể gọi là nạn gió bão. Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sanh vì tìm vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ báuẨ

Con người trong thế gian tham muốn những thứ này vì cho đó là quý báu. Kỳ thật nó là vật ở ngoài thân. Quý vị không rõ vật báu của Tự-tánh mình mà lại đi tham đắm của báu bên ngoài để được những thứ không có tác dụng gì cả, không quan hệ gì với Tự-tánh của mình. Nhưng đa số người lại thích tìm vàng. Quốc gia nào cũng đều thích vàng. Vì mọi người đều cho nó là một thứ báu vật hy hữu nên ngày đêm nghĩ cách kiếm tìm, thậm chí các quốc gia giao chiến với nhau cũng là vì thứ vàng này. Tại sao người ta lại quý vàng như thế? Vì nó rất ít, vì ít cho nên trở thành quý. Nếu như vàng nhiều như đất thì người ta cũng không coi nó có giá trị là bao.

Ấy là: "Vật do ít thành ra quý!"

Bởi vì ít cho nên ai cũng thích, thậm chí nằm mơ cũng thấy vàng, có người đến Phi châu để đào vàng, có người đến Mỹ châu để đào vàng. Trước đây nghe nói ở Cựu Kim Sơn có ráát nhiều vàng, cho nên có nhiều người đổ dồn đến nước Mỹ, nhất là người Trung Hoa đến Mỹ cốt để đào vàng. Ðào vàng ở nước Mỹ xong lại chạy đến nước Úc. Nước Mỹ có Cựu Kim Sơn, nước Úc có Tân Kim Sơn. Những người chuyên môn đãi vàng, vì muốn đến nước Mỹ để tìm vàng mà bị chôn thân trong biển không ít. Tôi nghĩ rằng số người chết rất nhiều, vì trước đây sự giao thông không tiện lợi như bây giờ, tin tức loan truyền cũng không được thông suốt, cho nên số người chết cũng không biết là bao nhiêu. Những người ấy muốn đi tìm vàng trên đường thì gặp gió bão, đang đi trên biển lại bị gió bão thổi mạnh, người và thuyền đều chìm cả. Vàng là vật quý báu bậc nhất, bạc được kể bậc nhì.

Ngoài ra còn có lưu ly, mà người Trung Hoa gọi là Thanh sắc bảo, bửu bối màu xanh. Xa cừ là một loại đá quý, ở trên mặt có lộ ra những đường vân giống như vết xe lăn trên bùn, cứ cách một đường trắng lại có một đường sáng ánh giống như một đường rãnh, cho nên gọi là Xa cừ. Tuy nhìn thấy hình như có đường rãnh mà dùng tay sờ lên mặt đá lại bằng phẳng trơn láng, không có dấu vết. Ðá này là một trong bảy loạĩĩi báu vật. Mã não là một thứ ngọc đá. Thứ đá này giống như óc ngựa, trên màu đá sắc trắng lộ ra từng đường từng đường vân li ti màu đỏ giống như gân máu, cho nên gọi là Mã não. San hô là loại cây san hô dưới biển, có cây cao tới một thước, tôi đã thấy có cây cao hơn ba tấc. San hô là một loại hóa thạch, do loài trùng ở dưới nước biến thành thực vật có hình dạng giống như cây. Chất liệu của nó giống như ngọc đá cho nên thật là quý giá.

Ở Trung Hoa có một người nhà giàu tên là Thạch Sùng, ông ta rất thích so sánh sự giàu sang với người khác. Một hôm ông ta đến dự yến tiệc ở nhà một vị Hoàng thân bà con với Vua. Lúc ấy Vua ban cho vị Hoàng thân một cây san hô cao độ hơn sáu tấc. Vì là của Vua ban nên tự nhiên phải là quý trọng đặc biệt. Vị Hoàng thân mời Thạch Sùng đến nhà mình, sau bữa cơm, mới đưa cây san hô ra khoe. Nào ngờ Thạch Sùng lấy tay bẻ vụn cây ấy, khiến cho vị Hoàng thân lo sợ quá, mới nói: "Cây này là của Hoàng thượng ban cho, sao ông lại bẻ gẫy đến nỗi không còn giá trị gì nữa thế!"

Thạch Sùng nói: "Ngài đừng lo! Tôi sẽ đổi cho ngài một cây san hô khác, ngày mai ngài đến nhà tôi tùy ý lựa chọn, thích cây nào tôi sẽ biếu ngài cây đó."

Hôm sau vị Hoàng thân đến nhà Thạch Sùng để xem thử, thì thấy lồ lộ ở phòng khách một dãy san hô cao một thước! Hoàng thân nhìn thấy nghĩ bụng: "A! Mình dù là Hoàng thân, nhưng giàu chưa bằng một góc anh Thạch Sùng này!" Nghĩ rồi bèn lựa một cây san hô vừa ý đem về. Về sau, Thạch Sùng rốt cuộc nhân vì quá giàu mà phải chết. Ấy gọi là "chết vì của." Người ta tại sao mà chết? Chính là vì chữ tài ấy! "Chim chết vì ăn, người chết vì của." Chim tại sao mà chết? Chính vì chữ thực mà ra. Chúng sanh điên đảo như vậy đấy!

Hổ phách là một loại khoáng chất màu vàng thẫm, trong suốt, do nhựa cây tùng biến thành. Trân châu (ngọc trai) là vật thể hình tròn sản xuất từ con trai, lung linh trong suốt, sáng lấp lánh thật đáng yêu.

Mà vào biển lớn. Người ta vì muốn tìm của báu mà vào biển cả để kiếm tìm, vì ở đó có rất nhiều của báu. Giả sử gió bão, gió bão là hắc phong, vì gió màu đen. Thứ gió màu đen này ai cũng có. Tại sao gọi là gió màu đen? Vì khi nổi nó lên gương mặt biến thành xạm đen. Người ta vì tức giận nên mới có gió đen, nếu không tức giận thì gió đen không nổi lên.

Biển cả này là gì? Là tánh hải - biển Tự tánh của chúng ta! Gió đen ví như vô minh của chúng sanh. Thứ vô minh này còn gọi là phiền não. Nếu quý vị sanh phiền não, là có gió đen đấy; nếu không còn phiền não thì biển cả tự tánh của quý vị sẽ gió lặng sóng êm. Thế nào mới có thể tìm được của báu? Phải vào ngay trong tự tánh của quý vị đào bới của báu của chính mình. Ðương khi quý vị đào bới của báu của chính mình ấy thì có thể gặp phải ma chướng. Tại sao có ma chướng? Do vì đức hạnh của mình không đủ, đức tánh không đủ, đạo đức không đủ. Vì không có gây tạo công đức nên đức hạnh chưa tròn, vì đức hạnh không tròn đủ nên mới có gió đen, mới bị ma chướng. Nếu đức quý vị lớn thì gió đen sẽ hóa ngay. Hóa thành cái gì? Hóa thành mây lành, điềm lành. Ngạn ngữ có câu: Ðạo cao rồng cọp nể, đức trọng quỷ thần theo là gì? - Ðạo cao thần cọp nể nghĩa là người có đạo hạnh cao thì rồng gặp cũng phải khoanh mình lại không nhúc nhích. Rồng xưa nay là một loại rất lợi hại, có thể làm kinh thiên động địa, dời non lấp biển như không, thế lực rất là to lớn. Nhưng nếu quý vị có đạo lực thì tuy rồng có thần thông to lớn cũng không dám thị uy trước mặt quý vị, mà ngoan ngoãn khoanh tròn lại. Còn loài cọp dù hung hãn cách mấy, nếu quý vị không có tâm sân hận thì nó lại biến thành một loại chó mèo thuần dưỡng, khi gặp quý vị sẽ lắc đầu vẫy đuôi mừng rỡ mà không dám ăn thịt. Nhưng quý vị phải có đạo hạnh mới được cảnh giới như vậy, nếu không thì rồng không khoanh, cọp không quỳ đâu!

Ðức trọng quỷ thần theo: Một khi đức hạnh quý vị đã đủ, đã tròn đầy, thì quỷ thần gặp quý vị sẽ cung kính tôn trọng, cúi đầu đảnh lễ. Cho nên điều quan trọng nhất là đôn phẩm lập đức.

Thổi giạt thuyền bè của họ trôi tấp nơi nước quỷ La-sát. Quỷ La-sát là loài quỷ ăn tinh khí của người, và đều là phái nữ, chuyên môn ăn tinh khí người ta. Nếu thuyền bị gió bão trôi giạt vào nước quỷ La-sát, chỉ cần trên thuyền có một người phát tâm xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì tất cả người trên thuyền, cho đến trăm ngàn vạn ức chúng sanh, đều được thoát nạn La-sát. Do nhân duyên đó mà tên vị Bồ-tát này là Quán Thế Âm.

Ðạo đức là điều mọi người đều nên phải chú trọng. Con người sở dĩ khác với cầm thú là do có đạo đức. Nếu không trọng đạo đức, không biết đạo đức, thì có khác chi cầm thú? Hơn nữa, đạo đức cần phải hành, phải có biểu hiện thực tiển; nếu không thì căn bản còn gì để nói.

Tôi có một người bạn rất thân ở Ðông Bắc (Mãn Châu). Tại sao anh ấy lại trở thành bạn thân? Vì anh cùng tôi là bạn đồng tu, đồng hạnh. Lúc tôi còn tại gia từng để tang thủ hiếu bên cạnh mộ mẹ, anh ta cũng có thủ hiếu bên mộ phần cha mẹ anh. Ðiểm khác biệt là lúc còn tại gia anh ta là thổ phỉ. Trước khi thủ hiếu để tang mẹ anh từng là đạo tặc, đánh cướp khắp nơi, tống tiền người khác. Trong một chuyến "ăn hàng" thất bại, anh bị người đánh trọng thương. Sau đó, về dưỡng thương hơn nửa năm trời mà vẫn chưa lành, lúc đó anh mới tỉnh ngộ, nghĩ rằng:

-"Lâu nay làm nhiều việc sai quấy nên vết thương mới lâu lành như thế này."

Anh bèn hạ quyết tâm phát nguyện: "Nếu vết thương tôi được lành thì từ nay về sau tôi không làm thổ phỉ nữa."

Anh lại còn nguyện đích thân đến ở bên phần mộ cha mẹ để thủ hiếu. Sau khi phát nguyện, quả nhiên không đầy mấy ngày vết thương tự nhiên kéo da non. Dĩ nhiên anh vẫn tiếp tục thủ hiếu bên mộ phần. Trong thời gian anh để tang có rất nhiều hiện tượng kỳ diệu phát sanh. Ðơn cử một việc "Cắt thịt tế trời cầu trời tạnh" cho mọi người.

Trong thời gian anh thủ hiếu, liên tục mấy tháng trời mưa tầm tã, không ngày nào tạnh. Anh ngẫm nghĩ: "Trời mưa như thế này thì ngũ cốc của mọi người sẽ ngập và chết hết!"

Nghĩ thế, anh quyết tâm cầu tạnh mưa giúp cho mọi người, mới ngửa mặt lên trời phát thệ: "Nếu nội trong ba ngày trời tạnh thì tôi sẽ cắt thịt trên người để cúng Phật, cúng trời."

Anh vừa phát nguyện xong thì, kỳ lạ thay, không đầy ba ngày trời tạnh mưa hẳn. Anh giữ lời nguyện bằng cách đứng ở trước bàn Phật, cầm dao cắt một miếng thịt độ hai lượng trên cánh tay mình. Sau khi cắt thịt xong, vì đau nhức quá anh ngất đi. Khi vừa tỉnh lại, chợt có quan huyện đi tới, nhìn thấy máu rơi đầy đất, tự nghĩ:

-"Người này cắt thịt mình để làm gì kìa? Chắc đang nổi cơn điên." Ông ta bước tới hỏi mới biết anh ta cắt thịt để cúng Phật cúng trời vì cầu tạnh mưa cho mọi người.

Quan huyện nghe xong hết lời khen ngợi: "Anh thật là người quá tốt!" Và đối với anh ta có một ấn tượng thật tốt. Về sau không biết từ đâu bay đến một con chim có tiếng kêu rất đặc biệt.

Nó kêu: "Làm nhiều phước, làm nhiều phước, tốt lắm." Suốt ngày nó chỉ kêu như thế, ý bảo hãy làm nhiều việc lành đi. Làm việc thiện càng nhiều càng tốt.

Cho nên làm việc gì tôi cũng không sợ khổ, cả ngày làm việc không rảnh để xem kinh mà tối lại còn giảng kinh cho quý vị nghe nữa sao? Ðó là vì muốn bố thí thêm một ít, đem pháp ra bố thí. Tại Mỹ, có thể nói là "pháp" quá ít! Nhân đó tôi phát nguyện bố thí Phật-pháp cho quý vị, dù cực khổ thân tôi cũng không dừng nghỉ hay bỏ cuộc.

Nếu lại có người sắp sửa bị hại, xưng danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì dao gậy của người cầm liền gãy từng đoạn mà đặng thoát khỏi.

Ðoạn văn kinh này là nói về nạn dao gậy. Nếu có người sắp sửa bị hại, mà có thể xưng danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì dao gậy của người cầm, người cầm là nói về người muốn giết hại, cầm dao bén và gậy gộc trong tay, sắp sửa muốn ra tay. Liền gãy từng đoạn. Ðúng lúc quý vị niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, tự nhiên cổ của quý vị cứng hơn dao thép của người kia. Xưa nay dao bao giờ cũng cứng hơn cổ, nhưng bây giờ lúc dao chém đến cổ, tự nhiên bị gãy vụn. Nếu không tin, quý vị cứ thử xem cổ mình có cứng bằng dao không? Con dao có bị gãy từng khúc không? Ðó là nhờ sức đại oai thần của Bồ Tát Quán Thế Âm nên mới khiến cho cổ cứng như đá tảng đến nỗi dao của người ấy tự nhiên bị gãy vụn. Mà đặng thoát khỏi. Nhờ đó mà được giải thoát nạn dao gậy. Vì lẽ gì được thoát khỏi? Do vì người ấy phát tâm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Có người hoài nghi: "Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm mà được linh cảm như thế sao?" Chẳng những được như thế mà còn linh cảm hơn thế nữa! Chỉ cần quý vị thành tâm tin tưởng, thành tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì sẽ được sự cảm ứng theo ý mong cầu.

Nếu quỷ Dạ-xoa cùng La-sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên muốn đến hại người, nghe người xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thời những ác quỷ ấy còn không dám lấy mắt dữ mà nhìn người huống lại làm hại đặng. Giả sử lại có người, hoặc có tội hoặc không tội, gông cùm xiềng xích trói buộc nơi thân, xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thảy đều đứt rả, liền được giải thoát.

Ðoạn kinh này nói về việc giải trừ nạn quỷ Dạ-xoa, La-sát và nạn gông cùm xiềng xích. Nếu quỷ Dạ-xoa cùng La-sát đầy trong cõi tam thiên đại thiên. Sao gọi là cõi nước tam thiên đại thiên? Nhân vì ba ngàn (thiên) nên gọi là cõi nước tam thiên đại thiên. Thế giới chúng ta ở đây gồm có một mặt trời, một mặt trăng, một núi Tu Di, một tứ thiên hạ. Một tứ thiên hạ gồm bốn châu lớn: Nam Thiệm Bộ châu, Bắc Câu Lô châu, Tây Ngưu Hóa châu và Ðông Thắng Thần châu. Bốn bộ châu lớn này thành một tứ thiên hạ. "Một" đây là chỉ một núi Tu Di, một mặt trời, một mặt trăng và bốn châu. Một ngàn núi Tu Di, một ngàn mặt trời mặt trăng, một ngàn tứ thiên hạ, gọi là một tiểu thiên thế giới; một ngàn tiểu thiên thế giới thành một trung thiên thế giới; một ngàn trung thiên thế giới mới tính là một đại thiên thế giới. Vì có ba chữ ngàn nên gọi là Tam thiên (ba ngàn) đại thiên thế giới.

Nếu trong Tam thiên đại thiên thế giới đầy dẫy cả quỷ Dạ-xoa cùng La-sát. Quỷ Dạ-xoa bao gồm: Phi hành dạ-xoa, Ðịa hành dạ-xoa và Không hành dạ-xoa. Quỷ Dạ-xoa chạy rất nhanh, hỏa tiễn bây giờ cũng chạy không kịp tốc độ của nó, vì thế nó còn có tên là Tốc tật quỷ hay Tiệp tật quỷ. La-sát là quỷ ăn tinh khí, nó chuyên môn ăn tinh khí của người. Muốn đến hại người. Loại quỷ Dạ-xoa, La-sát này chuyên môn hại người, đến đâu cũng tìm cách quấy rầy người. Như quý vị muốn phát tâm Bồ-đề, chúng nhất định không bao giờ thích, cố ý gây rắc rối cho quý vị, nghĩ ra mọi cách ngăn cản khiến quý vị không thể tu hành được rồi thối thất đạo tâm. Từ trước quý vị đã phát tâm Bồ-đề một cách mạnh mẽ, nhưng nó lại lẻn vào thân tâm quý vị làm cho quý vị tự nhiên khởi lên vọng tưởng: "Tu hành làm chi! Học Phật-pháp để làm gì! Thôi đừng nên học Phật-pháp nữa! Ði chỗ khác chơi, mọi việc đều tự do theo ý mình, thích nhảy đầm thì nhảy, thích nghe âm nhạc thì nghe. Còn học Phật ư! Cái này không được làm, cái kia không được làm, có biết bao cái không được làm! Lại không được xem hát, không được uống rượu, không được hút thuốc nữa, cả khối việc phải kiêng cử! Phật-pháp quả là càng học càng rắc rối!" Ai có ý nghĩ đó tức là bị quỷ Dạ-xoa, La-sát đến xúi bẫy đó. Có người muốn xuất gia. Nó xui vị ấy nghĩ: "A, xuất gia cực lắm! Cả ngày làm việc quần quật, lại ăn không ngon, mặc không đẹp, cực khổ quá mức! Ði tu để làm gì?" Nghĩ thế rồi thối tâm đi. Lại có vị muốn làm Tỳ-kheo-ni, quỷ Dạ-xoa, La-sát sẽ đến giục vị ấy nghĩ: "Ối chào! Nên đi lấy chồng đi! Lấy chồng mỗi ngày có chồng bầu bạn, vừa lòng thích ý hơn." Làm cho quý vị đừng phát tâm Bồ-đề nữa, chính là công việc của quỷ Dạ-xoa La-sát đấy. Chúng chuyên môn làm tổn hại đạo tâm Bồ-đề, phá hoại việc tu hành của người. Vì thế nói: "Muốn đến hại người."

Nghe người xưng danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm. Cho dù có rất nhiều quỷ Dạ-xoa, La-sát muốn đến làm hại, gây phiền phức cho người. Nhưng một khi chúng nghe quý vị niệm "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát" thì những ác quỷ ấy còn không dám lấy mắt dữ để nhìn. Một khi quý vị niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, tự nhiên hào quang tỏa sáng, bọn quỷ ấy muốn nhìn quý vị cũng không nhìn thấy được. Vì chúng thấy quý vị có ánh sáng chói lòa như đèn điện, mở mắt không ra. Cho nên nói là: Còn không thể lấy mắt dữ tợn để nhìn. Huống lại làm hại đặng. Cả đến mắt cũng không thể mở thì làm sao gia hại được? Tự nhiên nó phải chạy xa thôi. Vì thế quý vị phải luôn luôn niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì sẽ được Ngài bảo hộ cho.

Giả sử lại có người, là giả sử còn có một người. Hoặc có tội hoặc không tội. Không luận là có tội hay không. Bị gông cùm xiềng xích trói buộc thân mình. Người có tội tất nhiên bị chính phủ bắt giữ, bị còng tay, chân mang gông. Người "có tội" là chỉ người phạm tội; còn người "không tội" là chỉ người bị oan uổng, bị vu cáo, bản thân không phạm phải tội lỗi mà bị chính phủ bắt giữ cầm tù trong ngục, tay mang còng, chân mang gông. Gông cùm xiềng xích là những hình cụ xử phạt mà tội nhân phải mang, nó dùng để trói buộc người. Nếu xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu ngay lúc đó người ấy có thể xưng niệm "Nam-mô Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát." Thì thảy đều đứt lìa. Những thứ hình cụ gông cùm xiềng xích này bèn tự nhiên bị gãy đứt. Liền được giải thoát. Tức thời được giải thoát ngay vì còng tự động đứt, gông tự nhiên mở.

Nói tóm lại, bất cứ hình cụ nào đang ở trên thân đều tự nhiên rơi xuống. Việc này tôi đã chứng kiến rất nhiều. Có lần đó, tôi ở chùa Nam Hoa, vào thời kỳ Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, tôi gặp một vị Sư bị quân Nhật bắt giam vào ngục, tay chân đều bị xiềng xích cả. Vị Sư ấy ở trong ngục suốt ngày đều niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm miên mật không dứt. Vào một buổi chiều, bỗng nhiên những gông cùm trên thân Sư đều bị gãy đứt, cửa ngục cũng tự động mở ra nên trốn thoát được.

Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi nước tam thiên đại thiên, có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo hàng quý báu đi qua nơi đường hiểm trở. Trong đó có một người xướng rằng: "Các thiện nam tử! Chớ nên sợ hãi, các ông nên nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát đó hay ban cho chúng sanh niềm không lo sợ. Các ông nếu xưng danh hiệu Ngài thì sẽ đặng thoát khỏi oán tặc này."

Các người buôn nghe rồi, đều cất tiếng niệm: "Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát," vì xưng niệm danh hiệu Bồ-tát mà được giải thoát.

Nếu kẻ oán tặc đầy trong cõi nước tam thiên đại thiên. Giả sử bất cứ chỗ nào trong cõi nước tam thiên đại thiên này đều có oán tặc. "Oán tặc" là ngày xưa họ có oan trái với quý vị nên đời này làm giặc để cướp của cải của quý vị. Có một vị thương chủ dắt các người buôn đem theo hàng hóa đi qua nơi hiểm trở. Có một người thương chủ dẫn theo rất nhiều người lái buôn, lại có mang theo rất nhiều vật quý giá trị phi thường, đi qua một nơi có nhiều giặc cướp thổ phỉ. Trong đó có một người xướng rằng: "Các thiện nam tử! Chớ nên sợ hãi, các ông nên nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ-tát đó hay ban cho chúng sanh niềm không lo sợ. Các ông nếu xưng danh hiệu Ngài thì sẽ đặng thoát khỏi oán tặc này." Nhưng trong số những người lái buôn đó có một người đề nghị với mọi người như thế này: "Thưa quý ông, quý anh em, quý bạn! Các vị đừng nên sợ hãi. Mọi người chúng ta nên nhất tâm chuyên niệm 'Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát' đi, vì vị Bồ-tát này hay dùng tinh thần vô úy bảo hộ cho tất cả chúng sanh. Chúng ta nếu nhất tâm niệm danh hiệu Ngài thì tuy hiện tại chúng ta gặp bọn oán tặc, chúng ta tự nhiên sẽ được thoát nạn, sẽ không phải bị chúng cướp giựt hay giết hại." Các người buôn nghe rồi, đều cất tiếng niệm: "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Vì xưng niệm danh hiệu Bồ-tát mà được giải thoát. Những người lái buôn kia nghe nói rồi đều đồng loạt cất tiếng niệm: "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Nhờ niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm nên được thoát khỏi nạn oán tặc, không bị thổ phỉ cướp giựt. Nhơn vì có sự linh cảm không thể nghĩ bàn ấy nên mỗi người đều phải thành tâm thật ý xưng niệm danh hiệu Ngài, chớ có hoài nghi.

Này Vô Tận Ý! Ðại Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần cao lớn như thế.

Ðức Phật Thích-ca Mâu-ni sau khi giảng giải lý lẽ như trên xong, lại gọi tiếp: "Này Vô Tận Ý! Sức oai thần của Bồ Tát Quán Thế Âm thật là rộng lớn cao tột!" Nói mãi không rồi, giảng hoài không hết.

Nếu có chúng sanh nào nhiều lòng dâm dục thường cung kính niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, liền đặng ly dục.


Giả như có những chúng sanh nào, lòng đặc biệt dâm dục quá nhiều. Có người vừa học Phật vừa sanh tâm dâm dục, học Phật-pháp càng nhiều, tâm dâm dục càng phát triển mạnh. Cả ngày từ sáng đến tối khởi lên vọng tưởng dâm dục cuồn cuộn như giòng nước chảy tràn. Ðó là một thứ tư tưởng, hành vi cùng biểu hiện rất xấu xa! Vậy thì phải làm sao? Quý vị đừng buồn, cũng đừng lo! Chỉ cần thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm là được. Nhưng chỉ đơn thuần tụng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm vẫn chưa đủ, mà phải đem lòng cung kính chân thành đảnh lễ Bồ Tát Quán Thế Âm thật nhiều nữa.

Ðảnh lễ Phật và Bồ-tát là một biểu hiện rất cung kính. Nhưng có một số người không biết lý lẽ này, nhất là những người ngoại đạo, nhìn thấy người ta lạy Phật rồi phê bình một cách mù quáng rằng: "Ðó đều là ngẫu tượng, là thứ gỗ khắc hay tô đắp mà thành, lạy làm chi?" Tại vì chính mình không có huệ nhãn, không thấy được cảnh giới Phật quang chiếu khắp mới sanh ra đại ngã mạn như thế, thậm chí coi mình còn hơn Phật cho nên mới nói cần gì phải lạy Phật! Ðó chính là kẻ ngu si mắc phải sai lầm quá lớn! Nếu thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì tâm dâm dục của quý vị tự nhiên lìa khỏi. Có người nói: "Thật là bậy quá! Tôi thích dâm dục mà bây giờ không có nữa, phải làm sao đây?" Nếu quý vị thích có, cũng không cần phải lo, rồi sẽ có. Nếu quý vị không thích có rồi sẽ được không có.

Hoặc người nhiều giận hờn, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền đặng lìa lòng giận.

Giận hờn là gì? Chính là nổi nóng, chính là phiền não, cũng là vô minh. Giận hờn lợi hại giống như lửa vậy.

Ấy là: "Một đốm lửa giận, có thể đốt tiêu cả rừng công đức."

Người xưa cũng nói: "Ngàn ngày gánh củi một mồi lửa."

Ý nói quý vị đốn củi một ngàn ngày chỉ cần một đốm lửa châm vào có thể đốt cháy sạch. Ðó là hình dung bình thường chúng ta tích tạo bao công đức thiện nghiệp, dù tu hành bao lâu mà một khi quý vị nổi cáu lên, phừng lửa vô minh, thì bao nhiêu công đức tích tụ được đều đốt sạch cả. Hạng người nào thích nổi lửa vô minh thế? Chính là A-tu-la đấy. Mỗi cá nhân đều có một xu hướng riêng. Người thuộc Phật đạo, tính cách đa số là từ bi; người thuộc Tiên đạo thì ưa thích thanh nhàn, thuộc Nhân đạo thì đều có nhân duyên với mọi người; thuộc Quỷ đạo thì tánh hay giảo hoạt, không muốn thua thiệt, là người không thành thật, lén lén lút lút, và cũng giống như quỷ La-sát đã nói ở trước, đều có ý "muốn đến hại người." Người thuộc Súc sanh đạo thì nặng về tham dục, bất luận thứ gì họ đều không sợ nhiều, càng nhiều càng tốt, tham mãi không chán. Người thuộc Tu-la đạo thì hay phát cáu, những người này hễ động đến thì nổi giận ngay, cáu gắt om sòm. Những người như thế thì phải làm sao? Có cách gì có thể sửa đổi được? Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã đem pháp môn này dạy bảo cho quý vị kỹ càng, đó là phải thường niệm: "Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát." Hơn nữa, phải tiếp tục luôn luôn không gián đoạn.

"Thường" nghĩa là không dứt. Mỗi khi lên chùa, gặp chỗ nào có thờ Phật, hoặc thờ Bồ Tát Quán Thế Âm thì phải cung kính cúi đầu đảnh lễ. Cũng không nên hôm nay lạy, rồi ngày mai không lạy; sáng nay đảnh lễ, chiều tối lại không đảnh lễ. Nếu chịu kiền thành hằng thường kính lễ chư Phật Bồ-tát, lâu dần rồi bịnh nổi cáu ấy sẽ không còn nữa, mà chính mình cũng không biết vì sao? Nếu quý vị không tin, tôi sẽ đem kinh nghiệm của chính mình nói cho quý vị nghe. Tôi trước kia là người rất dễ nổi giận, hễ nói đánh là đánh, nói mắng là mắng ngay. Năm tôi 12, 13 tuổi rất thích đánh nhau. Bất luận là người lớn bao nhiêu, đến với tôi thì phải nghe tôi chỉ huy, nếu không nghe tôi chỉ huy thì tôi đánh! Dù chết cũng phải đánh, đánh đến chừng nào chịu hàng phục mới thôi. Thế gọi là gì? Ðó chính là một thứ hành động của A-tu-la. Về sau tôi học Phật, mới biết thói giận bướng như thế là không tốt, phải cải hóa tự tân mới được, nên thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Cho nên bây giờ làm sư phụ, tôi phải tu hạnh nhẫn nhục. Có lúc đồ đệ đến hiếp đáp, trước hết tôi nổi cáu, nhưng rồi nhỏ nhẹ ôn hòa, nhẫn nhục cho đến khi người ấy từ từ hiểu ra, tự nhận biết lỗi mình. Vì trước đây tôi chọc người khác giận nên bây giờ tôi bị đệ tử đến hiếp đáp. Có thể nói đây là một thứ quả báo! Có người hỏi: "Ðồ đệ nào dám hiếp đáp thầy vậy?" Người nào hiếp đáp tôi thì người đó tự biết.

Nếu người nhiều ngu si, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền đặng lìa ngu si.

Trước đã nói về tham và sân, bây giờ nói về si. Tham sân si được gọi là ba độc. Ba độc này làm hại Phật tánh của chúng ta hôn mê như say ngủ. Tại sao chúng ta chưa giác ngộ? Cả đời sống say chết mộng? Ðó là bởi ba độc này. Tham là tham dục. Xưa nay tham dục này tác hại rất lớn đối với tự tánh, nhưng có một số người lại cho nó là một thứ hưởng thụ tối cao, cho nên đã gây ra biết bao hành vi điên đảo, đem tự tánh của mình vùi chôn dưới lớp trần cấu. Thứ trần cấu này càng ngày càng nhiều, vì thế mà ánh sáng Phật tánh của quý vị không hiển lộ được. Ðó là sự tệ hại của tham độc. Tác hại của sân độc cũng rất lớn không kém gì tham độc.

Còn thế nào là si độc? Si là ngu si. Ngu si mà chẳng biết mình ngu si, đó là ngu si đấy. Có kẻ cho mình là người rất thông minh, có trí huệ; nhưng trên thực tế, nếu quý vị hỏi anh ta: "Anh từ đâu đến đây? Tương lai anh sẽ về đâu?" thì anh ta không biết. Ðến không biết mình từ đâu đến, đi không biết mình đi về đâu, quý vị thử nghĩ xem người như thế có phải là thông minh không? Nhưng chính anh ta lại không thừa nhận mình là người ngu si. Ấy là:

Việc nhỏ lợi danh người người thích,

Việc lớn sanh tử chẳng ai lo.

Trên thế gian này, việc tìm cầu danh lợi tuy là nhỏ, nhưng người ta suốt ngày quần quật bôn ba, thậm chí hại bạn, giết người, phóng hỏa đều là vì lợi cả. Nếu không vì "lợi" cũng vì "danh"! Trên thế gian này, số quốc gia cùng con người không đếm kể hết, song tựu trung lại có hai hạng người: Một là cầu danh, hai là cầu lợi. Danh lợi nó chi phối, làm điên điên đảo đảo biết bao nhiêu người vẫn chưa giác ngộ được. Từ khi sanh ra đến lúc chết, đều ở trong tình trạng bon chen, giành giật, có người ham làm quan, có người ham phát tài, có người ham được con cái, cho đến những ham muốn nghiêng về khoái lạc. Khát vọng một đời, chờ đợi mọi thứ khoái lạc, nhưng mà chưa hưởng thụ được bao nhiêu rồi phải chết. Chết rồi đi về đâu cũng không biết! Lúc sống đều tự cho mình là phi thường, cảm thấy chính mình thật là không ai bằng.

-"Ta là người có trí huệ thông minh nhất. Lúc còn đi học, ta mỗi năm đều được hạng nhất, bất cứ làm việc gì ta cũng đều dẫn đầu, trên người một bậc."

Tự cho mình là thông minh khác thường, mà kỳ thật cả bản lai diện mục của mình cũng không nhận biết! Sự thông minh như thế đều là giả cả, đó là thứ "thông minh giả." Người thật sự có thông minh thì không cảm thấy chính mình có trí huệ. Vậy thì thấy mình là ngu si sao? Cũng không tự thấy mình là ngu si, lại càng không tự thấy mình có trí huệ. Tuy rằng, ngoài mặt xem ra cũng cùng một thân thể hình trạng như mọi người, nhưng mà những tư tưởng quan niệm của họ thật thấu suốt rõ ràng. Rõ ràng là thế nào? Thấu suốt rõ ràng rằng tất cả đều như huyễn như hóa. Biết rằng tất cả mọi thứ đều là giả, họ không tham đắm vinh hoa phú quý trong mộng, ham giành sắc đẹp, tranh nhân ngã, tranh thị phi, tranh đứng đầu, tranh danh đoạt lợi, mà hiểu rõ tất cả đều là vô thường. Vì thế Kinh Kim Cang nói:

"Tất cả pháp hữu vi

Như chiêm bao, bóng nước,

Như điện chớp, mù sương,

Hãy quán cho thật tường."

Tất cả pháp hữu vi như chiêm bao, bóng nước. Pháp hữu vi là gì? Tất cả những gì có hình tướng, có thể nhìn thấy, đều là pháp hữu vi. Nó giống như chiêm bao, bọt nước. Bọt nước trong biển cả, quý vị cho là thật hay giả? Nói là thật, thì sao nó lại hóa ra không có? Nói là giả, thì sao lại có cái bọt nước? Tuy có bọt nước, nhưng không phải thật tại, không có thể tánh chơn thật. Bóng, cũng là hư ảo. Lại giống như mù sương; sáng sớm có mù sương, nhưng khi mặt trời mọc lên nó lại tan biến hết. Ðiện, cũng là có; nhưng lửa điện, lửa đá chớp mắt tan đi, cũng không phải là chơn thật. Nếu có thể quán tưởng tất cả sự vật như thế thì còn có gì phải chấp trước? Không có chấp trước mới là thật hiểu rõ. Bấy giờ, quý vị sẽ không tưởng Ðông tưởng Tây, càng không tưởng Nam tưởng Bắc, tất cả vọng tưởng trần lao đều bị vất bỏ. Bỏ hết những vọng tưởng trần lao rồi, lúc ấy quý vị không muốn thành Phật cũng không được, muốn không có trí huệ cũng không được, sẽ tự nhiên có thôi.

Cho nên đương lúc tự mình không có trí huệ, không nên cho là mình có trí huệ. Trí huệ không phải tìm cầu ở bên ngoài mà có. Không nên sanh tâm kiêu ngạo, cho là:

-"Giữa mọi người, ta là kẻ thông minh nhất, đẹp đẽ nhất, kiệt xuất đối với mọi người, siêu quần bạt tụy, trên tất cả."

Nếu quý vị có tư tưởng này là quý vị còn chấp tướng. "Tướng" vốn là cái đãy da hôi, nó như là chiêm bao, bóng nước. Quý vị suốt ngày cho nó ăn ngon mặc đẹp, hết lòng cho nó hưởng thụ. Nhưng đến lúc nó bỏ đi, nó cũng không thèm để ý tới quý vị. Có người lại chăm chút cho đãy da hôi này, vừa hút thuốc, vừa uống rượu, vừa ăn thịt, suốt ngày lo lấp cái hố sâu không đáy này, lấp rồi lại chảy, chảy rồi lại lấp, lấp mãi vẫn không đầy. Nhưng người ta cứ bỏ cũ thay mới, mới cũ thay nhau, vì bản thân mà bận rộn, vất vả.

Tại sao mỗi ngày ăn một bữa cơm? Tại vì sợ phiền phức cho nên ăn ít một chút để bớt đi phiền rộn. Có một số người cho rằng ăn ngon là cách hưởng thụ tốt nhất, tôi lại cho rằng đó là việc phiền rộn nhất. Giải thích như thế nào đây? Nếu ăn nhiều vào thì bụng sẽ khó chịu. Ăn ít vào, lại sanh ra tâm tham:

-"Ðồ ăn ngon như thế này, nên ăn nhiều một ít!"

Nếu đồ ăn không ngon thì không thể sanh tâm tham. Bao tử cũng không bị khổ sở. Cho nên đó đều là những việc phiền phức. Tại sao người ta lại có những phiền phức này? Tại vì mình quá ngu si mới tham hưởng thụ, cầu giàu sang, cầu danh lợi, cầu vui sướng, các thứ ấy thảy đều là điên đảo cả. Quý vị tham cái này cái nọ, thì kết quả sẽ ra sao? Kết cuộc rồi cũng phải chết thôi. Ðến lúc chết, không đem theo được tí gì. Ðó không phải là ngu si sao? Ngu si như thế thì phải làm sao? Theo phương pháp của Kinh Pháp Hoa dạy: "Thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm." Sự ngu si của quý vị sẽ mất đi và trí huệ sẽ hiện lên. Ai có thể biết mình ngu si? Ðó mới là nhận thức đúng đắn về mình. Ðã có trí huệ, mới biết mình là ngu si. Nếu quý vị tự mình không có trí huệ thì rốt cuộc không thể biết tự mình là ngu si đâu, càng nghĩ càng xa thôi. Chính mình vốn là ngu si, mà tự cho là rất thông minh thì há không phải là trên ngu si lại thêm ngu si hay sao? Trước là một kẻ ngu si còn chưa đủ, lại muốn biến thành kẻ ngu si gấp đôi. Hiện tại chúng ta nếu muốn mình không ngu si thì phải thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðó là một phương pháp hay nhất, linh diệu nhất. Tuyệt đối bảo đảm mầu nhiệm không thể nói được.

Nói về ngu si và trí huệ, thì thế nào là ngu si? Thế nào là trí huệ? Tôi sẽ nói một đạo lý mà quý vị sẽ không tin đâu, đó là

-"Ngu si chính là trí huệ, trí huệ chính là ngu si."

Tại sao nói thế? Ở Tâm Kinh có câu: "Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc." Cảnh giới này nói lên chơn sắc từ chơn không mà sanh, chơn không từ chơn sắc mà có, cho nên hai mà không hai. Ngu si và trí huệ cũng cùng một đạo lý ấy. Khi quý vị biết dùng thì đó là trí huệ, nếu không biết dùng thì đó là ngu si. Ngu si và trí huệ không phải là hai mà phải xem quý vị có biết dùng hay không! Nếu quý vị biết dùng thì ngu si cũng biến thành trí huệ; nếu không biết dùng thì trí huệ biến thành ngu si. Nếu thấu triệt được đạo lý này thì quý vị sẽ không còn điên đảo nữa.

Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần lớn như thế, làm lợi ích rất nhiều. Cho nên chúng sanh thường phải tâm niệm Ngài.

Nếu có người nữ nào, hoặc cầu con trai, lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, bèn sanh được bé trai phước đức trí huệ; hoặc cầu con gái, bèn sanh bé gái có tướng đẹp đẽ, do gieo trồng gốc phước đời trước, được mọi người kính mến.

Ðức Phật sau khi nói những việc trên xong, lại bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: "Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng những có sức oai thần cứu được bảy nạn, giải được ba độc như vừa nói, mà lại còn có rất nhiều thần thông diệu dụng làm lợi ích cho chúng sanh, vì thế chúng sanh phải nên thường thường tâm niệm Bồ-tát này." Ðiều này mọi người phải đặc biệt chú ý! Thường phải tâm niệm, là không phải chỉ niệm ở đầu môi mà tâm không niệm. Tóm lại, phải niệm niệm nhớ tưởng, luôn luôn ghi nhớ danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Nếu có người nữ nào hoặc cầu con trai. Giả như có một người nữ muốn cầu có một đứa con trai. Cầu như thế nào mới được như nguyện? Phải theo đúng như Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa đã dạy, tức là phải lễ bái, đồng thời dùng hương hoa trái cây... cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, tự nhiên có thể được một đứa bé trai đầy đủ phước đức trí huệ. Nếu cầu con gái, thì có thể sanh một đứa bé gái tướng mạo đoan chánh, mắt mũi tai miệng đều cân đối xinh đẹp cả. Gốc phước do trồng đời trước, được mọi người kính mến. Tại sao lại được tướng mạo đoan chánh trang nghiêm đẹp đẽ như thế? Ðó đều là do đời trước, hoặc mua hương hoa, dùng các thứ trang nghiêm để cúng dường Phật, Bồ-tát. Do chứa nhóm công đức cúng Phật thuở xưa kia nên được đời đời tướng mạo đầy đủ, trang nghiêm tốt đẹp, ai thấy cũng kính mến.

Này Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có oai lực như thế! Nếu có chúng sanh cung kính lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm thì phước đức chẳng luống mất. Cho nên chúng sanh phải nên thọ trì danh hiệu của Ngài.