Ba báu vật bí ẩn trong lễ lên ngôi Nhật hoàng

01/05/2019 11:43 GMT+7[/COLOR]
Ba báu vật linh thiêng của Nhật Bản hiếm khi xuất hiện trước công chúng đến nỗi một số chuyên gia còn hoài nghi về sự tồn tại của chúng.


Theo tờ Telegraph, lễ đăng quang của Thái tử Naruhito (ngày 1/5) xuất hiện những nghi lễ cổ xưa, bí ẩn. Không có vương miện như trong truyện cổ tích. Thay vào đó, một thanh kiếm, một tấm gương và một viên ngọc sẽ giữ vai trò mang tính biểu tượng quan trọng nhất trong lễ truyền ngôi tại Nhật Bản.

Hai thị thần hoàng gia bê hộp đựng báu vật Hoàng gia Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Ba báu vật của Nhật Bản, hay còn gọi là Tam chủng thần khí, bao gồm thanh kiếm Kusanagi tượng trưng cho sự dũng cảm, tấm gương Yata no Kagami tượng trưng cho sự uyên bác và viên ngọc Yasakani no Magatama tượng tưng cho lòng nhân từ.
Tam chủng thần khí trong truyền thuyết Nhật Bản vô cùng bí ẩn và hiếm khi được trông thấy đến nỗi các chuyên gia phải đặt câu hỏi về vị trí cất giữ chính xác của những món đồ này, cũng như sự tồn tại của chúng.

Tuy nhiên, giá trị biểu tượng của ba báu vật trên là không thể phủ nhận: phản ánh bản chất tồn tại của Hoàng gia Nhật Bản và tạo ra liên kết trực tiếp giữa nguồn gốc Thần đạo (Shinto) kỳ bí cùng vai trò của nó trong thế giới hiện đại.

Thanh kiếm và viên ngọc, được cất trong hộp kín, đã được các thị thần hoàng gia đem đến lễ thoái vị của ông Akihito và sẽ xuất hiện trong lễ lên ngôi của ông Naruhito. Tấm gương Yata no Kagami đang được cất giữ tại Ise Jingu – điện thờ linh thiêng nhất của Nhật Bản ở quận Mie. Cung điện chỉ là nơi giữ bản sao.

Những báu vật giữ là thứ không thể thiếu trong lễ lên ngôi tại Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Gương thần Yata no Kagami

Trả lời phỏng vấn BBC, ông Shinsuke Takenaka tại Viện Moralogy - cơ quan chuyên nghiên cứu về đạo đức và tinh thần – cho biết chiếc gương được coi là thứ quý giá nhất trong các báu vật. Nó có thể đã hơn 1.000 năm tuổi. Đây là thần khí duy nhất không xuất hiện tại lễ đăng quang năm 1989 của ông Akihito.

Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, gương được cho là có quyền năng đoán trước tương lai và tiết lộ sự thật. Tại các lễ lên ngôi, Yata no Kagami tượng trưng cho sự uyên bác của vị hoàng đế.

Theo Kojiki – bản ghi chép cổ xưa về lịch sử và truyền thuyết Nhật Bản, Yata no Kagami do vị thần Ishikoridome tạo ra.
Sau khi nữ thần Mặt trời Amaterasu chiến đấu với anh trai Susanoo - thần biển và bão tố, bà rút lui vào một hang động, đem theo toàn bộ ánh sáng trên thế gian.
Susanoo đã sắp xếp một buổi tiệc để dụ bà ra ngoài và Amaterasu bị lóa mắt bởi hình ảnh phản chiếu của chính mình trong gương. Hai bên ngừng chiến, mang ánh sáng trở lại vũ trụ. Chiếc gương cùng với các báu vật khác sau cùng đã thuộc về cháu trai của thần Mặt trời, Ninigi.


Chuyên gia Takenaka kể rằng nữ thần đã dặn dò Ninigi: "Hãy phục vụ tấm gương này như linh hồn của ta, như cách cháu phục vụ ta, với tâm trí và thân thể sạch sẽ".
Theo truyền thuyết, Ninigi được cho là ông cố của Jimmu, Nhật hoàng đầu tiên lên ngôi năm 660 trước Công nguyên.

Hình ảnh mô phỏng của Tam chủng thần khí. Ảnh: Wikipedia

Kiếm thần Kusanagi no Tsurugi

Người ta cho rằng kiếm Kusanagi no Tsurugi – hay thảo thế kiếm – có thể đang được thờ tại điện Atsuta ở Nagoya. Truyền thuyết kể rằng thanh kiếm mọc lên từ đuôi của một con mãng xà 8 đầu, nuốt chửng các con gái của một gia đình giàu có. Người cha liền cầu xin thần Susanoo cứu giúp, hứa sẽ gả cho ông cô con gái cuối cùng chưa bị ăn thịt nếu như ông tiêu diệt con rắn. Susanoo đã dụ rắn uống say rượu, chặt đứt đuôi của nó và tìm thấy thanh kiếm.

Thanh kiếm tượng trưng cho sự dũng cảm của Nhật hoàng. Kusanagi no Tsurugi được giữ cẩn mật. Một tu sĩ được cho là từng nhìn thấy thanh kiếm này vào thời Edo (thế kỷ 17 – 19) đã bị đi đày.

Có tin đồn cho rằng Kusanagi no Tsurugi đã bị rơi xuống biển trong một trận chiến hồi thế kỷ 12, tuy nhiên ông Takenaka cho biết nó có thể có bản sao, được cất tại cung điện và dùng cho lễ lên ngôi.
Khi Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989, ông được trao thanh kiếm Kusanagi no Tsurugi. Tuy nhiên, nó được đựng trong hộp kín.

Ngọc thần Yasakani no Magatama

Ngọc Magatama có hình dạng cong, được làm khoảng 1.000 năm trước Công nguyên. Truyền thuyết Nhật Bản kể rằng viên ngọc Magatama là một mảnh trong chiếc vòng cổ của Ame-no-Uzume, nữ thần Lễ hội và Hạnh phúc, người giữ vai trò quan trọng để dụ Amaterasu ra khỏi hang.
Ame-no-Uzume đã biểu diễn một điệu múa tuyệt đẹp, cổ đeo vòng ngọc, để thu hút sự chú ý của nữ thần Mặt trời.
Yasakani no Magatama, được làm từ ngọc bích, có thể là báu vật duy nhật còn tồn tại. Nó được lưu giữ tại cung điện hoàng gia ở Tokyo, tượng trưng cho lòng nhân ái của hoàng đế.

Theo Báo Tin tức