kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Số phận Nguyên soái Georgi Zhukov sau chiến tranh thế giới thứ hai: Chìm nổi vì ai?

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Số phận Nguyên soái Georgi Zhukov sau chiến tranh thế giới thứ hai: Chìm nổi vì ai?

    Số phận Nguyên soái Georgi Zhukov sau chiến tranh thế giới thứ hai: Chìm nổi vì ai?

    Nguồn : Đại Đoàn Kết

    Đúng 10h sáng ngày 24/6/1945 cổng Spasski ở Điện Kremli mở toang ra. Dưới tiếng chuông đồng hồ và tiếng vó ngựa giậm dồn dập, người kỹ sĩ cưỡi ngựa bạch đã kiêu hãnh phi vào. Phi ra đón ông là một kỵ sĩ khác, cưỡi ngựa ô. Kỵ sĩ cưỡi ngựa bạch là nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov, giữ vai trò người tiếp nhận cuộc duyệt binh. Cả hai đều là những danh tướng của Hồng quân, đóng vai trò hàng đầu trong chiến thắng của Liên Xô chống lại hiểm họa phát xít Đức.


    Tượng đài Nguyên soái Zhukov tại Quảng trường Đỏ. (Ảnh: hiveminer.com).

    Qua lời sẽ khổ

    Một ngày sau tại khu trang trại Sosnovka ở ngoại ô Moskva của Zhukov đã diễn ra một cuộc gặp mặt của bạn bè ông cùng các Tư lệnh các phương diện quân của Mặt trận Belorussia số 1. Trong cuộc gặp mặt có trung tướng Vladimir Kryukov, đặc phái viên của nguyên soái, cùng vợ ông này và nữ ca sĩ Lydia Roslanova. Ở nước Nga ít có nữ ca sĩ nào có thể sánh ngang danh tiếng của bà. Những khúc dân ca Nga do bà thể hiện vang trên đài phát thanh Liên Xô hàng ngày. Trong cuộc gặp gỡ của những người lính chiến trường hôm ấy, Ruslanova đã nói lời chúc rượu mừng “Thánh Chiến thắng Georgi” để tôn vinh Georgi Zhukov. Ngay ngày hôm sau, băng ghi âm những lời chúc đó đã được chuyển tới nơi cần biết…

    Từ tháng 6/1945, Zhukov bắt đầu được giao nhiệm vụ chỉ huy Nhóm quân Xôviết đồn trú ở Đức, đứng đầu chính quyền quân quản Xôviết. Cương vị của Zhukov lúc đó mang tính cả chính trị lẫn quân sự. Ông tham gia vào hoạt động của Hội nghị Postdam tháng 7-8 năm 1945, giải quyết các vấn đề giải trừ nền công nghiệp quân sự của nước Đức và việc đền bù chiến tranh. Khi người Mỹ muốn được tự do bay trên khắp bầu trời nước Đức, thì Zhukov đã bác bỏ: “Trong khu vực do mình quản lý, các ngài cứ bay thoải mái, còn ở khu vực Đông Đức thì các ngài chỉ được bay ở nơi nào mà tôi cho phép”.

    Mùa thu năm 1945, trên báo Mỹ Chicago Tribune đã xuất hiện ghi chép về việc “Ở Moskva đang diễn ra cuộc đấu tranh hậu trường khốc liệt để giành lấy quyền lực giữa nguyên soái Zhukov với Bộ trưởng Ngoại giao Molotov” nhằm tranh ghế thừa kế từ Stalin… Rồi báo chí Mỹ viết về chuyến viếng thăm của Zhukov sang Mỹ dự kiến vào cuối năm, nhưng rồi bị Stalin hoãn lại vô thời hạn… Rồi xuất hiện tên họ những nhà lãnh đạo Xôviết hàng đầu như Zhdanov và Bulganin như những người có thể sẽ kế vị Stalin… Cho tới hôm nay vẫn không rõ là những bài báo như trên là kết quả của trí tưởng tượng của các nhà báo Mỹ hay là biểu hiện của một chiến dịch được các cơ quan an ninh tình báo phương Tây chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm mượn bàn tay của Điện Kremli loại bỏ nguyên soái Zhukov như một nhân vật mà Mỹ rất khó chịu… Chỉ biết rằng, tới tháng 3/1946, nguyên soái Zhukov bất ngờ bị gọi về Moskva. Và một sự cố lớn đã xảy ra…

    Thực tế là bắt đầu từ giữa năm 1945 đã xuất hiện một chiến dịch thu thập những tài liệu bất lợi cho hàng loạt những tên tuổi nổi bật trong đội ngũ chỉ huy Hồng quân. Mọi sự bắt nguồn từ vụ “lính không quân”. Cơ quan an ninh đã bắt giữ quân đoàn trưởng quân đoàn không quân số 12, nguyên soái không quân (tương đương với hàm đại tướng lục quân) S.A. Khudyakov và tư lệnh không quân, nguyên soái chính không quân (ở trên một cấp so với quân hàm đại tướng lục quân) hai lần Anh hùng Liên Xô, A.A. Novikov. Trong các cuộc thẩm vấn, hai nhân vật này đã cung cấp nhiều thông tin bất lợi cho nhiều tướng lĩnh không quân và hàng loạt lãnh đạo ngành công nghiệp hàng không… Nguyên soái Zhukov cũng bị nhắc tới…
    Trên cơ sở những thông tin đó, tháng 6/1946, Bộ trưởng Bộ Các lực lượng Vũ trang Liên Xô (tức Bộ Quốc phòng) đã ra mệnh lệnh số 009.

    Mệnh lệnh của Bộ trưởng các Lực lượng vũ trang Liên Xô

    Số 009 ngày 9-6-1946, thành phố Moskva. Tuyệt mật.

    Quyết định ngày 3-6 năm nay của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã chấp thuận đề nghị của Hội đồng Quân sự Tối cao ngày 1-6 về việc cho nguyên soái Liên Xô Zhukov chức vụ Tư lệnh Lục quân, đồng thời cũng bằng quyết định này cho nguyên soái Zhukov thôi chức thứ trưởng Bộ Các lực lượng Vũ trang.
    Hoàn cảnh sự việc như sau.

    Cựu tư lệnh không quân Novikov mới đây đã gửi đơn lên chính phủ báo cáo về nguyên soái Zhukov, trong đó có nói về những hành động không xứng đáng và có hại từ phía nguyên soái Zhukov đối với Chính phủ và Tổng Tư lệnh Tối cao. Hội đồng Quân sự Tối cao trong kỳ họp ngày 1-6 năm nay đã xem xét đơn của Novikov và đã xác định được rằng, nguyên soái Zhukov, bất chấp vị thế cao mà Chính phủ và Tổng Tư lệnh Tối cao đã tạo ra cho, vẫn coi mình là đã bị hắt hủi, bộc lộ sự bất mãn đối với các quyết định của Chính phủ và đưa ra những nhận định thù địch đối với Chính phủ trước các cán bộ thuộc cấp.
    Đánh mất mọi sự khiêm tốn và bị lôi cuốn bởi lòng kiêu ngạo cá nhân, nguyên soái Zhukov đã cho rằng các thành tích của mình không được đánh giá đầy đủ, tự nhận cho mình trong các cuộc trò chuyện với thuộc cấp việc lên kế hoạch và tiến hành tất cả các chiến dịch chính yếu của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, kể cả những chiến dịch mà mình không hề có chút liên quan nào. Hơn thế nữa, nguyên soái Zhukov, tự bản thân rất cáu kỉnh, đã mưu toan tập hợp quanh mình những chỉ huy đã thất bại và bị loại bỏ khỏi công việc, bao che cho những người này, bằng cách đó đối lập mình trước Chính phủ và Tổng Tư lệnh Tối cao.

    Trên cương vị Tư lệnh Lục quân, nguyên soái Zhukov vẫn tiếp tục bộc lộ thái độ không đồng tình của mình đối với các quyết định của Chính phủ giữa những người gần gụi với mình, và đánh giá một số biện pháp của Chính phủ nhằm củng cố khả năng chiến đấu của lục quân không từ quan điểm bảo vệ quyền lợi của sự nghiệp quốc phòng của đất nước, mà lại như những biện pháp làm tổn hại nhân cách của mình là nguyên soái Zhukov. Ngược lại với tất cả những tuyên bố nói trên của nguyên soái Zhukov, tại kỳ họp của Hội đồng Quân sự Tối cao đã xác định được rằng, tất cả mọi kế hoạch của những chiến dịch lớn trong chiến tranh Vệ quốc, cùng như các kế hoạch chuẩn bị cho việc tiến hành chúng đều được thảo luận và quyết định tại các cuộc họp chung của Hội đồng Quốc phòng Nhà nước và các thành viên Đại bản doanh (Stavka) với sự có mặt của Tư lệnh các mặt trận liên quan và các cán bộ chủ chốt của Bộ Tổng Tham mưu, và cũng thường xuyên có sự tham gia của Tư lệnh các quân binh chủng.

    Tiếp theo, cũng đã xác định được rằng, kế hoạch tiêu diệt nhóm quân Đức ở hướng Stalingrad và việc tiến hành kế hoạch đó mà nguyên soái Zhukov đã tự nhận cho mình, hoàn toàn không liên quan gì tới đồng chí ấy: mọi người đều biết rằng kế hoạch tiêu diệt lực lượng Đức đã được xây dựng và quá trình tiến hành kế hoạch này đã được bắt đầu vào mùa đông năm 1942, khi nguyên soái Zhukov đang ở một mặt trận khác, cách xa Stalingrad. Cũng đã xác định tiếp theo được là, nguyên soái Zhukov không có dính dáng gì tới kế hoạch tiêu diệt nhóm quân Đức ở hướng Krym cũng như việc tiến hành kế hoạch này, dù rằng đồng chí ấy đã mạo nhận cho mình việc này trong các cuộc nói chuyện với thuộc cấp. Cũng đã xác định được tiếp theo là, việc tiêu diệt nhóm quân Đức ở hướng Korsun - Shenchenko được lập kế hoạch và tiến hành không phải do nguyên soái Zhukov như đồng chí ấy đã nói mà do nguyên soái Konev, và việc giải phóng Kiev không phải bằng mũi tấn công từ phía nam, từ điểm tập kết Bukrin như nguyên soái Zhukov đề xướng mà bởi mũi tấn công từ phía Bắc, vì Tổng Hành dinh cho rằng, điểm tập kết Bukrin không thích hợp cho một chiến dịch lớn như thế. Và cuối cùng cũng đã xác định được rằng, trong khi công nhận những công lao của nguyên soái Zhukov trong việc đánh chiếm Berlin, không thể phủ nhận như nguyên soái Zhukov đang làm (lờ đi), việc nếu không có mũi tấn công từ hướng nam của lực lượng của nguyên soái Konev và mũi tấn công của lực lượng của nguyên soái Rokossovsky thì Berlin đã không thể bị bao vây và đánh chiếm đúng thời hạn. Cuối cùng, nguyên soái Zhukov đã tuyên bố trong kỳ họp của Hội đồng Quân sự Tối cao rằng đồng chí ấy thực sự đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, đã bị nhiễm chứng huyễn hoặc về bản thân và tất nhiên là đồng chí ấy không thể ở lại trên cương vị Tư lệnh Lục quân, đồng chí ấy sẽ cố gắng khắc phục các sai lầm của mình trên một vị trí công tác khác.

    Hội đồng Quân sự Tối cao sau khi xem xét vấn đề về cách hành xử của nguyên soái Zhukov đã nhất trí đánh giá cách hành xử đó là có hại và không phù hợp với cương vị mà đồng chí ấy đang giữ, và xuất phát từ đánh giá này, quyết định yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xôviết cho nguyên soái Zhukov thôi chức Tư lệnh Lục quân. Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xôviết trên cơ sở những gì đã được trình bày đã chấp nhận đưa ra quyết định cho nguyên soái Zhukov thôi giữ các cương vị đã giữ và cử đồng chí ấy giữ chức Tư lệnh quân khu Odessa.

    Mệnh lệnh này được chuyển tới các tư lệnh, thành viên các Hội đồng và thủ trưởng các bộ tham mưu các quân khu và các hạm đội thuộc Các lực lượng Vũ trang Liên bang Xôviết.

    Bộ trưởng Сác lực lượng Vũ trang Liên bang Xôviết, Tổng Tư lệnh Tối cao, I. Stalin.


    Nikita S. Khrushchev, Anthony Eden, Nikolai Bulganin và Georgy K. Zhukov tại Hội nghị Genève. (Ảnh: allposters.com).

    Họa vô đơn chí

    Tháng 2/1947, Hội nghị BCH TƯ Đảng Cộng sản toàn Liên bang (Bolshevik) đã loại bỏ nguyên soái Zhukov ra khỏi danh sách các Ủy viên Dự khuyết BCH TƯ. Ông rất tâm tư trước sự việc này. Ngày 27/2/1947, Zukov đã gửi tới Nikolai Bulganin (người lúc đó đang là Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương và từ tháng 3/1947, được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kế nhiệm lãnh tụ Stalin) lời tâm sự và bày tỏ mong muốn được chuyển giúp một lá thư lên lãnh tụ Stalin. Ông viết: “…Như đồng chí thấy từ lá thư, tôi mong muốn được thêm một lần nữa báo cáo với đồng chí Stalin về các sai lầm của mình, về lỗi của mình trước đồng chí Stalin và đảng. Tôi không cầu xin gì cả, tôi chỉ xin hãy tin tôi về một việc là, tôi đã ý thức với tinh thần đảng viên được những sai lầm mà mình đã phạm phải và tôi nhất định sẽ khắc phục những sai lầm đó và sẽ sửa chữa trong thời hạn ngắn nhất. Tôi viết lá thư này cũng còn vì tôi rất đau đớn vì việc mình bị loại ra khỏi BCH TƯ và còn đau đớn hơn vì những sai lầm mà tôi đã phạm phải trước đồng chí Stalin, người đã đầy thương yêu dìu dắt tôi trưởng thành, nhẫn nại dạy dỗ và nâng uy tín tôi lên trong con mắt của nhân dân.

    Siết chặt tay đồng chí!

    G. Zhukov”

    Lá thư mà nguyên soái Zhukov viết cho Stalin có nội dung như sau:

    “… Thưa đồng chí Stalin, tôi muốn thêm một lần nữa chân thành báo cáo với đồng chí về những sai lầm của mình.
    1. Thứ nhất, tội lỗi của tôi trước hết là ở việc trong thời gian chiến tranh, tôi đã thổi phồng vai trò của mình trong các chiến dịch và đánh mất cảm giác khiêm tốn của người Bolshevik. Thứ hai, sai lầm của tôi là ở khi tôi báo cáo với đồng chí và Tổng Hành dinh Bộ Tổng Chỉ huy Tối cao các ý kiến của mình, đôi khi tôi đã thể hiện sự không tế nhị và bảo vệ quan điểm của mình một cách thô bạo. Thứ ba, tôi có lỗi là trong các cuộc nói chuyện với Vasilevsky, Novikov và Voronov đã chia sẻ những nhận xét của đồng chí về các báo cáo của tôi. Tất cả những cuộc nói chuyện đó không bao giờ thể hiện sự không hài lòng, như Vasilevsky, Novikov và Voronov thuật lại. Giờ thì tôi với tất cả tinh thần trách nhiệm đã hiểu ra rằng những câu chuyện phiếm đời thường ấy đã là một sai lầm thô bạo và tôi sẽ không bao giờ để chuyện như thế xảy ra nữa. Thứ tư, tôi đã có lỗi vì đã thể hiện sự mềm lòng và đã báo cáo với đồng chí các yêu cầu về các chỉ huy đã bị kỷ luật một cách xứng đáng. Tôi đã sai lầm khi cho rằng, trong thời gian chiến tranh vì lợi ích công việc thì tốt hơn nên mau mau tha thứ cho họ và khôi phục lại cho họ những quyền lực cũ. Bây giờ tôi đã ý thức được rằng ý kiến của tôi đã là sai lầm.

    2. Đồng thời, thưa đồng chí Stalin, tôi chân thành xin được khẳng định với đồng chí rằng, tuyên bố của Novikov về thái độ thù địch của tôi đối với chính phủ hoàn toàn là vu khống. Chính đồng chí cũng biết rằng tôi đã không tiếc sinh mệnh của mình, không do dự lao mình vào hoàn cảnh nguy hiểm nhất và luôn cố gắng thực hiện chỉ thị của đồng chí một cách tốt nhất.
    Thưa đồng chí Stalin, tôi cũng xin khẳng định với đồng chí rằng, tôi chưa bao giờ giành công cho mình về chiến dịch Krym. Nếu ở đâu đó có nói về chuyện liên quan tới nó thì đó là về chiến dịch ở ga Krym mà tôi đã tiến hành theo chỉ đạo của đồng chí.

    3. Tôi đang ý thức được rất sâu sắc những sai lầm đã phạm phải của mình, thưa đồng chí Stalin và xin hứa với đồng chí bằng lời hứa chắc chắn của một người Bolshevik rằng, tôi sẽ không bao giờ lặp lại chúng nữa. Tại kỳ họp của Hội đồng Quân sự Tối cao, tôi đã hứa với đồng chí rằng trong thời hạn ngắn nhất tôi sẽ sửa chữa các sai lầm mà tôi đã phạm phải và giờ tôi đang thực hiện lời hứa của mình. Tôi đang rất nỗ lực làm việc ở Quân khu và với một niềm khao khát lớn. Rất mong đồng chí Stalin hoàn toàn tin tưởng ở tôi, tôi sẽ cố gắng xứng đáng với lòng tin của đồng chí.

    G. Zhukov”

    Tuy nhiên, tới ngày 10/1/1948, lại diễn ra một cuộc kiểm tra căn hộ của Zhukov ở Moskva với mục đích tìm kiếm cái valy chứa đầy vàng và kim cương. Không thể tìm thấy cái valy đó, nhưng đoàn kiểm tra vẫn phát hiện ra nhiều đồ vật quý giá và những bức tranh đắt tiền có thể là đồ chiến lợi phẩm mang từ nước Đức về. Rốt cuộc là nguyên soái đành phải viết bản tường trình gửi cho Bí thư Trung ương Đảng A.A. Zhdanov và bản cam kết về việc khu trang trại ngoại ô cũng như căn hộ ở Moskva cùng các đồ vật quý giá khác của ông từ nay thuộc về sở hữu của Bộ An ninh Quốc gia. Không những thế, Zhukov còn phải nộp hơn 60 nghìn rub tiền phạt vì những đồ vật đã bị tịch thu đó…

    Tháng 2/1948, Zhukov sau sự việc này chỉ bị điều chuyển như một sự hạ chức, tới làm chỉ huy hậu cần của một quân khu nhỏ là quân khu Ural…

    Chỉ sau khi lãnh tụ Stalin qua đời tháng 3/1953, Zhukov mới được đưa trở lại Moskva và nhận chức thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, giúp việc cho Bộ trưởng Bulganin… Và cần phải nói rằng, chính Zhukov đã đóng một vai trò quan trọng trong những nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo mới ở Liên Xô nhằm hạ thấp uy tín và công lao của lãnh tụ Stalin trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại dưới danh nghĩa của cái gọi là chiến dịch “chống sùng bái cá nhân”. Zhukov cũng đã nỗ lực không nhỏ để góp phần vào việc giúp Nikita Khrushchev lên đứng đầu bộ máy quyền lực ở Liên bang Xôviết. Nhờ thế, tháng 2/1955, Zhukov đã được đưa lên làm Bộ trưởng Quốc phòng sau khi người tiền nhiệm Bulganin trở thành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Đồng thời, tới tháng 2/1956, ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Đoàn Chủ tịch (tức Bộ Chính trị) của Đảng Cộng sản Liên Xô…
    Có lẽ khi đó ông đã không ngờ rằng sự dính líu quá sâu của ông vào những trận chiến hậu trường trong điện Kremli cũng chính là nguyên nhân để chỉ hai năm sau, ông lại phải tức tưởi bị người mà ông đã ủng hộ loại khỏi cuộc chơi.

    Năm 1957 định mệnh

    Giữa năm 1957, ngày 18/6, tại cuộc họp của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô, một nhóm các “trưởng lão” đã đề nghị Bí thư Thứ nhất Khruchchev rời khỏi chức vụ xuống làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Molotov được dự kiến sẽ giữ chức Bí thư Thứ nhất - ông từng là người đứng đầu Ban Bí thư Trung ương Đảng từ năm 1921. Tuy nhiên, chính Bộ trưởng Quốc phòng Zhukov và lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) Ivan Serov, Ủy viên Dự khuyết Đoàn Chủ tịch BCH TƯ Đảng, đã đứng ra cứu giúp Khrushchev. Zhukov tuyên bố: “Quân đội không chấp nhận sự thay đổi lãnh đạo”.
    Tối hôm đó, tại trụ sở BCH TƯ trên Quảng trường Cũ Moskva đã tập hợp những người ủng hộ Bí thư Thứ nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Zhukov nóI với Khrushchev: “Đồng chí không phải rời khỏi chức vụ Bí thư Thứ nhất. Tôi sẽ bắt giam họ, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ rồi”.

    Tới ngày 22/6/1957, trong hội nghị kéo dài tới cả tuần, Khrushchev rốt cuộc đã nhận được đa số phiếu ủng hộ của các Ủy viên Trung ương. Các trưởng lão thất bại và buộc phải về vườn. Zhukov được bầu làm Ủy viên chính thức của Đoàn Chủ tịch. Còn Serov được phong quân hàm đại tướng…

    Ngày 8/9/1957, tại khu nghỉ mát Krym, đội ngũ cốt cán của Điện Kremli tụ họp mừng sinh nhật Andrei Kirilenko - Ủy viên dự khuyết Đoàn Chủ tịch, Bí thư Thứ nhất tỉnh Sverdlovsk. Rượu vào lời ra, quá chén, Zhukov đã nâng ly cụng với Chủ tịch KGB Serov: “Ivan Aleksandrovich, xin đừng quên, KGB là tai và mắt của quân đội đấy nhé!”. Khrushchev mặc dù cũng đã rất ngật ngưỡng rồi nhưng cũng đủ tỉnh táo để “sửa gáy” nguyên soái: “Hãy nhớ giúp cho, đồng chí Serov, KGB là tai và mắt của Đảng”!

    Sau sự kiện này, Khrushchev, có lẽ vì lo lắng với câu nói bất cẩn của Bộ trưởng Quốc phòng, đã bảo với Serov rằng chính Zhukov đang đề nghị thay thế Chủ tịch KGB. Có lẽ Khrushchev đã bịa ra câu nói đó vì muốn chia rẽ hai nhân vật quyền lực quan trọng này và Serov đã mắc mưu, ngay lập tức tìm tới Zhukov để gây sự…

    Trên thế thượng phong, Khrushchev đã không dừng tại đó mà đứng ra phát biểu tại hội nghị BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô: “Giờ nói về Ủy ban An ninh Quốc gia. Zhukov nói với Serov rằng: “Đừng tin Khrushchev, tôi chưa từng nói với ông ấy bao giờ là cần phải cách chức anh”. Nảy sinh câu hỏi: tại sao tôi lại phải nói dối Serov? Tôi sợ đồng chí ấy à? Tôi là Bí thư Thứ nhất BCH TƯ Đảng, đồng chí ấy là Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia, KGB trực thuộc BCH TƯ và phải thực hiện những gì Trung ương chỉ đạo, phải thực hiện không phải vì thích hay không thích tôi, mà là vì theo phận sự, là vì BCH TƯ giao nhiệm vụ. Đồng chí Zhukov muốn mọi thứ đều thuộc về Bộ Quốc phòng - cả KGB, cả Bộ Nội vụ. Thế vị trí của BCH TƯ ở đâu? Nếu trao tất cả cho Zukov thì chỉ sau một tháng đồng chí ấy hẳn sẽ nói luôn: Cả BCH TƯ cũng nên thuộc về Bộ Quốc phòng. Và tôi sẽ bảo vệ các đồng chí”…

    Hiển nhiên là sau bài phát biểu đó của Khrushchev, quan hệ giữa Zhukov với Serov cũng như các thành viên khác của Đoàn Chủ tịch không thể nào tốt đẹp được. Tới hội nghị tháng 10-1957 của BCH TƯ, Khrushchev lại phát biểu: “Tai họa của Zhukov là ở chỗ, đồng chí ấy là người rất tự mãn. Sau khi được bầu vào Đoàn Chủ tịch BCH TƯ, đồng chí ấy bắt đầu đưa ra những lời dạy dỗ chỉ bảo trong mọi lĩnh vực, lắm khi nghe rất là khiếm nhã. Lẽ ra thoạt tiên phải đi sâu vào nắm bản chất sự việc, để những người nói đã, rồi sau đó mới góp ý kiến. Thế nhưng đồng chí ấy lắm khi lại chả biết đầu cua tai nheo gì đã vội đưa ra kiến nghị”…

    Tới đầu tháng 10/1957, theo quyết định của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ, Zhukov phải dẫn đầu một đoàn đại biểu sang thăm chính thức Nam Tư. Tại sân bay, trước khi lên máy bay bay tới Simvestopol, Zhukov bất ngờ thốt lên: “Các đồng chí ở lại nhớ cẩn thận nhé, Chính phủ có vẻ đứng không vững chân lắm”…

    Trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng đi vắng, các cuộc diễn tập quân sự đã được tiến hành sớm trước thời hạn đã định dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Lục quân, nguyên soái Rodion Yakolevich Malinovsky.

    Tổng cục trưởng Tổng cục Quân báo Bộ Tổng tham mưu, đại tướng Shtemenko đã chuyển tới Bộ trưởng Quốc phòng theo các kênh của mình thông tin về một âm mưu đang được triển khai ở Moskva. Zhukov gửi lời xin phép tới Khrushchev để kết thúc chuyến thăm chính thức Nam Tư sớm hơn thời hạn đã định và quay trở về vùng đang diễn tập quân sự. Tuy nhiên, Bí thư Thứ nhất đã chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng tiếp tục thực hiện kế hoạch đối ngoại đã định ở Belgrad.

    Ngày 26/10/1957, ngay sau khi Zhukov trở về Moskva từ Nam Tư, ông được mời tới phiên họp của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô. Tại đó, ông bị buộc tội âm mưu cướp chính quyền. Phiên họp ra quyết định đưa nguyên soái Malinovsky lên làm Bộ trưởng Quốc phòng.

    Trong Hội nghị BCH TƯ Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra vào hai ngày 27 và 28/10/1957, mọi người đã nhất trí đưa Zhukov ra khỏi BCH TƯ Đảng...

    Nguyễn Trung Tín

    Last edited by Bin571; 02-05-2019 at 11:31 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Nguyên soái Zhukov - Danh tướng khiến cả TG ngưỡng mộ bất ngờ rơi vào bẫy và bị làm n
    By Bin571 in forum Lịch sử, giai thoại, truyền thuyết của các nước khác
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 11-11-2018, 11:34 PM
  2. Trả lời: 36
    Bài mới gởi: 28-02-2016, 01:38 PM
  3. Nguyễn Bảo Nguyên: Nói chuyện với người trong tranh
    By Bin571 in forum Chân dung & Đối Thoại
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 19-05-2013, 08:43 AM
  4. Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 17-01-2013, 01:06 PM
  5. Nguyên soái G.Zhukov: Sống ở lòng dân
    By Bin571 in forum Lịch sử, giai thoại, truyền thuyết của các nước khác
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 29-04-2012, 10:50 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •