Vì sao người Việt ở nước ngoài coi ngày giỗ Tổ đặc biệt hơn cả Tết?



13/04/2019 09:09:36 GMT+7



“Đối với ngày giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài, dù cộng động người Việt ở đó đã mang quốc tịch nước khác, có chính kiến khác, nhưng ai cũng đều hướng về tổ tiên là con Lạc cháu Hồng. Có thể nói ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu còn ý nghĩa đặc biệt hơn cả ngày Tết”, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói với PV.


Đại sứ Nguyễn Phú Bình (ảnh IT).

Vào dịp giỗ Tổ, ở nhiều quốc gia trên thế giới, kiều bào ta cũng tiến hành tổ chức nghi lễ hướng về tổ tiên. Sau 5 năm triển khai, dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo kiều bào nhiều nước trên thế giới như Đức, Séc, Nga, Áo, Hungary, Mỹ, Canada, Lào, Thái Lan, Nhật, Canada, Ba Lan... Nhân sự kiện này, PV có trao đổi với Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, hiện là Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Thưa ông tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là nét độc đạo của dân tộc ta và điều đặc biệt hơn là nghi lễ này không chỉ tổ chức trong nước mà còn được tổ chức cho kiều bào ta ở nhiều nước trên thế giới?
- Thực ra quốc gia nào cũng có cách để tưởng niệm về nguồn gốc. Còn đối với Việt Nam chúng ta, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có điều rất đặc biệt, vì đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là loại hình tâm linh đầu tiên được công nhận, sự độc đáo là ở chỗ đó.

Đây là sáng kiến của một số kiều bào đang sinh sống, làm việc và nghiên cứu ở nước ngoài, trong đó nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Yến (kiều bào Áo) là người sáng lập. Chúng tôi chỉ là những người tiếp thu sáng kiến và ủng hộ bằng cách lập ra Ban dự án ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu. Sáng kiến này là để toàn thể người Việt Nam trên toàn thế giới có một ngày cùng hướng về tổ tiên.

Nghi thức giỗ Tổ Hùng Vương là nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt (ảnh Lê Hiếu).

Như chúng ta đã biết, việc đặt ra ngày để thực hiện việc chung gì đó có thể có sự đồng thuận và không đồng thuận, bởi vì kiều bào ta ra đi với những lý do khác nhau. Ví dụ như chúng ta kỷ niệm ngày Quốc khánh (2.9) ở nước ngoài nhưng không phải bà con người Việt nào ở đó quan tâm và tham dự hết. Khi họ đã là công dân của quốc gia khác thì những ngày đó không còn là ngày lễ chính với họ.

Tuy nhiên đối với ngày giỗ Tổ Hùng Vương thì dù những người Việt sinh sống ở nước ngoài đã mang quốc tịch nước khác, có chính kiến khác, nhưng ai cũng hướng về tổ tiên là con Lạc cháu Hồng. Có thể nói ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu còn ý nghĩa đặc biệt hơn cả ngày Tết, bởi nói về ngày Tết thì nhiều quốc gia trên thế giới cũng có Tết âm lịch, có tập tục đón Tết riêng. Nói như vậy để thấy ngày Quốc tổ đối với kiều bào ta chính là ngày chung nhất, ai là người gốc Việt đều ủng hộ.

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu vừa được tổ chức tại Thái Lan (ảnh VNN).

Hình thức giỗ Tổ của kiều bào ta ở nước ngoài có điểm gì khác so với trong nước không thưa ông?
- Chúng tôi trong Ban vận động dự án “Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu” lấy kinh nghiệm và hình thức tế lễ ở Đền Hùng (Phú Thọ) đưa ra nước ngoài và có sự cải tiến hơn cho phù hợp. Bài văn tế cũng riêng, như vậy mới phù hợp với đồng bào ở xa Tổ quốc.

Về hình thức, ngày Quốc tổ Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức gồm có 3 phần. Phần thứ nhất là phần lễ, phần này nghi thức cơ bản giống như ở Đền Hùng, như tôi đã nói ở trên có cải tiến cho phù hợp; phần thứ hai là phần hội, nghĩa là các hoạt động xung quanh như văn nghệ, thi nấu bánh chưng, bánh dày, ẩm thực, thời trang, triển lãm… làm cho ngày đó tưng bừng hơn; phần thứ ba là tọa đàm, nói về ý nghĩa của ngày giỗ Tổ đối với người Việt Nam ở nước ngoài thế nào, cách để hướng về tổ tiên.
Tùy theo tình hình thực tế có nơi tổ chức được cả 3 phần trong ngày Quốc tổ, có nơi chỉ làm được 1 hoặc 2 phần, nhưng phần cơ bản nhất là phần lễ khi tổ chức thì nơi nào cũng có.

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu vừa qua được tổ chức tại Lào (ảnh VNN).

Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu có ý nghĩa thế nào trong việc giữ gìn những giá trị truyền thống cũng như đời sống hiện tại của kiều bào ta thưa ông?
- Như đã nói, đây là sáng kiến của kiều bào ta ở nước ngoài, chúng tôi chỉ đưa lên thành cái chung và tổ chức thành một ngày cho bà con ở nước ngoài. Điều này mang ý nghĩa rất lớn về đại đoàn kết, khi đến với ngày Quốc tổ người ta sẽ vượt qua được những khác biệt về quốc tịch, chính kiến, tôn giáo, dù hiện tại thế nào thì những người gốc Việt cũng coi mình là con Lạc cháu Hồng.

Ý nghĩa nữa của ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu là chúng tôi giúp cho giới trẻ hướng về cội nguồn, bởi giới trẻ gốc Việt sinh ra ở nước ngoài không biết về truyền thống dân tộc; rồi giúp cho các bậc cha mẹ luôn hướng các con nhớ đến truyền thống cha ông mình.
Như đã nói ở trên, đây là loại hình văn hóa đã được quốc tế công nhận, việc đưa ra ngoài giao lưu với văn hóa các nước cũng đem lại ý nghĩa rất lớn. Vừa là giao lưu văn hóa, vừa để kết nối giữa cộng đồng người Việt với người dân nước sở tại cũng như bạn bè quốc tế.
Qua những lần đi tổ chức ông thấy thái độ của người dân nước sở tại thế nào đối với ngày Quốc tổ của kiều bào ta?

- Ở nhiều quốc gia lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đến tham dự. Tối 12.4, trước khi lên máy bay để bay sang Nhật, tôi đã nhận được tin báo ở vùng Đông Osaka, Thị trưởng của thành phố này cũng sẽ đến dự ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu. Có thể nói khi chúng tôi tổ chức ngày Lễ này không chỉ có sự hưởng ứng của bà con kiều bào mà có cả những người dân sở tại.

Vừa qua chúng tôi đi Lào và Thái Lan tổ chức ngày Quốc tổ, thấy có đông người tham dự, với tinh thần nô nức phấn chấn. Những người dân gốc Việt đang sinh sống tại đây rất mừng vì lần đầu tiên được trực tiếp dâng hương lên Quốc tổ, bởi không phải ai cũng có điều kiện để về nước lên Đền Hùng ở Phú Thọ thực hiện nghi lễ này.

Xin cảm ơn ông (!)
Theo Lương Kết (Dân Việt)