Chân tâm linh tri, đạo tâm chân tri là gì

Bài trước mình có nói linh tri là linh quang, đây cũng chính là chân tâm mà phật gia nói. Long Mi Tử nói: “Nam chẳng phải nam, đông chẳng phải đông, nhất linh diệu hữu vốn viên thông, hiền ngu vốn là không phân biệt, phàm thánh đâu từng có khác đồng”. Linh tri hay linh quang này ở tâm, nhưng nhân tâm hư tĩnh thì linh quang này mới hiện, nên gọi là hư tâm. Tâm sinh thì tính ẩn, tâm diệt thì tính hiện.

Đạo tâm là chân tri, là hào dương trong quẻ khảm, hào này liền nên còn gọi là thật phúc. Tu luyện cốt có được nhất dương mà điểm hóa âm trong thân. Tây du ký nói ông khỉ già là Thái Ất Kim Tinh, còn gọi là Thái Ất Nguyên Khí hay Tổ Khí, có thể nhiếp tà qui chính, sai sử vạn thần, ấy cũng là đạo tâm.

Từ điển tiên học chép:
Trong lúc cha mẹ giao cấu khí hợp nhau, có một điểm linh quang xen vào trong ấy gọi là tính, từ đây biến hóa thành hình dần dần lớn lên, cho đến mười tháng thai tròn mà ra khỏi bụng mẹ thì khí cha vào thận, khí mẹ vào tim, còn tính của một điểm linh quang kia theo khí mẹ mà vào tim và dạo chơi bên ngoài. Tim với thận cách nhau 8 tấc 4 phân tàu (25,2 cm), nên tính với mệnh đến già không thể gặp nhau. Khí cha đến năm mười sáu tuổi đầy đủ mà tràn ra ngoài, ngày một tổn dần, đến cạn kiệt thì chết. Khí mẹ từ sau khi xuất thai, thế sự ngày càng biết, trí tuệ ngày càng sinh mà làm thần. Thất tình lục dục ngày một tăng trưởng, phát ra nơi tâm thì thần khí ngày một tán, tán hết thì chết, tính của một điểm linh quang không chỗ để nương mà trở về thái hư. Tâm Hương Thị nói: “Tính do trời cho, người nhờ nó mà linh, gọi là lương tri. Khảm thuộc về đạo tâm, đạo tâm thật thì có chân tri. Ly thuộc về nhân tâm, nhân tâm hư (rỗng) thì có linh tri. Hư thật tương ưng lấy chân tri mà chế linh chi, lấy linh tri mà thuận chân tri, đạo tâm thường còn, nhân tâm thường tĩnh, chân mà bao gồm linh, linh mà trở về chân”.