Triết lý của Lão Tử về “đạo, đức, phúc, mệnh”


  • An Hòa


“Đạo Đức Kinh” của Lão Tử là ngọn nguồn trọng yếu của tư tưởng triết học Đạo gia. Trong đó ẩn chứa rất nhiều đạo tu thân, trị quốc, dưỡng sinh và được xưng là “Vạn kinh chi Vương” (Vua của các loại kinh sách).


“Đạo Đức Kinh” tiết lộ cho chúng ta biết: Đạo sinh ra bởi tĩnh, Đức sinh ra bởi khiêm, Phúc sinh ra bởi kiệm và Mệnh sinh ra bởi hòa.


1. Đạo sinh ra bởi tĩnh


Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Trí hư cực, thủ tĩnh đốc. Vạn vật tịnh tác, ngô dĩ quan kỳ phục.” (Tạm dịch: Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về). Vạn vật phồn thịnh đều trở về căn nguyên của chúng, tức là đạo.

Trở về căn nguyên thì tĩnh, tĩnh là bản tính của mọi vật. “Thủ tĩnh đốc” chính là giữ cho tâm linh được tĩnh lặng, ổn định, không bị ảnh hưởng tác động thì có thể nhìn thấu tỏ nhiều điều.
Làm thế nào để giữ được tâm tĩnh lặng, khai thông trí huệ? Chỉ có cách bỏ đi tư dục (dục vọng cá nhân), bỏ đi những ý nghĩ xằng bậy, đó cũng chính là Đạo. Nếu đạt được đến mức độ ấy thì trí huệ tự nhiên được khai thông. Ngược lại, nếu ngày đêm sốt sắng, thấp thỏm lo lắng được mất, lợi ích của bản thân, thì “Đạo” cũng tự rời xa. Chỉ có tĩnh tâm làm việc mới đạt được tới mức “quên mình”, mới có thể chân chính lĩnh ngộ được những điều thần bí trong đó.

2. Phúc sinh ra bởi kiệm

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Ngã hữu tam bảo, trì nhi bảo chi. . . Nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên.” (Tạm dịch: Ta có ba báu vật, ta hết sức nắm giữ. Một là khoan từ. Hai là tiết kiệm. Ba là không coi mình hơn người). Vì khoan từ nên mới hùng dũng. Vì tiết kiệm nên mới rộng rãi. Vì không dám đứng trước người, nên mới được hiển dương.Xã hội hiện đại, mọi người đều truy cầu cuộc sống vật chất xa hoa, nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền, ăn những món ăn sơn hào hải vị…. nhưng lại bỏ qua những truy cầu về mặt tinh thần.Nhà thơ Lý Thương Ẩn triều nhà Đường nói: “Lịch lãm tiền hiền quốc dữ gia, thành do cần kiệm phá do xa” (Tạm dịch:

Những bậc tiên hiền trong lịch sử đều thành nhờ vào cần kiệm, bại vì xa hoa). Phúc khí của một người là từ “tâm thanh quả dục” mà đến, phúc khí của một gia đình từ thanh liêm tiết kiệm mà ra.
Nhan Hồi là học trò của Khổng Tử, nổi danh là người đức hạnh. Khổng Tử thường khen ngợi Nhan Hồi: “Một đan cơm, một bầu nước, ở gian nhà nhỏ đơn sơ, người khác đều không chịu được cảnh khốn cùng kham khổ ấy vậy mà Nhan Hồi vẫn không thay đổi hứng thú học tập. Thật cao thượng biết bao!” Từ đời Nhan Hồi, dòng tộc Nhan Thị kéo dài suốt 700 năm mà không suy, hưng thịnh tới thời Nam Bắc Triều Tùy Đường.

Kiệm ở ẩm thực sẽ không làm tổn thương tì vị, không thèm khát sẽ thản nhiên tự đắc. Trong cuộc sống, nếu có thể làm người đơn giản chất phác thì phúc khí tự nhiên đến.


3. Mệnh sinh ra bởi hòa

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử giảng: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bão dương, trùng khí dĩ vi hòa.” (Tạm dịch: Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vạt. Vạn vật đều cõng âm ôm dương, lấy trung khí là hòa). Âm dương kết hợp mà sinh ra vạn vật, cho nên sinh mệnh tồn tại là bởi âm dương điều hòa.Một người khỏe mạnh hay không, sống thọ hay không, điều quan trọng là ở chỗ tâm thái của người đó có bình hòa, thông suốt hay không.

Danh y Trương Bồi Nhân đời nhà Thanh nói rằng: “Người mà thường hòa nhã, thì tâm khí đầy đủ, ngũ tạng tất an”. Ngoài ra, “Hòa” còn có ý nghĩa chỉ điều gì cũng phải có “độ”, có chừng có mực, không nhiều quá mà cũng không ít quá.
Dục vọng của con người thế gian là vô cùng. Người nào có thể biết giảm bớt lòng tham, phàm là việc gì cũng phải có chừng mực, thứ không thuộc về mình thì không cưỡng cầu, luôn giữ một tâm bình thản, sống thuận theo tự nhiên thì mệnh cũng được thông, sống được thản nhiên.


4. Đức sinh ra bởi khiêm

Trong “Đạo Đức Kinh”, Lão Tử viết: “Thượng đức nhược cốc” (Tạm dịch: Đức cao thượng giống như khe núi). “Thượng đức nhược cốc”, ý tứ chính là người có đạo đức cao thượng thì đặt mình ở dưới khe núi sâu. Trong “Chu Dịch” cũng viết: “Khiêm, đức chi bính dã.” (Tạm dịch: Khiêm tốn là cái gốc để tu dưỡng đạo đức) Tào Thực cũng viết: “Khiêm khiêm quân tử đức”, tức là khiêm nhường là cái đức của người quân tử.

Khiêm tốn, nhún nhường sẽ khiến cho đức hạnh của một người ngày càng cao, tâm lượng càng ngày càng rộng.
Trí tuệ cao nhất của con người trong cách xử thế chính là bảo trì được tâm khiêm tốn, khoan dung người khác. Chỉ có khiêm tốn, người ta mới có thể được người khác kính trọng.

An Hòa