Truyền kỳ về sự ra đời và tu luyện đắc Đạo của ông tổ phái Võ Đang


  • An Hòa


Vời thời cuối nhà Nguyên đầu nhà Minh, có một vị “Thần tiên sống” tên là Trương Tam Phong, Đạo hiệu là Huyền Huyền Tử. Ông là người “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”. Tính tình của ông hào hiệp thoải mái không câu nệ, quanh năm vân du bốn phương. Hành vi của ông lại cổ quái quỷ dị, thực sự là một kỳ nhân hiếm có trong lịch sử.


(Hình minh họa: Qua kknews.cc)

Câu chuyện ly kỳ về sự ra đời của Trương Tam Phong

Theo truyền thuyết, Trương Tam Phong là người Ý Châu, Liêu Đông. Về sự ra đời và thời thơ ấu của Trương Tam Phong, có đoạn truyền thuyết ly kỳ kể rằng:Vào đêm trước khi sinh, lúc đang nằm ngủ, mẹ của ông đã mộng thấy một vị Thần Tiên vẫy một con tiên hạc đến đỗ ở trên nóc nhà. Tiên hạc kêu ba tiếng thì bà bừng tỉnh.

Cũng vừa lúc ấy thì bà thuận lợi sinh được một cậu bé. Cậu bé này chính là Trương Tam Phong.
Năm Trương Tam Phong lên 5 tuổi thì bị mắc một loại bệnh kỳ quái. Hai mắt của cậu dần dần không nhìn rõ, rồi cuối cùng bị mù. Lúc ấy, có một vị Đạo trưởng nhìn thấy Trương Tam Phong có bộ dạng phi phàm, liền nói với cha mẹ ông rằng: “Đứa bé này ‘tiên phong đạo cốt’, hiện giờ chỉ là do mắt gặp ‘ma chướng’. Chi bằng, các vị hãy để nó làm đệ tử của bần đạo. Đợi nó thoát khỏi ma chướng thì mắt sẽ hồi phục thị lực, lúc ấy bần đạo sẽ trả lại nó cho hai người.” Cha mẹ của Trương Tam Phong nghe thấy vậy liền lập tức đồng ý.

(Ghi chú: “Tiên phong đạo cốt” ý chỉ người có cốt cách dáng dấp của bậc Tiên. “Ma chướng” ý chỉ chướng ngại do ma quỷ gây ra.)
Từ đó về sau, Trương Tam Phong trở thành một tiểu đạo đồ, đi theo Đạo trưởng đến ở trong một cái am. Nửa năm sau, mắt của Trương Tam Phong quả nhiên hồi phục. Sư phụ của ông đã dạy ông các kinh sách của Đạo gia. Trương Tam Phong có tư chất bẩm sinh cực kỳ cao nên chỉ đọc qua là đã thuộc. Bảy năm sau, Trương Tam Phong lại trở về sống cùng cha mẹ.Sau khi thành niên, Trương Tam Phong từng tham gia thi cử, tìm kiếm công danh. Về sau, bởi vì cha mẹ qua đời, ông trở về nhà túc trực bên linh cữu và để tang cha mẹ.


Từ bỏ công danh, tìm cầu Đạo

(Hình minh họa: Qua read01)

Truyền thuyết kể rằng, một hôm, có một vị Đạo trưởng họ Khâu đến hỏi thăm Trương Tam Phong. Hai người đàm đạo một hồi dài và thấy vô cùng ăn ý với nhau. Sau cuộc đàm đạo dài này, tư tưởng và suy nghĩ của Trương Tam Phong đã xuất hiện sự chuyển biến lớn lao.

Ông cảm thấy: “Phú quý như cặn bã cỏ rác, năm tháng thời gian lại trôi nhanh giống như tia chớp vậy. Điều quý giá nhất của đời người là tìm kiếm đại Đạo.” Thế là, từ đây Trương Tam Phong quyết định từ bỏ con đường tìm cầu công danh, đi vân du bốn biển, tìm kiếm minh sư.Sau khi đi tìm cầu Đạo mấy chục năm, đến năm gần 70 tuổi, Trương Tam Phong đi đến núi Chung Nam tìm sư phụ. Ở đây, ông gặp được “Hỏa Long chân nhân”, truyền nhân của lão tổ Trần Đoàn. “Hỏa Long chân nhân” trước tiên dạy Trương Tam Phong những kiến thức cơ bản.

Sau đó lại dạy cho ông bí quyết tiên đan. Trương Tam Phong bắt đầu hiểu được những lý lẽ kỳ diệu của Đạo.
Đầu thời kỳ nhà Minh, Trương Tam Phong đi vào núi Võ Đang cùng với các đệ tử ở đây dựng lều cỏ, chuyên tâm tu luyện. Sau 9 năm, Trương Tam Phong đắc đạo. Lúc này, Trương Tam Phong giống như một người điên dại, quần áo cũ kỹ rách nát, bị người đời gọi là “đạo nhân lôi thôi”.Ông còn thường xuyên đi lại trong núi và nói với người dân địa phương rằng: “Trong tương lai, núi Võ Đang sẽ nổi danh khắp thiên hạ.”

Tiêu diêu tự tại, trốn tránh lời khẩn cầu của Hoàng đế



(Hình minh họa: Qua mysticdao)

Danh tiếng của Trương Tam Phong càng lúc càng lớn khiến cho Hoàng thất Minh triều vô cùng coi trọng. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương vô cùng ngưỡng mộ ông. Vì thế Hoàng đế đã nhiều lần phái sứ giả đi tìm kiếm nhưng đều không tìm được.Sau khi Minh Thành Tổ Chu Lệ lên ngôi cũng “năm lần bảy lượt” gửi thư cho Trương Tam Phong. Hơn nữa thái độ của Minh Thành Tổ cũng vô cùng thành khẩn. Vị Hoàng đế này chỉ mong một lần được Trương Tam Phong xuống núi gặp mặt. Nhưng Trương Tam Phong từ đầu tới cuối vẫn một mực trốn tránh mà không gặp.

Người theo đuổi danh lợi, ai cũng lấy làm vinh quang khi được Hoàng đế triệu kiến. Nhưng Trương Tam Phong lại không giống như vậy. Ông căn bản không muốn gặp Hoàng đế bởi vì ông có cách sống của riêng mình. Chính là, ông không cầu phú quý, không cầu công danh. Ông chỉ một mực muốn tiêu diêu tự tại sống cuộc sống Thần Tiên.Minh Thành Tổ mặc dù không được Trương Tam Phong đáp ứng khẩn cầu, nhưng lại không hề trách cứ ông. Trái lại, Hoàng đế còn hiểu được rằng, muốn tu thành đắc Đạo thì chỉ có thành thật mới đạt được.

Do quá sùng bái Trương Tam Phong, vào năm Vĩnh Lạc thứ 10 (năm 1412), Minh Thành Tổ Chu Lệ đã điều động công bộ thị lang làm chủ trì và hơn mười vạn dân lên núi Võ Đang xây dựng miếu đạo quán.Trải qua 12 năm xây dựng, đã kiến tạo được hơn 300 phòng ở, 33 đàn to lớn hùng vĩ được chia thành 8 cung, 2 quán, 36 am đường, 72 miếu đá, 12 từ đường, 12 đình, 39 cầu. Toàn bộ kiến trúc kéo dài hơn 70 km, diện tích kiến trúc chính là hơn 1,6 triệu m2. Người dân bấy giờ ai nấy đều phải thốt lên rằng: “Từ thời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ đến nay chưa từng có!” Sau khi hoàn thành, Minh Thành Tổ Chu Lệ ban tên Thái Hòa, Thái Nhạc Sơn. Đồng thời ông cũng phái 21 quan viên lục phẩm đến chủ trì các miếu đạo.


Sáng lập phái Võ Đang

(Hình minh họa: Qua sohu.com)

Lời nói năm xưa của Trương Tam Phong: “Tương lai núi Võ Đang sẽ nổi danh khắp thiên hạ”, quả nhiên hiện tại đã ứng nghiệm.Trương Tam Phong năm ấy vào núi Võ Đang tu đạo cũng không công khai tự lập môn phái. Ông chỉ dùng thân phận là cao đạo tha phương, vân du khắp nơi thu thập đồ đệ và truyền dạy Đạo.Dù không tự nhận, nhưng Minh Thành Tổ và tất cả các đạo sĩ của núi Võ Đang đều tôn sùng Trương Tam Phong là ông tổ của phái Võ Đang.Trương Tam Phong dựa vào phương pháp tu luyện nội đan mà sáng tạo ra phái Võ Đang Nội Gia quyền.

Đây cũng là đặc điểm đặc sắc nhất của phái Võ Đang.
Từ đó về sau, núi Võ Đang trở thành thánh đại võ lâm, nổi danh như Thiếu Lâm Tự, cùng với Tung Sơn – thánh địa của Phật giáo. Giới võ thuật thường nói: “Bắc tôn Thiếu Lâm, nam sùng Võ Đang” . Câu nói này là để chỉ vị thế của phái Thiếu Lâm và phái Võ Đang trong võ thuật Trung Hoa.

An Hòa (biên dịch theo sự cho phép của tác giả)