kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư

    Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư

    13/03/2019 09:11 AM | SỐNG

    Một bên tin Thượng đế, bên kia tin lời Phật... Hóa ra, đạo Chúa và đạo Phật hình thức khác nhau nhưng không có gì mâu thuẫn cả.




    Lời giới thiệu: Tại một số bệnh viện trên thế giới, việc chăm sóc giảm nhẹ cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối bằng các biện pháp tinh thần và tâm linh đã dần được đưa vào song song với điều trị bằng thuốc và hóa-xạ.

    Có những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối chủ động từ chối việc điều trị bằng thuốc, thay vào đó dùng toàn bộ thời gian còn lại để tận hưởng đời sống theo cách mình thích, thậm chí là những cách mà y khoa truyền thống không khuyến khích (như uống bia rượu vừa đủ) và sau đó vui vẻ giã từ cuộc sống với niềm vui.

    Một khi đã không thể xoay chuyển số phận từ chết về sống, vậy thì hãy thay đổi nó bằng cách sống vui hết mức có thể.
    Chúng tôi xin giới thiệu loạt bài "Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư", với những câu chuyện có thật được bác sĩ Phạm Lương Giang kể lại về những ngày đầu ông thực hiện biện pháp chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh bằng tâm linh.

    Bác sĩ Phạm Lương Giang từng có 20 năm làm việc tại Trung tâm Ung bướu TP HCM trước khi sang Mỹ, hiện làm việc tại khoa Dược tại một bệnh viện ở Massachusetts, USA.
    --------------
    Tổn thương tinh thần trong bệnh nan y: Rất trầm trọng!

    Con người là một thể thống nhất thể xác và tinh thần. Vì vậy, khi mắc bệnh, họ có thể bị tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần.

    Người bác sĩ hành nghề lâu năm sẽ thấy nhiều tâm trạng khác nhau xảy ra trên bệnh nhân: Vui, buồn, bình tĩnh, lạc quan, thất vọng, tuyệt vọng…

    Từ lâu người ta đã lưu ý đến sự tổn thương tinh thần thể hiện bằng thay đổi tâm trạng, nặng nhất là tâm trạng tuyệt vọng và đau khổ. Mối tương quan tâm trạng (tức là tổn thương tinh thần) với bệnh tật cũng được nhắc đến.

    Có trường phái cho rằng bệnh tật gây tổn thương thực thể làm thay đổi tâm trạng, rõ nhất là gây ra tổn thương trên não sẽ gây ra thay đổi tâm trạng. Tuy nhiên, nhiều khi tổn thương thực thể chưa chắc đã gây tổn thương tinh thần, mà ý nghĩa của căn bệnh mới thực sự gây ra điều đó.


    Nhiều khi tổn thương thực thể chưa chắc đã gây tổn thương tinh thần, mà ý nghĩa của căn bệnh mới thực sự gây ra điều đó. Ảnh minh họa.

    Ví dụ, có trường hợp ung thư bướu lớn chưa chẩn đoán ra người ta vẫn tỉnh queo, nhưng ung thư nhỏ xíu chẩn đoán ra người bệnh nghe tin đang bình thường có thể té xỉu. Những bệnh trị được, trị dễ thì ít gây tổn thương tinh thần hơn những bệnh nan y.

    Có trường phái khác lại cho rằng mọi tổn thương thực thể của bệnh tật đều xuất phát từ nguyên nhân rối loạn tinh thần - thay đổi tâm trạng. Ở những bệnh nan y như ung thư, ảnh hưởng của tâm trạng người bệnh lên diễn tiến bệnh, kết quả điều trị bệnh là hết sức rõ ràng, hết sức quan trọng.

    Nhưng nói gì thì nói, trong khi chưa xác định được tổn thương tinh thần hay tổn thương thực thể trong một căn bệnh, cái nào là nhân, cái nào là quả, thì việc điều trị vẫn phải đối mặt với việc giải quyết đồng thời cả hai khía cạnh tổn thương đó.
    Tổn thương tinh thần trong bệnh nan y rất trầm trọng, điều trị cực kỳ khó khăn. Tổn thương tinh thần có thể không vì bệnh tật mà vì những xáo trộn đời sống gia đình xã hội. Nhiều trường hợp tổn thương sinh lý hay thể chất rất ít, nhưng tổn thương tâm lý nặng chẳng có thuốc nào chữa được, nhiều khi làm người ta tự kết thúc cuộc đời.

    Giảm nhẹ tổn thương tinh thần

    Nguyên thủy nhất, người ta cải thiện tâm trạng người bị tổn thương tinh thần – tức có tâm trạng xấu – bằng những biện pháp mê tín dị đoan. Họ cầu khẩn sự che chở của Trời (Thượng đế), Phật, hồn thiêng tổ tiên sông núi; ếm bùa diệt ma trừ tà để loại hết trong tâm những ám ảnh về tai họa, xui xẻo.

    Nhưng trên bệnh nhân ung thư, sự cải thiện tâm trạng bằng con đường mê tín chỉ có tác dụng một thời gian ngắn, vì bệnh sẽ cứ tiến triển làm người ta thấy lễ lạt cầu khẩn, ếm bùa chóng hết linh nghiệm. Người bệnh sẽ nhanh chóng rơi vào thất vọng rồi tuyệt vọng.

    Thứ đến, khoa tâm lý học trong y khoa ra đời. Khoa tâm lý học nghiên cứu các yếu tố tác động lên tâm trạng bệnh nhân: Căn bệnh, môi trường (gia đình, xã hội, cảnh quan và điều kiện sống, bác sĩ, điều dưỡng) và tâm trạng ảnh hưởng đến bệnh như thế nào.

    Điều trị tâm lý học là cách thức điều chỉnh các yếu tố liên quan tạo nên tâm trạng bệnh nhân: chuẩn mực các giao tiếp của gia đình, xã hội, bác sĩ, điều dưỡng… đối với bệnh nhân, tối ưu ảnh hưởng tâm lý từ những tiện nghi phục vụ bệnh nhân (phòng ốc, giường nệm, chén dĩa, đồ ăn thức uống…), tư vấn giải tỏa những suy nghĩ sai lầm tiêu cực của bệnh nhân, phối hợp với điều trị bệnh lý, để đưa bệnh nhân về tâm trạng bình thường. Tốt hơn nữa là mang đến cho bệnh nhân tâm trạng tích cực.

    Tuy nhiên, đối với những bệnh nan y như ung thư, điều trị tâm lý thường có rất ít tác dụng. Đó là do tâm trạng bi quan, chán nản, tuyệt vọng của bệnh nhân ung thư bắt nguồn từ sự đe dọa gây chết người của căn bệnh mà họ đang mang, và nhà tâm lý học không tài nào xóa bỏ được sự ám ảnh bị đe dọa đó.

    Cái tâm trạng đó chỉ hết khi người ta có NIỀM TIN chắc chắn chiến thắng căn bệnh, đó là nguyên do điều trị tâm linh ra đời.


    Mang âm nhạc đến cho bệnh nhân ung thư tại BV K3 Tân Triều, Hà Nội.

    Tâm linh là gì?

    Tất cả những tác nhân tác động đến tâm trạng của con người mà tâm lý học chỉ ra, đều là yếu tố ngoại lai, có vai trò như điều kiện hay tác nhân kích thích tâm trạng náo loạn.

    Người ta nghĩ rằng trong phần tinh thần của con người có phần cốt lõi nhất, tinh túy nhất, cho nên đó là nơi linh thiêng nhất. Từ cái phần cốt lõi linh thiêng này mới đẻ ra suy nghĩ, lý trí, tình cảm, đạo đức, tư tưởng, tâm trạng, niềm tin, bản lĩnh con người. Trong các đạo hữu thần, nó được gọi là linh hồn. Đạo không có thần (Phật học) và khoa học gọi là tâm linh.
    Linh hồn và tâm linh là hai khái niệm khác hẳn nhau nhưng cùng một ý nghĩa – là nơi sinh ra tất cả các hiện tượng và biểu hiện của tinh thần.

    Tuy nhiên, chúng cũng có nhiều điểm khác nhau.

    Trong đạo hữu thần (như Thiên chúa giáo, Hồi giáo) có niềm tin mãnh liệt với quan niệm cho rằng Thượng Đế nặn thân xác con người rồi thổi hơi thở ngài vào đấy, làm cái thân xác sống động và có nhận thức có sáng tạo, hơi thở đó chính là linh hồn. Do vậy linh hồn linh thiêng nhất, là trường tồn. Khi thân xác rã hoại, linh hồn thoát ra, đối diện với sự phán xử của Thiên Chúa. Những linh hồn của con chiên ngoan đạo, tin vâng và làm theo ý Chúa thì được lên thiên đàng, còn tội lỗi thì xuống địa ngục. Trong đạo hữu thần, nói đến tận cùng của tâm linh là nói đến Thượng đế.

    Trong đạo Phật, quan niệm cái tâm được trình bày trong kinh Địa Tạng bằng câu chuyện ẩn dụ, rất logic, rất ý nghĩa thâm sâu. Đức Phật ví cái tâm như lớp đất dày (Địa) chứa đủ các yếu tố (Tạng) thuộc lãnh vực tinh thần ví như những hạt giống (chủng tử) về phẩm chất, bản năng, lý trí, trí nhớ, nghiệp lực… con người. Ông bà ta hay nói "Tâm địa" là vì vậy.

    Tâm linh là hành trình nội tâm của con người, có nghĩa Tâm linh là một diễn biến trừu tượng chứ không phải một thực thể trừu tượng trong lĩnh vực tinh thần (phần thân trừu tượng của con người). Tất cả mọi sự do tâm tạo ra chứ không do một Thượng đế nào tạo ra cả – hoàn toàn không có Thượng đế, Phật học nói thế.

    Theo Phật giáo, để kiểm soát lý trí tình cảm v.v, kiểm soát toàn bộ tinh thần của con người thì dùng kỹ thuật điều tâm. Những người theo Phật giáo có niềm tin sâu sắc vào lời dạy của đức Phật, tin rằng thực hành theo lời Phật dạy sẽ được nhiều ích lợi cho đời mình. Người Phật tử chân chính tin Đức Phật qua sự kiểm chứng chứ không phải tin mù quáng.

    Thế đấy! Phức tạp tréo ngoe thế đấy! Một bên tin Thượng đế, bên kia tin lời Phật. Hai khái niệm tâm linh khác hẳn nhau. Điều trị tâm linh về bản chất mà khác nhau thì làm sao cùng đạt một mục đích đưa tâm trạng bị xáo trộn về trạng thái an lành?
    Đầu tiên tôi theo đạo Phật. Là một Phật tử mày mò kinh sách, tham luận với các đức Thầy cho nên giáo lý nhà Phật tôi thấy rất khoa học, sáng sủa, dễ hiểu. Nhưng rồi có nhiều bệnh nhân theo Đạo Thiên Chúa, kể cả những bà soeur hay đức Cha cũng có người là bệnh nhân của tôi.

    Qua những lần đàm đạo, tham dự lễ nhà thờ, tôi phát hiện ra rằng hai đạo có giáo lý, nghi lễ hành đạo khác nhau nhưng cùng một cái đích là hướng dẫn con người sống đúng đắn trong đời sống hiện tại, giải phóng con người khỏi khổ đau. Thì đấy chính là điều trị tổn thương tinh thần chứ còn gì nữa?

    Nếu nghiên cứu sâu thêm những điều Chúa dạy khác, sẽ thấy những nội dung tương đồng với bên giáo huấn của Phật Thích Ca. Hóa ra, đạo Chúa và đạo Phật hình thức khác nhau nhưng không có gì mâu thuẫn cả.

    Các tôn giáo lớn khác như Hindu, Islam, Judaism, Confucianism, Shinto… đều có những giáo lý thâm thúy và có ý nghĩa tích cực thiết thực cho con người theo tôn giáo đó. Những người thấm nhuần tôn giáo không bao giờ đứng ở tôn giáo mình chê bai bài xích tôn giáo khác. Mặc dù vậy, trong tất cả các đạo, đều có nhiều người theo đạo mà không hiểu đạo và không sống theo đạo, nhưng họ bảo vệ đạo rất cực đoan và tỏ ra rất nguy hiểm.

    Quay trở lại câu chuyện. Rõ ràng khái niệm tâm linh rất gần gũi và có thiên hướng tôn giáo.
    Tôi là một bác sĩ y khoa, sát sao với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những bệnh nhân giai đoạn cuối. Tôi cảm nhận được nỗi khổ đau, tổn thương tinh thần của người bệnh, đồng thời hiểu sâu sắc vai trò, kỹ thuật của điều trị tổn thương tinh thần qua con đường tâm linh, gọi tắt là điều trị tâm linh.

    Hơn nữa, tôi còn có bí thuật y khoa để thực hành điều trị tâm linh trên những bệnh nhân trong giai đoạn cực ngắn. Bởi thực hành tâm linh bằng con đường đạo Phật và đạo Chúa là thực hành cho suốt đời người, chỉ người bệnh ung thư (nhất là ung thư giai đoạn cuối) theo đạo sẵn thì áp dụng điều trị tâm linh theo đạo mới kịp thời và hiệu quả.


    Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư

    Rõ ràng rằng khái niệm tâm linh rất gần gũi và có thiên hướng tôn giáo. Tôi là một bác sĩ y khoa, làm việc theo tinh thần và phương pháp khoa học. Tôn giáo và khoa học là hai phương diện khác nhau nhưng không mâu thuẫn. Tôi sử dụng tôn giáo một cách khoa học và thực hành công việc khoa học trong khuôn khổ tình cảm, đạo đức tôn giáo.Người bệnh ung thư có tinh thần bị tổn thương, biểu hiện bằng tâm trạng tuyệt vọng khổ đau ngút trời. Điều trị nỗi khổ đau này bằng con đường tâm linh có nghĩa là sao? Tại sao giúp bệnh nhân quen với quan niệm Thượng đế hoặc Hành trì nội tâm thì tinh thần họ sẽ hết khổ đau – hết bị tổn thương? Và kỹ thuật tiếp cận, điều chỉnh tâm linh người bệnh như thế nào? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời về mặt lý luận.

    Tôi sẽ giới thiệu cách giải quyết những câu hỏi đó theo con đường của một bác sĩ thực hành, và qua những câu chuyện đời.
    Đầu tiên, chúng ta nhớ lại câu chuyện Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Ông dõng dạc trả lời tướng giặc Nguyên rằng “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì chỉ có một chết mà thôi!”.

    Nói xong ngạo nghễ vươn cổ ngẩng cao đầu cho quân thù chém. Phập! một dòng máy phụt lên nhuốm đỏ cả mặt trời. Kể từ đó đến nay và mãi mãi về sau, mặt trời nước Việt Nam luôn cháy đỏ hơn mặt trời ở Trung Quốc. Tuyệt vời bản lĩnh của một con người! Đấy! Đấy! Bản lĩnh! Bản lĩnh là cái tôi muốn lưu ý cùng các bạn. Chết còn tỉnh queo huống hồ gì mấy trò đánh đập tra tấn.

    Nhiều bệnh nhân ung thư, kể cả bệnh nhân nặng đã có được bản lĩnh vững vàng nên họ dễ dàng vượt qua mọi đau đớn mệt mỏi thân xác do căn bệnh, chẳng buồn bã lo sợ gì vì cái chết cũng đã coi nhẹ như bông.
    Tại sao Trần Bình trọng có bản lĩnh vậy? Bởi ông có lập trường tư tưởng vững vàng. Đó là suy nghĩ đơn giản nhưng chân thành và bất di bất dịch: ”Đã là người nước Việt, ăn cơm nước Việt, thì sẵn sàng hy sinh vì nước Việt”. Trong cuộc sống có những thứ mà người ta gọi là đạo lý. Có nghĩa là những lý lẽ về cách sống được công nhận là đúng đắn, bắt buộc phải theo không có gì để chối cãi. Sống ngược đạo lý, mất hết giá trị ý nghĩa con người thì chết tốt hơn nhiều.

    Người có lý trí, sống theo đạo lý thì họ hiểu được rằng chết không phải là mất hết – không còn gì, mà là chết có ý nghĩa của nó; giá trị của chết có khi lại cao hơn là sống.
    Những con người chân chính, muốn sống thì họ cố gắng sống có ích. Nếu vì một lý do gì đó phải sống vô dụng một cách bất khả kháng thì người ta mong muốn được chết.

    Lập trường tư tường con người được xây dựng lên từ thế giới quan và nhân sinh quan. Cái độ vững vàng của lập trường tư tưởng – tức là cái độ lì lợm của bản lĩnh phụ thuộc nhận thức và đức tin. Đến đây tôi nói gọn lại rằng, điều trị tâm linh là qua con đường tâm linh cố gắng bồi dưỡng, củng cố nhận thức và đức tin về thế giới quan và nhân sinh quan của người có tôn giáo. Ngược lại, đó là việc cố gắng hoàn thiện hoặc xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan tích cực cho người không tôn giáo, giúp họ bình tĩnh trong cuộc sống cũng như đối mặt với căn bệnh ung thư.
    Viết đến đoạn này, tôi nhận được tin Ni sư Thích Nữ Như Thủy vừa viên tịch ba ngày trước, tại Thành phố Worcester của tôi. Ni sư mắc bệnh ung thư và đây là giai đoạn cuối.

    Cách nay mấy ngày, bà xã tôi thông dịch cuộc đối thoại cuối cùng giữa Ni sư và Điều dưỡng trong bệnh viện. Điều dưỡng hỏi: “Bây giờ (giai đoạn cuối tiên liệu sắp mất) bà có suy nghĩ gì?”. Bà trả lời: “Tôi muốn nói với các cô rằng hiện tại tôi đang rất phấn kích. Đối với người Phật tử chúng tôi cuộc đời này chỉ là một cõi tạm. Tôi đang chuẩn bị bước sang một cuộc hành trình mới”. Thế đấy! Bản lĩnh của một người có thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo vững vàng là như thế đấy! Ni sư có bướu lan rộng vùng chậu, nên nếu như là bệnh nhân bình thường thì sẽ đau la làng.

    Nhưng Ni sư tỉnh khô, không dùng thuốc chống đau gì cả (dù vẫn biết đang đau và đang bị xuất huyết). Điều trị tâm linh cho bệnh nhân ung thư, là giúp cho bệnh nhân dẫu có phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã nhưng vẫn giữ tinh thần vững vàng, không mảy may bị tổn thương. Câu chuyện của ni sư Thích Nữ Như Thủy làm tôi nhớ đến ni sư Thích Nữ Hạnh Đạt bị ung thư vú, người cũng chuẩn bị cho sự ra đi của mình cứ như chuẩn bị cho một chuyến du xuân, cứ tíu ta tíu tít, nhớ lại mà vừa phục vừa thương.
    Tôi nhắc đến bản lĩnh, đạo đức giúp con người đối diện với cái chết không có nghĩa là chỉ có như vậy.

    Chỉ đơn giản cái chết và uy danh của nó là nguyên nhân lớn lao nhất, điển hình nhất gây nên tổn thương tinh thần mà ai cũng sẽ phải trải qua. Bản lĩnh và đạo đức giúp con người trong tất cả hoạt động sống của mình, từ những hành động nhỏ nhặt nhất trở đi. Không phải chỉ có những nhà tu hành Phật giáo mới có bản lĩnh. Tôi đã từng gặp rất nhiều người bản lĩnh và đạo đức đáng nể phục nhưng theo tôn giáo khác và cả những người không có tôn giáo.

    Ai cũng có bản lĩnh, chỉ khác nhau về mức độ và hình thức, mà điều trị tâm linh là giúp nâng cao bản lĩnh cho con người yếu đuối.
    Chợt nhớ ra điều cần nhắc mọi người rằng không phải kiến thức đồ sộ mới làm nên thế giới quan và nhân sinh quan đáng nể. Nhiều khi cả đống sách lớn lại bị thiêu rụi thành tàn tro bởi ngọn lửa từ một que diêm. Trái lại, một viên sỏi nhỏ nhưng lại đủ cứng cỏi để nước không tan, đốt không cháy, đập không vỡ. Người có suy nghĩ đơn giản nhưng đúng đắn nhiều khi lại có bản lĩnh rất vững vàng.

    Cũng xin nhắc lần nữa, điều trị tâm linh đụng chạm đến niềm tin, thế giới quan, nhân sinh quan và bản lĩnh của người bệnh và nó khác hoàn toàn với mê tín dị đoan hoặc điều trị tâm lý. Đối với người không tôn giáo tôi hay dùng thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo một cách nhẹ nhàng mà đa số người nghe không biết đó là lý thuyết Phật giáo.
    Nghiền ngẫm kỹ định nghĩa về điều trị tâm linh, chúng ta sẽ hiểu rằng có tượng Phật tượng Chúa, có nhà nguyện và nơi thờ cúng trong bệnh viện chưa chắc đã là điều trị tâm linh.

    Đó chỉ là phương tiện hay cái nơi để người ta sinh hoạt tôn giáo. Điều trị tâm linh là phải có người chủ sự việc giáo dục hay định hướng thế giới quan và nhân sinh quan cho bệnh nhân, củng cố niềm tin và bản lĩnh cho bệnh nhân. Nhà nguyện giống như một căn-tin, là nơi bệnh nhân và thân nhân kiếm đồ ăn uống để không đói khát hàng ngày chứ không phải là để điều trị dinh dưỡng hay bù nước điện giải cho bệnh nhân.


    Điều trị tâm linh mất nhiều công sức và thời gian, trong khi bệnh nhân lại là quá đông, nên trên thực tế tôi chỉ giúp được một số bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt và gần gũi với tôi. Có nhiều bệnh nhân chưa được điều trị tâm linh, hoặc nhiều bệnh nhân được khuyến khích đến các nhà lãnh đạo tôn giáo (như đức Thầy, đức Cha,…) của họ để được điều trị tâm linh. Hy vọng trong thời đại mới, các phương tiện truyền thông phong phú hơn thì việc điều trị tâm linh sẽ được cải thiện.
    Điều trị tâm linh là lĩnh vực mới mẻ. Ở VN hầu như không có ai biết và ở nước ngoài thì các bác sĩ cũng biết rất sơ sài. Hy vọng bài viết này góp phần gợi mở cho điều trị tâm linh được phát triển một cách khoa học, có tổ chức, trở thành một chuyên khoa chính thức phối hợp tốt với các bác sĩ tâm lý, những nhà tu hành chân chính, những nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam.
    Bác sĩ Phạm Lương Giang (Yhoccongdong), từ Massachusetts, Mỹ

    Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên. Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.


    Theo BS Phạm Lương Giang, từ Massachusetts, Mỹ
    Trí Thức Trẻ

    Last edited by Bin571; 14-03-2019 at 10:21 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Linh hồn là gì? Phật giáo hiểu thế nào về linh hồn đi đầu thai?
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 25-10-2020, 05:33 AM
  2. chuyện tâm linh có thật(tâm linh xứ Mường)
    By lsc in forum Chuyện của tôi ...
    Trả lời: 20
    Bài mới gởi: 04-07-2019, 10:22 AM
  3. Trả lời: 39
    Bài mới gởi: 08-08-2016, 03:21 PM
  4. Cách hiểu khách quan, khoa học về thiền định, linh hồn và tâm linh
    By tranchanonline in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 15-10-2012, 03:09 PM
  5. Linh quang tịnh xá- một chốn huyền linh
    By vothuong dao in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 20
    Bài mới gởi: 11-04-2012, 09:47 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •