Kiếm hiệp Kim Dung: Hấp tinh đại pháp môn võ công kỳ lạ đi ngược lại nguyên tắc căn bản


Thứ 3, 14/05/2019 | 12:30


Các loại võ công thông thường thì sẽ giết chết hoặc đả thương đối phương. Nhưng Hấp Tinh Đại Pháp lại là một môn võ công đi hút nội công của đối thủ để làm riêng cho mình. Mặc dù lợi hại nhưng nguy hiểm cũng cực cao vì có nhiều khuyết điểm.

Hấp tinh đại pháp là một môn võ công được nhắc đến trong bộ tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu ngạo giang hồcủa cố nhà văn Kim Dung, lần đầu tiên được phát hành trên Minh báo từ ngày 20 tháng 4 năm 1967 đến 12 tháng 10 năm 1969. Tiêu đề Tiếu ngạo giang hồ được đặt theo một bản nhạc cầm tiêu hợp tấu đóng vai trò trung tâm của tác phẩm. Tiếu ngạo giang hồ được coi là một trong những tiểu thuyết đặc sắc nhất của tác giả.
Tạo hình Nhậm Ngã Hành trong phim Tiếu ngạo giang hồ.

Nội dung Tiếu ngạo giang hồ xoay quanh những đề tài về tình bạn, tình yêu, sự dối trá, phản bội, những âm mưu và cả ham muốn quyền lực. Trung tâm của toàn bộ cốt truyện là nhân vật chính Lệnh Hồ Xung, đại đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Xuyên suốt câu chuyện, người đọc được dẫn dắt theo hành trình trở thành một kiếm khách lẫy lừng của chàng lãng tử này, đồng thời trải nghiệm những chứng kiến của Lệnh Hồ Xung đối với nhiều âm mưu tranh quyền đoạt vị trên giang hồ.
Các diễn biến được phát triển dựa trên một bí kíp kiếm pháp truyền thuyết và sự liên hệ giữa các nhân vật với bí kíp đó. Theo lời đồn đại trên giang hồ, trong gia đình nhà họ Lâm có một pho kiếm phổ chép tay tên gọi Tịch tà kiếm pháp, người luyện được kiếm pháp này có thể sở hữu tốc độ như sấm chớp, võ công làm mưa làm gió chốn võ lâm. Mặc dù lợi hại nhưng bộ kiếm pháp này cực kỳ thâm độc, người muốn luyện Tịch tà kiếm pháp thì đầu tiên phải “tự cung” (tự thiến đi bộ phận sinh dục của mình). Bởi vì nếu không thiến, khi luyện nội công Tịch tà kiếm pháp, lửa dục sẽ thiêu đốt ruột gan thành "tẩu hỏa nhập ma" mà chết. Tuy nhiên trong Tiếu ngạo giang hồ còn vó một bộ võ công nữa cũng thâm độc không kém đó là Hấp tinh đại pháp.

Môn võ công đi ngược lại nguyên tắc căn bản của luyện nội công

Theo cố nhà văn Kim Dung, người sáng chế và sử dụng môn võ công Hấp tinh đại pháp là giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành. Sau này chỉ có duy nhất Lệnh Hồ Xung có cơ duyên học được.
Hấp tinh đại pháp là một môn công phu tu luyện nội lực, sau khi luyện xong có thể "hút nội lực của đối phương vào chính bản thân mình". Yếu quyết để luyện môn công phu này là trước tiên phải tự hóa tán công lực của bản thân: "Huyệt Ðan điền như cái rương trống rỗng, lại giống như hang sâu. Rương rỗng có thể đựng đồ, hang sâu có thể chứa nước. Nếu có nội tức thì phải tán ra những huyệt ở Nhâm mạch". Yếu quyết này đi ngược lại với phép tu luyện nội công thông thường: "Nguyên tắc căn bản của luyện nội công là phải ngưng tụ chân khí đầy rẫy trong huyệt Ðan điền. Nội tức ở huyệt Ðan điền đầy rẫy chừng nào thì nội lực thâm hậu chừng ấy".

Hấp tinh đại pháp có một nhược điểm là tuy thu hút nội lực của đối phương vào bản thân, nhưng những luồng chân khí đó không cùng nguồn gốc, không thể dung hòa với nhau, ngược lại còn xung đột lẫn nhau trong kỳ kinh bát mạch. Mỗi lần phát tác đều khiến cho người luyện đau đớn khổ sở như bị tẩu hỏa nhập ma. Lần sau càng nghiêm trọng hơn lần trước. Cũng chính vì điểm này mà Nhậm Ngã Hành sau này đã đột tử do chính những luồng chân khí mà y đã thu thập trong đời. Lệnh Hồ Xung suýt đi theo vết xe đổ của Nhậm Ngã Hành, nhưng may mắn hơn vì được Phương Chứng đại sư truyền thụ bộ nội công Phật môn thượng thừa là Dịch cân kinh, có thể hóa giải được những luồng chân khí dị chủng trong người.

Tạo hình Lệnh Hồ Xung trong phim Tiếu ngạo giang hồ.

Hấp tinh đại pháp tương đồng Bắc Minh thần công

Có nhiều nhận định cho rằng Hấp tinh đại pháp là một "dị bản" của môn nội công tối thượng của Phái Tiêu Dao là Bắc Minh thần công, điều này không phải hoàn toàn là không có cơ sở. Cả hai môn nội công hùng bá võ lâm này có một số điểm tương đồng.
Hấp Tinh Đại Pháp và Bắc Minh Thần Công đều là dạng võ công ăn cắp nội lực

Bất cứ ai từng đọc qua cuốn tiểu thuyết Thiên long bát bộ nổi tiếng ắt hẳn cũng đã biết Bắc Minh thần công là một loại thượng thừa nội công tâm pháp do Tiêu Dao Tử - thủy tổ của Phái Tiêu Dao sáng chế ra. Trong chương khẩu quyết tâm pháp đầu tiên của bộ võ công này, lão tử Tiêu Dao Tử đã khẳng định ngay rằng: "Bắc Minh thần công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình. Nước lớn biển Bắc không phải tự nhiên mà có...".

Ngoài ra, cốt truyện Thiên long bát bộ còn mô tả rằng: "Kẻ nào dùng tới Bắc Minh thần công, chỉ có thể hút nội lực của kẻ yếu hơn hắn, đấu với kẻ nội lực ngang bằng hắn chứ không thể nào đọ với kẻ mang nội lực vượt xa mình. Vì nếu như nội lực kẻ địch mạnh hơn ta, tức là biển chảy ngược vào sông hồ, cực kỳ hung hiểm..." - Sự này lại rất giống với mô tả về võ công Hấp tinh đại pháp trong bộ truyện Tiếu ngạo giang hồ.
Trong lịch sử của Phái Tiêu Dao, người lãnh ngộ được tới cảnh giới cao nhất của Bắc Minh thần công ngoài Tiêu Dao Tử thì còn có truyền nhân Vô Nhai Tử (Đoàn Dự có được cơ duyên lãnh ngộ nhưng sự học chưa tới).


Tạo hình Đoàn Dự trong phim Thiên long bát bộ.

Cả hai đều gây nguy hiểm cho người luyện có tiềm lực yếu

Cả Đoàn Dự (nhân vật trong Thiên long bát bộ) và Lệnh Hồ Xung (nhân vật trong Tiếu ngạo giang hồ) đều là những người trẻ luyện bộ võ công ăn cắp nội lực như Bắc Minh thần công và Hấp tinh đại pháp. Đoàn Dự biết đến Bắc Minh thần công là nhờ duyên kỳ ngộ, nhưng khi biết tới lời cảnh báo, rằng môn võ công này có thể gây rối loạn nội lực chính bên trong người sử dụng, khả năng cao dẫn tới tẩu hỏa nhập ma nên Đoàn Dự chỉ học chiêu thức đầu tiên trong bộ.

Còn đối với Lệnh Hồ Xung, anh học được Hấp tinh đại pháp khi bị Nhậm Ngã Hành lừa vào nơi y bị giam giữ, trong thời gian này, Lệnh Hồ Xung đã ngây thơ học và luyện hết toàn bộ khẩu quyết Hấp tinh đại pháp do Nhậm Ngã Hành để lại. Nhưng về sau, môn nội lực tâm pháp này cũng không ít lần suýt lấy mạng Lệnh Hồ Xung khi trong người anh chứa quá nhiều nguồn nội lực xung khắc nhau.