'Giáo hội không sợ hãi lịch sử', Vatican chuẩn bị công bố tài liệu mật
05/03/2019 1617 GMT+7

Giáo hoàng Francis cho biết ông có kế hoạch công khai hoàn toàn những tài liệu lưu trữ bí mật của Giáo hoàng Pius XII, động thái mang tính lịch sử cho cộng đồng người Do Thái.

"Giáo hội (Công giáo) không sợ hãi trước lịch sử", Reuters dẫn lời Giáo hoàng Francis khi ông công bố việc này hôm 4/3.
Nhiều người Do Thái cho rằng Giáo hoàng Pius, người đứng đầu Vatican từ năm 1939 đến 1958, đã không làm đủ để giúp đỡ những người phải đối mặt với sự diệt chủng của Đức Quốc xã. Quyết định của Giáo hoàng Francis đã nhận được sự ca ngợi của cộng đồng Do Thái và Israel.

Vatican khẳng định Giáo hoàng Pius lựa chọn việc hoạt động ở hậu trường do lo ngại can khiệp công khai sẽ làm tệ thêm tình hình cho cả người Do Thái và người Công giáo trong thời chiến, khi châu Âu bị thống trị bởi Hitler.

"Định kiến và phóng đại"

Giáo hoàng Francis công bố quyết định này với các thành viên của cơ quan Văn khố Cơ mật Vatican, ấn định ngày công khai tài liệu là 2/3/2020 và nói thêm rằng di sản của Giáo hoàng Pius đã bị đối xử với "một số định kiến và sự phóng đại".


Giáo hoàng Francis trong buổi cử hành thánh lễ tại giáo xứ San Crispino ở ngoại ô thủ đô Rome. Ảnh: Reuters.

Quyết định công khai những tài liệu bí mật có thể giúp đẩy nhanh quá trình phong thánh cho Giáo hoàng Pius.
Ủy ban Do thái Mỹ (AJC), tổ chức đã yêu cầu công khai những tài liệu này trong suốt 30 năm qua, đánh giá quyết định của Giáo hoàng Francis là hết sức quan trọng.

Các học giả giờ đây có thể đánh giá một cách khách quan về "ghi chép lịch sử trong giai đoạn tồi tệ nhất, để nhìn nhận những thất bại và những nỗ lực dũng cảm đã diễn ra trong giai đoạn Shoah (giai đoạn diệt chủng người Do Thái)", giáo sĩ David Rosen, giám đốc quốc tế về các vấn đề liên tôn giáo của AJC, trả lời Reuters qua email.

Ước tính có khoảng 6 triệu người Do Thái đã bị giết hại trong thời kỳ diệt chủng kéo dài từ năm 1941 đến năm 1945.
"Chúng tôi hài lòng với quyết định này và hy vọng nó sẽ giúp dễ dàng tiếp cận các tài liệu liên quan", Đại sứ Israel tại Vatican Oren David cho biết.

Giai đoạn đen tối của thế kỷ

Giáo hoàng Francis tuyên bố Giáo hoàng Pius đã lãnh đạo Giáo hội Công giáo đi qua một trong những "giai đoạn đau buồn và đen tối nhất của thế kỷ 20".

Người đứng đầu Vatican chia sẻ sự tự tin về việc "những nghiên cứu nghiêm túc và khách quan sẽ giúp quá trình đánh giá (Giáo hoàng Pius) đi đúng hướng", bao gồm cả sự "phê bình hợp lý".

Theo Giáo hoàng Francis, những tài liệu cũng sẽ cho thấy "những khoảnh khắc khó khăn kinh hoàng, những quyết định dày vò, trí tuệ của con người và Cơ Đốc giáo, mà với nhiều người có thể được coi là sự dè dặt", nhưng đó là những nỗ lực của Giáo hoàng Pius để giữ ngọn lửa hy vọng.

Vào năm 2009, Giáo hoàng Benedict từng khiến người Do Thái giận dữ khi ông phê chuẩn một sắc lệnh công nhận "những đức tính anh hùng" của Giáo hoàng Pius, bước đầu tiên hướng tới việc phong thánh


Giáo hoàng Pius XII là người đứng đầu Vatican từ năm 1939 đến 1958, giai đoạn Chiến tranh Thế giới thứ 2 nổ ra. Ảnh: Getty.

Các học giả Công giáo sau đó đã viết thư gửi tới Giáo hoàng Benedict, đề nghị ông tạm dừng quá trình này, cho rằng cần phải có những nghiên cứu kỹ càng về hoạt động của Giáo hoàng Pius trong thời kỳ diệt chủng Do Thái, nếu không mối quan hệ Do Thái - Công giáo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Yad Vashem, trung tâm tưởng niệm nạn nhân diệt chủng Do Thái của Israel, ca ngợi quyết định của Giáo hoàng Francis. Cùng với đó là Bộ Ngoại giao Israel và bà Naomi Di Segni, người đứng đầu liên đoàn các cộng đồng Do Thái ở Italy.

Bà Di Segni hy vọng việc này sẽ "làm rõ hơn vai trò của Giáo hội Công giáo trong thời kỳ diệt chủng Do Thái".
Những tranh cãi về hành động của Giáo hoàng Pius trong thời chiến nổ ra vào năm 1963 sau khi nhà viết kịch người Đức Rolf Hochhuth viết vở kịch gây tranh cãi "The Deputy, a Christian Tragedy", trong đó cáo buộc Giáo hoàng Pius đã im lặng trước nạn diệt chủng Do Thái.

Trong giai đoạn 1965-1981, Vatican đã xuất bản 11 cuốn sách về giai đoạn chiến tranh do các nhà sử học của Giáo hội Công giáo biên soạn, nhưng những học giả ngoại đạo và cộng động Do Thái vẫn mong muốn được tiếp cận những ghi chép trực tiếp của tòa thánh.