Người tầm thấp nghe theo lời thiên hạ, người tầm trung dè dặt hành động khi “mắt thấy tai nghe”, chỉ có người đỉnh cao mới có tư chất "chơi tới bến"

14/05/2019 10:32 AM | Sống

Người nông nổi thì cứ nghe theo lời thiên hạ, tin vào lăng kính của người khác và kết luận theo người khác. Người cao hơn 1 bậc thì có chút phản biện, đòi phải cứ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai... rồi mới dám kết luận. Nhưng người thành công thì nhất định phải là người có tư chất.





Đời người, mỗi lần ra quyết định là lúc trực diện với sự căng thẳng nhất của sự chịu trách nhiệm. Đúng hay sai đây, hưởng hay chịu đây, thành hay bại, rẽ trái sẽ đi đâu, rẽ phải sẽ về đâu, đi thẳng sẽ tới hoan lộ hay tử lộ...? Thật sự không dễ để 1 người ra quyết định nếu không được tập luyện từ nhỏ kỹ năng này.

Cha mẹ thầy cô ai ai cũng khuyên "phải cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định nhé", hoặc các sách self-help còn khuyên phải "suy nghĩ thấu đáo, sâu sắc mới ra quyết định"... nhưng than ôi, tuổi trẻ non nớt thì sao mà biết nó thấu đáo, sâu sắc là gì nếu chưa từng ra nhiều quyết định sai. Khuyên vậy tụi nó cứ suy nghĩ miết, nghĩ tới nghĩ lui, và cuối cùng là lui, không làm, vì sợ sai. Rất uổng cuộc đời.


Một người, từng ra nhiều quyết định sai, sẽ rút kinh nghiệm dần và lớn lên, trưởng thành, quyết định đúng dần, chuẩn dần... Đó là lý do người ra đời sớm, được tự lập sớm sẽ thành công sớm. Cha mẹ hoặc ai đó quyết định giùm 1 đứa trẻ, làm mất khả năng này của chúng, và hậu quả là trở thành "lòng ta thành con rối, cho cuộc đời giật dây" (Chế Lan Viên).

Người tự ra quyết định sớm, sai be bét, trả giá nhiều... sẽ từ từ rút kinh nghiệm, ra quyết định cho mình và cho nhiều người hưởng lợi. Một người có tố chất là 1 người dám ra quyết định, và chấp nhận nhanh chóng nếu nó sai, thậm chí cao thủ hơn là biến sai thành đúng, biến nguy thành cơ, vui vẻ vì mình được cơ hội sai mà sửa, cái tôi đủ nhỏ để không hành hạ mình, không trách móc người khác.

Xưa có người hỏi tổng thống Lincoln, ông làm sao biết trước được mà ra quyết định này hay vậy. Lincoln nói rằng sao ta biết được, chỉ là phán đoán trên cơ sở suy luận và chút trực cảm may mắn mà thôi, nhưng để có sự suy luận đó, ta đã chịu trăm ngàn lần sai lầm, bản thân chịu đựng đủ cả. Muốn linh hoạt, phải đứng giữa ngã ba đường liên tục mà quyết là sẽ đi đâu. Và phải chấp nhận mất. Cái mất dễ chấp nhận nhất với bậc đại tài là mất tiền. Cái mất lớn nhất là mất lòng tin. Chỉ có lòng tin là ráng giữ cho kỳ được, còn lại, mạnh dạn cho mất hết, vì mất mấy cái này đều làm lại được. Ai có khả năng triết học sâu, có tư chất... đều phải hiểu điều này cho cặn kỹ.




Còn Bành Gia Niên, một tỷ phú từ chối cho con cháu thừa kế tài sản, khi hỏi ông về thu nhận đệ tử, vì ông chọn đệ tử nối nghiệp không phải là người trong gia tộc, điều rất khác biệt trong văn hoá Á Đông. Ông nói, tôi đã để ý từ lúc họ còn trẻ, còn đi học.

Điều kiện đầu tiên là có tư chất. Thông minh, lanh lợi phải hội đủ (có nhiều người thông minh nhưng không lanh lợi và có nhiều bạn trẻ lanh lợi nhưng không thông minh). Nếu không có tư chất, chúng sẽ không hiểu bản chất vấn đề, không nhìn thấu sự việc.

Người nông nổi thì cứ nghe theo lời thiên hạ, tin vào lăng kính của người khác và kết luận theo người khác.
Người cao hơn 1 bậc thì có chút phản biện, đòi phải cứ nhìn bằng mắt, nghe bằng tai... rồi mới dám kết luận.
Nhưng người có tư chất, họ suy luận theo cách riêng của mình chứ không phải cứ nhìn và nghe, dù là tận mắt chính tay, nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng, cái sâu xa bản chất thì phải có tư chất mới hiểu.

Điều kiện đủ là chịu "chơi tới bến". Vì có hàng ngàn người thông minh lanh lợi trong hàng triệu học sinh 18 tuổi đang lơ ngơ giữa ngã 3 đường kia, nhưng chỉ có vài người leo lên bậc thang, còn lại phần đông đứng dưới. Ông Bành mới từ từ giải thích: đó là tính cách chịu chơi, tức dấn thân. Cả cuộc đời đi làm từ lao công đến sau này là tỷ phú thế giới, tôi gặp trăm ngàn hạng người khác nhau, chủng tộc khác nhau... nhưng không ai thành công trong lĩnh vực họ chọn mà thiếu 1 tính cách quan trọng là "chơi tới bến". Chơi ở đây không phải là chơi bời, mà là chấp nhận rủi ro, chấp nhận sự khác lạ với cái xưa nay họ hiểu biết, chấp nhận sự mạo hiểm và đánh cuộc 5 ăn 5 thua khi ra 1 quyết định cuộc đời. Chuyện nhỏ chuyện lớn gì cũng phải có tính cách táo bạo và chịu chơi này mới được.

(Lược trích Tony Buổi sáng)
TonyTheo Trí Thức Trẻ