Vì sao Bao Thanh Thiên có thể xử án dưới âm phủ?


Kỳ án "Ly miêu đánh tráo thái tử" hay "Ly miêu hoán chúa" nổi tiếng với tài ngày xử dương gian, đêm xử âm phủ của Bao Công.

Bộ phim Bao Thanh Thiên 1993 từng làm mưa làm gió khắp châu Á khi lên sóng lần đầu tiên vào tháng 2/1993 và kéo dài đến tháng 1/1994. Bộ phim truyền hình do Đài Loan sản xuất đã từng chinh phục khán giả khắp 3 bờ đại dương, đem đến một cơn sốt Bao Công.

Bao Thanh Thiên 1993 đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng bằng chính những giá trị đích thực, giản dị và bền vững của cuộc sống. Lấy bối cảnh đời Bắc Tống xoay quanh hàng loạt các vụ án, điều tra… bộ phim giúp con người có niềm tin hơn vào công lý và quy luật “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”.


Bộ ba Kim Siêu Quần vai Bao Thanh Thiên, Hà Gia Kính vai Triển Chiêu và Phạm Hồng Hiên vai Công Tôn Sách.

Dù có rất nhiều phiên bản khác nhau nhưng Bao Thanh Thiên 1993 với sự tham gia của bộ ba Kim Siêu Quần vai Bao Thanh Thiên, Hà Gia Kính vai Triển Chiêu và Phạm Hồng Hiên vai Công Tôn Sách vẫn được khán giả yêu thích nhất.
Ban đầu, phim chỉ dự kiến có 15 tập nhưng vì thành công ngoài mong đợi, tác phẩm đã được phát triển lên con số 236 tập phim cùng 41 kỳ án hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Mỗi kỳ án thường được kéo dài trong 4-5 tập phim.
Trong đó, kỳ án "Ly miêu đánh tráo thái tử" hay "Ly miêu hoán chúa" nổi tiếng với tài ngày xử dương gian, đêm xử âm phủ của Bao Công.

Bao Thanh Thiên xử án dưới âm phủ


Bao Thanh Thiên do Kim Siêu Quần thủ vai.

Kỳ án "Ly miêu hoán chúa" xảy ra vào thời nhà Tống, đời vua Tống Chân Tông. Khi quân Khiết Đan xâm lấn biên cương, đích thân nhà vua phải thân chinh đi dẹp loạn. Cùng thời điểm đó Lưu hoàng hậu và Lý thần phi đều lâm bồn. Hoàng hậu sinh con gái trong khi thần phi sinh con trai.

Vì sợ sau này con trai thần phi được phong thái tử sẽ kế vị ngai vàng nên Lưu hoàng hậu cùng thái giám Quách Hoè đã đem một con mèo chết để đánh tráo thái tử. Họ sai cung nữ thân cận với thần phi là Khấu Châu ném hoàng tử xuống ao Kim Thuỷ.
Vì lòng trung nghĩa với thần phi, Khấu Châu đưa hoàng tử cho thái giám Trần Lâm, đưa về Nam Thanh cung cho Địch phi nuôi dưỡng và sau này được Bát hiền vương đặt là Triệu Thọ Ích. Thần phi may mắn thoát chết trong hoả hoạn và lưu lạc dân gian.


Kỳ án Ly miêu hoán chúa rất được khán giả yêu thích.

Không có con trai, Chân Tông đã lập con của anh – Bát hiền vương làm Đông cung thái tử, hiệu là Triệu Trinh. Năm 14 tuổi Triệu Trinh lên ngôi lấy hiệu là Nhân Tông mà không hề hay biết thân thế của mình.
Sau này, khi Bao Công đi phát gạo cứu tế tại Thần Châu đã vô tình gặp lại người phụ nữ mù loà chính là Lý thần phi năm xưa.
Vụ án Ly miêu hoán chúa dần dần hé lộ.

Có thể nói trong kỳ án này, Bao Công một lần nữa cho thấy khả năng xử án ngày dân gian, đêm âm phủ của mình. Dù tìm mọi cách để buộc tội Quách Hoè nhưng hắn một mực không chịu nhận tội. Bao Công thậm chí còn phải nhờ người đóng giả cung nữ Khấu Châu nhưng vẫn bị tên thái giám lọc lõi, thủ đoạn này nhận ra.
Đoạn kết của kỳ án Ly miêu hoán chúa càng ly kỳ hơn khi linh hồn Khấu Châu trở về và vạch toàn bộ tội ác của Quách Hoè. Lúc này, không còn đường nào khác, tên thái giám đã phải tâm phục khẩu phục nhận tội.

Lý do Bao Thanh Thiên có thể xử án dưới âm phủ

Bao Công tên thật là Bao Chửng (999 - 1062), tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi bằng rất nhiều tên khác như Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao học sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan “thanh liêm, chấp pháp nghiêm chỉnh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình” dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022 - 1063).
Nhân vật Bao Công được đưa vào những bộ phim rất thành công và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, một số tình tiết trong phim lại hoàn toàn khác so với Bao Công thật sự. Bao Thanh Thiên có khuôn mặt đen và vầng trăng trên trán là hình ảnh thường thấy trên phim. Nhưng thực tế không phải vậy.

Tạo hình Bao Công trên phim.

Bao Công đời thực thậm chí lại trắng trẻo và có phần thư sinh. Tạo hình mặt đen là do ảnh hưởng của Kinh kịch, hát bội. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân; mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa; mặt đen đại diện cho nghiêm túc, công chính liêm minh, quân tử.

Tương truyền, Bao Công là một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ.

Trong văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.
Chính bởi điều này các nhà làm phim đã dựa vào truyền thuyết này để xây dựng nên một Bao Công có thể đi về giữa hai cõi dương gian và âm phủ, nói chuyện với hồn và xử án ở dưới âm phủ.