Ông Phạm Hồng Nêu - nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá - qua điện thoại, cho biết: Phát hiện khoảng 200 cỗ quan tài cổ được treo bung biêng trong một cái hang mà tiếng Thái bản địa gọi là động Ma, chon von đỉnh núi tai mèo tại địa phương. Quan tài làm bằng thân gỗ quý khoét rỗng.



Dăm bảy cái động bên cạnh hang Ma cũng được đám thợ săn hốt hoảng trông thấy la liệt toàn... quan tài. Một táng thức khá kỳ lạ ở Việt Nam: Không biết từ quan niệm nào, và bằng con đường nào mà hàng trăm cỗ quan tài có thể "bay" lên các vách núi cao hàng trăm mét ấy?

Khám phá động Ma

Cách TP.Thanh Hoá 140km, xã Hồi Xuân có phong cảnh hữu tình, là nơi sông Luồng nhập với sông Mã đỏ ngầu băng mình qua bạt ngàn đá phiến. Nơi ấy có động Ma nằm giữa mây mù trên núi đá tai mèo vòi vọi.

Khi tôi và tiến sĩ Nguyễn Văn Việt - GĐ Trung tâm Tiền sử ĐNÁ - sắm sửa để khám phá động, cựu Phó Chủ tịch huyện Quan Hoá - ông Phạm Hồng Nêu - kêu ồi ồi không cho đi. Khi chúng tôi vẫn hăm hở đòi đi xem hơn một trăm cỗ quan tài cổ treo trong động Ma, ông Nêu cùng bà vợ đành đi mượn dao rừng, giày tất, mua nhang khói phục vụ các vị khách.

Cái quan trọng nhất là kiếm người dẫn đường giỏi giang, tin cẩn - kẻo dễ bỏ xác trên núi cao lắm. Trưởng bản Khằm - anh Phạm Hồng Sơn - được "triệu tập" đến, tiếp theo là phó bản (tên là Dũng) cũng có mặt.

Dũng là thợ săn lão luyện, cũng từng là kẻ phá sơn lâm khét tiếng, nên anh ta đã hai lần trực tiếp chui vào hang Ma. Bản Khằm có 194 hộ, với 920 khẩu, nhưng số người dám lên hang Ma (có tên tiếng Thái là Lũng Mu) chỉ đếm trên đầu ngón tay!

...Bước khỏi dòng sông Luồng, lập tức chúng tôi ngộp vào một cánh rừng rậm rạp. Cây và dây leo trùm trên đá tai mèo phún sắc, lá mục dày hàng gang tay, muỗi rĩn phi như vãi trấu vào mặt người leo núi. Nhiều đoạn, vách núi dựng đứng, leo cả tiếng đồng hồ chỉ nhích lên cao được độ 30m. Nhiều lúc, cả trưởng bản lẫn phó bản phải kỳ công kéo rồi đỡ thì tiến sĩ Việt mới lê được cái tuổi 56 của mình ngược đỉnh trời.

Càng lên cao, rừng càng hoang dã. Mùi phân dơi, lợn rừng, sơn dương, nai hoẵng cứ sực lên đến tắc thở. Đó là lúc động Ma hiện ra, với lồng lộng gió ngoài cửa hang.

Ngay cửa hang là la liệt quan tài. Quan tài làm bằng thân gỗ lớn, khoét hình thây người với hai đầu nhỏ thon dần, khúc giữa phình to; hai đầu khúc gỗ khoét có hai cái núm như chuôi vồ (có thể dùng để khiêng), tiếng Thái gọi là phần chuông hậu. Mỗi mảnh quan tài thể hiện rõ những khấc gỗ dùng để ghép hai nửa thân gỗ đã khoét với nhau (sau khi đã đặt thi hài người quá cố vào). Vật đem chôn sẽ nguyên bản như một thân cây khi nó đang đứng trong rừng.

Hầu như không có cỗ quan tài nào còn nguyên vẹn hai phần thân gỗ khum khum úp vào nhau. Mỗi phần của cỗ quan tài nằm như một con thuyền độc mộc. Chỏng chơ. Nhiều mảnh quan tài vỡ vụn, mục ruỗng, rêu mốc xanh rì.

Chúng tôi tiếp tục leo trong động, bằng cách bắc các cỗ quan tài gá vào nhau làm thang để lên đến cấp độ thứ hai và ba của Lũng Mu. Tại lòng hang thứ ba, dễ đến 50 cỗ quan tài nữa hiện ra. Quan sát kỹ, có thể thấy giàn giáo đặt quan tài (lên tầng 2) được làm rất công phu.

Cột gỗ dựng từ lòng hang, chằng với các thanh dầm húc sâu vào các vách đá, vững chãi. Anh Dũng trèo lên nóc "tầng 2", dùng dao đẽo những thanh gỗ quan tài đã vỡ lăn lóc. Ai nấy giật mình thấy gỗ vẫn dẻo quánh, vàng sậm, toả mùi thơm nhè nhẹ.

Tìm lời giải

Nhiều người đang tranh luận, nên gọi là động táng hay là "thiên táng", bởi rõ ràng, quan tài được treo trong không gian động, chứ không chôn vùi gì. Hầu như không thấy những cỗ quan tài úp vào nhau thành một thân cây hình tròn khiến nhiều người đặt vấn đề: Hay thuở ấy, người ta chôn người chỉ có bằng một nửa thân gỗ khoét rỗng? Người chết nằm trong các thớ gỗ như nằm trong một chiếc nôi, treo trong động "thiên táng"?

Tất nhiên, phần chưa thể lý giải được là: Xuất phát từ quan niệm nào mà người xưa lại đem thi thể người chết lên tận những hang động cao và hiểm trở nhất khu vực để chôn, mà không phải là chôn dưới đất hay dưới chân núi chẳng hạn? Làm thế nào người xưa mang được những cỗ quan tài khổng lồ bằng thứ gỗ đứng vào hàng tứ thiết kia lên động Ma (và các động hiểm trở khác)?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt phỏng đoán, có thể người ta đã làm những sạn đạo, tức là buộc dây buộc gỗ thành được những cái thang nằm ngang, ngoắt ngoéo mãi lên đỉnh núi để đám đô tuỳ có thể khiêng quan tài đi được.

Và - vẫn là giả thiết "sạn đạo" ấy giờ đã đổ sụp, hoặc sau khi động đầy quan tài, bà con đốt "sạn đạo" để vĩnh viễn các ngôi mộ thiên táng được ngủ yên trước thế sự... tò mò?

Riêng phó bản Dũng rất có lý khi cho rằng: Có ai đó, có thể theo bản đồ, gia phả, họ đã đến và thâu lượm xương cốt người quá cố rồi mang đi cả. Chứ không có tên trộm nào, con thú nào, hay sự tàn phá nào có thể làm cho những bộ xương bị biến mất một cách nhanh chóng và trọn vẹn đến thế.

Theo tài liệu nghiên cứu đang lưu giữ ở Viện Khảo cổ học mang ký hiệu HS 410 - do hai nhà khảo cổ Bùi Văn Liêm và Nguyễn Gia Đối thực hiện - trong thời gian 1998-1999, thì bước đầu bí ẩn động Ma đã được "giải ảo".

Về các mộ táng "được đặt và treo trong hang" (từ ngữ trong nguyên văn) Lũng Mu, các tác giả đã đếm được ít nhất 75 "ngôi mộ" (cỗ quan tài). Bên cạnh hang Lũng Mu, có hang Ko Phày "cũng phát hiện 10 cỗ quan tài". Tiếp đến là hang Pha Ké đã phát hiện 5 hang - mái đá có đặt và treo cả một hệ thống với gần 20 cỗ quan tài (trong đó có nhiều quan tài nhỏ xíu, có thể dành để mai táng trẻ em xấu số).

Cũng trong tài liệu trên, hai ông Bùi Văn Liêm và Nguyễn Gia Đối viết: "Những quan tài phát hiện trong hang và mái đá ở Quan Hoá có hai mốc niên đại: Mốc thứ nhất, mộ đất thời đại kim khí, di vật tiêu biểu là những mảnh nồi vò Đông Sơn và những con ốc biển phát hiện ở hang Pha Ké 1; mốc thứ hai, khu mộ táng quan tài thân cây có thể có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, di vật tiêu biểu là hàng trăm quan tài gỗ (...).

Từ những khu mộ đặt và treo trong các hang động, chúng tôi đã điều tra dân tộc học quanh vùng cho thấy, người hiện nay là người Mường và người Thái ở Quan Hoá vẫn dùng những quan tài tương tự như đã phát hiện trong hang.

Theo các cụ cao niên thì từ rất xa xưa, người Mường và người Thái định cư ở Quan Hoá vẫn dùng quan tài từ thân cây. Từ một thân cây gỗ lớn, có thể là gỗ bi hoặc vàng tâm. Sau khi cưa cắt cẩn thận, họ dùng rìu, nêm, bổ đôi khoét vũm lòng gỗ tạo thành chiếc quan tài. Hiện nay, đa số người Mường, người Thái ở Quan Hoá vẫn có những quan tài bằng thân cây khoét để dự trữ cho người thân khi quá cố đặt dưới nhà sàn.

Và, hai nhà nghiên cứu đưa ra kết luận: "Từ những lý do trên, chúng tôi cho rằng chủ nhân của những khu mộ táng trong hang động và mái đá ở Hồi Xuân, Quan Hoá có quan hệ mật thiết, quan hệ họ hàng với hai dân tộc Mường, Thái ở Quan Hoá hiện nay".

Khi chúng tôi trở về, trời đổ mưa ào ạt, sấm chớp mù trời, nhưng nhiều bà con trong bản vẫn tề tựu ở nhà ông Nêu lo lắng, chờ đợi. Bà con yêu cầu tôi bật máy vi tính xách tay cho xem ảnh... động Ma, hang Ma.

Hàng trăm bức ảnh được mang ra từ hang tối. Chính vợ chồng ông Nêu là những người háo hức xem ảnh nhất. Bởi, ở tuổi 68, ông Nêu vẫn chưa một lần có mặt ở động Ma, dù ông rất tự hào hơn ai hết về đỉnh núi bí ẩn nhiều mạch nguồn văn hoá quê mình.

Huyên - giáo viên cấp 2, con rể trưởng bản Sơn - xem ảnh xong xuýt xoa: Đẹp thế này mà làm du lịch thì hay quá, đông khách có khi hơn cả Sầm Sơn ấy chứ. Sắp tới, Giám đốc Việt sẽ cho nhân viên của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á lên Hồi Xuân vẽ lại toàn bộ địa hình, kích cỡ động Ma và các cỗ quan tài "thiên táng". Nếu có thể, sẽ lấy phiên bản hoặc một số hiện vật (quan tài, xương cốt, đồ gốm sứ) về trưng bày ở Hà Nội...