Vụ 2 thi thể bị đổ bê tông: Chuyên gia tội phạm học nhận định, đức tin mù quáng dẫn đến tội ác man rợ

Hoàng Hải | 23/05/2019 07:00



Khu vực phát hiện thi thể 1 trong 2 nạn nhân bị đổ bê tông.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu vụ án 2 thi thể bị đổ bê tông ở Bình Dương là hệ quả của sự mê tín vào những điều lầm lạc.

Khó giải thích động cơ gây án

Mấy ngày qua, người dân cả nước đang xôn xao trước vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khi phát hiện thi thể 2 người đàn ông bị đổ bê tông trong thùng nhựa và thùng phi phát hiện tại căn nhà số 90 (tổ 3, ấp 5, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).
2 nạn nhân trong vụ án được xác định là Trần Đức Linh (SN 1969, ngụ huyện Quỳ Hợp, Nghệ An), Trần Trí Thành (SN 1992, ngụ phường 17, Q.Phú Nhuận, quê ở Nam Định).

Đến thời điểm này, mặc dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng cơ quan công an vẫn đang ngày đêm tích cực điều tra, làm sáng tỏ các tình tiết liên quan đến vụ án.

3 trong số 4 nghi phạm của vụ án.

Qua điều tra, công an đã bắt giữ được 4 đối tượng đều là nữ giới liên quan đến cái chết của 2 nạn nhân trên.


Trước tội ác mà 4 người phụ nữ này gây ra, nhiều người tỏ ra vô cùng bức xúc và không dám tin vào việc tại sao những người này lại có thể gây ra vụ án rúng động đến như vậy.

PV đã có cuộc trao đổi với Trung tá, thạc sĩ Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) về vụ án này.
Trung tá Hiếu cho biết: Dù với bất cứ lí do gì thì đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng ra tay sát hại nạn nhân một cách rất lạnh lùng và cũng khó giải thích động cơ gây án đủ mạnh. Tuy nhiên, vụ án toát lên sự coi thường tính mạng người khác đối với các nghi phạm.
"Các đối tượng vẫn có thể tu luyện được bên cạnh xác chết. Đặc biệt, xác chết này do chính mình là thủ phạm.

Rất khó giải thích cho việc làm của các đối tượng, như người bình thường thì kẻ gây án sẽ thoát ly ngay khỏi hiện trường càng xa càng tốt. Quy luật là như vậy nhưng trong vụ án này các đối tượng vẫn ở bên cạnh và dùng biện pháp cho thi thể vào trong xi măng..." Trung tá Hiếu nói.


Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi) được xác định là kẻ cầm đầu vụ án.

Theo Trung tá Hiếu: Có thể nói với những thông tin mà báo chí cung cấp, các nghi phạm trong vụ án rơi vào trạng thái cuồng tín khi đi theo một giáo phái không được nhà nước chấp nhận và có những hành xử, suy nghĩ, hành động không bình thường như những người khác.

Trung tá Hiếu nhận định các đối tượng có thể bị dẫn dắt bởi sự u mê. Khi người ta rơi vào u mê, đức tin mù quáng quá lớn có thể dẫn đến những hành động không bình thường theo tư duy, suy nghĩ của số đông.
Nhận thức về thế giới khách quan và việc kiểm soát hành vi của mình không còn được tỉnh táo.
"Có thể khi dành sự mê tín vào những điều lầm lạc rất dễ dẫn người ta đến những hành động không theo chuẩn mực đạo đức và pháp luật..."Trung tá Hiếu đưa ra lời cảnh báo.


Thùng phi chứa thi thể nạn nhân thứ 2.

Làm gì để tránh tham gia vào 1 tôn giáo lạ
Qua vụ án trên, Trung tá Đào Trung Hiếu cũng đưa ra lời khuyên với người dân phải có cảnh giác trước sự rủ rê, lôi kéo của những người xung quanh về việc tham gia vào 1 tôn giáo lạ.


Có thể có người đưa ra lời mời gọi tham gia vào 1 hình thức sinh hoạt tôn giáo nào đó mà hình thức sinh hoạt này chưa phổ biến, chưa được thừa nhận thì người dân cần phải có sự tìm hiểu sâu, kĩ trước khi có ý định tham gia hay không.
Bằng những kinh nghiệm sống, vốn trí thức tích luỹ từ xã hội phải có sự nhận biết là những giáo lý đó có phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc hay không.

"Chẳng hạn 1 số giáo phái tà đạo còn yêu cầu người theo phải đập cả ban thờ, bát hương thì những thứ này đi ngược với truyền thống đạo đức của dân tộc đã có từ hàng nghìn đời nay.
Bằng mắt thường phải nhận ra đây là những thứ không bình thường để tránh những việc mù quáng tin theo những lời dẫn dụ như vậy...", Trung tá Hiếu chia sẻ.

Khi phát hiện những thông tin về sinh hoạt tôn giáo mang tính chất tà đạo mỗi người phải có trách nhiệm thông báo cho chính quyền, an ninh cơ sở để kịp thời phát hiện có những biện pháp cần thiết xử lý tránh việc để cho các hoạt động tôn giáo không chính thức làm ảnh hưởng an ninh trật tự.
Đối với những người đã trót tham gia thì cũng phải thông qua những câu chuyện, vụ án vừa xảy ra để nhìn lại hoạt động của mình, tôn giáo của mình, nhìn lại thứ mà mình tham gia có hợp pháp và hợp lý không, có đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Khi bản thân trót tham gia phải có sự thức tỉnh.