Venezuela: Nhìn từ góc độ mô hình, 1998-2018

10:24 01/03/2019Đây là câu chuyện về một người anh hùng của nhân dân lao động nghèo khổ, một ý tưởng chính trị tốt đẹp, một dự án cách mạng thất bại, một nền kinh tế sụp đổ, một xã hội bị đẩy đến sự khốn cùng của bạo lực, nghèo đói và một nạn nhân không tỉnh táo trong cuộc chơi với các cường quốc, dù là Mỹ, Nga hay Trung Quốc.


Tất cả xuất phát từ một người nhân hậu có tình yêu đối với người nghèo, căm ghét chính trị gia tham nhũng: Hugo Chavez.
Sinh năm 1954 trong một gia đình công nhân, lớn lên theo đường binh nghiệp, ông là người sùng bái các lí tưởng cách mạng và giải phóng, người sáng lập Phong trào cách mạng Boliva-200 và đảng chính trị có tên Phong trào Cộng hòa Thứ năm.

Sau một số kế hoạch đảo chính thất bại, Chavez bị cầm tù nhưng được ân xá và theo đuổi con đường dân chủ để đến với quyền lực. Điều đó giúp ông giành được thắng lợi trong 4 cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp từ 1998, 2000, 2006 và 2012.
Để hiểu được Chavez, cần biết về khung cảnh của lịch sử khu vực, về Simón Bolivar (1783-1830), người lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ Latin, dẫn đến sự ra đời của các quốc gia Venezuela, Bolivia, Colombia, Ecuador, Peru và Panama. Chính ông đã truyền cảm hứng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của Hugo Chavez.

Người biểu tình ủng hộ ông Hugo Chavez.

Đối tượng của cuộc cách mạng này là ai? Chavez nhắm vào sự lũng đoạn của các công ty đa quốc gia từ Âu-Mỹ trong nhiều thập niên thống trị các nguồn tài nguyên giàu có của khu vực và tầng lớp cai trị yếu kém trong những năm 1980 đã làm suy yếu trầm trọng nền kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người năm 1995 giảm 30% so với năm 1978 và quay lại mốc năm 1963.

Chavez là người có khát vọng công bằng, muốn xóa bỏ chính phủ độc tài, tham nhũng nằm dưới sự hậu thuẫn của chính phủ nước ngoài, hay ở trong tay của các công ty đa quốc gia và phân chia lại nguồn lợi tài nguyên của Venexuela, một trong những quốc gia giàu có bậc nhất của khu vực với gần 1 triệu km vuông, sở hữu nguồn dự trữ dầu lửa (khảo sát được) lớn nhất thế giới và các mỏ vàng trữ lượng hàng nghìn tấn.

Đâu là giải pháp của đói nghèo và bất bình đẳng xã hội

Chavez thắng cử tổng thống năm 1998 bằng cách thức của một người dân túy. Tuy nhiên, có lí do chính đáng cho sự bất bình của dân chúng đối với sự tụt hậu kinh tế và yếu kém của giới cầm quyền khi đẩy Venezuela vào cuộc khủng hoảng trong những năm đầu 1990. Vào năm 1995, tỉ lệ nghèo đói ở Venezuela là 66%.

Được tiếp sức bởi sự ủng hộ nhiệt thành của dân chúng, đa số là dân nghèo, năm 1999, ông Chavez công bố hiến pháp mới và tuyên bố về một cuộc cải cách kinh tế-xã hội sâu rộng mà ông gọi là Cách mạng Boliva.

Cuộc cách mạng này được thực hiện thông qua một loạt sứ mệnh được biết đến như là Sứ mệnh Boliva, với hơn 30 chương trình về giáo dục miễn phí, xóa nạn mù chữ, chăm sóc y tế, nhà ở, cung cấp lương thực, thực phẩm, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội...

Tóm lại, đó là cuộc cách mạng nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng và phân chia lại các nguồn lực quốc gia cho người nghèo. Một phần quan trọng của dự án này được truyền cảm hứng từ Cuba và tình bạn của Chavez với Fidel Castro.
Cơ sở của dự án này là gì? Đó là tiền từ xuất khẩu tài nguyên, trong đó quan trọng nhất là dầu mỏ. Đây là dự án của một nhà nước xã hội chủ nghĩa dựa trên doanh thu từ dầu mỏ. Năm 2012, dầu chiếm 95% giá trị xuất khẩu, phần lớn đến từ Công ty Dầu khí quốc gia PDVSA.

Trang bìa Hiến pháp năm 1999 của nước Cộng hòa Boliva Venezuela.

Điều không khó để nhận ra là khi giá dầu mỏ càng tăng thì các ý tưởng chính trị và dự án xã hội ở Venezuela càng được thúc đẩy vì Tổng thống Chavez có một nguồn cung tài chính dồi dào.

Từ 1998 đến 2014, giá dầu tăng từ khoảng 12USD lên 112 USD, trở thành cơ sở của cuộc cách mạng Venezuela. Nhà nước đã dùng nguồn tiền này để xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách nhập khẩu mọi loại hàng hóa, từ quần áo, đồ dùng thiết yếu đến xe hơi và trợ giá cho dân chúng.

Và ông đã tạo ra sự thay đổi. Tỉ lệ nghèo đói giảm gần một nửa từ gần hơn 60% xuống 33%. Tiền từ dầu mỏ giúp ông cung cấp dịch vụ y tế, nhà ở, trợ giá các mặt hàng thiết yếu, giáo dục miễn phí... cho toàn dân. Từ năm 1998 đến 2008, dầu mỏ mang lại khoảng 325 tỉ USD cho nền kinh tế Venezuela.

Sự ủng hộ của dân chúng và thành quả cách mạng bước đầu tăng thêm tự tin cho Hugo Chavez. Ông đi thêm một bước nữa khi quốc hữu hóa toàn bộ các tập đoàn kinh tế lớn và đưa nền sản xuất nằm dưới sự điều hành của nhà nước.

Sự xóa bỏ của hệ thống tư nhân ngay lập tức tạo ra thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế, tuy nhiên khi giá dầu ở mức cao, Venezuela vẫn có đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, lương thực... vì thế ảnh hưởng của chúng chưa hiện rõ.
Với cuộc cách mạng này, Hugo Chavez đã trở thành một người anh hùng dân tộc mới, người chiến đấu cho dân nghèo và bình đẳng xã hội.

Điều gì đã đi chệch hướng?

Đáng tiếc, ông là một người nhiệt huyết cách mạng hơn là một nhà kinh tế và không lường trước được những rủi ro từ mô hình mà ông theo đuổi. Ông không nhận ra thách thức của nền kinh tế quá lệ thuộc vào dầu mỏ. Thứ hai là việc sử dụng phần lớn nguồn ngân sách dựa vào xuất khẩu để dành cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, tạo ra thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Khi dự án này ngày càng mở rộng, nguồn tiền được huy động ngày càng nhiều. Tiếp theo đó là vay nợ để vận hành nền kinh tế nhà nước bảo trợ, đi ngược lại các quy luật thị trường.

Không khó để nhận ra lúc mà Venezuela cải cách mạnh nhất cũng là lúc giá dầu lên cao nhất. Và một khi leo thang cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, mở rộng chế độ bao cấp thì ông Chavez không có đường lùi mà chỉ tiếp tục cuộc cách mạng, ngày càng đổ thêm tiền vào cấu trúc kinh tế bất thường và các quan hệ kinh tế bị bóp méo.

Tất cả tiền từ xuất khẩu và tiền đi vay được dành cho các dự án nhà nước bảo trợ, hoàn toàn không có các nguồn dự trữ ngoại tệ nào phòng khi tình hình bất ổn.

Điểm cuối của con đường này là nền cầm quyền của ông Nicolás Maduro từ tháng 4/2013, sau khi ông Chavez qua đời. Maduro sinh năm 1962, vốn xuất thân từ một người lái xe bus và được ông Chavez đích thân lựa chọn làm người kế tục cuộc cách mạng.

Không may cho Maduro là ông cầm quyền đúng lúc giá dầu mỏ đi xuống và lúc này thì nguồn tiền cho nhập khẩu hàng hóa thiết yếu cạn kiệt, trong khi cấm vận từ bên ngoài ngày càng nghiêm trọng. Đến năm 2018, ông Maduro cầm trong tay một cuốn sổ ghi nợ khoảng 150 tỉ USD.

Nền sản xuất trong nước đã bị đóng băng từ sau quá trình quốc hữu hóa từ năm 2006 làm cho kinh tế Venezuela rơi vào bờ vực phá sản. Không có tiền để nhập khẩu hàng hóa.

Trong nước không thể sản xuất. Ông Maduro không có giải pháp khôn ngoan nào hơn là in thêm tiền, ngày càng đổ nhiều tiền vào thị trường, tìm đến chủ nợ mới là Trung Quốc và mới nhất là bắt đầu phải bán kho vàng dự trữ.

Lạm phát nhanh chóng trở thành thảm họa. Năm 2018, tỉ lệ lạm phát là gần 14.000% và tỉ lệ tăng GDP của Venezuela là âm 18% (theo IMF). Hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là lương thực, thực phẩm khan hiếm. Bình quân ¾ dân số Venezuela, mỗi người đã bị giảm 10 kg trong năm 2017 và cụm từ chế độ ăn Maduro trở nên phổ biến.

Sự sụp đổ của nền kinh tế Venezuela từ 2014 đến nay là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Tây bán cầu (gần như gấp đôi cuộc Đại suy thoái năm 1929 tại Mỹ).

Biểu đồ giảm tỉ lệ nghèo đói ngoạn mục của Venezuela dưới thời ông Hugo Chavez. Nguồn: Ngân hàng Thế giới.

Các diễn biến chính trị mới bao gồm việc một chính phủ tự phong ra đời, các nước Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu công nhận chính quyền mới và sự chia rẽ trong hàng ngũ quân sự có thể dẫn đến nội chiến và xung đột quy mô lớn. Cuộc thử nghiệm chính trị và dự án cách mạng của ông Hugo Chavez đã kết thúc trong hỗn loạn.

Ông Chavez chắc chắn không phải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Mỹ Latin phản ứng trước sự áp bức về kinh tế, ảnh hưởng chính trị của các công ty đa quốc gia và tình trạng tham nhũng, bất bình đẳng trong xã hội. Fidel Castro, Che Guevara, hay gần nhất là Tổng thống Bolivia, Evo Morales đều chia sẻ những ý tưởng cải cách, cách mạng tương tự.

Có rất nhiều mô hình xã hội hướng đến các ý tưởng chính trị tốt đẹp. Lý tưởng về một xã hội bình đẳng luôn là điều được mong đợi nhưng thực hành chúng lại là vấn đề khác. Khắc nghiệt của thực tế lịch sử, chính trị, xã hội và các quy luật kinh tế không cho phép bất cứ một sự duy ý chí nào.

Câu chuyện về Venezuela có thể phức tạp hơn với cấm vận của Mỹ, với giá dầu, với thay đổi môi trường địa chính trị, các mối liên hệ với Nga hay hàng tỉ USD vay nợ của Trung Quốc... tuy nhiên, mỗi cá nhân nhà lãnh đạo và đảng phái chính trị là người trước tiên và trên hết phải chịu trách nhiệm về các quyết định và mô hình kinh tế, chính trị, xã hội mà mình theo đuổi.

Không ai khác, chính họ là người cầm lái. Mọi sai lầm về mô hình đều phải trả một giá đắt. Cái giá phải trả chính là thảm cảnh của số phận con người, hàng triệu người, hàng chục triệu người.

Vũ Đức Liêm