Thiền - Mật - Tịnh
Hành trình của một hành giả ít khi kết hợp hài hoà hai khía cạnh nhận thức và năng lực. Khi trở nên thiên lệch, người ta có xu hướng trở nên rung động cộng hưởng với một dòng chảy tâm linh cụ thể nào đó.
Mật tông, trước hết là dòng chảy ưu tiên cho con đường năng lực. Bản chất quá trình vận động năng lực của Mật tông là Hoá Thần Bổn Tôn. Thông qua nghi lễ và thực hành quán tưởng mà quá trình hợp nhất với Bổn Tôn được hoàn thiện. Đó là chứng nghiệm thoáng thấy của Báo Thân.
Tiếp theo là các nghi lễ và quán tưởng nâng cấp với Ngũ Trí Như Lai để hành giả Mật tông vươn tới chứng nghiệm thoáng thấy của Pháp Thân.
Tất nhiên, một hành giả Mật tông luôn thực hành lễ lạy, khiêm hạ, kính ái...để hoàn thiện phương diện Hoá Thân ngay từ khi nhập môn. Do vậy kinh nghiệm về Ba Thân là bằng chứng một hành giả Mật tông có duy trì được sự tu chứng chuẩn xác hay không!
Kết quả của tri kiến về Ba Thân này cho hành giả cơ hội hội nhập Pháp giới, hay Cái Toàn Thể, hay trạng thái dung giải của Hành Uẩn.
Như vậy, thông qua chuyển hoá Tưởng Uẩn là chính, cuối cùng Sắc, Thọ, Hành Uẩn của hành giả cũng được chuyển hoá. Điều này không có gì là mâu thuẫn cả, bởi vì xét về bản chất của Tưởng là Quang minh Dung Thông nên có thể chi phối chuyển hoá ở các uẩn khác.
Tới đây, hành giả Mật tông đạt tới năng lực hoá sinh (vào lúc chết) tại cõi Chang (Sắc cứu cánh thiên). Rồi với tâm thức thấm nhuần tri kiến về Khổ, Vô thường, Vô ngã (Pháp Thắng Trí) "hành giả" sẽ đi tiếp, vượt ra ngoài ba cõi. Về mô tả chi tiết các anh chị có thể tham khảo bài "Ngũ Trí Như Lai"

Hành trình Thiền (Zen) thì nhấn mạnh hơn đến khía cạnh nhận thức. Hành giả tập trung vào các kỹ thuật dập tắt tư duy tuyến tính. Mục tiêu là triệt phá cơ sở xuất phát Vô Minh... Tuy nhiên "vội giàu thì mau đói"! Do chưa tích luỹ đầy đủ trên đường Đạo nên hành giả Thiền tông kiến Đạo thì nhiều mà thấu Đạo thì ít! Đó là vì xu hướng chuyển hoá thuần tuý nhận thức mà ít trau dồi về năng lực.
Có một sản phẩm kết hợp hai khía cạnh này một cách hài hoà là Dzogchen. Một hành giả Dzogchen phải hoàn thành chuyển hoá năng lực trước khi bước vào thị kiến Togal. Giai đoạn Togal có bốn cấp thị kiến... Trong đó, do chưa tích luỹ về năng lực nên một hành giả Thiền tông (Zen) thường bị kẹt lại ở cấp thứ nhất của thị kiến Togal (tri kiến như thị). Điều đó rất đáng tiếc!
Về mô tả chi tiết các anh chị có thể tham khảo các bài viết về Dzogchen
Tương tự, trong sách đã dẫn cũng có một bài viết về Tịnh Độ. Tuy nhiên chúng ta cần hết sức lưu ý rằng hầu hết tín đồ Tịnh Độ đều mới chỉ tiếp cận đến một Tịnh Độ trong Tưởng mà thôi. Tịnh Độ thật sự là trạng thái Ngũ Uẩn được chuyển hoá toàn vẹn đến mức chỉ còn lại Chân Như. Tịnh Độ thật sự chính là Niết Bàn!
Niết Bàn ở ngoài Danh Sắc. Trong khi "Tịnh Độ" của hầu hết tín đồ ngày nay chỉ là sản phẩm của Tưởng Ấm - một yếu tố thuộc Danh mà thôi.
Người nhập Niết Bàn vì vậy sẽ không đi về cả triệu lần để cứu lấy từng chúng sinh như tuyên bố của ông Pháp vương ấu trĩ nọ! Trừ phi y nhầm lẫn "Tịnh Độ" trong Tưởng với Niết Bàn.
https://sanatana.vn/