kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Càn Phong Nhị Quang Tam Bệnh

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Post Càn Phong Nhị Quang Tam Bệnh

    Càn Phong Nhị Quang Tam Bệnh
    Càn Phong (? -?) là đệ tử nối pháp của Tổ Động Sơn Lương Giới, thuộc tông Tào Động. Sư trụ ở Việt Châu (Triết Giang), hoằng pháp vào cuối đời Đường. Ngài nổi tiếng nhờ công án Càn Phong nhất lộ (*) và pháp ngữ Nhị Quang Tam Bệnh.
    Theo tinh thần "Giáo ngoại biệt truyền" và "Bất lập văn tự" thì việc lưu lại một pháp ngữ quý báu như trường hợp Càn Phong Nhị Quang Tam Bệnh là một sự kiện hy hữu!
    Ngũ Đăng Hội Nguyên (quyển Hạ) ghi:
    "Hoà thượng Càn Phong thượng đường dạy: Pháp thân có ba thứ bệnh, người học phải thấu suốt mới biết cách về nhà yên ổn, nhưng cần phải biết còn một khe hở hướng thượng".
    Nghĩa là khi đạt đến cảnh giới ngộ thì hành giả phải trừ bỏ hai loại mê hoặc và ba thứ bệnh.
    + Nhị Quang: Năng thủ quang và Sở thủ quang.
    1. Năng thủ quang là mê hoặc vi tế khởi lên từ chủ quan.
    2. Sở thủ quang là mê hoặc vi tế khởi lên từ khách quan.
    + Tam Bệnh:
    1. Vị đáo tẩu tác: đối cảnh mà khởi tâm phân biệt là bệnh.
    2. Dĩ đáo trụ trước: đạt tới cảnh giới ngộ nhưng bám chấp không buông bỏ được.
    3. Thấu thoát vô y: đạt tới cảnh giới ngộ, đã lìa chấp trước nhưng chưa thấu triệt hoàn toàn.

    Nội dung pháp ngữ thì đơn giản như vậy nhưng hàm chứa sâu xa, hun đúc trọn vẹn hành trình của một hành giả cho tận đến đạt Đạo. Không những vậy, pháp ngữ huyền diệu này giống như báu vật chỉ mê có thể áp dụng cho tất cả hành giả ở mọi truyền thống tâm linh.
    Tại sao thanhan lại kết luận như vậy? Liệu có phải là ngoa ngữ không?!
    Xin thưa rằng: không!
    Bởi vì, bất cứ hành trình tâm linh nào cũng phải trải qua những quan ải này.
    Thực vậy!
    Nói đến Nhị Quang tức là hai tầng bậc cần vượt thoát của con đường năng lực. Ngược lại, ba chặng của con đường nhận thức được đánh dấu trong Tam Bệnh. Liệu có thể nào có một hành giả tới đích mà không kinh qua hai loại hình trải nghiệm (năng lực và nhận thức) này chăng?!

    Nghi là tâm bệnh lớn nhất của hành giả. Muốn thù thắng được nó, ắt phải hội đủ năng lực. Phá xong nghi cũng chưa hẳn đã thực sự rỗng rang. Bởi vì cái nghi vi tế vẫn có thể ẩn náu dưới vỏ bọc không - nghi! Vỏ bọc này có tên gọi mỹ miều là Tín. Cái nghi vi tế này chỉ thật sự dung giải khi hành giả loại trừ cả hai phạm trù đối lập là Tín và Nghi.
    thanhan hay nói theo cách giản dị là: Tín hay Nghi thì cũng vẫn là nghi!
    Thường thì cảnh giới Năng thủ quang sẽ bị tiêu trừ khi hành giả đạt được năng lực tri kiến như thị. Tuy nhiên, do phương tiện (năng lực) chưa đủ nên tính thuyết phục không cao... Hành giả thường biểu hiện những cung cách khác người trong nỗ lực điểm hoá người khác... Giống như trường hợp của cái gọi là "Trí Huệ Điên"... Tuy nhiên đây chính là cửa ải gian khó thứ hai: vượt qua tâm nghi của người khác!
    Sở thủ quang thực tế là một nỗ lực giàu tính ước lệ. Bởi vì có nhiều hành giả rất dễ bằng lòng với thành tựu tự tín khi vượt qua Năng thủ quang. Không những thế, vì tâm nghi của chúng sinh quá lớn nên cho dù hành giả thành tựu lớn lao về năng lực thì y cũng không thể tuyệt đối xoá bỏ nghi tâm khởi nên nơi chúng hữu tình! -)
    Tuy vậy việc vạch ra hai tầng bậc của Nhị Quang là rất quan trọng. Càn Phong trỏ cho ta hay rằng hành trình năng lực không dừng lại khi hành giả đã xác tín vào sự giải thoát của bản thân. thanhan gượng lấy một thí dụ thô thiển khi so sánh hai cấp của Nhị Quang với ích lợi của một vị Bích Chi so với một vị Toàn Giác vậy! -)

    Như trên đã nói, Tam Bệnh là phân biệt khái quát ba cấp tiến bộ của hành trình nhận thức. Vừa khéo, nó dừng lại ở đúng "điểm kẹt" cuối cùng ở mỗi chặng. Nếu không được điểm hoá một cách thiện xảo thì hành giả có thể bị kẹt lại ở đó rất lâu.
    Vị đáo tẩu tác là tâm bệnh sinh ra do tâm còn chấp trước và phân biệt. Khi đó, vì còn duy trì thói quen nương theo tư duy tuyến tính nên khi đối cảnh tâm của hành giả bèn sinh ra loạn động.
    Dĩ đáo trụ trước! Ôi thôi, mới lắm kẻ bị kẹt cứng nơi này! Đã nếm mùi ngộ đạo mà vẫn chấp luyến không buông... Không sẵn sàng "thõng tay vào chợ" cho nên vậy!
    Kể ra thì hành giả đạt đến chứng ngộ như thế về nhận thức là rất đáng quý! Tuy nhiên, do sở học chưa thấu đáo, lại thiếu cao nhân chỉ giáo nên thời gian bị kẹt lại trong cảnh giới Dĩ đáo trụ trước thường khi rất lâu. Y trở thành nạn nhân của chính mình... Nhiều khi cho đến tận cuối đời! Lúc đó thường thì y mới tự điểm hoá cho mình bằng một cơn hối hận!
    Tại sao lại có chuyện như vậy!? Bởi vì hành giả mắc kẹt trong Dĩ đáo trụ trước thường có tâm cao ngạo rất vi tế, rất sâu xa... Y không chấp nhận sự điểm hoá từ bên ngoài và chỉ khi hoang mang đến cùng cực; khi phải đối diện với thất bại hay cái chết, nỗi ăn năn mới đánh bại được niềm kiêu hãnh của chính y!
    Ngược lại, một hành giả ý thức được nhược điểm của kiêu ngạo có thể nhanh chóng cởi trói bản thân ra khỏi bình chướng của Dĩ đáo trụ trước! Không cần phải tìm cầu những vị đạo sư giàu kinh nghiệm điểm hoá làm gì... Mà thực ra loại "quái vật" này cũng càng ngày càng "tuyệt chủng"! Chỉ cần dẹp bỏ tâm kiêu mạn thì cơ hội điểm hoá tự xuất hiện... Thường khi chỉ là dăm ba câu chuyện tầm phào...
    Trong lịch sử tu chứng có nhiều câu chuyện về nỗ lực vượt qua sự chấp trước như thế. Ví dụ như chuyện ngài Naropa rời bỏ vị trí giảng viên của học viện Nalanda để lên đường đi tìm chân lý. Hoặc giả như ngài Virupa (vốn là một hoàng tử) được điểm hoá bởi cô gái điếm ban cho một bát cháo thiu...
    Cuối cùng là căn bệnh Thấu thoát vô y! Thực tế thì nó cũng là một tập hợp những khái niệm mở. Tại sao thanhan lại nói như vậy?! Bởi vì nỗ lực vươn đến giác ngộ của mỗi hành giả và năng lực nhận thức của họ là khác nhau nên trong chặng cuối cùng này mỗi hành giả phải đối diện với hành trình của chính mình. Có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu tập hợp các kinh nghiệm tu chứng. Mỗi người lần lượt bị kẹt lại trong những cảnh giới "Tiểu Lôi âm"(**) khác nhau... Nhiều lần như thế cho đến khi trở nên tuyệt đối rỗng rang!
    Mệt mỏi như thế biết bao lâu mà lão già gian ác Càn Phong chỉ hời hợt nói: "cuối cùng vẫn còn một khe hở hướng thượng"! Haiz...

    Lời cuối của thanhan cho "bình loạn" này chính là lời xin lỗi! Bởi vì tạm phải dùng văn tự cùng khái niệm biện biệt để chuyển ý nên thanhan tạm tách bạch lề lối tu chứng thành hai con đường nhận thức và năng lực như vậy! Kính mong các vị cao nhân và các anh chị lượng thứ!

    (*) Càn Phong nhất lộ: Khi trả lời một nhà sư cật vấn về đường tới Niết Bàn, Càn Phong vạch một đường xuống đất và trả lời: "Nó đây!".
    (**) Ý nói cảnh giới chứng ngộ chưa rốt ráo.
    Last edited by kimcuongngoc; 23-05-2019 at 02:23 PM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 29-03-2017, 04:33 PM
  2. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 24-05-2016, 11:20 PM
  3. phong thuy. nui rong. vung chua-quang binh
    By thanhnamtrung in forum Phong Thủy, Địa lý
    Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 14-10-2013, 05:47 PM
  4. Nhật Quang Bồ Tát và Nguyệt Quang Bồ Tát
    By Người học Phật in forum Đạo Phật
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 31-10-2012, 02:53 PM
  5. Tranh ảnh của ngài Nhật Quang và Nguyệt Quang Bồ Tát
    By Người học Phật in forum Đạo Phật
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 23-10-2012, 09:15 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •