Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ: Nỏ thần trao tay giặc?
Chia sẻ


  • 11/05/2019 14:57




Câu chuyện trộm nỏ của An Dương Vương gây tiếng xấu cho Triệu Đà

Trong loạt bài viết này, chúng tôi không có ý định xác quyết vai trò lịch sử của nhà Triệu hay Triệu Đà mà chỉ muốn đưa ra các quan điểm nhìn nhận trong từng thời kỳ và gắng lý giải vì sao lại có quan điểm như vậy. Trong khi sử dụng tài liệu và lý giải, nếu có thiếu sót thì rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của quý độc giả.


Trong tâm thức đa phần người Việt Nam hiện giờ, khi nhắc tới Triệu Đà thì đã mặc định trong đầu đó là kẻ xâm lược với âm mưu tráo nỏ thần của An Dương Vương. Và cũng vì thế, nhà Triệu không được nhìn nhận như một triều đại chính thống của người Việt. Nhưng đây không phải là quan điểm duy nhất trong các giai đoạn lịch sử.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhà Triệu được chép riêng một kỷ là "Kỷ nhà Triệu" giống như kỷ nhà Thục của An Dương Vương, kỷ nhà Đinh của Đinh Tiên Hoàng chứ không chép là kỷ thuộc Tây Hán, Đông Hán hay Tùy Đường. Cách chép như vậy chứng tỏ sử gia Ngô Sĩ Liên đã coi nhà Triệu là triều đại chính thống của người Việt.


Thực ra người đầu tiên chép bộ Đại Việt sử ký toàn thư là Lê Văn Hưu thời Trần (chép từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng) cũng nhận định rất tốt về vai trò Triệu Đà. Lê Văn Hưu viết: Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ (như Trung Hoa), đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.

Sử thần thời Lê, Ngô Sĩ Liên viết: Truyện (Trung Dung) có câu: "Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu". (Vũ) Đế làm gì mà được như thế? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư? Kinh Dịch nói: "Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua". Vua chính hợp câu ấy.

Sau đó, trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên nhiều lần đề cập đến Triệu Vũ Đế với sự tán thưởng. Chẳng hạn phần đánh giá Sĩ Nhiếp thì Lê Văn Hưu viết: “Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí. Tiếc rằng con nối không gánh vác nổi cơ nghiệp của cha, để cho bờ cõi nước Việt đã toàn thịnh mà lại bị chia cắt, đáng buồn thay!”, hay khi nhận xét khái quát về Đinh Tiên Hoàng thì Ngô Sĩ Liên chép: “Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng, tiếp nối quốc thống của Triệu Vũ (Đế), song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay!”

Một bộ sử Việt cùng thời kỳ đáng chú ý là Đại Việt sử lược của soạn giả khuyết danh cũng coi nhà Triệu là một triều đại với việc chia mục riêng là "Chép việc nhà Triệu" như Chép việc nhà Ngô, Đinh, Lê (tiền Lê), Nguyễn (tức nhà Lý) còn thời kỳ đô hộ thì chép riêng là "Quan thủ nhậm qua các thời đại".

Ngay cuốn Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên tuy không viết riêng chương nào về nhà Triệu nhưng cũng tỏ thái độ coi Triệu Đà như vua ở đất Việt. Trong phần chép về Nhị Trưng phu nhân có ghi: "Trái lại hai Phu nhân đây, đem một lữ đoàn binh sĩ, một mai mà hạ năm mươi sáu thành, dũ xiêm Bách Việt, trở mặt phương nam mà xưng Cô, cùng với Triệu Vũ Đế, Lý Nam Đế không hơn không kém, khiến cho đời sau đều tôn xưng là Vương".

Các bộ sử của nước ta từ thời Lê sơ trở về trước đều công nhận tính chính thống của nhà Triệu và đề cao vai trò của Triệu Đà. Thời Lê-Trịnh thì bắt đầu xuất hiện quan điểm coi Triệu Đà là kẻ xâm lược. Sử gia Hồ Sĩ Dương khi soạn lại Lam Sơn thực lục (1679) đã viết lời bình: “Vũ Đế nhà Triệu cùng vua Hán đều tự làm vua nước mình, gồm có đất ở ngoài Ngũ Lĩnh, đóng đô ở Phiên Ngung, thật là vua anh hùng. Thế nhưng chẳng qua cũng là một người Tàu sang cai trị nước ta, chưa được chính thống...”.

Sử gia Ngô Thì Sĩ vào cuối thế kỷ 18 còn nâng cao quan điểm khi phản bác hoàn toàn vai trò Triệu Đà và phê phán các sử gia đời trước. Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sĩ viết: Xét sử cũ: An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: "Triệu Kỷ Vũ Đế". Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là Đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy". Chính vì vậy, ông chép thời An Dương Vương là Nhà Thục nhưng chép 5 đời vua Triệu trong phần Ngoại thuộc và ghi rõ: "Triệu Đà tự lập làm vua Nam Việt".

Ngô Thì Sĩ cũng coi Triệu Đà chính là kẻ đầu tiên gây họa thuộc địa cho nước ta. Ông viết rất gay gắt: "Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy, không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại, vì thế mà tôi phải biện bạch kỹ càng".

Sau đó, quan điểm của Ngô Thì Sĩ đã tạo được ảnh hưởng nhất định trong thay đổi cách nhìn nhận về Triệu Đà. Phan Huy Ích vốn là cháu ngoại của Ngô Thì Sĩ trong Lịch triều hiến chương loại chí, phần Nhân vật chí, đã không chép Triệu Vũ Đế vào Danh sách đế vương chính thống mà chỉ nêu tắt trong phần An Dương vương là: "Sau khi An Dương vương mất, nước ta lại thuộc về nhà Triệu. Bắt đầu từ Vũ đến Vệ Dương Vương cả thảy 97 năm" rồi sau đó Phan Huy Chú chép luôn: "Nước ta khi ấy (đúng ra phải là sau ấy) lại nội thuộc về hai nhà Hán...".

Đến thời nhà Nguyễn, vị thế nhà Triệu và vai trò Triệu Đà không bị bác bỏ, song cũng không được đề cao. Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép phần nhà Triệu vào Tiền biên như An Dương Vương (bắt đầu từ Đinh Tiên Hoàng thì mới chép vào phần Chính biên), vẫn dùng từ tỏ ý tôn trọng là "nhà Triệu", "Triệu Vương" (hạ một cấp thay vì Triệu Vũ Đế) song không có bình phẩm nào về công lao của Triệu Đà một cách trực tiếp như trong Đại Việt sử ký toàn thư. Ngoài ra, Khâm định còn có một câu phê chứng tỏ quan điểm coi lãnh thổ Nam Việt dưới thời nhà Triệu chính là lãnh thổ của cha ông: “Xét chung từ trước đến sau, đất đai của nước Việt ta bị mất về Trung Quốc đã đến quá một nửa, tiếc rằng vua sáng tôi hiền các triều đại cũng nhiều người lỗi lạc hiếm có ở trên đời, mà vẫn không thể nào lấy lại được một tấc, đó là việc đáng ân hận lắm! Thế mới biết việc thu hồi đất đai đã mất, từ đời trước đã là việc khó, chứ không những ngày nay mà thôi. Thật đáng thương tiếc”.

Và trên thực tế, vua Gia Long đã cử sứ giả sang nhà Thanh để đề nghị đổi tên nước từ An Nam sang Nam Việt. Nhà Thanh sợ nhà Nguyễn vin vào cớ Nam Việt để đòi lãnh thổ xưa nên không chịu mà đổi sang là Việt Nam để phân biệt với Nam Việt. Đại Nam thực lục còn chép: "Vua lại sai bọn Lê Quang Định sang xin phong và xin đổi quốc hiệu, trong thư lược nói: “Các đời trước mở mang cõi viêm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả các nước Việt Thường, Chân Lạp, dựng quốc hiệu là Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục hiệu cũ để chính danh tốt”.

Vua Thanh trước cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt nên không muốn cho. Vua hai ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước, gửi thư lại nói: “Khi trước mới có Việt Thường đã xưng Nam Việt, nay lại được toàn cõi An Nam, theo tên mà xét thực thì nên tóm cả đất đai mở mang trước sau, đặt cho tên tốt, định lấy chữ Việt mào ở trên để tỏ rằng nước ta nhân đất cũ mà nối được tiếng thơm đời trước, lấy chữ Nam đặt ở dưới để tỏ rằng nước ta mở cõi Nam giao mà chịu mệnh mới, tên xưng chính đại, chữ nghĩa tốt lành, mà đối với tên gọi cũ của Lưỡng Việt ở nội địa (Trung Quốc) lại phân biệt hẳn”.

(còn tiếp)
Anh Tú