Trong chùa có gì?

13:02 25/02/2019Nhiều người đến chùa không phải để tìm bình an, để tìm Phật trong chính mình, để hòa mình trong hồn thiêng sông núi, để chiêm ngưỡng những báu vật trấn quốc, trấn tự, mà để cầu tài cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức.


Một chuyện cổ tích nói rằng, tại làng nọ có cái miếu thờ đặt một tượng Phật bằng gỗ, nghe nói rất linh thiêng. Ai đi qua cũng vào thắp hương khấn vái. Trước miếu là đoạn đường lầy lội, trẻ con đi thường bị trượt ngã, nhưng không ai quan tâm.

Có một anh chàng đi qua, thấy vậy vào miếu mang luôn tượng Phật ra đặt vào chỗ lầy lội để các cháu đi cho an toàn. Cuối năm đó chư Phật họp bình xét ai là người có công đức nhất, người được chọn là chàng thanh niên kia, còn những người đến thắp hương khấn vái thì bị loại hết.

Mỗi lần đi ngang qua chùa hoặc vào chùa, tôi lại nhớ câu chuyện đó. Vẫn biết bàn tay Như Lai có thể thâu tóm càn khôn. Vẫn biết Phật tại lòng ta chứ Phật đâu có trong chùa. Sở dĩ có chùa là để cho những người xuất gia làm nơi yên tĩnh trì tụng kinh kệ, sở dĩ có chùa là để Phật tử có nơi hành hương đảnh lễ cho lòng thanh tịnh.

Ngày xưa nhiều cao tăng tham gia hộ quốc an dân, nên nhiều chùa chiền còn là di tích trấn quốc. Chùa còn là nơi lòng tham và giặc cướp ít bén mảng tới, nên cũng là nơi có thể lưu giữ nhiều báu vật văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.

Nước ta trải mấy nghìn năm bị giặc phương Bắc hủy diệt văn hóa, nhờ chùa chiền mới lưu giữ được một số thư tịch, chữ khắc trên bia, trên chuông, giúp chúng ta dựng lại được nhiều khoảng trống lịch sử. Các di sản về y thuật cha ông ta truyền lại phần lớn được phân tán trong dân gian, nhưng phần quan trọng về y văn cũng được lưu giữ trong chùa chiền.

Ngày xưa các cao tăng âm thầm giữ những bảo vật đó cho lịch sử và dặn dò các đệ tử tiếp tục giữ gìn, coi đó là những báu vật “trấn tự”. Công lao đó của các vị trụ trì đối với lịch sử và văn hóa dân tộc rất ít được truyền thông nhắc tới.

Chùa Bái Đình - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.

Lý Thường Kiệt như ngày nay chúng ta biết, không phải từ Đại Việt sử ký toàn thư, vì bộ chính sử này viết rất sơ sài về ông, mà từ một công trình khảo cứu công phu của học giả Hoàng Xuân Hãn. Từ việc phát hiện những văn liệu khắc trên chuông chùa mà Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dựng lại diện mạo của nhân vật lịch sử vĩ đại này.

Sử gia sử dụng nhiều nhất các văn liệu lưu giữ trong chùa là Giáo sư – thiền sư Lê Mạnh Thát. Trước và sau năm 1975, vị thiền sư này đã đi khắp các chùa chiền trong nam ngoài bắc để thu thập những tài liệu vô cùng quý hiếm.

Cùng với việc khảo sát tường tận các nguồn sử liệu của nước ngoài, ông đã dùng các sử liệu lưu giữ trong chùa chiền để bổ sung nhiều khoảng trống lịch sử, phục dựng lại diện mạo của nhiều nhân vật lịch sử.

Diện mạo của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi như chúng ta biết ngày nay có sự đóng góp quan trọng của Giáo sư Lê Mạnh Thát. Và chúng ta sẽ biết thêm những khoảng trống lịch sử thời nhà Nguyễn, triều Tây Sơn trong những công trình sẽ công bố tới đây của vị thiền sư này.

Vào thời nhà Lý, do sự thiên lệch thái quá của triều đình, nên chùa chiền mọc lên như nấm từ công sức của dân, đến nỗi một sử gia Phật tử như Lê Văn Hưu đã phải hạ bút viết trong Đại Việt sử ký: “Của không phải từ trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là việc làm phúc chăng?”.

Do được nhà nước bảo trợ, giới sư sãi thoái hóa biến chất trở thành một tầng lớp ăn trên ngồi trốc gây hại cho dân lành.
Lịch sử còn ghi lại một lời tấu của Đàm Dĩ Mông: “Nay tăng đồ và phu dịch số lượng chẳng kém gì nhau. Bọn tăng đồ tự kết làm bè đảng, lập càn người lên làm chủ, tụ họp thành từng nhóm làm nhiều việc dơ bẩn. Hoặc ở giới trường, tịnh xá thì công khai ăn thịt uống rượu. Hoặc nơi thiền phòng, tịnh viện thì kín đáo tự gian dâm với nhau. Ban ngày thì ẩn núp, ban đêm thì làm như chồn như chuột. Những hành vi làm bại hoại mỹ tục, làm thương tổn danh giáo dần dần trở thành thói quen, như thế mà không cấm thì lâu ngày sẽ càng thêm lên hơn nữa” (theo Đại Việt sử lược).

Vua Lý Cao Tông nghe theo lời tấu này, chỉ giữ lại vài chục người “còn biết danh giá” ở lại làm tăng, còn bao nhiêu sa thải hết. Nhưng đã quá muộn, nhà Lý đã bước vào suy vong, mà đó là một trong những nguyên nhân. Tuy vậy, so với ngày nay, chùa chiền thời Lý vẫn chưa phải là phát triển thái quá, chùa vẫn không vượt quá ý nghĩa như nói ở trên.

Từ thời nhà Trần trở về sau, Phật giáo nước ta bắt đầu truyền thống “cư trần lạc đạo”, hướng Phật không nhất thiết phải vào chùa. Vua Trần Thái Tông vốn coi ngai vàng chỉ là “chiếc giày rách”, từng nửa đêm trốn lên Yên Tử nương nhờ cửa Phật.
Nhưng Phật bảo ông nên “lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng thiên hạ làm tấm lòng của mình” (lời thiền sư Viên Chứng), nên ông phải miễn cưỡng về làm vua trở lại.

Trần Thái Tông vừa là một hoàng đế vừa là một bậc chân tu, vẫn không câu nệ vào chùa chiền. Còn Trần Nhân Tông đắc đạo thành một “Phật hoàng”, nhưng Yên Tử vẫn là một ngôi chùa nhỏ lẫn trong rừng núi.

Nước ta ngoài Phật hoàng Trần Nhân Tông còn có hai vị quân vương đắc đạo nữa là chúa Nguyễn Phúc Nguyên, ta thường gọi là Chúa Phật và Chúa Nguyễn Phúc Chu, người hoàn thành sự nghiệp xác lập chủ quyền Sài Gòn và Nam Bộ cho Tổ quốc, được coi là vị Bồ tát.

Các bậc quân vương bồ tát tuy tôn kính chùa chiền nhưng các vị hành thiền bằng việc hộ quốc an dân chứ không phải bằng tụng kinh gõ mõ. Chùa chiền từ thời Trần đến thời Nguyễn phần lớn đều là các tiểu tự khiêm nhường trong làng xã hoặc nép mình giữa thiên nhiên chứ không lấn át thiên nhiên, càng xa lạ với việc tàn phá thiên nhiên.

Người dân tràn ra đường để dâng sao giải hạn.

Ngày nay nhiều ngôi chùa vẫn giữ được sự khiêm nhường như trước và phần lớn Phật tử vẫn đến chùa hướng Phật theo nghĩa là tìm Phật trong chính mình.

Nhưng khoảng vài chục năm trở lại đây xuất hiện sự bất thường chưa từng thấy trong lịch sử. Chùa chiền không những mọc lên như nấm, mà nhiều nơi đua nhau xây chùa to đúc Phật lớn, cái gì cũng muốn nhất Đông Nam Á, nhất châu Á, nhất thế giới. Nước thì nghèo, chùa vươn lên nhất không biết để làm gì!

Có nơi phá rừng nguyên sinh để xây chùa. Có nơi lợi dụng một ngôi chùa nhỏ khiêm nhường nhưng mang nhiều ý nghĩa lịch sử để phá rừng và thu hồi đất của dân xây thêm những ngôi chùa đồ sộ với các tượng phật tượng bồ tát to kỷ lục thế giới. Tàn phá thiên nhiên để biến thành những “cụm văn hóa tâm linh”, “khu du lịch tâm linh” mà thực chất là buôn tăng bán Phật.

Nhiều người đến chùa không phải để tìm bình an, để tìm Phật trong chính mình, để hòa mình trong hồn thiêng sông núi, để chiêm ngưỡng những báu vật trấn quốc, trấn tự, mà để cầu tài cầu lộc, cầu thăng quan tiến chức. Nhiều ngôi chùa không còn là nơi yên tịnh mà biến thành cảnh chen lấn xô đẩy còn lộn xộn hơn là nơi chợ búa.

Sự lạ lùng đó xuất phát từ sự thiên lệch của các cơ quan nhà nước trong ứng xử với các tôn giáo và từ sự vô trách nhiệm của truyền thông. Khai thác những lời đồn vô căn cứ, truyền thông cứ ra rả về sự linh thiêng của chùa này, sự kỳ diệu của tượng Phật kia để cuốn hút người dân đến cầu tài cầu lộc.

Và còn nhiều nguyên nhân khác nữa không thể nói hết trong phạm vi một bài báo, nhưng dù là nguyên nhân gì cũng không xuất phát từ Phật pháp và bản chất của chùa chiền.

Hoàng Hải Vân